Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 212/LĐTBXH-BĐG
V/v hướng dẫn thực hiện Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 -2025

Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2021

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 28 tháng 12 năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2232/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

Để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả các hoạt động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở các cấp, các ngành trong toàn quốc nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình đề ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện Chương trình trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

1. Xây dựng các chỉ tiêu

Trên cơ sở các chỉ tiêu của Chương trình, các tỉnh, thành phố rà soát xây dựng các chỉ tiêu của từng năm và đến năm 2025 cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

2. Truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

- Đa dạng hóa các loại hình, hoạt động truyền thông trực tiếp và trực tuyến cho phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chú trọng sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng, nam giới, thanh thiếu niên nhằm tạo sự thay đổi trong xã hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong truyền thông xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động các nhà hoạch định chính sách đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như: tọa đàm, hội thảo, tập huấn, đối thoại trên truyền hình, mạng xã hội,...

- Thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong cộng đồng thông qua các hình thức như: hội thi kiến thức, kỹ năng, tranh biện, giao lưu nghệ thuật, sự kiện đường phố, các hoạt động thể thao, văn nghệ quần chúng, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội,...

- Mở rộng các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi hành vi và trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người bị bạo lực, người có nguy cơ bị bạo lực, người gây bạo lực và người có nguy cơ gây bạo lực như: hội thảo, tọa đàm, tập huấn, hội thi kiến thức, kỹ năng, thảo luận nhóm, tư vấn hỗ trợ cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp,...

- Tăng cường công tác truyền thông, phòng ngừa thông qua các hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng, tập trung ở các khu vực miền núi, địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thấp, còn tồn tại nhiều định kiến giới; các hoạt động tuyên truyền mang tính tương tác cao tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, trường học,...

- Xây dựng mạng lưới người có ảnh hưởng trong xã hội để truyền tải thông điệp về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; biểu dương, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

- Tuyên truyền về các mô hình, các dịch vụ về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng và tại các trung tâm công công tác xã hội, cơ sở khám chữa bệnh,... để người dân biết, sử dụng.

- Biên soạn và phát hành, xuất bản, nhân bản các tài liệu, sản phẩm truyền thông về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

- Xây dựng các phương án, giải pháp truyền thông phù hợp trong các trường hợp đặc biệt như dịch bệnh, thiên tai trên diện rộng; chú trọng công tác truyền thông, phòng ngừa, ứng phó và giải quyết bạo lực trên cơ sở giới ở các vùng dịch bệnh, thiên tai và các khu vực cách ly.

3. Duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả các mô hình, cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

- Đối với các mô hình đã được hình thành tại cộng đồng như: mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở cộng đồng; mô hình Câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài; mô hình Trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực và các mô hình liên quan đang được triển khai bởi các cơ quan, đoàn thể tại địa phương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

+ Rà soát, đánh giá hiệu quả của các mô hình để có phương án hỗ trợ hoạt động và mở rộng phạm vi theo hướng tăng đối tượng tham gia, tăng lợi ích của các dịch vụ, đảm bảo tính sẵn sàng hỗ trợ các nhóm đối tượng liên quan khi có nhu cầu được trợ giúp.

+ Tăng cường các hình thức tuyên truyền về mô hình để người dân biết và sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.

+ Nhân rộng ra các địa bàn khác và đồng thời tổ chức các hoạt động thăm quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương triển khai mô hình.

+ Nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên nòng cốt, thi đua, khen thưởng, biểu dương bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện của địa phương.

- Đối với các mô hình cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã được xây dựng tại các trung tâm công tác xã hội, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

+ Rà soát để có phương án bố trí kinh phí, đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động và cơ sở vật chất.

+ Đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng liên quan cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, người gây bạo lực.

+ Xây dựng cơ chế phối hợp liên cơ quan để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực.

+ Mở rộng mạng lưới cộng tác viên. Kết nối, hỗ trợ các mô hình tại cộng đồng trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực.

+ Tuyên truyền về các dịch vụ đang được cung cấp tại trung tâm để người dân biết và tiếp cận sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.

- Đối với các mô hình thí điểm mới:

+ Mô hình phòng, chống quấy rối tình dục tại doanh nghiệp: phối hợp với Liên đoàn lao động, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp đóng trên địa bàn để nghiên cứu triển khai thí điểm mô hình.

+ Mô hình thành phố/làng quê an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em; Mô hình nam giới tiên phong trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Mô hình Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật,...: Khảo sát, lựa chọn mô hình phù hợp để triển khai ở địa phương; xây dựng và triển khai mô hình theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chủ trì triển khai mô hình.

4. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công tác bình đẳng giới và nhân viên, cộng tác viên tham gia triển khai các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan xây dựng, biên soạn, phát triển các tài liệu tập huấn nghiệp vụ về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; các địa phương sử dụng để tổ chức các lớp tập huấn.

- Tổ chức các khóa tập huấn kiến thức, kỹ năng liên quan:

+ Kiến thức chung về phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho cán bộ, công chức làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

+ Kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, cộng tác viên tham gia triển khai các mô hình liên quan tại địa phương.

+ Tập huấn giảng viên nguồn về một số kiến thức, kỹ năng chuyên sâu liên quan hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, người gây bạo lực.

+ Kiến thức, kỹ năng dành cho người cung cấp dịch vụ bao gồm: hỗ trợ khẩn cấp khi có bạo lực xảy ra; điều phối, kết nối dịch vụ và chuyển tuyến; tư vấn, tham vấn; quản lý ca; kiến thức, kỹ năng làm việc với người gây bạo lực.

+ Kiến thức, kỹ năng dành cho người bị bạo lực/người có nguy cơ bị bạo lực và người gây bạo lực/người có nguy cơ gây bạo lực.

- Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đối thoại chính sách, nói chuyện chuyên đề, tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới.

5. Tăng cường thanh tra, kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

- Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới định kỹ hoặc đột xuất với sự tham gia của đại diện các ngành như Công an, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Liên đoàn lao động,...

- Lồng ghép công tác kiểm tra về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong triển khai nhiệm vụ chuyên môn có liên quan của các ngành tại địa phương.

- Kiểm tra, xác minh khi có thông tin về vụ việc bạo lực trên cơ sở giới xảy ra trong phạm vi cơ quan, tổ chức, địa phương và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền liên quan xử lý vi phạm pháp luật đối với người gây bạo lực và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân.

6. Về kinh phí thực hiện Chương trình

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí kinh phí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan; huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Chương trình.

- Đối với các nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù (như chi triển khai các mô hình), Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức chi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Khuyến khích các địa phương tích cực huy động các nguồn tài trợ, viện trợ quốc tế và huy động từ xã hội, cộng đồng, các nguồn hợp pháp khác để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, mô hình của Chương trình.

- Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan được giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định, đồng thời gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, tổng hợp.

7. Thu thập số liệu và báo cáo

Hằng năm, các tỉnh, thành phố thu thập, tổng hợp thông tin, số liệu liên quan theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và xây dựng báo cáo việc thực hiện Chương trình gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 15/12 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trên đây là hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Vụ Bình đẳng giới) để phối hợp xử lý./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, Vụ BĐG.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Hà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 212/LĐTBXH-BĐG năm 2021 hướng dẫn thực hiện Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 212/LĐTBXH-BĐG
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 26/01/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản