Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2210/BGDĐT-KTKĐCLGD
V/v thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên

Hà Nội, ngày 12 tháng 05 năm 2015

 

Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo

Kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên (sau đây gọi là các nhà trường) trong thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tuy nhiên khi thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc do những thay đổi chưa đồng bộ của một số quy định trong công tác quản lý. Trong khi chưa điều chỉnh được đồng bộ một số quy định của các văn bản quy phạm pháp luật, rút kinh nghiệm qua thực tế triển khai, để công tác kiểm định chất lượng giáo dục có hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn các Sở GDĐT:

1. Xác định công tác kiểm định chất lượng giáo dục là giải pháp nhằm quản lý đồng bộ các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục (đầu vào), quá trình giáo dục và kết quả giáo dục (đầu ra). Kiểm định chất lượng giáo dục hướng tới việc giao quyền tự chủ về chất lượng giáo dục cho các nhà trường. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục là cơ sở để các cấp chính quyền, cơ quan quản lý giáo dục và xã hội thực hiện việc giám sát, hỗ trợ nhà trường duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.

2. Chỉ đạo hoạt động tự đánh giá đúng hiện trạng điều kiện bảo đảm chất lượng và chất lượng giáo dục của các nhà trường, chú trọng việc xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng phù hợp, hiệu quả và khả thi. Trong quá trình tự đánh giá cần tránh hình thức, máy móc, lãng phí, đặc biệt chú ý chống bệnh thành tích. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào kiểm định chất lượng giáo dục. Sử dụng hiệu quả phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non, khuyến khích các địa phương xây dựng và sử dụng phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục cho các cấp học, bậc học khác.

3. Triển khai hoạt động đánh giá ngoài với mục đích chính là tư vấn, hỗ trợ các nhà trường trong việc đánh giá chính xác hiện trạng và xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng để bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện đúng chủ trương không thanh tra toàn diện các nhà trường mà chuyển thành hoạt động đánh giá ngoài.

4. Chỉ đạo đơn giản hóa việc thu thập minh chứng. Một số chỉ số, tiêu chí trong Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường tiểu học, trường trung học và trung tâm giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Thông tư số 42/2012/TT-BGDĐT ngày 23/11/2012 của Bộ trưởng Bộ GDĐT nếu chỉ có minh chứng tại thời điểm tự đánh giá thì có thể xem xét và chấp nhận. Cụ thể là:

a) Đối với Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường tiểu học

- Tiêu chuẩn 1: Tiêu chí 1; Tiêu chí 2; Chỉ số a của Tiêu chí 3; Chỉ số a của Tiêu chí 7;

- Tiêu chuẩn 2: Chỉ số a và c của Tiêu chí 1; Tiêu chí 2; Chỉ số a và b của Tiêu chí 4;

- Tiêu chuẩn 3: Tiêu chí 1; Tiêu chí 2; Tiêu chí 3; Tiêu chí 4; Chỉ số a của Tiêu chí 5;

b) Đối với Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường trung học

- Tiêu chuẩn 1: Tiêu chí 1; Tiêu chí 2; Chỉ số a của Tiêu chí 4; Chỉ số a của Tiêu chí 10;

- Tiêu chuẩn 2: Chỉ số a và c của Tiêu chí 1; Tiêu chí 2; Chỉ số a và b của Tiêu chí 4;

- Tiêu chuẩn 3: Tiêu chí 1; Tiêu chí 2; Tiêu chí 3; Tiêu chí 4; Tiêu chí 5;

c) Đối với Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trung tâm giáo dục thường xuyên

- Tiêu chuẩn 1: Tiêu chí 1; Chỉ số a của Tiêu chí 7;

- Tiêu chuẩn 2: Chỉ số a và c của Tiêu chí 1; Chỉ số a và b của Tiêu chí 2; Chỉ số a và b của Tiêu chí 3;

- Tiêu chuẩn 3: Tiêu chí 1; Tiêu chí 2; Tiêu chí 3.

5. Chỉ đạo việc áp dụng Quy định về đánh giá xếp loại học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ GDĐT để đánh giá 02 (hai) tiêu chí trong Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 42/2012/TT-BGDĐT ngày 23/11/2012 của Bộ trưởng Bộ GDĐT như sau:

a) Tiêu chí 4 của Tiêu chuẩn 5 (Khoản 4 Điều 9)

- Tỷ lệ học sinh xếp loại giáo dục từ trung bình trở lên tương đương với mức hoàn thành theo quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ GDĐT;

- Từ năm học 2014 - 2015 trở đi, nếu chỉ số a được đánh giá là đạt thì chỉ số b và c được xác định là đạt; nếu chỉ số a được đánh giá là không đạt thì chỉ số b và c được xác định là không đạt.

b) Tiêu chí 6 của Tiêu chuẩn 5 (Khoản 6 Điều 9): Không đánh giá chỉ số b “Tỷ lệ học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến từ 35% trở lên đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và từ 50% trở lên đối với các vùng khác”.

6. Đối với những trung tâm được thành lập trên cơ sở sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm nghề thì Sở GDĐT báo cáo các cấp có thẩm quyền để vận dụng linh hoạt đánh giá theo các tiêu chí quy định cho hoạt động giáo dục thường xuyên và hoạt động hướng nghiệp và theo các hướng dẫn đã có của Bộ GDĐT hoặc phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, đánh giá thực hiện các hoạt động về dạy nghề theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, liên hệ với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục theo địa chỉ: 30 Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; ĐT: 04.38683361, fax: 04.38684995, E-mail: phongkdclgdpt@moet.edu.vn để được giải đáp./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- TT. Nguyễn Thị Nghĩa (để biết);
- Các vụ, cục có liên quan thuộc Bộ (để th/h);
- Lưu: VT, KTKĐCLGD.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Vinh Hiển