Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
CỤC AN TOÀN THỰC PHẨM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2393/ATTP-SP
V/v hàm lượng nhôm trong sản phẩm dinh dưỡng công thức Aptamil

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2013

 

Kính gửi:

- Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Công Thương)
- Tổng cục Hải quan
- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh/thành phố

 

Thời gian qua, một số phương tiện thông tin đại chúng có đăng tải các thông tin về sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ nhỏ được sử dụng phổ biến ở Vương quốc Anh có hàm lượng nhôm cao. Trước tình hình đó, Cục An toàn thực phẩm đã gửi công văn đến Đại sứ quán Anh tại Việt Nam để xác minh rõ vấn đề này, đồng thời chỉ đạo Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia và công văn đề nghị Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm hàm lượng nhôm trong các sản phẩm Aptamil có xuất xứ từ Anh. Kết quả xác minh cụ thể như sau:

1. Báo cáo đề cập đến hàm lượng nhôm cao trong một số các sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ nhỏ ở Anh (Exley 2013) không phải là một báo cáo chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền của Vương quốc Anh. Sự có mặt của nhôm trong các sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ nhỏ đã được biết đến từ trước, hàm lượng nhôm trong báo cáo đã nêu là phù hợp với các dữ liệu có sẵn ở cấp quốc tế và cũng đã được Cơ quan An toàn thực phẩm của Châu Âu (EFSA), Ủy ban hỗn hợp chuyên gia của FAO/WHO về Phụ gia thực phẩm (JECFA) đánh giá năm 2008 và 2012. EFSA đã kết luận rằng: ngoài các sản phẩm dinh dưỡng công thức thì ngũ cốc và các sản phẩm từ ngũ cốc, rau và nước giải khát là các yếu tố góp phần chính vào sự phơi nhiễm đối với nhôm từ bữa ăn.

Ủy ban nghiên cứu về độc tính của Anh (COT) đã thành lập một nhóm chuyên gia độc lập để xem xét đánh giá về vấn đề nhôm trong khẩu phần ăn của trẻ em, bao gồm cả lượng nhôm có trong các sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ nhỏ. Nhóm chuyên gia này đã kết luận rằng: lượng nhôm phơi nhiễm ước tính ở trẻ em từ khẩu phần ăn không chỉ ra mối lo ngại nào về mặt độc học và không cần phải có sự thay đổi nào trong các quy định của Chính phủ.

2. Kết quả kiểm nghiệm các mẫu sản phẩm được kiểm tra tại Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (hàm lượng nhôm dao động từ 3,0-3,44mg/kg); Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 cũng đã tiến hành kiểm nghiệm 03 mẫu trên 03 sản phẩm Aptamil số 1, Aptamil số 1+, Aptamil số 3 và kết quả không phát hiện có nhôm trong các sản phẩm. Với kết quả kiểm nghiệm này và lượng ăn vào của trẻ thì lượng nhôm phơi nhiễm tối đa có thể có đối với trẻ nhỏ khi sử dụng hoàn toàn sản phẩm dinh dưỡng (0,49 - 0,56mg/kg thể trọng/ tuần) là thấp hơn so với ngưỡng an toàn của JECFA là 2mg/kg thể trọng/tuần.

3. Trên thực tế, trẻ dưới 1 tuổi thường ăn sữa mẹ là chủ yếu và một số trẻ có thể sử dụng thêm sản phẩm dinh dưỡng công thức khi không đủ sữa mẹ. Do vậy, trong trường hợp này, mức phơi nhiễm nhôm vào cơ thể trẻ sẽ thấp hơn mức ước tính nêu trên.

Như vậy, các thông tin không chính thống về sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ nhỏ được sử dụng phổ biến ở Vương quốc Anh có hàm lượng nhôm cao và được đưa lại trên phương tiện thông tin đại chúng tại Việt Nam là không đáng quan ngại.

Cục An toàn thực phẩm xin thông báo tới các Quý cơ quan biết!

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (để báo cáo);
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long (để báo cáo);
- Lưu: VT, SP.

CỤC TRƯỞNG




Trần Quang Trung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2393/ATTP-SP năm 2013 hàm lượng nhôm trong sản phẩm dinh dưỡng công thức Aptamil do Cục An toàn thực phẩm ban hành

  • Số hiệu: 2393/ATTP-SP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 29/10/2013
  • Nơi ban hành: Cục An toàn vệ sinh thực phẩm
  • Người ký: Trần Quang Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/10/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản