Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 244/BNN-TT
V/v một số đề xuất, kiến nghị liên quan đến Dự án Hợp tác Việt Nam – Cuba Phát triển sản xuất lúa gạo tại Cuba giai đoạn 2010 - 2015

Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2011

 

Kính gửi: Bộ Tài chính

Căn cứ Hiệp định khung giữa Việt Nam và Cuba về hợp tác phát triển sản xuất lúa gạo tại Cuba (ký tháng 9/2009) và Nghị định thư tài chính giữa Việt Nam và Cuba về giải ngân và quản lý tài chính Chương trình phát triển sản xuất lúa gạo tại Cuba (ký tháng 10/2009).

Căn cứ Công văn số 53/TTg-HTQT ngày 16/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hợp tác Việt Nam-Cuba phát triển sản xuất lúa gạo tại Cuba giai đoạn 2009 -2015, ngày 18/8/2010 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Quyết định số 2219/QĐ-BNN-HTQT về việc phê duyệt Dự án Hợp tác Việt Nam – Cuba phát triển sản xuất lúa gạo tại Cuba giai đoạn 2010 – 2015 với tổng kinh phí phía Việt Nam hỗ trợ là: 40 triệu USD tương đương 720 tỷ đồng, trong đó chia ra: năm 2010: 79,38 tỷ đồng; năm 2011: 192,54 tỷ đồng; năm 2012: 139,24 tỷ đồng; năm 2013: 117,53 tỷ đồng; năm 2014: 97,41 tỷ đồng; năm 2015: 93,89 tỷ đồng.

Ngày 29/12/2010 Ban Chỉ đạo Chương trình Hợp tác Việt Nam – Cuba phát triển sản xuất lúa gạo tại Cuba giai đoạn 2010 – 2015 họp đánh giá tình hình thực hiện năm 2010, xem xét một số kiến nghị của Bộ Nông nghiệp Cuba và bàn kế hoạch triển khai năm 2011 Dự án Hợp tác Việt Nam – Cuba phát triển sản xuất lúa gạo tại Cuba giai đoạn 2010 – 2015. Để triển khai dự án được thuận lợi đảm bảo tiến độ và có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của Cuba, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất kiến nghị một số nội dung của dự án, cụ thể như sau:

1. Bổ sung tiền xăng dầu đi lại của cố vấn, chuyên gia Việt Nam tại Cuba bằng ngân sách Việt Nam hỗ trợ:

Theo dự án được duyệt, tiền xăng dầu đi lại của cố vấn, chuyên gia Việt Nam tại Cuba do vốn đối ứng của Cuba chi trả, nhưng thực tế triển khai dự án 3 cho thấy do phía bạn rất thiếu xăng dầu nên việc bố trí xăng dầu cho đi lại của cố vấn, chuyên gia Việt Nam rất hạn chế và khó khăn. Đối với Dự án 4, do quy mô lớn, địa bàn triển khai rộng, thực hiện ở nhiều tỉnh cách nhau từ 200-500 Km, số lượng cố vấn và chuyên gia Việt Nam làm việc thường xuyên tại Cuba khoảng 12 người, nhu cầu đi lại kiểm tra, giám sát, hướng dẫn sản xuất tại các điểm rất nhiều, cần có nguồn xăng dầu chủ động cho hoạt động của các chuyên gia, cố vấn, nếu phụ thuộc vào nguồn xăng dầu của phía bạn sẽ rất khó khăn, bị động và không đảm bảo yêu cầu triển khai dự án.

2. Hỗ trợ bằng nguồn ngân sách Việt Nam lắp đặt, sử dụng Internet tại các điểm làm việc của chuyên gia, cố vấn Việt Nam:

Việt Nam và Cuba cách xa nhau nửa vòng trái đất, mọi thông tin điều hành giữa hai nước nếu sử dụng điện thoại thì chi phí rất lớn và chất lượng thông tin rất kém. Phương thức giao dịch chủ yếu của Văn phòng Dự án tại Việt Nam với đối tác Cuba là qua đường Internet. Tuy nhiên do mạng Internet của Cuba chưa phát triển rộng, chủ yếu mới có đường truyền và cổng kết nối với các cơ quan Chính phủ, mạng chưa kết nối đến trụ sở Văn phòng dự án và các điểm triển khai các Hợp phần của dự án tại Cuba. Phía Bộ Nông nghiệp Cuba đã có công văn chính thức đề nghị phía Việt Nam hỗ trợ kinh phí lắp đặt mạng internet tại các điểm làm việc của Cố vấn và chuyên gia Việt Nam. Đây là nhu cầu cần thiết để đảm bảo thông tin liên lạc kịp thời và hiệu quả.

3. Bổ sung mỗi hợp phần 01 phiên dịch, tổng số 05 phiên dịch làm việc tại Cuba:

Mọi công việc chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện dự án của các cố vấn, chuyên gia Việt Nam tại Cuba cần thông qua phiên dịch tiếng Tây Ban Nha. Hiện nay các cán bộ đăng ký tham gia dự tuyển làm cố vấn, chuyên gia cho dự án tại Cuba hầu hết không biết tiếng Tây Ban Nha. Nếu tổ chức đào tạo tại Việt Nam cho số cán bộ này thì không kịp thời gian triển khai dự án. Bộ Nông nghiệp Cuba cũng đã có thư chính thức đề nghị phía Việt Nam hỗ trợ kinh phí thuê phiên dịch cho các Hợp phần (mỗi hợp phần 01 người) làm việc tại Cuba. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thấy đây cũng là nhu cầu rất cần thiết để đảm bảo triển khai dự án.

4. Một số nội dung khác cần bổ sung:

- Tiền bảo hiểm thiết bị, vật tư nông nghiệp vận chuyển sang Cuba;

- Tiền kiểm định chất lượng thiết bị, vật tư nông nghiệp;

- Tiền thẩm định đơn giá thiết bị, vật tư nông nghiệp hàng năm trước khi tổ chức đấu thầu;

Theo Quyết định phê duyệt dự án số 2219/QĐ-BNN-HTQT còn thiếu các nội dung này.

Kinh phí chi cho các hạng mục bổ sung nêu trên (từ mục 1 đến mục 4), Bộ Nông nghiệp đề nghị trích từ nguồn dự phòng của dự án.

5. Điều chỉnh kế hoạch triển khai mua sắm một số thiết bị từ năm sau chuyển sang năm trước: Ví dụ như: Chuyển máy san đất Komashu từ năm 2014 sang năm 2011 (Hợp phần 3); Chuyển 01 máy san Land Plane Model: LP1184 từ năm 2013 sang năm 2011 (Hợp phần 3)…

6. Điều chỉnh một số thiết bị theo đề xuất của Cuba như: Giảm số lượng máy bơm diezen, tăng số lượng máy bơm điện công suất 120lít/s (Hợp phần 3); giảm thuốc kích thích sinh trưởng, phân silic, thuốc trừ bệnh sang tăng vật tư nông nghiệp khác (đạm, lân, kali)…

Tất cả các thay đổi, bổ sung, điều chỉnh (từ mục 1 đến mục 6) nêu trên dựa trên nguyên tắc không vượt tổng mức đầu tư của từng hợp phần cũng như của toàn dự án theo Nghị định thư Tài chính đã ký giữa hai Chính phủ

7. Về đồng tiền sử dụng làm căn cứ tính dự toán kinh phí hàng năm của dự án

Theo Nghị định thư tài chính đã ký giữa hai Chính phủ, phân vốn của Việt Nam hỗ trợ là 40 triệu USD và quy ra đồng tiền Việt Nam. Thời gian thực hiện dự án khá dài, tỷ giá đồng tiền Việt Nam và đồng USD thường xuyên biến động. Do đó Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị hàng năm Bộ Tài chính trình Chính phủ giao dự toán kinh phí của dự án trên cơ sở số tiền USD đã quy định trong Nghị định thư tài chính để giao dự toán bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá tại thời điểm phân bổ ngân sách. Khi quyết toán những khoản chi phải trả bằng USD tính theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán. Một số hạng mục bắt buộc phải chi trả bằng ngoại tệ như: chi phí cho hoạt động của Văn phòng tại Cuba; lương cố vấn, chuyên gia Việt Nam làm việc tại Cuba; chi phí vận tải quốc tế…, đề nghị Bộ Tài chính cho phép mua ngoại tệ của Ngân hàng để thanh toán.

8. Bổ sung kinh phí năm 2011

Tổng kinh phí đã triển khai năm 2010: 63 tỷ đồng, trong đó Bộ Tài chính đã ứng 40% kinh phí để thực hiện các nội dung năm 2010 với số tiền là: 26 tỷ đồng. Như vậy số kinh phí còn thiếu so với thực hiện là 37 tỷ đồng.

Năm 2011 Bộ Tài chính Thông báo ngân sách cho dự án 190 tỷ đồng (theo đúng kế hoạch dự án năm 2011) số tiền này chưa bao gồm kinh phí còn thiếu của năm 2010. Vì vậy đề nghị Bộ Tài chính bố trí bổ sung kinh phí 37 tỷ đồng để trả cho các gói thầu đã triển khai năm 2010.

9. Về việc lập sổ sách, báo cáo quyết toán cho dự án: Đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể tài khoản hạch toán, mục lục ngân sách cho từng nội dung của dự án.

Đề nghị Bộ Tài chính xem xét và có ý kiến sớm để Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai kế hoạch năm 2011 và các năm tiếp theo./. 

       

    

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (b/c);
- Các Vụ TC, HTQT;
- Lưu: VT, KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Bá Bổng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 244/BNN-TT đề xuất, kiến nghị liên quan đến Dự án Hợp tác Việt Nam – Cuba Phát triển sản xuất lúa gạo tại Cuba giai đoạn 2010 - 2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 244/BNN-TT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 26/01/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Bùi Bá Bổng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản