Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2406/LĐTBXH-BHXH
V/v tham gia bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp cà phê ở Tây Nguyên

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2001

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được công văn số 3147/VPCP-KTTH ngày 17/7/2001 của Văn phòng Chính phủ đề nghị cho ý về việc tham gia bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp cà phê trên địa bàn Tây Nguyên, sau khi nghiên cứu, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

Theo báo cáo của tổng công ty cà phê Việt Nam thì đa số các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty cà phê thực hiện cơ chế khoán sản phẩm cho người lao động. Theo cơ chế này thì người lao động phải nộp khoảng 40% sản phẩm cho doanh nghiệp gồm các khoản: Các loại thuế, chi phí quản lý bộ máy, đóng kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội ... Những năm vừa qua cà phê được mùa số lượng không ngừng tăng, vì vậy người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ đến năm 2000 (theo cơ chế nộp sản phẩm nêu trên). Nhưng hiện nay do giá bán cà phê thấp hơn giá thành sản xuất, làm cho cho các doanh nghiệp cà phê thua lỗ. Như vậy, xét quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp thì người lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội, xét quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan bảo hiểm xã hội thì doanh nghiệp chưa đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Vì vậy nếu đồng ý để các doanh nghiệp cà phê ngừng đóng bảo hiểm xã hội trong 2 năm (2001-2002) thì người lao động bị mất quyền lợi và trái với quy định tại khoản 1 Điều 141 Chương XII Bộ luật lao động.

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết như sau:

1- Cho phép Tổng công ty cà phê Việt Nam nợ bảo hiểm xã hội năm 2001 và 2002, cuối năm 2002 Tổng công ty có trách nhiệm hoàn nợ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội ( không phải chịu lãi suất do nợ).

Việc nợ của Tổng công ty chỉ giải quyết đối với phần thuộc trách nhiệm của Tổng công ty đóng cho người lao động là 15% trên tổng quỹ lương theo quy định hiện hành, còn phần của người lao động phải đóng 5% thì không được nợ, Tổng công ty phải thu và nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội để tránh tình trạng người lao động khi về hưu không thu được. Trường hợp cho người lao động nợ thì người lao động phải có giấy cam đoan sẽ hoàn trả khi hưởng chế độ hưu trí.

2- Vì cho Tổng công ty nợ bảo hiểm xã hội, để bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn (ốm đau, thai sản, Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp). Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho Tổng công ty vay bằng 5% quỹ lương để giải quyết các chế độ này đối với người lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

 

 

K/T. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Lê Duy Đồng