Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2352/TCT-CS
V/v trả lời chính sách thuế.

Hà Nội, ngày 16 tháng 06 năm 2015

 

Kính gửi: Cục thuế tỉnh Bắc Giang.

Trả lời công văn số 44/KT1 ngày 08/01/2015 của Cục thuế tỉnh Bắc Giang đề nghị hướng dẫn về hạch toán đối với khoản chi phí trích điều hành nguồn vốn sự nghiệp kinh tế trích nộp cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam của Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Hà Lạng, căn cứ ý kiến của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại văn bản số 1155/ĐS-TCKT ngày 12/05/2015, ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp, Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách thuế), sau khi báo cáo xin ý kiến của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Tại Khoản 1, Mục IV, Phần C, Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 và tại Khoản 1, Điều 6, Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/07/2012 của Bộ Tài chính có hướng dẫn:

“1. Trừ các khoản chi nêu tại Khoản 2 Mục này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

1.1. Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

1.2. Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật”.

Tại công văn số 1155/ĐS-TCKT của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có nêu: “Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính trong việc xây dựng Thông tư liên tịch số 76/2011/TTLT-BTC-BGTVT ngày 06/06/2011 hướng dẫn lập và quản lý giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường sắt quốc gia thực hiện theo phương thức đặt hàng, giao kế hoạch sử dụng nguồn vốn NSNN. Theo đó, kết cấu giá sản phẩm, dịch vụ công ích đường sắt bao gồm: chi phí nhân công, chi phí vật liệu, chi phí máy, chi phí trực tiếp khác, chi phí chung bằng 66% chi phí nhân công trực tiếp, thu nhập trước thuế tính bằng 6% tổng chi phí và thuế GTGT. Trong quá trình xây dựng Thông tư, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã có báo cáo giải trình cụ thể về nguồn chi cho bộ máy của Chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án được hạch toán vào chi phí chung của sản phẩm công ích và đã được Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận. Như vậy khoản kinh phí này đã được kết cấu trong đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích, các Công ty TNHH MTV QLKCHTĐS chỉ thực hiện việc hạch toán, chi trả về Tổng công ty chứ không làm tăng thêm chi phí đơn vị, không tăng thêm nguồn NSNN chi cho sự nghiệp kinh tế đường sắt hàng năm”.

Tại công văn số 8407/BTC-TCDN ngày 21/06/2012 của Bộ Tài chính gửi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có nêu: “Căn cứ báo cáo giải trình của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại công văn số 1200/TTr-ĐS ngày 31/05/2012, Bộ Tài chính thấy đề nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về khoản thu quản lý, điều hành nguồn vốn thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư để Tổng công ty đảm bảo ổn định nguồn kinh phí cho bộ máy quản lý là phù hợp với đặc thù của Tổng công ty; do đó, Bộ Tài chính đồng ý với đề nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cụ thể như sau:

- Khoản 3.5 Điều 21: Thu từ hoạt động quản lý, điều hành nguồn vốn thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư. Mức cụ thể đối với nhiệm vụ sửa chữa thường xuyên và sửa chữa vừa do Hội đồng thành viên quy định đảm bảo cho hoạt động quản lý điều hành của chủ đầu tư và ban quản lý dự án nhưng không vượt định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình theo quy định hiện hành của Nhà nước. Khoản kinh phí này được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động và Quy chế quản lý tài chính của các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt. Đối với nhiệm vụ sửa chữa lớn thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn sự nghiệp kinh tế có tính chất đầu tư.

- Khoản 2.7 Điều 37: Các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm hạch toán khoản chi phí cho hoạt động quản lý, điều hành của chủ đầu tư và ban quản lý dự án đối với nguồn vốn thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư trong chi phí chung của đơn vị và có trách nhiệm thanh toán kịp thời, đầy đủ cho Đường sắt Việt Nam”.

Hiện nay liên Bộ Tài chính và Giao thông vận tải đang tiến hành sửa đổi bổ sung Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 76/2011/TTLT-BTC-BGTVT ngày 06/06/2011 theo hướng tách khoản chi phí quản lý, điều hành nguồn vốn sự nghiệp kinh tế ra khỏi kết cấu giá sản phẩm, dịch vụ công ích như hiện nay. Do đó, đối với trường hợp Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Hà Lạng theo phản ánh của Cục Thuế tỉnh Bắc Giang nếu có thực hiện trích nộp cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khoản chi phí điều hành nguồn vốn sự nghiệp kinh tế nhằm quản lý kinh phí vốn hạ tầng đường sắt và bảo trì đường sắt thì Cục Thuế căn cứ Biên bản liên Bộ Tài chính và Giao thông vận tải thẩm định quyết toán sản phẩm dịch vụ công ích hàng năm để xử lý theo quy định và hướng dẫn của liên Bộ nêu trên./.

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để b/c);
- Tổng công ty ĐSVN;
- Vụ PC (BTC), Vụ CST (BTC), Cục TCDN;
- Vụ PC (TCT);
- Lưu: VT, CS-3b.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2352/TCT-CS năm 2015 về chính sách thuế do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 2352/TCT-CS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/06/2015
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Cao Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/06/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản