Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 246/TCHQ-TXNK
V/v chính sách thuế đối với phần mềm

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2021

 

Kính gửi: Công ty TNHH giải pháp toàn diện VJ.
(201 đường Violet, Khu Mega Village, 222 Võ Chí Công, P. Phú Hữu, Quận 9, TP.Hồ Chí Minh)

Trả lời công văn không số của Công ty TNHH giải pháp toàn diện VJ đề nghị hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), trị giá tính thuế đối với phần mềm dùng cho máy chấn kim loại do Công ty nhập khẩu tại tờ khai hải quan số 103618907711/A12 ngày 27/10/2020, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

Theo dữ liệu hiện có tại cơ quan hải quan, trong năm 2019, Công ty đã kê khai nhập khẩu 02 bộ máy chấn kim loại từ đối tác là Công ty Murata Machinery Nhật Bản. Do vậy, đối với phần mềm nhập khẩu từ đối tác là Công ty Kanda Machinery Nhật Bản, kê khai tại tờ khai hải quan số 103618907711/A12 ngày 27/10/2020, khi xác định thuế giá trị gia tăng cho hàng hóa nhập khẩu, đề nghị Công ty xem xét cụ thể theo các trường hợp sau đây để xác định đúng số tiền thuế phải nộp:

1. Trường hợp Công ty nhập khẩu phần mềm để sử dụng cho máy chấn kim loại do Công ty đã hoặc sẽ nhập khẩu:

Căn cứ khoản 5 Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính thì trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu là máy móc thiết bị có phần mềm điều khiển, vận hành nhập khẩu kèm theo bao gồm trị giá của máy móc thiết bị và trị giá của phần mềm. Nếu phần mềm điều khiển, vận hành dược nhập khẩu trước hoặc sau khi nhập khẩu máy móc thiết bị thì người khai hải quan kê khai nhập khẩu phần mềm theo mã HS và tính thuế theo máy móc thiết bị. Nếu phần mềm điều khiển, vận hành được ghi, lưu trữ trong phương tiện trung gian khi nhập khẩu, và giá mua phần mềm tách riêng với giá của phương tiện nhập khẩu, thể hiện trên hóa đơn thương mại, thì trị giá hải quan của phần mềm (để tính vào trị giá hải quan của máy móc thiết bị) không bao gồm trị giá của phương tiện trung gian.

Đối với phần mềm do Công ty nhập khẩu tại tờ khai hải quan số 103618907711/A12 ngày 27/10/2020, nếu phần mềm cùng thuộc giao dịch mua bán và nhập khẩu máy chấn kim loại đã kê khai nhập khẩu trước đó hoặc máy chấn kim loại chưa kê khai nhập khẩu thì Công ty phải kê khai nhập khẩu phần mềm theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính, theo đó kê khai mã số HS của phần mềm theo mã số HS của máy chấn kim loại, xác định trị giá hải quan của phần mềm cùng với trị giá hải quan của máy chấn kim loại nhập khẩu, và tại ô “Chi tiết khai trị giá” của tờ khai nhập khẩu phần mềm phải ghi rõ số tờ khai nhập khẩu máy chấn kim loại nếu đã nhập khẩu.

Khi đó, thuế giá trị gia tăng của phần mềm được xác định theo mức thuế giá trị gia tăng của máy chấn kim loại.

2. Trường hợp Công ty nhập khẩu phần mềm để sử dụng cho máy chấn kim loại mua trong nước hoặc để cung cấp cho người sử dụng khác hoặc để nâng cấp, thay thế phần mềm nhập khẩu lần đầu đã được cài đặt và sử dụng cùng máy chấn kim loại đã nhập khẩu:

Căn cứ khoản 5 và khoản 19 Điều 2, khoản 5, khoản 6 Điều 6, Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 và khoản 5 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính thì khi doanh nghiệp nhập khẩu phần mềm theo các trường hợp nêu trên, được coi là phần mềm độc lập (không xem xét, xác định trị giá hải quan cùng với máy móc thiết bị có phần mềm điều khiển, vận hành). Nếu phần mềm được chứa đựng trong phương tiện trung gian và hóa đơn thương mại tách riêng giá mua phần mềm với giá mua phương tiện trung gian thì doanh nghiệp xác định và kê khai trị giá hải quan của phương tiện trung gian không bao gồm trị giá của phần mềm.

Căn cứ khoản 21 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, khi doanh nghiệp nhập khẩu phần mềm theo các trường hợp nêu trên, nếu phần mềm được xác định là sản phẩm phần mềm theo quy định của pháp luật thì không thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Tổng cục Hải quan thông báo để Công ty TNHH giải pháp toàn diện VJ biết và liên hệ với Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa để được hướng dẫn giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTCT Lưu Mạnh Tưởng (để b/c);
- Lưu: VT, TXNK (3b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ XNK
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Bằng Toàn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 246/TCHQ-TXNK năm 2021 về chính sách thuế đối với phần mềm do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 246/TCHQ-TXNK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/01/2021
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Trần Bằng Toàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản