Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2105/LĐTBXH-VP | Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2011 |
Kính gửi: Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Trả lời Công văn số 134/BDN ngày 18 tháng 5 năm 2011 của Ban Dân nguyện về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xin báo cáo như sau:
1. Đề nghị Nhà nước tiếp tục có những cơ chế, chính sách ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động tuyển dụng nhiều lao động nữ (Cử tri tỉnh Lạng Sơn – KN số 32).
Hiện nay, pháp luật lao động đã có một chương quy định riêng cho lao động nữ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/CP ngày 18/4/1996 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về những quy định riêng đối với lao động nữ, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 03/LĐTBXH-TT ngày 13/01/1997, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 79/1997/TT-BTC ngày 06/11/1997, trong đó quy định nhiều chính sách đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ như cho vay vốn với lãi suất thấp từ quỹ quốc gia về việc làm; trường hợp khó khăn về tài chính không tự giải quyết việc điều chuyển lao động nữ đang làm các công việc thuộc danh mục cấm sử dụng lao động nữ sang làm công việc khác thích hợp thì doanh nghiệp được lập dự án xin kinh phí hỗ trợ một lần từ quỹ quốc gia về việc làm; được ưu tiên sử dụng một phần trong tổng số vốn đầu tư hàng năm của doanh nghiệp để chi cho việc cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ; được xét giảm thuế; giảm thuế lợi tức với mức giảm không thấp hơn các khoản chi phí thêm do sử dụng nhiều lao động nữ mà doanh nghiệp tính được; được hạch toán vào chi phí hợp lệ các khoản chi thêm đối với lao động nữ …
Tuy nhiên, chính sách hiện hành vẫn chưa khuyến khích được doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, vì vậy trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Lao động, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cùng với các Bộ, ngành cũng đang nghiên cứu đưa vào những quy định cụ thể hơn để bảo vệ lao động nữ và khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ.
2. Hiện nay, tranh chấp giữa người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện hợp đồng lao động diễn ra ngày một nhiều. Trong khi đó chưa có quy định cụ thể cho phép người lao động dừng việc tập thể nếu người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động với người lao động sau khi hòa giải không thành cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó, Chủ tịch công đoàn ở các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước là người của chủ sử dụng lao động, họ ăn lương giới chủ, làm chuyên môn cho chủ sử dụng lao động, điều đó có nghĩa là họ làm để phục vụ giới chủ, không thể đại diện cho người lao động được. Bởi vậy, cán bộ công đoàn cơ sở đứng ra tổ chức, lãnh đạo đình công bảo vệ người lao động là không khả thi. Đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề trên (Cử tri tỉnh Hải Dương – KN số 34).
Về quan hệ lao động, hiện nay Nhà nước đã ban hành Bộ luật Lao động quy định quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động và đại diện người lao động là công đoàn cơ sở. Tổ chức công đoàn cơ sở có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động, đại diện cho người lao động tham gia vào quá trình thương lượng tập thể. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn hoặc có tổ chức công đoàn cơ sở nhưng không đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động, dẫn đến tranh chấp lao động và đình công không theo trình tự quy định của pháp luật.
Để nâng cao vai trò, năng lực của tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp nhằm từng bước giải quyết vấn đề nêu trên, đề nghị cử tri kiến nghị với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có các giải pháp tăng cường năng lực cho các tổ chức công đoàn cơ sở; kiến nghị các cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động đến người lao động và người sử dụng lao động, tăng cường kiểm tra, thanh tra để hạn chế tranh chấp lao động và đình công.
Về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi trình Quốc hội Bộ luật Lao động, tăng cường quản lý nhà nước về lao động trong đó chú trọng từ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động đến thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, xây dựng các thiết chế hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.
3. Văn bản hướng dẫn về mức lương cơ bản tại khu vực doanh nghiệp rất chậm. Khi Chính phủ đã công bố mức lương cơ bản áp dụng tại khu vực doanh nghiệp nhưng chậm hướng dẫn cách áp dụng nên doanh nghiệp vẫn áp dụng theo mức lương cơ bản cũ. Khi có văn bản hướng dẫn (thường là cách 5,6 tháng) lại yêu cầu áp dụng mức lương cơ bản từ thời điểm Nghị định của Chính phủ có hiệu lực làm các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí để nâng mức lương cơ bản cho người hưởng lương. Đề nghị Chính phủ khi ban hành Nghị định về nâng mức lương cơ bản thì phải có văn bản hướng dẫn áp dụng ngay (Cử tri tỉnh Cao Bằng – KN số 42).
Theo quy định của Bộ luật Lao động, thì việc điều chỉnh tiền lương là trách nhiệm của doanh nghiệp và theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Chính phủ chỉ quy định mức lương tối thiểu vùng (không quy định mức lương cơ bản) là mức sàn thấp mà người sử dụng lao động thỏa thuận tiền lương và trả lương cho người lao động không được thấp hơn mức này.
Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 01/01 hàng năm phù hợp với năm tài chính của doanh nghiệp. Để thuận lợi cho doanh nghiệp chuẩn bị phương án sản xuất, bố trí nguồn trả lương, Chính phủ đã công bố vào tháng 10 để áp dụng vào ngày 01/01 năm sau.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đều ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện ngay. Việc cử tri phản ánh có thể là do các địa phương triển khai tập huấn cho các doanh nghiệp triển khai chậm. Vì vậy, một mặt cử tri cần đề nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có kế hoạch triển khai ngay. Mặt khác, trên giác độ quản lý nhà nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ trao đổi, yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm triển khai trên địa bàn quản lý.
4. Hiện nay, theo chế độ tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp thì mức chênh lệch tiền lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp trong nước giữa Vùng I so với vùng III, IV là chưa thật sự hợp lý. Đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh (Cử tri tỉnh Điện Biên – KN số 45).
Theo lộ trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu giai đoạn 2008 – 2012, Chính phủ sẽ điều chỉnh tăng dần mức lương tối thiểu và điều chỉnh bất hợp lý giữa các vùng. Hiện nay mức lương tối thiểu vùng IV gắn với mức lương tối thiểu chung (mức lương này để tính các mức lương trong khu vực hành chính và phụ thuộc vào khả năng ngân sách nhà nước), dẫn đến chênh lệch mức lương tối thiểu giữa các vùng, nhất là vùng I so với vùng III, vùng IV. Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu tách tiền lương tối thiểu vùng IV ra khỏi tiền lương tối thiểu chung, từ đó điều chỉnh mức lương tối thiểu giữa các vùng cho phù hợp.
5. Cử tri phản ánh hiện nay đời sống của công nhân lao động trong các khu công nghiệp – khu chế xuất gặp rất nhiều khó khăn, với đồng lương thấp trong khi giá cả thị trường ngày càng tăng, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Đề nghị Nhà nước cần có chính sách tiền lương phù hợp, quan tâm hơn đến đời sống vật chất, tinh thần để người lao động có điều kiện ổn định cuộc sống (Cử tri thành phố Hồ Chí Minh – KN số 46).
Thực hiện lộ trình của Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008 – 2012, hàng năm Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu nhằm thực hiện 2 mục tiêu: bảo đảm tiền lương thực tế của người lao động và thực hiện thống nhất mức lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 05/6/2011 của Chính phủ, hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tính toán trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho các năm tiếp theo nhằm thực hiện các mục tiêu nêu trên.
Tuy nhiên, việc trả lương, điều chỉnh tiền lương là trách nhiệm của doanh nghiệp và theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Vì vậy, trong điều kiện chỉ số giá sinh hoạt tăng, đời sống của người lao động gặp khó khăn, đề nghị cử tri kiến nghị với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đặt ra tại Thông báo số 318/TB-VP ngày 20/5/2011 của Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về nội dung kết luận của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân tại buổi làm việc với các doanh nghiệp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động.
6. Cử tri tiếp tục kiến nghị Nhà nước cần quan tâm và có chính sách điều chỉnh lương hưu hợp lý cho cán bộ quân đội nghỉ hưu trước năm 1975 sao cho tương đương với những người tham gia quan đội nghỉ sau năm 1975. Vì lương, phụ cấp của các đối tượng này chênh lệch quá cao tạo ra sự bất bình đẳng (Cử tri tỉnh Thái Bình – KN số 9).
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) “mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH”, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính trên cơ sở thời gian đóng BHXH và mức tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ tính đóng BHXH. Đối với những người có cùng thời gian công tác như nhau thì tiền lương hưu cao hơn hay thấp hơn sẽ phụ thuộc vào mức tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Việc điều chỉnh lương hưu phụ thuộc vào mức lương hưu hiện hưởng và trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã thực hiện 5 lần điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, theo đó lương hưu của người nghỉ hưu đã được điều chỉnh tăng thêm 85% so với mức lương hưu của tháng 12/2007 nhằm đảm bảo đời sống của người nghỉ hưu. Như vậy, với việc điều chỉnh lương hưu trong thời gian qua đã đảm bảo được nguyên tắc điều chỉnh, từng bước phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước và mặt bằng chính sách xã hội chung.
Việc khắc phục sự chênh lệch lương hưu giữa các thời kỳ cũng đã được Chính phủ chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên không thực hiện triệt để được vì mức đóng BHXH mỗi thời kỳ khác nhau dẫn đến mức lương hưu được hưởng cũng khác nhau.
7. Đề nghị Chính phủ xem xét tăng chế độ trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ hưu trí xã, phường công tác trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 1980, có thời gian công tác liên tục từ 15 năm trở lên (Cử tri tỉnh Lạng Sơn – KN số 20).
Việc nghiên cứu, xem xét tăng chế độ trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã, phường công tác trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 1980 thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ. Đề nghị Ban Dân nguyện chuyển nội dung kiến nghị của cử tri đến Bộ Nội vụ để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
8. Đề nghị Chính phủ nâng tỷ lệ phần trăm lương hưu từ 75% lên 85% (Cử tri tỉnh Cà Mau – KN số 22).
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện theo quy định được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với mười lăm năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. Việc tăng lên 85% là không thực hiện được nếu không tăng mức đóng BHXH hàng tháng lên và nâng số tháng đóng BHXH lên.
Kinh nghiệm của hầu hết các nước trên thế giới cho thấy tỷ lệ hưởng lương hưu cơ bản (BHXH bắt buộc) của các nước thường dao động từ khoảng 50% đến 65% tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và khả năng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội của từng quốc gia, phần cao hơn có được dưới hình thức quỹ hưu trí bổ sung.
9. Lương hưu của lực lượng quân đội thấp, không phù hợp với thực tế, đề nghị ngành chức năng xem xét và có chủ trương nâng mức lương hưu của cán bộ công tác trong ngành quân đội (Cử tri tỉnh An Giang và Tiền Giang – KN số 23).
Theo quy định của Luật BHXH “mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH”, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính trên cơ sở thời gian đóng BHXH và mức tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ tính đóng BHXH. Đối với những người có cùng thời gian công tác như nhau thì tiền lương hưu cao hơn hay thấp hơn sẽ phụ thuộc vào mức tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế.
Thực hiện quy định nêu trên của Luật Bảo hiểm xã hội, từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã thực hiện 5 lần điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, theo đó lương hưu của người nghỉ hưu (kể cả lực lượng vũ trang) đã được điều chỉnh tăng thêm 85% so với mức lương hưu của tháng 12/2007. Theo số liệu báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay mức lương hưu bình quân của lực lượng vũ trang là gần 4,5 triệu đồng/tháng, trong khi mức lương hưu bình quân của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (khối dân sự) bình quân chỉ gần 2,3 triệu đồng/tháng.
Hằng năm, theo lộ trình cải cách tiền lương, căn cứ vào kết quả tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng của Quỹ bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục điều chỉnh tăng dần lương hưu.
10. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc chi trả phụ cấp khu vực một lần trước đây đã thu để đóng bảo hiểm xã hội (Cử tri tỉnh Lâm Đồng – KN số 24).
Trước ngày 01/01/2007, theo quy định của Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ thì người lao động có hưởng phụ cấp khu vực thì trong tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bao gồm cả phụ cấp khu vực.
Từ ngày 01/01/2007 trở đi, theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thực hiện thì: tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của người lao động tham gia BHXH bắt buộc không bao gồm phụ cấp khu vực; người lao động nghỉ việc đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần kể từ ngày 01/01/2007 trở đi sẽ không có khoản phụ cấp khu vực trong lương hưu hàng tháng, nếu trước thời điểm nghỉ hưu đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực, thì ngoài hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần theo quy định còn được hưởng trợ cấp một lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng bảo hiểm xã hội. Riêng đối với người đang hưởng phụ cấp khu vực trong lương hưu hàng tháng từ trước ngày 01/01/2007 mà vẫn cư trú tại nơi có phụ cấp khu vực thì được hưởng phụ cấp khu vực theo mức hiện hưởng.
Như vậy, với các quy định trên đã thực hiện nguyên tắc hưởng trên cơ sở mức đóng của bảo hiểm xã hội, quy định chuyển tiếp về chính sách đối với đối tượng thụ hưởng trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực, đảm bảo được quyền lợi của người lao động đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội có bao gồm phụ cấp khu vực nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực.
11. Cử tri cho rằng mặc dù Chính phủ đã thực hiện việc cải cách tiền lương, nhưng lộ trình tăng lương còn nhiều vấn đề bất hợp lý: tăng lương chậm hơn nhiều so với tăng giá tiêu dùng, những người nghỉ hưu có vị trí công tác như nhau, nhưng người nghỉ hưu trước năm 1995 nhận lương ở mức thấp hơn nhiều so với những người nghỉ hưu từ năm 1995 trở về sau. Đề nghị Chính phủ xem xét, có lộ trình tăng lương hợp lý, điều chỉnh mức lương hưu đối với những người nghỉ hưu trước năm 1995 một cách phù hợp để họ ổn định cuộc sống (Cử tri tỉnh Bến Tre – KN số 25).
Theo quy định của Luật BHXH là “mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH”, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính trên cơ sở thời gian đóng BHXH và mức tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ tính đóng BHXH. Đối với những người có cùng thời gian công tác như nhau thì tiền lương hưu cao hơn hay thấp hơn sẽ phụ thuộc vào mức tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Việc khắc phục sự chênh lệch lương hưu giữa các thời kỳ cũng đã được Chính phủ chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên không thực hiện triệt để được vì mức đóng BHXH mỗi thời kỳ khác nhau dẫn đến mức lương hưu được hưởng cũng khác nhau.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã điều chỉnh tăng tiền lương hưu, việc điều chỉnh lương hưu phụ thuộc vào mức lương hưu hiện hưởng và trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã thực hiện 5 lần điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, theo đó lương hưu của người nghỉ hưu đã được điều chỉnh tăng thêm 85% so với mức lương hưu của tháng 12/2007 nhằm đảm bảo đời sống của người nghỉ hưu (chỉ số giá sinh hoạt giai đoạn 2008 – 2010 tăng 43,51%).
Hiện nay, Chính phủ đang triển khai đánh giá sơ kết việc thực hiện Đề án Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008 – 2012 để xây dựng Đề án cải cách cho thời gian tới.
12. Hiện nay, một số đối tượng nghỉ hưu trước năm 1992 lương rất thấp, việc cải cách tiền lương theo tỷ lệ phần trăm là chưa công bằng, người hưởng mức lương cao thì được tăng cao hơn, người hưởng mức lương thấp thì tăng không đáng kể. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu khắc phục tình trạng này theo hướng không nên quy định tăng lương theo tỷ lệ phần trăm mà tăng lương theo số tiền cụ thể áp dụng cho mọi đối tượng. Ví dụ quy định tăng lương hưu cho mỗi đối tượng một khoản tiền như nhau (1.000.000 đồng, 2.000.000 đồng, …) (Cử tri thành phố Đà Nẵng – KN số 26).
Theo quy định của Luật BHXH là “mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH”, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính trên cơ sở thời gian đóng BHXH và mức tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ tính đóng BHXH. Như vậy, đối với những người có cùng thời gian công tác như nhau thì tiền lương hưu cao hơn hay thấp hơn sẽ phụ thuộc vào mức tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt, tăng trưởng kinh tế và mức lương hưu của từng người, không thể điều chỉnh tăng lên đồng loạt một mức được.
Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã thực hiện 5 lần điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, theo đó lương hưu của người nghỉ hưu đã được điều chỉnh tăng thêm 85% so với mức lương hưu của tháng 12/2007 nhằm đảm bảo đời sống của người nghỉ hưu. Tuy nhiên, từ cuối năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao ảnh hưởng lớn đến đời sống của người về hưu. Để giảm bớt khó khăn cho người về hưu có mức lương hưu thấp, bên cạnh việc điều chỉnh tăng thêm, 13,7% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 30/3/2011 trợ cấp khó khăn đột xuất từ 100.000 đồng – 250.000 đồng/người.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Luật Bảo hiểm xã hội 2006
- 2Bộ luật Lao động 1994
- 3Nghị định 23-CP năm 1996 hướng dẫn Bộ luật Lao động về những quy định riêng đối với lao động nữ
- 4Thông tư 3/1997/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 23/CP-1996 về những quy định riêng đối với lao động nữ do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành
- 5Thông tư 79/1997/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 23/CP-1996 hướng dẫn Bộ luật Lao động do Bộ Tài chính ban hành
- 6Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội do Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 471/QĐ-TTg năm 2011 về trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi người có công và hộ nghèo đời sống khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Nghị quyết 83/NQ-CP năm 2011 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 do Chính phủ ban hành
- 9Công văn 10801/BTC-QLN năm 2013 trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội XIII do Bộ Tài chính ban hành
Công văn 2105/LĐTBXH-VP trả lời kiến nghị cử tri kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- Số hiệu: 2105/LĐTBXH-VP
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 30/06/2011
- Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
- Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra