Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2324/TCHQ-KTTT | Hà Nội, ngày 24 tháng 5 năm 2002 |
CÔNG VĂN
CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 2324/TCHQ-KTTT NGÀY 24 THÁNG 5 NĂM 2002 VỀ VIỆC MẠNG THÔNG TIN CƯỠNG CHẾ
Kính gửi: Cục trưởng các Cục hải quan tỉnh, thành phố
Sau một thời gian áp dụng mạng thông tin trên mạng máy tính để thực hiện cưỡng chế làm thủ tục hải quan đối với các đơn vị có nợ thuế quá hạn, hiện nay đã có 14 Cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện truyền nhận khai thác thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để đôn đốc các đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu thu nộp thuế đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại thực trạng cưỡng chế nhầm, gây bất bình trong các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá. Để nhanh chóng giải quyết tình hình trên, Tổng cục sẽ tiếp tục có các hướng dẫn và giải pháp đồng bộ, trước mắt yêu cầu Cục trưởng các Cục hải quan tỉnh, thành phố quan tâm và đôn đốc đơn vị thực hiện tốt các vấn đề sau:
1 . Yêu cầu các Cục hải quan tỉnh, thành phố phải thường xuyên theo dõi tình hình nộp thuế của doanh nghiệp để cập nhật thông tin lên mạng kịp thời, chính xác; thực hiện xoá cưỡng chế thuế trên mạng ngay khi nhận được các loại chứng từ nộp xong tiền thuế, tiền phạt của doanh nghiệp; Hiện có rất nhiều trường hợp (tập trung phần lớn tại Cục hải quan Thành phố Hồ Chí Minh) doanh nghiệp đã nộp thuế từ nhiều ngày trước nhưng vẫn chưa được xoá nợ thuế trên mạng.
2. Yêu cầu các đơn vị phải cập nhật, nhận, truyền số liệu đúng thời gian quy định và thực hiện thường xuyên hàng ngày, có như vậy mới đảm bảo được tính chính xác, thống nhất và thông suốt ở cả ba cấp Chi cục, Cục và cơ quan Tổng cục. Thực tế hiện nay đa số các đơn vị thực hiện truyền thông tin cưỡng chế về Tổng cục không đều hàng ngày, có một số đơn vị truyền khá đều dặn nhưng lại truyền về không đúng thời gian quy định, truyền thông tin của ngày hôm trước vào sáng ngày hôm sau, tại thời điểm đó Tổng cục đã cập nhật và truyền thông tin của ngày mới xuống các Cục hải quan địa phương (trước 8 giờ sáng hàng ngày). Do đó thông tin trên mạng không đảm bảo được tính kịp thời, gây tình trạng cưỡng chế nhầm ở nhiều đơn vị hải quan.
3. Để khắc phục tình trạng cưỡng chế đối với các doanh nghiệp đã có lệnh chuyển tiền nhưng do chứng từ nộp tiền luân chuyển chậm hoặc Cục hải quan tỉnh, thành phố chưa đủ điều kiện đối chiếu chứng từ nộp thuế, xoá cưỡng chế trên mạng, Tổng cục yêu cầu các đơn vị không thực hiện cưỡng chế làm thủ tục hải quan theo các nội dung đã được quy định tại điểm 2, Công văn 2744/TCHQ-KTTT ngày 14/6/2000 của Tổng cục Hải quan, kể cả trường hợp số nợ trên 100 triệu đồng.
Trường hợp do có trục trặc về đường truyền hoặc hư hỏng thiết bị, tại Cục, Chi cục chưa nhận được thông tin cưỡng chế mới trong ngày, thì tạm thời được sử dụng thông tin cưỡng chế hiện có mới nhất trên mạng máy tính của đơn vị để thực hiện cưỡng chế, đồng thời phải báo cáo ngay Cục, Tổng cục để có biện pháp giải quyết, xử lý kịp thời. Trường hợp doanh nghiệp bị cưỡng chế nhưng khẳng định không còn nợ thuế trên mạng thì phải đề nghị Cục, Tổng cục cung cấp thông tin để đơn vị tra cứu lại, giải quyết cho doanh nghiệp.
4. Thủ trưởng các đơn vị xử lý nghiêm khắc, kịp thời theo quy định hiện hành đối với những cá nhân, bộ phận nghiệp vụ nào thực hiện không đúng quy chế, quy trình, quy định dẫn đến cưỡng chế sai, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Tổng cục Hải quan thông báo để Cục trưởng các Cục hải quan tỉnh, thành phố biết và thực hiện. Đơn vị nào có khó khăn vướng mắc, tiếp tục phản ánh để Tổng cục có biện pháp xử lý kịp thời.
| Lê Mạnh Hùng (Đã ký)
|
Công văn 2324/TCHQ-KTTT của Tổng cục Hải quan về việc mạng thông tin cưỡng chế
- Số hiệu: 2324/TCHQ-KTTT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 24/05/2002
- Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
- Người ký: Lê Mạnh Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra