Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 257/BCT-KH
V/v trả lời kiến nghị của Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2019

 

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

Theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 12462/VPCP-ĐMDN ngày 24 tháng 12 năm 2018 về việc trả lời kiến nghị của Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội, Bộ Công Thương xin trả lời đối với các vấn đề liên quan đến phạm vi chức năng và nhiệm vụ của Bộ được Chính phủ giao như sau:

1. Về việc nghiên cứu, báo cáo Chính phủ bổ sung sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng mở rộng hơn danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ được hưởng ưu đãi đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Bổ sung, sửa đổi Thông tư số 55/2015/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Bộ Công Thương quy định trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với các dự án công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. Theo hướng đơn giản về thủ tục hồ sơ để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận chính sách ưu đãi của Chính phủ:

Bộ Công Thương đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Nghị định, sửa đổi, bổ sung Nghị định 111/2015/NĐ-CP này, Ban soạn thảo đã và đang đề xuất mở rộng, đa dạng hóa các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong danh mục được xem xét ưu tiên phát triển, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, dự án mới tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Bộ Công Thương ghi nhận và tiếp thu ý kiến của Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội để lưu ý trong quá trình xây dựng Nghị định.

Ngay sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ được ban hành, Bộ Công Thương sẽ tiến hành nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Thông tư số 55/2015/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2015 quy định trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với các dự án công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển để nhanh chóng khắc phục những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp khi làm thủ tục xác nhận ưu đãi.

2. Về việc xem xét lại Quyết định số 1656/QĐ-BCT ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều chỉnh thuế chống bán phá giá mặt hàng thép không gỉ. Quyết định này làm cho khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất với các đơn vị kinh doanh nhập khẩu rất khó khăn. Do quy định mức thuế rất cao dẫn đến giá thành sản phẩm cao do đó sản phẩm khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu thành phẩm. Mặt khác theo Hiệp định thương mại ASEAN-TRUNG QUỐC trong giai đoạn 2015-2018 thuế nhập khẩu với các mặt hàng gia dụng inox nhập từ Trung Quốc chỉ có từ 0-5%:

Hành vi bán phá giá là hành vi thương mại không công bằng, phản cạnh tranh và gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của ngành sản xuất, trong đó có ngành sản xuất thép không gỉ của Việt Nam. Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá được WTO cho phép các nước thành viên áp dụng một cách hợp pháp để bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước của mình.

Quyết định số 1656/QĐ-BCT ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều chỉnh thuế chống bán phá giá mặt hàng thép không gỉ được ban hành trên cơ sở kết quả rà soát lần thứ nhất của vụ việc. Kết quả rà soát này được xác định, tính toán căn cứ trên thực tiễn hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài và gây thiệt hại cho hoạt động của ngành sản xuất trong nước của Việt Nam.

Trong lần rà soát thứ hai của vụ việc, sau khi điều tra, xem xét yêu cầu rà soát lại biên độ phá giá của nhà sản xuất/xuất khẩu Indonesia và đề nghị của một số doanh nghiệp sản xuất trong nước, nhà nhập khẩu về việc loại trừ một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội khỏi phạm vi áp thuế chống bán phá giá do trong nước chưa sản xuất được, ngày 04 tháng 7 năm 2018, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2398/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ hai của vụ việc. Theo đó, biên độ bán phá giá áp dụng đối với nhà sản xuất/xuất khẩu Indonesia giảm từ 13,03% xuống 6,64% và một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội mà ngành sản xuất trong nước không sản xuất được cũng đã được xem xét miễn trừ để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm này.

Hiện nay, vụ việc đang trong quá trình rà soát cuối kỳ, Bộ Công Thương sẽ xem xét ý kiến của tất cả các bên liên quan trong quá trình điều tra và ban hành Quyết định cuối cùng.

3. Về việc đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ hữu quan nghiên cứu sửa đổi quy định khi thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghiệp và cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa theo hướng rút ngắn thời gian và đơn giản thủ tục hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đồng thời, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định để giảm bớt khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh khi đến làm việc với các cơ quan Nhà nước và bình đẳng cạnh tranh trong cơ chế thị trường:

Đối với việc thực hiện thủ tục, quy định thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, Bộ Công Thương sẽ phối hợp trong quá trình thực hiện.

Đối với nội dung cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật An toàn thực phẩm, theo đó doanh nghiệp sẽ thực hiện việc tự công bố các sản phẩm hàng hóa bao gồm cả “nhãn hiệu hàng hóa”.

4. Về việc đề nghị Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo việc bám sát, cập nhật tình hình để đưa ra các thông tin dự báo thị trường trong nước và xuất khẩu, giúp doanh nghiệp có phương hướng sản xuất phù hợp:

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương luôn theo dõi sát tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Bộ Công Thương cũng đã tổ chức các buổi làm việc tại trụ sở của Bộ, tổ chức các Đoàn công tác làm việc với một số địa phương nhằm nắm bắt thông tin về xuất nhập khẩu, khó khăn, vướng mắc cũng như biện pháp để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu; chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực để mở rộng xuất khẩu hàng hóa và có những giải pháp kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

Hiện nay, định kỳ hàng tuần, Bộ Công Thương đăng tải và phát hành “Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản” trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và gửi các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để nghiên cứu, tham khảo cho công tác xây dựng kế hoạch sản xuất, phát triển thị trường.

Bên cạnh đó, với hệ thống cơ quan Thương vụ ở nước ngoài, Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi sát tình hình, kịp thời, chủ động hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ các rào cản thương mại; kịp thời thông tin về chính sách, các rào cản kỹ thuật mới của thị trường nhập khẩu tới các hiệp hội, doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ đã và đang tích cực rà soát, nắm bắt thông tin và đưa ra cảnh báo sớm về các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và các rào cản phi thuế quan của các nước đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp có thể chủ động ứng phó với các vụ kiện, giảm thiểu thiệt hại và có định hướng sản xuất cho phù hợp.

Ngoài ra, Bộ Công Thương với chức năng quản lý nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời đảm nhiệm vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức các Hội thảo cung cấp thông tin về các FTA đã ký kết tại nhiều địa phương, qua đó giúp các cán bộ quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo tầng lớp nhân dân kịp thời nắm bắt thông tin, hiểu hơn về các cơ hội từ FTA có thể tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị truyền thông như Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam kịp thời định hướng thông tin về công tác hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, tránh gây ảnh hưởng bất lợi đến ngành hàng.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Công Thương, đề nghị Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tổng hợp./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- CLB cựu đại biểu Quốc hội;
- Các đơn vị: CN, PVTM, XNK, KHCN;
- Lưu: VT, KH.

BỘ TRƯỞNG




Trần Tuấn Anh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 257/BCT-KH năm 2019 trả lời kiến nghị của Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội do Bộ Công Thương ban hành

  • Số hiệu: 257/BCT-KH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 11/01/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Trần Tuấn Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản