Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2246/BCN-CLH
V/v phân biệt quặng và tinh quặng.

Hà Nội, ngày 21 tháng 05 năm 2007

 

Kính gửi: Tổng cục Hải quan

Trả lời công văn số 2324/TCHQ-GSQL ngày 25 tháng 4 năm 2007 của Tổng cục Hải quan về việc phân biệt quặng thô và tinh quặng căn cứ Thông tư số 02/2006/TT-BCN, Bộ Công nghiệp có ý kiến giải thích như sau:

- Quặng thô là quặng nguyên khai, được khai thác lên nhưng chưa qua làm giàu (bằng một phương pháp hay kết hợp một số phương pháp làm giàu như tuyển rửa, sàng phân loại theo độ hạt, tuyển trọng lực, tuyển từ, tuyển điện, tuyển nổi hay xử lý hóa) để nâng cao hàm lượng các nguyên tố có ích, giảm hàm lượng cửa các nguyên tố có hại trong quặng.

- Tinh quặng (hay còn gọi là quặng tinh) là sản phẩm của quá trình làm giàu quặng nguyên khai bằng một phương pháp hay kết hợp một số phương pháp làm giàu như: sàng phân loại theo độ hạt, tuyển trọng lực (tuyển rửa, tuyển trên vít xoắn, bàn đãi, máy lắng, máng thu dòng, phân ly côn,...), tuyển từ, tuyển điện, tuyển nổi hoặc xử lý hóa để nâng cao hàm lượng các nguyên tố có ích, giảm hàm lượng của các nguyên tố có hại trong quặng.

Thông thường, sản phẩm tinh quặng có hàm lượng của các nguyên tố có ích cao hơn hàm lượng của các nguyên tố có hại so với hàm lượng của chúng trong quặng nguyên khai và đáp ứng yêu cầu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất của một lĩnh vực sản xuất nào đó. Tùy vào yêu cầu của từng lĩnh vực sản xuất mà yêu cầu chất lượng đối với tinh quặng có khác nhau (đối với mỗi loại quặng, có thể có nhiều cấp/mác tinh quặng khác nhau). Chất lượng tinh quặng càng cao thì mức độ chế biến sâu (làm giàu) càng cao.

Hàm lượng của các loại khoáng sản quy định tại Thông tư 02/2006/TT-BCN của Bộ Công nghiệp đã ở mức cao hơn so với hàm lượng trong quặng nguyên khai thông thường (để đạt được hàm lượng như trên, quặng thô đã phải trải qua công đoạn làm giàu), vì vậy, các loại khoáng sản đáp ứng các yêu cầu về chất lượng (hàm lượng) nêu trong Thông tư 02/2006/TT-BCN đều được xác định là tinh quặng.

Riêng quặng cao lanh pyrophillite với hàm lượng ≤ 30% Al2O3 được xác định là quặng thô.

Bộ Công nghiệp xin thông báo với Tổng cục Hải quan biết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VT, CLH.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ CƠ KHÍ, LUYỆN KIM VÀ HÓA CHẤT




Nguyễn Mạnh Quân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2246/BCN-CLH năm 2013 phân biệt quặng và tinh quặng do Bộ Công nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 2246/BCN-CLH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 21/05/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/05/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản