Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2333/BNN-KHCN | Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2013 |
Kính gửi: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Phúc đáp công văn số 1070/BTNMT-KH ngày 26 tháng 3 năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách sự nghiệp môi trường năm 2014 của các Bộ, ngành; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi tới quý Bộ bản tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, đề xuất kế hoạch môi trường năm 2014 như sau:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH SỰ NGHIỆP MÔI TRƯỜNG NĂM 2012 VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2013
1. Đánh giá tình hình quản lý môi trường theo thẩm quyền, chức năng của Bộ, ngành
1.1. Xây dựng chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học
Từ năm 2012 đến tháng 6 năm 2013, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang tập trung xây dựng một số văn bản phục vụ công tác quản lý môi trường của ngành về lĩnh vực Quan trắc môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, chương trình hành động thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và một số văn bản khác. Cụ thể kết quả triển khai như sau:
Đã trình Bộ ban hành Quyết định thành lập Tổ biên soạn các văn bản quản lý về Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Quyết định số 371/QĐ-BNN-KHCN ngày 27/02/2013), trong đó:
- Dự thảo 1 "Thông tư quản lý nhiệm vụ bảo vệ môi trường thay thế Thông tư 76/TT-BNNPTNT" đã hoàn thành và gửi xin ý kiến các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ (CV số 1719/BNN-KHCN ngày 4/4/2013). Sau khi tiếp thu và chỉnh sửa dự thảo 1 Thông tư quản lý nhiệm vụ bảo vệ môi trường, dự thảo 2 Thông tư đã được xin ý kiến tại Hội thảo tổ chức ngày 24/5/2013. Hiện tại, tổ soạn thảo đang chỉnh sửa dự thảo 2 Thông tư và dự kiến xin ý kiến góp ý bằng văn bản lần 2 và tổng hợp, trình Bộ ban hành đầu quý III năm 2013.
- Đã có dự thảo số 01 "Thông tư Hướng dẫn quản lý công tác quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn" thông qua các cuộc họp tổ biên soạn lần 2 và đang trong quá trình lấy ý kiến chuyên gia quản lý, sẽ ban hành vào quý 4 năm 2013.
- Đã họp tổ soạn thảo lần 2 để xây dựng nội dung "Thông tư hướng dẫn công tác ĐMC, ĐTM của Bộ Nông nghiệp và PTNT"; dự kiến sẽ trình Bộ ban hành vào tháng 11 năm 2013.
- Đã trình Bộ phê duyệt Quyết định về việc giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện "Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030" (Quyết định số 292/QĐ-BNN-KHCN ngày 20 tháng 2 năm 2013).
- Đã có dự thảo số 01 "Chương trình hành động của Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030"; dự kiến sẽ trình Bộ ban hành vào tháng 11 năm 2013.
- Đã hoàn thành dự thảo 2 Thông tư hướng dẫn triển khai hoạt động môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, dự kiến trình Bộ vào tháng 9 năm 2013.
- Dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư số 22/2011/TT-BTNMT ngày 01 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục các loài ngoại lai xâm hại đã hoàn thành và được cơ quan pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định. Hiện tại, cơ quan đầu mối xây dựng Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện các thủ tục trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, sau đó, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển sẽ trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký ban hành.
- Đề án khung bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nhận được ý kiến góp ý của Bộ Khoa học và Công nghệ, sẽ hoàn thiện và gửi xin ý kiến Ban Điều hành Chương trình gen quốc gia vào quý 3 năm 2013.
1.2. Tổ chức triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học
- Về công tác Đánh giá tác động môi trường: tổ chức thẩm định 12 báo cáo đánh giá môi trường, trong đó, 08 báo cáo lĩnh vực thủy lợi, 01 báo cáo lĩnh vực thủy sản và 03 báo cáo lĩnh vực chăn nuôi, thú y; thẩm định 03 đề án bảo vệ môi trường chi tiết lĩnh vực chăn nuôi, thú y và thủy sản
- Về công tác đánh giá môi trường chiến lược: tổ chức thẩm định 04 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, trong đó, 03 báo cáo lĩnh vực thủy lợi, 01 báo cáo lĩnh vực lâm nghiệp.
- Kiểm soát ô nhiễm: các lĩnh vực trong ngành hiện nay đã có một số văn bản về hướng dẫn về quản lý môi trường phục vụ sản xuất nông nghiệp. Công tác môi trường được lồng ghép trong hoạt động sản xuất của ngành như: xây dựng vùng rau an toàn, triển khai VietGap cho các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản, triển khai sản xuất sạch hơn; xây dựng một số mô hình xử lý môi trường.
- Tổ chức quan trắc môi trường thường xuyên phục vụ trạm quan trắc quốc gia và quan trắc môi trường ngành nhằm có số liệu, báo cáo cảnh báo môi trường cung cấp kịp thời cho chỉ đạo sản xuất của ngành, đồng thời cung cấp số liệu cho Trạm quan trắc Quốc gia.
- Chỉ đạo các cơ sở thực hiện các nhiệm vụ quỹ gen nông lâm nghiệp và thủy sản theo Quyết định số 2270 QĐ/BNN-KHCN ngày 20/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp thẩm định và phê duyệt phương án thu mẫu nguồn gen Sơn dương của Vườn quốc gia Cát Bà.
- Thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về môi trường:
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn được thực hiện thường xuyên dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Trong 6 tháng đầu năm 2013, các hoạt động truyền thông được tổ chức gồm:
+ Truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, phát 02 chương trình phóng sự về các mô hình bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi trên Kênh truyền hình Nông nghiệp - nông thôn VTC16.
+ Hoạt động truyền thông trực tiếp: phát động tháng hưởng ứng ngày môi trường thế giới, ngày đa dạng sinh học tới toàn thể cán bộ công chức, các đơn vị trực thuộc ngành có các hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường. Các hoạt động được triển khai đồng bộ gồm: treo băng rôn, khẩu hiệu, pano áp phích tại trụ sở cơ quan Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chủ đề năm 2013: Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm. Tại các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đã hưởng ứng tháng hành động bảo vệ môi trường và thực hiện các chương trình cụ thể như: tuyên truyền việc hạn chế sử dụng túi nilong, phối hợp với đoàn thanh niên vệ sinh cơ quan, công sở, triển khai quyết liệt công tác trồng rừng; phát các chương trình phóng sự về bảo vệ môi trường tại địa phương; tổ chức các lớp tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ “1 phải 5 giảm“ Chương trình huấn luyện quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), Chương trình ICM (3 giảm, 3 tăng: giảm giống, giảm phân, giảm thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế tuyên truyền vận động bà con dân tộc miền núi không phá rừng làm nương rẫy, không đốt rừng trái phép trong mùa khô; tổ chức các lớp tập huấn quy trình vận hành chợ, tuyên truyền, khuyến khích cho các hộ chăn nuôi lắp đặt hầm Biogas bằng vật liệu Composite nhằm xử lý chất thải trong chăn nuôi; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng hiệu quả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ thân thiện với môi trường; vận động người dân tận dụng rơm rạ làm phân bón hữu cơ hoặc chăn nuôi gia súc, không đốt rơm rạ gây ảnh hưởng tới môi trường.... Tại các địa phương có biển, tiếp tục tuyên truyền khuyến khích người dân đánh bắt xa bờ, hạn chế áp lực vùng gần bờ. Trong nuôi trồng thủy sản khuyến khích theo tiêu chuẩn VietGap...
+ Khuyến khích các đơn vị có thành tích trong công tác bảo vệ môi trường và năm 2013, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Bảo vệ thực vật) đã được trao giải thưởng bảo vệ môi trường quốc gia năm 2013.
- Tổ chức được các khóa hội thảo, tập huấn cho các cán bộ của ngành về các văn bản pháp luật môi trường có liên quan nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.
1.3. Tình hình thực hiện Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 12/6/2009 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường
a) Xử lý ô nhiễm triệt để của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan kiểm tra hướng dẫn các cơ sở thực hiện theo kế hoạch.
- Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg thuộc lĩnh vực của ngành quản lý. Cụ thể, đối với 24 cơ sở phải thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường triệt để do Bộ Nông nghiệp quản lý trực tiếp, có 20/24 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường triệt để theo Quyết định 64, chiếm 83,33% (trong đó có 15 kho thuốc bảo vệ thực vật; 05 cơ sở sản xuất kinh doanh); có 4/24 cơ sở đang thực hiện các yêu cầu của Quyết định 64, chiếm 16,67%.
b) Xử lý thuốc bảo vệ thực vật
- Đã chỉ đạo, phối hợp với 63 Chi cục BVTV điều tra, thống kê các loại kho lưu chứa thuốc BVTV, khối lượng các loại thuốc BVTV, bao bì chứa thuốc BVTV cần tiêu hủy trên phạm vi cả nước.
- Qua nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, Bộ đã giao cho Viện Môi trường nông nghiệp nhiệm vụ "Xử lý thí điểm triệt để một vùng đất bị ô nhiễm nghiêm ttọng thuốc bảo vệ thực vật, thí điểm tại Nghệ An giai đoạn 2011-2013. Năm 2011, nhiệm vụ đã xử lý thí điểm một lô đất là nền kho chứa thuốc DDT tại Nam Đàn, Nghệ An có diện tích 350 m2, kết quả đã đưa được dư lượng thuốc từ 2600 ppm phần triệu xuống xấp xỉ 3ppm (cho đến thời điểm hiện tại, còn có thể xuống tiếp tục), đạt hiệu quả 99%. Tuy nồng độ thuốc chưa đạt yêu cầu về dư lượng thuốc theo Quy chuẩn Việt Nam nhưng đã đạt được mức hầu như không gây tác động cho môi trường sống của người dân. Năm 2012, nhiệm vụ tiếp tục triển khai xử lý thí điểm lô đất còn lại trong khu đất là kho chứa thuốc DDT trước đây (liền kề với lô xử lý năm 2011) tại xã Nam Lĩnh, Nam Đàn, Nghệ An. Kết quả đã giảm được trên 99% so với nồng độ thuốc ban đầu.
c) Theo dõi chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp
Giao nhiệm vụ môi trường cho Viện Kỹ thuật biển, Viện Nước tưới tiêu và Môi trường thực hiện quan trắc chất lượng nước và nước xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Kết quả quan trắc được sẽ báo cáo tổng kết vào tháng 12 năm 2013.
d) Kết quả rà soát nhu cầu dùng nước
Nhu cầu dùng nước trong toàn quốc là khoảng 103,5 tỉ m3, dự báo tăng lên mức 121,8 tỉ m3 vào năm 2020; mức tăng nhu cầu dùng nước đến năm 2020 khác nhau giữa các ngành: tăng nhiều ở lĩnh vực nước sinh hoạt (năm 2020 tăng 60% - 70% so với năm 2010), lĩnh vực chăn nuôi (25 - 35%), công nghiệp (40 - 45%)... và duy trì môi trường hạ du. Nhu cầu dùng nước cho tưới tăng ít so với các ngành khác. Tuy nhiên, về tỉ trọng thì nhu cầu nước tưới là lớn nhất, tiếp đến là nước duy trì môi trường sinh thái, sau nữa là nước cho thủy sản và chăn nuôi.
Đang tiến hành rà soát quy hoạch thủy lợi toàn quốc để cập nhật cân bằng nước toàn quốc phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
đ) Điều chỉnh cơ cấu một số cây trồng chủ yếu
Trong những năm gần đây, thiên tai xảy ra liên tiếp như hạn hán, lũ lụt, rét hại do thời tiết diễn biến bất thường, sâu bệnh hại gia tăng; giá cả phân bón và các loại vật tư nông nghiệp tăng cao đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất, hạn chế việc đầu tư thâm canh của người dân trước áp lực cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Với sự chỉ đạo sát sao, sản xuất nông nghiệp đã thu được một số kết quả tốt:
- Sản xuất lúa:
+ Tuyên truyền, chỉ đạo quyết liệt các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thích ứng với diễn biến và tiềm năng nguồn nước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
+ Giảm tối đa trà giống dài ngày, tăng cường sản xuất giống ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng cải tiến. Tại các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ, phấn đấu giảm tối đa trà xuân sớm, chuyển sang trà xuân muộn (80-90% diện tích gieo cấy).
+ Chuyển đổi cơ cấu giống chống chịu sâu bệnh hại (đạo ôn, bạc lá, rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá...), giống chống chịu điều kiện bất thuận (chịu hạn, chịu úng, chịu mặn...), tăng cường khuyến cáo bộ giống lúa có khả năng chống chịu bệnh rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, giống lúa có khả năng chống chịu bệnh bạc lá cho vụ Hè Thu, vụ Mùa ở các tỉnh phía Bắc.
+ Tăng cường sản xuất các giống lúa có ưu thế lai, phấn đấu tổng diện tích lúa lai đạt khoảng 30% tổng diện tích gieo cấy.
+ Các địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ sử dụng các giống lúa ngắn ngày để thu hoạch chậm nhất vào đầu tháng 9 ở vụ Hè thu có nguy cơ mưa lũ sớm gây ngập lụt cuối vụ.
+ Vùng Tây nguyên sử dụng các giống lúa cực ngắn ngày, lúa cạn chịu hạn hoặc cây trồng khác tiết kiệm nước. Khuyến cáo khai thác hết diện tích lúa nước, mở rộng diện tích lúa rẫy với các giống phù hợp.
+ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Khuyến cáo không xuống giống lúa vụ Thu Đông muộn sau 20/8 dương lịch để không ảnh hưởng thời vụ sản xuất lúa Đông Xuân năm sau, sử dụng nhóm giống lúa cực ngắn dưới 90 ngày.
- Về sản xuất ngô:
+ Chuyển giao các giống ngô lai năng suất cao vào sản xuất, chống bệnh, chịu hạn tốt và phù hợp cơ cấu cây trồng như: bộ giống ngô lai có năng suất cao (12-13 tấn) phục vụ cho vùng thâm canh; bộ ngô chống chịu hạn, phèn, rét, úng, đầu tư thâm canh thấp, kháng thuốc trừ cỏ và sâu đục thân (ngô Bt) có năng suất từ 10-12 tấn/ha phục vụ các vùng khó khăn; bộ giống ngô có năng suất từ 7-9 tấn/ha, chín sớm cho vùng có cơ cấu luân canh, tăng vụ. Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn giống, phấn đấu đến năm 2015 chính thức đưa ngô chuyển gen vào khảo nghiệm và sản xuất thử; đến năm 2020 có từ 20-30% diện tích trồng ngô chuyển gen.
+ Đối với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ: mở rộng diện tích ngô vụ Đông trên đất 2 lúa, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa Đông Xuân khó khăn về nước tưới sang trồng ngô Xuân. Mở rộng diện tích ngô Xuân trên những chân đất ruộng 01 vụ lúa; ngô Hè Thu trên đất nương rẫy trồng lúa nương, sắn và các loại cây màu khác kém hiệu quả.
+ Đối với các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên: mở rộng diện tích ngô Đông Xuân trên chân đất lúa Đông Xuân bị bỏ hóa do khó khăn về nước tưới, đất nương rẫy trồng lúa nương, sắn và các loại cây màu khác kém hiệu quả.
+ Đối với các tỉnh Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long: mở rộng diện tích ngô vụ Đông Xuân trên đất trồng sắn, cây công nghiệp ngắn ngày có hiệu quả kinh tế thấp.
+ Xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp (NPK, mật độ, chế độ nước, sâu bệnh, luân canh, trồng xen, trồng gối) cho từng giống, đối với từng vùng để đạt năng suất và hiệu quả sản xuất ngô cao.
+ Nghiên cứu và chuyển giao quy trình thâm canh ngô trên đất dốc, bảo vệ môi trường.
- Cây Sắn
Vai trò của cây sắn trong những năm gần đây đã và đang chuyển đổi nhanh chóng, từ chỗ là cây lương thực trở thành cây công nghiệp và là cây nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học với tốc độ phát triển cao. Tinh bột sắn và sắn lát Việt Nam đã trở thành một trong bảy mặt hàng xuất khẩu có triển vọng, được Chính phủ và các địa phương quan tâm phát triển. Tổng diện tích sắn cả nước năm 2009 là 508,8 nghìn ha; sản lượng đạt 8.556,9 nghìn tấn. Tuy nhiên, việc phát triển diện tích sắn ồ ạt, tình trạng phá rừng trồng sắn không theo qui hoạch, quảng canh năng suất thấp, còn gây ô nhiễm môi trường trong chế biến tinh bột sắn, chưa đa dạng sản phẩm và tiêu thụ chưa thật sự ổn định, việc xử lý nước thải trong quy trình chế biến tinh bột sắn còn rất hạn chế, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường... là những vấn đề phải đặc biệt quan tâm, điều chỉnh kịp thời trong quá trình phát triển bền vững loại cây trồng quan trọng này.
- Cây cà phê:
Cà phê trồng trên đất bazan của vùng Tây Nguyên là 355.289 ha, chiếm 73,74% so với tổng diện tích cà phê, các loại đất khác chỉ có 126.518ha, chiếm 26,26%. Đắc Lắc là địa phương có diện tích cà phê trồng trên đất bazan nhiều nhất gần 168 nghìn ha, chiếm 91,10% và Kon Tum là tỉnh có diện tích cà phê trồng trên đất bazan ít nhất 371ha, chiếm 3,33%.
- Cây Cao su:
Quy hoạch phát triển cây cao su đến 2015 và tầm nhìn 2020: năm 2015, cả nước sẽ tiếp tục trồng mới 150.000 ha cao su và đến năm 2020 diện tích cao su sẽ ổn định 800.000 ha, sản lượng mủ đạt 1,2 triệu tấn.
e) Điều chỉnh cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi
- Xây dựng bổ sung và điều chỉnh các VBQPPL và hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường chăn nuôi trong đó có chỉ tiêu về nguồn nước đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ và chế biến.
- Chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá hiệu quả của việc phân bố vùng chăn nuôi, áp dụng hình thức chăn nuôi tập trung, chăn nuôi gia trại, trang trại công nghiệp thay vì chăn nuôi mang tính tự phát, nhỏ lẻ.
- Rà soát, quy hoạch lại vùng chăn nuôi theo đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, khí hậu và nguồn cung cấp nước (chủ yếu là hệ thống sông, ngòi đa dạng của Việt Nam) của từng địa phương, từng vùng. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường nguồn nước trong sản xuất chăn nuôi, nhất là những vùng thường xuyên bị thiên tai lũ lụt, ngập úng hoặc hạn hán như các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Miền núi phía Bắc...
- Điều tra đánh giá tác động của vấn đề ô nhiễm môi trường chăn nuôi nhất là ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí của các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến...
2. Tình hình thực hiện nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường và sử dụng ngân sách sự nghiệp môi trường năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013
2.1. Triển khai các Chương trình, dự án theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ
a) Chương trình Nông thôn mới: rà soát, xây dựng văn bản quản lý môi trường nông thôn về quản lý rác thải, quy định về quản lý nghĩa trang, cây xanh; vệ sinh ao hồ thôn xóm, thu gom nước thải thôn xóm; tiến hành đánh giá thực trạng sự tham gia của cộng đồng vào quản lý chất thải rắn nông thôn; khung chương trình môi trường trong Chương trình nông thôn mới.
b) Chương trình sa mạc hóa: xác định mức độ ô nhiễm các chất độc hóa học trong đất tại 02 mô hình ở Hướng Hóa và Ngọc Hồi; thiết kế 02 mô hình phục hồi đất bị thoái hóa với 03 công thức/mô hình với tỷ lệ cây sống trong các mô hình trồng phục hồi đạt 85%.
c) Xử lý chất dioxin: xây dựng hệ thống bản đồ và số liệu từ các nguồn khác nhau về thiệt hại tài nguyên rừng do chiến tranh hóa học của Mỹ gây ra; thử nghiệm phương pháp hồi cố thông tin (từ bản đồ băng rải, số liệu theo dõi diễn biến tài nguyên rừng qua các năm, kết quả kiểm tra trên hiện trường) để hoàn chỉnh phương pháp luận.
d) Chương trình 47: Năm 2012 đã được bố trí 30 tỷ để thực hiện 7 tiểu dự án, trong đó tập trung chủ yếu thực hiện tiểu dự án 1.9 với tổng kinh phí 27,4 tỷ đồng, còn lại bố trí cho 6 tiểu dự án đang được triển khai, so với kế hoạch đề ra, kinh phí được cấp không đủ để các dự án còn lại thực hiện. Năm 2013, được bố trí 13 tỷ đồng để thực hiện các tiểu dự án, trong đó tập trung chủ yếu thực hiện tiểu dự án I.9 với tổng kinh phí 10,5 tỷ đồng, còn lại bổ sung kinh phí năm 2012 còn thiếu của các dự án và tạm dừng triển khai năm 2013, vì vậy các nhiệm vụ đã phải rà soát, điều chỉnh đề cương, dự toán nhiệm vụ các tiểu dự án còn lại cho phù hợp với tình hình thực tế. Kết quả chính đạt được ở Phụ lục 1 kèm theo.
2.2. Quan trắc môi trường
a) Quan trắc môi trường phục vụ Trạm quan trắc quốc gia
Xét duyệt và đánh giá, nghiệm thu kết quả các nhiệm vụ quan trắc môi trường, quốc gia; thống nhất các điểm, tần suất quan trắc phù hợp, phục vụ cung cấp số liệu thường xuyên cho các trạm quan trắc môi trường quốc gia và công tác quản lý của ngành theo nội dung công văn số 796/BTNMT-TCMT ngày 15/3/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mặc dù tổng kinh phí giảm so với các năm nhưng Bộ vẫn chỉ đạo duy trì kinh phí quan trắc quốc gia.
b) Quan trắc môi trường phục vụ cho công tác quản lý của ngành
Thực hiện 04 nhiệm vụ quan trắc môi trường thủy sản và 02 nhiệm vụ quan trắc chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hai năm gần đây, kinh phí cho các nhiệm vụ quan trắc giảm, chỉ tập trung quan trắc các điểm nóng có khả năng gây ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh để cảnh báo cho người nuôi thủy sản, nhằm góp phần hạn chế bùng phát dịch bệnh thủy sản.
Trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức giao nhiệm vụ quan trắc môi trường nông nghiệp cho 7 Trung tâm quan trắc vùng theo đúng tinh thần Đề án quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn.
2.3. Các nhiệm vụ/dự án khác: chi tiết tại Phụ lục I kèm theo.
3. Tình hình chi ngân sách: thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
4. Đánh giá kết quả sử dụng ngân sách sự nghiệp môi trường
Năm 2011, Bộ Nông nghiệp và PTNT được cấp kinh phí 40.830 triệu đồng từ sự nghiệp môi trường, trong đó 30 tỷ đồng cho đề án 47; năm 2012 là 39.890 triệu đồng, trong đó 30 tỷ đồng cho đề án 47; năm 2013.... đồng, trong đó 13 tỷ đồng cho đề án 47, kinh phí triển khai các dự án/nhiệm vụ khác chỉ còn khoảng 07 tỷ đồng, không đủ kinh phí bố trí thực hiện các nhiệm
vụ môi trường cấp bách của ngành, dẫn đến phải điều chỉnh kết thúc vào năm 2013.
Kinh phí hàng năm được cấp ít, chưa đáp ứng được yêu cầu các nhiệm vụ quản lý bảo vệ môi trường của Ngành Nông nghiệp và PTNT.
Việc quản lý sử dụng ngân sách sự nghiệp môi trường của Bộ Nông nghiệp và PTNT đúng mục đích và có hiệu quả, tạo ra được chuyển biến trong hoạt động bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.
5. Kiến nghị và đề xuất
- Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét sửa đổi Thông tư liên tịch số 45/2010/TTLT-BTC-BTNMT ngày 30/3/2010 về hướng dẫn chi sự nghiệp môi trường theo hướng bổ sung những nội dung chi về quản lý đa dạng sinh học, xây dựng một hình quản lý môi trường, xây dựng mô hình xử lý ô nhiễm môi trường và thẩm định đề án bảo vệ môi trường chi tiết.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan soát xét và ban hành bổ sung các định mức chi hoạt động bảo vệ môi trường.
- Tăng kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm cho các hoạt động bảo vệ môi trường của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Tăng cường sự hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các văn bản quản lý nhà nước có liên quan, xây dựng chương trình hợp tác giữa 2 Bộ trong hoạt động bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
II. KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH SỰ NGHIỆP MÔI TRƯỜNG NĂM 2014
1. Nhiệm vụ ưu tiên: các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT; Nhiệm vụ xây dựng văn bản quản lý về môi trường phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức môi trường, quan trắc môi trường nông nghiệp thực hiện Đề án quan trắc môi trường nông nghiệp nông thôn tại Quyết định số 3244/QĐ-BNN-KHCN ngày 02 tháng 12 năm 2010.
2. Nhiệm vụ khác: chi tiết tại Phụ lục II kèm theo.
Trân trọng sự hợp tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 64/2003/QĐ-TTg phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết số 27/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường do Chính phủ ban hành
- 3Thông tư liên tịch 45/2010/TTLT-BTC-BTNMT hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường do Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 4Thông tư 22/2011/TT-BTNMT quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và danh mục loài ngoại lai xâm hại do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 5Thông tư 76/2011/TT-BNNPTNT quy định danh mục thực phẩm được phép chiếu xạ và liều lượng hấp thụ tối đa cho phép đối với thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6Quyết định 3244/QĐ-BNN-KHCN năm 2010 phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 7Công văn 675/BXD-PTĐT năm 2014 thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do Bộ Xây dựng ban hành
Công văn 2333/BNN-KHCN về kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Số hiệu: 2333/BNN-KHCN
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 15/07/2013
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Nguyễn Thị Xuân Thu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/07/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra