Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2546/BNN-TCLN
V/v xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật

Hà Nội, ngày 05 tháng 09 năm 2011

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp kiểm tra, đôn đốc, xử lý điểm nóng về phá rừng tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk. Sau khi xem xét báo cáo của Đoàn kiểm tra (được thành lập theo Quyết định số 251/QĐ-TCLN-KL ngày 15/6/2011 của Tổng cục Lâm nghiệp) và báo cáo của Cục Kiểm lâm số 347/KL-TTPC ngày 18/8/2011 (báo cáo kèm theo), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:

Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề, Chỉ thị để chỉ đạo công tác bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: giao rừng; cho thuê rừng; khoán bảo vệ rừng cho nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư; đầu tư và liên kết đầu tư trồng rừng, cây cao su; tổ chức truy quét các địa bàn trọng điểm về phá rừng, xử lý vi phạm pháp luật nhằm ngăn ngừa, hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.

Tuy nhiên, trong năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, tình hình rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật vẫn diễn ra rất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng ở địa phương, đặc biệt là tại các khu vực khảo sát, triển khai dự án trồng cao su (41 dự án), dự án phát triển nông lâm nghiệp (44 dự án); diện tích rừng chưa giao, cho thuê hiện do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý; rừng của các Công ty lâm nghiệp. Công tác kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện các dự án trên đất lâm nghiệp thiếu chặt chẽ; các chủ rừng, chủ dự án chưa có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng, chính quyền cấp huyện, xã trong công tác quản lý, bảo vệ rừng còn chưa tốt. Chính quyền cấp xã không đủ nguồn lực (kinh phí, lực lượng và phương tiện) để tổ chức truy quét, ngăn chặn tình trạng phá rừng, thậm chí có biểu hiện bất lực, sợ tạo ra điểm nóng. Tình trạng chống người thi hành công vụ trong bảo vệ rừng gia tăng. Xử lý vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng tại các nơi có điểm nóng về phá rừng thiếu kiên quyết; đối tượng chuyên nghiệp phá rừng và đầu nậu buôn bán gỗ trái phép chưa được phân hóa, triệt phá. Sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong xử lý các vụ án hình sự liên quan đến quản lý bảo vệ rừng chưa đồng bộ, kịp thời.

Để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo tổ chức thực hiện một số vấn đề sau:

1. Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg ngày 16/5/2003 và Chỉ thị số 08/2006/CT-TTg ngày 08/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Thống kê, đánh giá đúng thực trạng diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trong thời gian qua để có giải pháp quản lý bảo vệ rừng. Kiên quyết xử lý dứt điểm các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm, mua bán sang nhượng đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến gỗ trái pháp luật và chống người thi hành công vụ tại các địa bàn trọng điểm.

2. Tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi diện tích đất rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật giao lại cho chủ rừng để trồng rừng, phục hồi lại rừng.

Trước mặt, đề nghị tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi diện tích đất rừng đã bị phá, lấn chiếm trái pháp luật tại xã Cư M’Lan và Công ty lâm nghiệp Chư M’Lanh để giao lại cho chủ rừng và Ủy ban nhân dân xã quản lý, đồng thời quy hoạch và bố trí kịp thời kinh phí để trồng rừng, làm cơ sở để xử lý tất cả các điểm nóng về phá rừng trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Tổ chức kiểm tra, đánh giá toàn diện quá trình chỉ đạo khảo sát, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư trồng cao su, dự án phát triển nông, lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp thời gian qua. Kiên quyết đình chỉ, thu hồi các dự án đầu tư nông lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp, nhưng không thực hiện đúng nội dung của dự án đã được phê duyệt, không bảo vệ được rừng. Đề nghị không cấp dự án phát triển nông lâm nghiệp mới trên đất lâm nghiệp cho đến khi có đánh giá đầy đủ về vấn đề này; xử lý nghiêm chủ dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không tổ chức lực lượng bảo vệ rừng để rừng bị phá. Đề nghị tạm dừng việc cấp phép khảo sát, lập dự án phát triển cao su mới đến khi hoàn thành việc tổng kết đánh giá và rà soát lại quy hoạch phát triển cao su được duyệt.

4. Tổ chức thực hiện nghiêm quy hoạch mạng lưới chế biến gỗ, quy hoạch ngành chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết xử lý cưỡng chế, di dời dứt điểm các xưởng cưa trong, gần rừng đặc dụng, rừng phòng hộ về khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại việc cấp Giấy đăng ký kinh doanh chế biến gỗ trên nguyên tắc các cơ sở chế biến gỗ phải chứng minh được nguồn gỗ hợp pháp.

5. Chỉ đạo cơ quan Công an phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, thống kê, phân loại “đầu nậu” phá rừng, khai thác, mua bán vận chuyển gỗ, mua bán sang nhượng đất rừng trái pháp luật để có biện pháp xử lý, giải quyết. Khẩn trương điều tra và xử lý dứt điểm các vụ án còn tồn đọng trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng; có biện pháp quyết liệt quản lý và xử lý các loại phương tiện thuyền và xe độ chế để sử dụng vào mục đích vận chuyển gỗ trái pháp luật.

6. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về quản lý đất lâm nghiệp, trong đó đất lâm nghiệp bị lấn chiếm phải thu hồi để trồng, phục hồi lại rừng; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ vi phạm pháp luật về đất đai.

7. Tăng cường chỉ đạo hoạt động của lực lượng Kiểm lâm trong bảo vệ rừng, phối hợp tốt với lực lượng Công an, Quân đội xử lý, truy quét các trọng điểm phá rừng, kinh doanh, chế biến, vận chuyển gỗ trái pháp luật trên địa bàn. Kiện toàn tổ chức các Hạt Kiểm lâm, tăng cường hiệu quả hoạt động của các Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng, kiểm lâm địa bàn. Tăng biên chế hợp lý cho Kiểm lâm để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, giải quyết kịp thời kinh phí từ quỹ chống buôn lậu và gian lận thương mại để chi cho hoạt động bảo vệ rừng. Đồng thời xem xét có những biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các công ty lâm nghiệp.

8. Kiểm điểm xem xét xử lý trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê đất rừng nhưng không thực hiện hết trách nhiệm trong việc tổ chức bảo vệ rừng, để xảy ra phá rừng, khai thác, kinh doanh, vận chuyển, chế biến gỗ trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, kéo dài trong thời gian qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (b/c);
- TU tỉnh Đắk Lắk;
- Lưu VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hứa Đức Nhị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2546/BNN-TCLN xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 2546/BNN-TCLN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 05/09/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Hứa Đức Nhị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/09/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản