Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2152/LĐTBXH-TTr | Hà Nội, ngày 01 tháng 6 năm 2017 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố…………..
Với mục tiêu nâng cao nhận thức và tăng cường tuân thủ các quy định của pháp luật lao động, qua đó cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại nơi làm việc; trên cơ sở kết quả việc triển khai Chiến dịch thanh tra lao động năm 2015 và năm 2016 trong ngành may mặc, xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đối tác ba bên (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) tổ chức Chiến dịch thanh tra lao động năm 2017 trong lĩnh vực điện tử trên địa bàn cả nước với chủ đề “Thúc đẩy tuân thủ pháp luật lao động vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp điện tử”.
Để Chiến dịch được triển khai đồng bộ, có hiệu quả trong cả nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên đoàn lao động, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh/thành phố tổ chức thực hiện Chiến dịch thanh tra lao động trên địa bàn tỉnh/ thành phố (Kế hoạch thực hiện Chiến dịch kèm theo); chỉ đạo các cơ quan truyền thông phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến mục đích, nội dung, ý nghĩa của Chiến dịch thanh tra lao động năm 2017.
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Ủy ban./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
THỰC HIỆN CHIẾN DỊCH THANH TRA LAO ĐỘNG NĂM 2017 TRONG LĨNH VỰC SẢN XUẤT, LẮP RÁP ĐIỆN TỬ
Năm 2015 và 2016, Chiến dịch thanh tra lao động đã được thực hiện thành công trong lĩnh vực may mặc và xây dựng trên cả nước. Kết quả cho thấy việc thực hiện chiến dịch thanh tra lao động theo lĩnh vực trong từng năm là hoàn toàn phù hợp. Qua việc thanh tra theo lĩnh vực, các số liệu được thống kê, tổng hợp theo ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh từ đó có sự đánh giá, khoanh vùng những quy định của pháp luật, những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà doanh nghiệp có nhiều vi phạm để lập kế hoạch thanh tra cũng như phối hợp với các cơ quan đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội định hướng tiếp tục tổ chức Chiến dịch Thanh tra lao động trong những lĩnh vực khác nhau, phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội và yêu cầu về đảm bảo tuân thủ pháp luật lao động trên toàn quốc. Một trong những lĩnh vực sản xuất có nhiều lao động và đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây là lĩnh vực sản xuất, lắp ráp điện tử.
Với sự phát triển của hoạt động sản xuất xuyên quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Ngành điện tử đã trở thành một ngành theo định hướng xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2013, lần đầu tiên xuất khẩu điện tử đã vượt qua cả xuất khẩu dệt may và là năm trong số mười nhóm sản phẩm xuất khẩu dẫn đầu của quốc gia. Năm 2014, ngành điện tử đạt 29.2% tổng kim ngạch thương mại, từ 2.5% năm 2000 và 4.7% năm 2005.
Số lượng các doanh nghiệp điện tử ở Việt Nam cũng tăng lên đáng kể, từ 256 doanh nghiệp trong năm 2005 đến 1021 doanh nghiệp vào năm 2014. Sự tăng lên về số lượng các doanh nghiệp tạo việc làm đáng kể trong ngành này. Tính trên tổng số việc làm của toàn ngành sản xuất, đóng góp của ngành điện tử tăng từ 1.5% trong năm 2005 lên 7.1% trong năm 2014. Tổng số lao động trong ngành tăng gấp bảy lần từ 46,000 năm 2005 lên 411,000 năm 2014 (báo cáo của Chính phủ 2016).
Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất phần lớn vẫn chỉ giới hạn ở các công đoạn lắp ráp có giá trị gia tăng thấp, sử dụng lượng nhân công lớn và đem lại mức lương thấp, dễ dẫn tới các nguy cơ vi phạm quyền và lợi ích của người lao động. Do đó, năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các đối tác ba bên (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) triển khai Chiến dịch thanh tra lao động trong ngành điện tử.
2.1. Mục đích
Chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp điện tử 2017 hướng tới:
- Nâng cao nhận thức và tăng cường tuân thủ các quy định của pháp luật lao động của người sử dụng lao động, người lao động và của toàn xã hội, qua đó, cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại nơi làm việc.
- Tăng cường hoạt động thanh tra tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật lao động.
- Nắm tình hình thực tế về tuân thủ pháp luật lao động và những bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục.
- Nâng cao năng lực cho thanh tra viên lao động các cấp về phương pháp tiếp cận phòng ngừa trong thanh tra và kỹ năng tư vấn, hướng dẫn và kỹ năng thanh tra dựa trên bảng kiểm.
2.2. Các mục tiêu cụ thể của chiến dịch
- Tăng cường số lượng các doanh nghiệp điện tử được thanh tra, kiểm tra trong năm 2017 nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động. Đến hết năm 2017, 500 doanh nghiệp điện tử được thanh tra, kiểm tra.
- Tại 100% doanh nghiệp được thanh tra, kiến thức của người sử dụng lao động và người lao động về pháp luật lao động, các quy định về an toàn vệ sinh lao động trong lĩnh vực điện tử được nâng cao.
- Nhận thức của toàn xã hội về chấp hành pháp luật lao động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp điện tử được nâng cao.
2.3. Yêu cầu:
Việc tổ chức Chiến dịch phải đảm bảo thống nhất về nội dung, cách thức tiến hành ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó, tập trung vào hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người lao động và người sử dụng lao động.
3.1. Mô hình Chiến dịch
Chiến dịch gồm 2017 có chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động vì sự phát triển bền vững doanh nghiệp điện tử”.
Chiến dịch sẽ bao gồm ba hoạt động: các hoạt động truyền thông; các hoạt động thanh tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp và hoạt động giám sát, tổng kết.
- Hoạt động tuyên truyền: nhằm trang bị cho người sử dụng lao động, người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện tốt chính sách và công tác an toàn, vệ sinh lao động, qua đó nâng cao nhận thức về việc tuân thủ pháp luật, cải thiện điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động.
- Hoạt động thanh tra, tự kiểm tra: Trước hết, doanh nghiệp điện tử sẽ tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động (theo hướng dẫn của cơ quan thanh tra). Sau đó là các hoạt động thanh tra tại các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp điện tử có nhiều vấn đề không tuân thủ nhằm nắm tình hình thực tiễn, hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục, thực hiện các biện pháp chấn chỉnh việc tuân thủ tại nơi làm việc và xử lý những vi phạm trong thực hiện pháp luật lao động.
- Hoạt động giám sát, tổng kết: Thanh tra LĐTBXH kết hợp với các đối tác ba bên giám sát chặt chẽ quá trình triển khai chiến dịch ở các địa phương và chủ trì việc tổng kết, rút kinh nghiệm sau khi kết thúc chiến dịch.
Về mặt địa lý, chiến dịch thanh tra lao động năm 2017 sẽ diễn ra trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, tại một số địa phương sẽ có sự tham gia trực tiếp của Thanh tra Bộ theo kế hoạch thanh tra năm 2017 đã được phê duyệt. Các địa phương còn lại thực hiện chiến dịch dưới sự hướng dẫn trực tiếp về chuyên môn từ Thanh tra Bộ.
Sau khi đánh giá, tổng kết những kết quả đạt được năm 2017, Chiến dịch sẽ được thực hiện ở các lĩnh vực, ngành nghề khác trong những năm tiếp theo.
3.2. Thời gian thực hiện
Việc thực hiện chiến dịch thanh tra sẽ diễn ra từ tháng 03 đến hết tháng 11/2017 theo khung thời gian sơ bộ sau:
- Từ tháng 3 đến tháng 4/2017: Phát động Chiến dịch, triển khai các hoạt động tuyên truyền;
- Từ tháng 4 đến tháng 10/2017: Thực hiện các cuộc thanh tra trực tiếp tại doanh nghiệp, tiếp tục hoạt động truyền thông;
- Từ tháng 10 đến tháng 11/2017: Tổng hợp kết quả và báo cáo tổng kết chiến dịch.
Hoạt động tuyên truyền, truyền thông sẽ tập trung vào các hình thức sau:
4.1. Lễ phát động chiến dịch
Lễ phát động Chiến dịch và công bố kế hoạch thực hiện chiến dịch sẽ được tổ chức vào ngày 15/4/2017 tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Thành phần tham dự sẽ bao gồm: đại diện 3 bên (Bộ LĐTBXH, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam), Hiệp hội doanh nghiệp điện tử; Lãnh đạo Sở và thanh tra các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện Liên đoàn lao động các tỉnh có doanh nghiệp điện tử, đại diện doanh nghiệp điện tử, các cơ quan báo chí.
4.2. Hội thảo ba bên
Tổ chức Hội thảo ba bên để tuyên truyền và cung cấp thông tin về kế hoạch phối hợp chiến dịch cấp địa phương tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Thành phần tham dự Hội thảo sẽ là ba bên cả phía người trình bày và người tham dự. Hội thảo sẽ mời đại diện Thanh tra Sở, Liên đoàn lao động, đại diện hiệp hội các doanh nghiệp của các tỉnh có nhiều doanh nghiệp điện tử.
Nội dung chính của hội thảo sẽ là:
- Trình bày về chiến dịch, mục tiêu và tầm quan trọng.
- Giới thiệu các phương tiện truyền thông, tuyên truyền.
- Những cuộc thanh tra sẽ được thực hiện. Nội dung thanh tra.
- Các tham luận về thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực điện tử.
Chiến dịch thanh tra lao động là chiến dịch do ba bên phối hợp thực hiện, do đó Hội thảo cũng là hội thảo ba bên bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động và công đoàn. Những trình bày về kỹ thuật, về truyền thông và về các vấn đề cần thanh tra sẽ được cơ quan thanh tra, người sử dụng lao động hoặc công đoàn trình bày và thảo luận một cách bình đẳng.
4.3. Tổ chức tuyên truyền cho doanh nghiệp điện tử
02 buổi tuyên truyền về mục đích, nội dung, hình thức của Chiến dịch thanh tra sẽ được thực hiện tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 4/2017. Đối tượng của 02 buổi tuyên truyền là người sử dụng lao động, người lao động của các doanh nghiệp điện tử.
Buổi tuyên truyền do cán bộ của cả 3 bên thực hiện với mục đích giúp nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về tuân thủ pháp luật lao động, giúp hai bên hiểu rõ những quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động,
Tại buổi tuyên truyền, Thanh tra Bộ sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp cách điền phiếu tự kiểm tra pháp luật lao động và trả lời những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hành phiếu tự kiểm tra.
4.4. Tuyên truyền qua tờ rơi, áp phích, sổ tay và các công cụ khác
Những tài liệu này sẽ được xây dựng và phân phát cho người sử dụng lao động, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp điện tử. Các tờ rơi/áp phích, sổ tay sẽ được chuẩn bị, in ấn theo các chủ đề của chiến dịch với các thông điệp thông tin đơn giản. Ngoài ra, có thể in tên của chiến dịch trên các USB, áo mưa để phân phát tới người lao động.
Đối với thanh tra lao động và đối tác ba bên, mục đích và nội dung của chiến dịch có thể được in trong sổ tay để phân phát tới thanh tra viên và đối tác.
4.5. Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng
Internet: Các tài liệu của chiến dịch sẽ được đưa lên trang thông tin điện tử của Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội và các trang thông tin điện tử khác để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới thanh tra viên lao động, người sử dụng lao động và người lao động cũng như các đối tác xã hội. Mặt khác, đây cũng là cơ sở cho việc chuẩn bị chiến dịch thanh tra tại mỗi tỉnh, thành phố.
Thanh tra Bộ sẽ thực hiện đăng các thông tin về chiến dịch thanh tra năm 2017 lên ít nhất 03 tờ báo của ngành và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí khác; thực hiện ít nhất 01 phóng sự tuyên truyền về chiến dịch trên sóng truyền hình. Các hình ảnh, các đoạn phim, các quy định của pháp luật lao động cũng có thể được cung cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các đối tác ba bên cũng thực hiện tuyên truyền tới người sử dụng lao động, người lao động trên các kênh thông tin đại chúng của đơn vị mình.
Ngoài ra, tại mỗi tỉnh, thành phố thực hiện chiến dịch cũng sẽ đăng trên các báo địa phương để tuyên truyền về việc thực hiện chiến dịch.
Hoạt động truyền thông sẽ được thực hiện trước và trong khi tiến hành hoạt động thanh tra.
5.1. Phương pháp thực hiện hoạt động thanh tra
Phương pháp thanh tra:
Thanh tra Bộ xây dựng và hoàn thiện các tài liệu phục vụ công tác thanh tra sau khi tham khảo ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan và được đưa lên trang thông tin điện tử của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa chỉ http://thanhtralaodong.gov.vn. Các nội dung thanh tra cần chú trọng được đưa vào bảng kiểm để các đoàn thanh tra thực hiện theo một nội dung thống nhất dựa trên bảng kiểm có sẵn.
Hoạt động tập huấn về phương pháp tiến hành thanh tra trong khuôn khổ chiến dịch:
Trước khi thực hiện hoạt động thanh tra, các thanh tra lao động sẽ được tập huấn để triển khai chiến dịch thanh tra theo một cách tiếp cận thống nhất. Việc tập huấn này sẽ được tiến hành kết hợp ngay sau khi kết thúc hội thảo ba bên tại Vĩnh Phúc cho Lãnh đạo và cán bộ Thanh tra Sở và sẽ bao gồm những nội dung sau:
- Các cơ sở của chiến dịch.
- Những khái niệm cơ bản về chiến dịch thanh tra lao động.
- Những đặc điểm chính của lĩnh vực điện tử.
- Những nội dung cần kiểm tra trong chiến dịch; cơ sở pháp lý; hướng dẫn cách phát hiện các sai phạm thường gặp.
- Hoạt động, quy trình thanh tra tiến hành trong chiến dịch.
- Các vấn đề về thủ tục. Quản lý hồ sơ thanh tra.
- Báo cáo kết quả thanh tra theo mẫu.
Như vậy, các thanh tra viên trước khi tiến hành thanh tra sẽ được hướng dẫn để thực hiện chiến dịch thanh tra theo cách thống nhất tại các tỉnh, thành phố.
Báo cáo kết quả thanh tra cũng sẽ được thực hiện theo một mẫu thống nhất.
5.2. Khung thời gian, quy mô và nhân sự tiến hành thanh tra
Hoạt động thanh tra sẽ được diễn ra từ tháng 4/2017 đến tháng 10/2017. Tổ chức đoàn thanh tra sẽ do Chánh thanh tra Bộ và Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố quyết định. Các đoàn thanh tra liên ngành sẽ được thành lập để tăng cường sự tham gia của đối tác ba bên trong hoạt động thanh tra.
Về quy mô: Thanh tra toàn bộ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp điện tử trong địa bàn cả nước.
Thời gian tiến hành thanh tra tại 01 doanh nghiệp là 01 ngày.
Trình tự, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra theo đúng quy định tại Luật Thanh tra và Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ.
5.3. Các nội dung thanh tra cần được chú trọng
Nội dung thanh tra cần chú trọng vào những vấn đề sau:
1. Ký kết và thực hiện Hợp đồng lao động
Giao kết hợp đồng lao động, các loại hợp đồng lao động, nội dung hợp đồng lao động.
Thực hiện công việc theo hợp đồng lao động, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động.
Thuê lại, cho thuê lại lao động.
2. Đối thoại, thương lượng tập thể, thỏa ước LĐTT
Hình thức, nội dung, thời gian đối thoại tại nơi làm việc
Nội dung, quy trình thương lượng tập thể
Ký kết và thực hiện thỏa ước LĐTT
3. - Điều kiện làm việc: Thời giờ làm việc, tiền lương
Thực hiện các quy định về thời giờ làm việc, việc làm thêm giờ.
Tiền lương của người lao động làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ vào ban đêm, ngày thường, ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, ngày tết
4- Bảo hiểm xã hội
Số người thuộc diện phải tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Số tiền phải nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội, số tiền còn nợ.
Việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động
5- An toàn, vệ sinh lao động
- Thống kê lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Bố trí người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động
- Trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế để bảo đảm ứng cứu, sơ cứu kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn lao động
- Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại
- Xây dựng nội quy, quy trình làm việc bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với từng loại máy, thiết bị, nơi làm việc
- Tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động
- Kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động
- Quan trắc môi trường lao động; Các biện pháp kỹ thuật nhằm cải thiện điều kiện, môi trường làm việc
- Đảm bảo an toàn điện, phòng cháy, chữa cháy, hóa chất.
- Khám sức khỏe cho người lao động
VI. VAI TRÒ CỦA CÁC ĐỐI TÁC XÃ HỘI
Vai trò của các đối tác xã hội rất quan trọng trong việc thực hiện chiến dịch thanh tra, đặc biệt là trong việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về pháp luật lao động tới người sử dụng lao động và người lao động. Các đối tác xã hội có thể tham gia vào các bước của chiến dịch thanh tra:
- Hoạt động truyền thông, tuyên truyền
Hoạt động truyền thông, tuyên truyền, phổ biến sẽ được xây dựng trên cơ sở ba bên, các hình thức để thực hiện hoạt động tuyên truyền đã được đề cập ở phần trên.
Bộ LĐTB&XH phối hợp với các đối tác xã hội thông qua các kênh thông tin, truyền thông của cơ quan mình thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến sau:
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung, tài liệu của chiến dịch tới Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố và tới công đoàn các doanh nghiệp điện tử.
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp điện tử tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung, tài liệu của chiến dịch tới các Phòng Thương mại và Công nghiệp tại các tỉnh, thành phố; tới hiệp hội doanh nghiệp điện tử và tới người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp.
Hoạt động truyền thông sẽ giúp doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động nâng cao nhận thức về việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc của người lao động trong các xưởng sản xuất.
- Hội thảo ba bên
Trong hội thảo ba bên, đại diện người sử dụng lao động, người lao động sẽ trình bày các tham luận về việc thực hiện các nội dung về an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp điện tử; các góp ý và đề xuất để triển khai Chiến dịch.
Các bản hướng dẫn thực hiện Chiến dịch sẽ được phân phát cho các đối tác xã hội, để thực hiện chiến dịch tuyên truyền phổ biến phù hợp khi kiểm tra tình hình hoạt động tại các doanh nghiệp.
- Thanh tra
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và ở cấp tỉnh có thể cử cán bộ tham gia các đoàn thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở thành lập. Để vai trò này được thực hiện thuận lợi, tài liệu chiến dịch sẽ được phân phát từ khi bắt đầu chiến dịch tại mỗi tỉnh cho các đối tác ba bên.
- Đánh giá
Sau khi hoàn thành thanh tra tại một doanh nghiệp và có các kiến nghị để doanh nghiệp thực hiện, các đoàn thanh tra sẽ tổ chức đến kiểm tra việc thực hiện kiến nghị của doanh nghiệp sau chiến dịch để đánh giá kết quả của hoạt động truyền thông và hoạt động thanh tra. Tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp, công đoàn cấp trên theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị của doanh nghiệp.
Hình thức đánh giá chủ yếu vẫn dựa trên báo cáo bằng văn bản và có các tài liệu cụ thể chứng minh việc khắc phục các vi phạm của doanh nghiệp.
7.1. Lịch trình
Việc đánh giá để xem xét mục tiêu của chiến dịch có được hoàn thành hay không và mục đích của chiến dịch có đạt được không.
Việc đánh giá cần thực hiện ở cả hai hoạt động chính là hoạt động truyền thông và hoạt động thanh tra.
Hai hoạt động chính này sẽ diễn ra song song với nhau trong suốt chiến dịch. Do đó, để đánh giá sự thành công của chiến dịch, có thể sử dụng phương pháp khảo sát, đánh giá bằng cách thực hiện một cuộc kiểm tra doanh nghiệp lần thứ hai. Một tháng sau khi hoàn thành thanh tra, đoàn thanh tra sẽ đến làm việc lần thứ hai tại nơi làm việc để đánh giá nỗ lực của chiến dịch đối với doanh nghiệp đó.
7.2. Phương pháp đánh giá
Như đã nêu trên, chiến dịch này có hai nội dung, các hoạt động truyền thông và thanh tra. Các hoạt động phải được đánh giá như sự kết hợp của cả hai, trong một tổng thể.
Hoạt động truyền thông
Đánh giá thành công của Buổi tuyên truyền: người tham dự hội thảo sẽ trả lời một bảng khảo sát đơn giản, có thể là 10 câu hỏi hoặc hơn. Bảng khảo sát này sẽ nhằm vào việc so sánh xem kiến thức về pháp luật lao động ra sao trước và sau hội thảo, sau đó sẽ có ý kiến về chất lượng của hội thảo.
Về tờ rơi, áp phích, sổ tay và các công cụ khác: số các tài liệu được phân phát là cơ sở để đánh giá. Có thể sử dụng các cuộc thăm dò ý kiến giữa người sử dụng lao động và đại diện người lao động về việc nắm bắt pháp luật lao động trước và sau khi có chiến dịch.
Mặt khác, khi tiến hành thanh tra ở nơi làm việc cũng có thể kiểm tra xem những tài liệu đó có được phân phát và đưa đến nơi làm việc hay không. Và các đoàn thanh tra sẽ kiểm tra xem các hoạt động phổ biến đã sửa đổi hoặc thúc đẩy các điều kiện làm việc ở các doanh nghiệp hay chưa.
Đối với các tin, phóng sự: có thể sử dụng phương pháp xem lượng truy cập, lượng tin bài, lượng tài liệu được tải về từ các trang thông tin điện tử, số lượng người xem phóng sự truyền hình để đánh giá mức độ thành công của hoạt động.
Ngoài ra, kết quả hoạt động thanh tra cũng sẽ được so sánh với kết quả của việc khoanh vùng tuân thủ (qua đợt khảo sát 17 doanh nghiệp điện tử tháng 4/2016) để so sánh về hành vi, mức độ vi phạm, từ đó đánh giá về nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động sau khi đã được thông tin, tuyên truyền qua chiến dịch thanh tra.
Hoạt động thanh tra
Hoạt động thanh tra sẽ được đánh giá ở ba nhóm.
- Số lượng doanh nghiệp điện tử được thanh tra trong chiến dịch.
- Chất lượng của hoạt động thanh tra cũng được xem xét, đánh giá. Việc thực hiện thanh tra tại các tỉnh, thành phố đúng theo quy trình, hướng dẫn, báo cáo đầy đủ, kịp thời thể hiện được trách nhiệm của các đoàn thanh tra.
- Việc đến nơi làm việc để thanh tra lần thứ hai sau khi hoàn thành hồ sơ một tháng sẽ đánh giá tác động của chiến dịch đối với nơi làm việc thông qua chiến dịch thanh tra, đánh giá sự thay đổi của doanh nghiệp sau 2 lần kiểm tra.
- Ngoài ra, việc đôn đốc doanh nghiệp gửi báo cáo kết quả việc thực hiện kiến nghị cũng là cơ sở để đánh giá sự hoàn thành hoạt động thanh tra.
VIII. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN, TỔNG KẾT VÀ BÁO CÁO
Lộ trình tổ chức thực hiện Chiến dịch theo Phụ lục đính kèm.
Sau khi kết thúc Chiến dịch và hoàn thành việc đánh giá, Thanh tra Bộ LĐTBXH sẽ tổng hợp, xây dựng báo cáo, tổ chức tổng kết Chiến dịch thanh tra lao động năm 2017 trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp điện tử.
Thời gian dự kiến | Hoạt động | Tổ chức thực hiện |
Tháng 2- 3/2017 | Xây dựng kế hoạch: - Xây dựng các tài liệu: đề cương thanh tra, hướng dẫn thực hiện, biểu mẫu báo cáo, xây dựng nội dung sổ tay, tờ rơi, áp phích. - In các ấn phẩm, công cụ tuyên truyền | Thanh tra Bộ (phối hợp với ILO) |
Từ tháng 3/2017 | Hoạt động tuyên truyền: - Gửi các tờ rơi, sổ tay tới doanh nghiệp - Thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng: báo, đài, ti vi... | - Thanh tra Bộ phối hợp ILO và các đối tác 3 bên thực hiện |
15/4/2017 | Lễ phát động chiến dịch thanh tra lao động năm 2017 trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp điện tử | - Thanh tra Bộ phối hợp ILO và các đối tác 3 bên thực hiện Địa điểm: tỉnh Vĩnh Phúc |
15/4/2017 | Hội thảo ba bên: Tổ chức hội thảo ba bên với đại diện người sử dụng lao động, người lao động để tuyên truyền về chiến dịch | - Thanh tra Bộ phối hợp ILO và các đối tác 3 bên thực hiện Địa điểm: tỉnh Vĩnh Phúc |
16/4/2017 | Tổ chức tập huấn chuyên môn cho Thanh tra lao động các địa phương | - Thanh tra Bộ phối hợp ILO tập huấn cho thanh tra lao động Địa điểm: tỉnh Vĩnh Phúc |
20/4/2017 | Tổ chức 02 buổi tuyên truyền cho các doanh nghiệp điện tử | Thanh tra Bộ phối hợp ILO và các đối tác 3 bên Địa điểm: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh |
Tháng 4-10 /2017 | Tổ chức các đoàn thanh tra | Thành lập Đoàn thanh tra liên ngành ở cấp Trung ương, địa phương để thanh tra tại các doanh nghiệp điện tử |
Tháng 10-11 /2017 | Đánh giá kết quả chiến dịch: | Thanh tra Bộ phối hợp với Thanh tra Sở, tổ chức ILO và các đối tác 3 bên thực hiện |
Tháng 11/2017 | Tổng kết chiến dịch Báo cáo tổng hợp, bài học kinh nghiệm Biểu dương những địa phương, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện tốt | Thanh tra Bộ phối hợp với ILO và các đối tác ba bên thực hiện. |
DANH SÁCH CÁC TỈNH CÓ DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ
STT | Tỉnh/ Thành phố | Ghi chú |
1 | Thái Nguyên |
|
2 | Hòa Bình |
|
3 | Phú Thọ |
|
4 | Bắc Giang |
|
5 | Hà Nội |
|
6 | Vĩnh Phúc |
|
7 | Bắc Ninh |
|
8 | Hưng Yên |
|
9 | Hải Dương |
|
10 | Hải Phòng |
|
11 | Thái Bình |
|
12 | Nam Định |
|
13 | Hà Nam |
|
14 | Ninh Bình |
|
15 | Thanh Hóa |
|
16 | Thừa Thiên Huế |
|
17 | Đà Nẵng |
|
18 | Thành phố Hồ Chí Minh |
|
19 | Đồng Nai |
|
20 | Bình Dương |
|
21 | Long An |
|
22 | Cần Thơ |
|
- 1Công văn 4251/LĐTBXH-TTr năm 2014 hướng dẫn công tác thanh tra năm 2015 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 2Thông tư 14/2015/TT-BLĐTBXH Quy định về thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 3Kế hoạch 3014/KH-UBND năm 2014 thực hiện Đề án nâng cao năng lực thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đến năm 2020 do tỉnh Cao Bằng ban hành
- 4Quyết định 916/QĐ-LĐTBXH năm 2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- 1Luật thanh tra 2010
- 2Thông tư 05/2014/TT-TTCP về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành
- 3Công văn 4251/LĐTBXH-TTr năm 2014 hướng dẫn công tác thanh tra năm 2015 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 4Thông tư 14/2015/TT-BLĐTBXH Quy định về thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 5Kế hoạch 3014/KH-UBND năm 2014 thực hiện Đề án nâng cao năng lực thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đến năm 2020 do tỉnh Cao Bằng ban hành
- 6Quyết định 916/QĐ-LĐTBXH năm 2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Công văn 2152/LĐTBXH-TTr chỉ đạo các đơn vị phối hợp thực hiện Chiến dịch thanh tra lao động năm 2017 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- Số hiệu: 2152/LĐTBXH-TTr
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 01/06/2017
- Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Người ký: Doãn Mậu Diệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/06/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra