Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2115/BKHCN-CNN
V/v tham gia ý kiến đối với công nghệ sản xuất PVC

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2017

 

Kính gửi: Tổng cục Hải quan

Phúc đáp Công văn số 4179/TCHQ-TXNK ngày 23 tháng 6 năm 2017 của Tổng cục Hải quan về việc tham gia ý kiến liên quan đến việc phân loại mặt hàng Poly vinyl clorua (PVC) sản xuất theo công nghệ vi huyền phù, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có ý kiến như sau:

1. Phân biệt công nghệ huyền phù và công nghệ nhũ tương

- Công nghệ huyền phù là trùng hợp các monome dưới dạng giọt rất nhỏ từ vài mm đến 0,1mm trong một môi trường phân tán liên tục thường là nước. Bằng phương pháp khuấy cơ học hỗn hợp nguyên liệu gồm monome vinyl clorua (VCM), chất ổn định huyền phù, chất điều chỉnh pH và chất khơi mào tan trong monome, sản phẩm tạo ra là các khối cầu hình tròn, kích thước khác nhau. Quá trình trùng hợp xảy ra trong khối monome nên về mặt hoá học quá trình này tương tự như phương pháp trùng hợp khối.

- Công nghệ nhũ tương là trùng hợp các monome, môi trường phân tán cũng thường sử dụng nước, Hỗn hợp nguyên liệu là monome, chất nhũ hóa sử dụng thường là các loại xà phòng như oleeat, palmitat, laurat kim loại kiềm, muối natri của các sunpho axit thơm, chất khơi mào tan trong nước. Các chất nhũ bao quanh monome tạo thành các mixen tạo ra hệ bền vững dù không khuấy trộn tạo ra các hạt nhỏ, sản phẩm của phương pháp này thường là dạng bột, hình dạng không xác định. Do chất khơi mào tan trong nước nên quá trình trùng hợp xảy ra trên bề mặt phân chia pha giữa pha nước và pha hữu cơ (nên vẫn cần khuấy trộn để phản ứng có thể xảy ra).

Như vậy về bản chất của 2 loại công nghệ này khác nhau, với công nghệ huyền phù chất khơi mào tan trong monome, công nghệ nhũ tương chất khơi mào không tan trong monome mà tan trong môi trường phân tán như nước.

2. Công nghệ vi huyền phù cũng được coi là công nghệ huyền phù, bởi vì bản chất công nghệ là giống nhau (chất khơi mào tan trong monome), nhưng công nghệ vi huyền phù có tốc độ khấy cao hơn, chất phân tán nhiều hơn... sẽ tạo ra hạt có kích thước nhỏ hơn.

3. Phân biệt giữa sản phẩm PVC được sản xuất từ các công nghệ trên

- PVC sản xuất theo công nghệ huyền phù thường tạo ra sản phẩm dạng hạt hình tròn.

- PVC sản xuất theo công nghệ vi huyền phù sẽ tạo ra sản phẩm dạng bột, về cơ bản vẫn có kích thước hình tròn.

- PVC sản xuất theo công nghệ nhũ tương thường tạo ra sản phẩm dạng bột, không có hình dạng cụ thể.

4. Để có đầy đủ hơn cơ sở trong việc xác định, phân loại mặt hàng PVC sản xuất theo công nghệ vi huyền phù theo Phụ lục I của Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 01/7/2015 của Bộ Tài chính cần bổ sung quy trình công nghệ sản xuất, chỉ tiêu chất lượng sản phẩm (chỉ số chảy, độ tan...) và yêu cầu cung cấp mã số trên sản phẩm tương tự của một số nước trong khu vực.

Trên đây là ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ xin gửi Quý Tổng cục để tham khảo, xử lý./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, CNN.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CÁC NGÀNH KINH TẾ KỸ THUẬT
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Phú Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2115/BKHCN-CNN năm 2017 về tham gia ý kiến đối với công nghệ sản xuất Poly vinyl clorua do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 2115/BKHCN-CNN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 29/06/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Người ký: Nguyễn Phú Hùng
  • Ngày công báo: Không có
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/06/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản