Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 207/BNV-CCHC
V/v Hướng dẫn triển khai Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2012

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

 

Ngày 08/11/2011, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình) tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP. Với trách nhiệm là cơ quan thường trực tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, Bộ Nội vụ hướng dẫn việc triển khai thực hiện như sau:

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chương trình.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chương trình sâu rộng trong nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chương trình nhằm đạt được những vấn đề sau:

- Nâng cao nhận thức của nhân dân, toàn xã hội và của cán bộ, công chức, viên chức về sự cần thiết phải đẩy mạnh cải cách hành chính;

- Nắm vững mục tiêu, nội dung và các nhiệm vụ cải cách hành chính trên các lĩnh vực;

- Liên hệ tới trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ, công chức, viên chức trong triển khai cải cách hành chính.

2. Công tác xây dựng kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và hàng năm

Căn cứ nội dung Chương trình và điều kiện cụ thể của đơn vị, địa phương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh tiến hành xây dựng kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch cải cách hành chính hàng năm cho phù hợp. Việc xây dựng kế hoạch cải cách hành chính cần chú ý các vấn đề sau:

- Thể hiện rõ các mục tiêu, kết quả cụ thể phải đạt trong cả giai đoạn và trong năm kế hoạch.

- Các nhiệm vụ cải cách hành chính phải bao gồm đầy đủ các lĩnh vực: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.

- Căn cứ vào các mục tiêu, kết quả cụ thể đã được xác định trong Chương trình của Chính phủ, mỗi bộ, ngành Trung ương và UBND cấp tỉnh cũng phải xác định mục tiêu và kết quả cụ thể tương ứng trong kế hoạch cả giai đoạn và kế hoạch năm.

- Kế hoạch cần nêu rõ các giải pháp cụ thể để thực hiện Chương trình đạt kết quả.

- Kế hoạch cải cách hành chính cần quy định rõ các nhiệm vụ, mục tiêu, kết quả cụ thể đạt được… do cơ quan nào chủ trì, chịu trách nhiệm; không quy định trách nhiệm chung chung hoặc một việc liên quan tới nhiều cơ quan, đơn vị cùng triển khai; đồng thời cũng cần xác định rõ mốc thời gian hoàn thành và kinh phí, điều kiện cần thiết để triển khai.

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn và năm 2012 trước thời điểm Chính phủ ban hành Chương trình thì cần phải được rà soát, đối chiếu với Chương trình để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

3. Trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước

a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm:

- Căn cứ vào nội dung Chương trình, cần xây dựng kế hoạch và lập dự toán ngân sách thực hiện cải cách hành chính hàng năm gửi Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, cân đối ngân sách Trung ương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chung trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các cơ quan, các tỉnh. Thời gian gửi dự toán ngân sách hàng năm cho triển khai kế hoạch cải cách hành chính cùng với thời gian gửi báo cáo dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, tỉnh đến Bộ Tài chính;

- Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, định kỳ hàng quý, 6 tháng và hàng năm hoặc đột xuất, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Chương trình cho Bộ Nội vụ để tổng hợp, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

- Lập dự toán kinh phí thực hiện các đề án, dự án, kế hoạch, nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch 5 năm, hàng năm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

b) Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan chủ trì thực hiện các đề án, dự án về cải cách hành chính có quy mô quốc gia đã nêu trong Phụ lục kèm theo Nghị quyết số 30c:

Bộ Nội vụ đã có Công văn số 4247/BNV-CCHC ngày 25/11/2011 về việc xây dựng các đề án, dự án thực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP, trên cơ sở ý kiến của các bộ, Bộ Nội vụ đã tổng hợp thành Phụ lục kèm theo bản hướng dẫn này, đề nghị các bộ triển khai thực hiện;

Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 8858/VPCP-TCCV ngày 13/12/2011 về việc xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2020, vì vậy sẽ không xây dựng đề án “Chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức giai đoạn 2011-2020” như đã nêu trong Phụ lục kèm theo Nghị quyết 30c.

c) Trách nhiệm của các Bộ chủ trì triển khai các nội dung Chương trình cải cách hành chính theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ:

- Bộ Nội vụ chủ trì triển khai các nội dung cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách công chức, công vụ và cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ công chức, viên chức; phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cải cách chính sách tiền lương cho lực lượng vũ trang nhân dân;

- Bộ Tư pháp theo dõi, tổng hợp việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế; chủ trì triển khai nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

- Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai nội dung cải cách thủ tục hành chính, chủ trì xây dựng và hướng dẫn thực hiện phương pháp tính chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

- Bộ Tài chính chủ trì đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan hành chính nhà nước dựa trên kết quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; chủ trì đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công;

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp xây dựng đề án đổi mới thể chế và tăng cường phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2011-2020; chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Quyết định số 1441/QĐ-TTg ngày 06/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch đầu tư trụ sở cấp xã, phường bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước;

- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai nội dung ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước theo Chương trình;

- Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập;

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đổi mới cơ chế chính sách xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch;

- Hai Bộ: Y tế và Giáo dục - Đào tạo chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng và hướng dẫn việc thực hiện phương pháp đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công và dịch vụ giáo dục công.

4. Về xây dựng và áp dụng bộ chỉ số theo dõi, đánh giá cải cách hành chính

Trong phần giải pháp thực hiện, Chương trình đã xác định việc xây dựng bộ chỉ số theo dõi, đánh giá cải cách hành chính ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Căn cứ trách nhiệm được giao, Bộ Nội vụ đã ban hành tạm thời Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá cải cách hành chính và phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm bộ chỉ số tại 3 Bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường và 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng và Cần Thơ tại Quyết định số 1953/QĐ-BNV ngày 08/12/2011. Việc đánh giá kết quả cải cách hành chính trong thời gian 1 năm, thực hiện trên 7 lĩnh vực đối với các Bộ và 8 lĩnh vực đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Triển khai kế hoạch thí điểm, dự kiến trong Quý II/2012 sẽ có kết quả đánh giá cải cách hành chính tại 3 Bộ và 6 tỉnh, thành phố, trên cơ sở đó sẽ hoàn chỉnh bộ chỉ số để đưa vào áp dụng trong phạm vi cả nước.

Đề nghị 3 Bộ và 6 tỉnh, thành phố tiến hành thí điểm có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để tiến hành các công việc theo kế hoạch đã đề ra nhằm bảo đảm triển khai tốt bộ chỉ số trong thực tế.

5. Công tác kiểm tra cải cách hành chính

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính trong phạm vi trách nhiệm của mình. Nội dung kiểm tra hướng vào việc thực hiện kế hoạch cải cách hành chính hàng năm đã ban hành, tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả cụ thể đã xác định trên từng lĩnh vực cải cách. Việc kiểm tra được tiến hành theo định kỳ hoặc đột xuất, thông qua đó phát hiện những thiếu sót, chậm trễ trong triển khai cải cách hành chính để uốn nắn và đề ra những giải pháp khắc phục.

6. Báo cáo cải cách hành chính

Căn cứ Chương trình, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng và gửi báo cáo cải cách hành chính theo quý, 6 tháng và năm lên Thủ tướng Chính phủ (qua Bộ Nội vụ). Bộ Nội vụ có trách nhiệm tổng hợp các báo cáo từ các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, kết hợp với việc theo dõi tình hình triển khai thực tế cải cách hành chính để xây dựng báo cáo cải cách hành chính quý, 6 tháng và năm trình phiên họp Chính phủ.

Thời gian gửi báo cáo cải cách hành chính về Bộ Nội vụ được thực hiện: báo cáo quý gửi trước ngày 15 tháng cuối cùng của quý; báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 15 tháng 6 hàng năm và báo cáo năm gửi trước ngày 10/12 hàng năm.

Mẫu kế hoạch cải cách hành chính năm và mẫu báo cáo cải cách hành chính sẽ được Bộ Nội vụ hướng dẫn trong một văn bản khác.

Trên đây là hướng dẫn của Bộ Nội vụ để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020. Trong quá trình triển khai, nếu có những vướng mắc hoặc đề xuất cần thay đổi, bổ sung, đề nghị các cơ quan, địa phương phản ánh về Bộ Nội vụ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Vụ, Ban TCCB các Bộ, ngành Trung ương;
- Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VT, CCHC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Tiến Dĩnh

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC ĐỀ ÁN, DỰ ÁN VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH QUY MÔ QUỐC GIA
(Kèm theo Công văn số 207/BNV-CCHC ngày 11 tháng 01 năm 2012 của Bộ Nội vụ)

STT

TÊN DỰ ÁN, ĐỀ ÁN

CƠ QUAN CHỦ TRÌ XÂY DỰNG

CẤP TRÌNH PHÊ DUYỆT

THỜI GIAN TRÌNH HOẶC PHÊ DUYỆT

GHI CHÚ

1.

Đề án “Cải cách thể chế và tăng cường phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2011-2020”

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thủ tướng Chính phủ

 

 

2.

Đề án “Xây dựng và đưa vào triển khai Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá cải cách hành chính”

Bộ Nội vụ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Phê duyệt Quý IV/2012

 

3.

Đề án “Chiến lược xây dựng, phát triển đội ngũ công chức giai đoạn 2011-2020”

Bộ Nội vụ

Thủ tướng Chính phủ

Trình 10/2012

 

4.

Đề án “Cải cách tổng thể chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công”

Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương nhà nước

Thủ tướng Chính phủ

 

 

5.

Đề án “Hỗ trợ nhân rộng triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại tại UBND cấp huyện giai đoạn 2011-2015”

Bộ Nội vụ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Phê duyệt 08/2012

 

6.

Đề án “Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015”

Bộ Nội vụ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Phê duyệt 08/2012

 

7.

Đề án “Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015”

Bộ Nội vụ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Phê duyệt 07/2012

 

8.

Đề án “Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức”

Bộ Nội vụ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Phê duyệt tháng 10/2012

 

9.

Đề án “Xây dựng công cụ đánh giá tác động thủ tục hành chính và phương pháp tính chi phí thực hiện thủ tục hành chính”

Văn phòng Chính phủ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Phê duyệt Quý IV/2012

 

10.

Đề án “Xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện”.

Bộ Nội vụ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Phê duyệt tháng 12/2012

 

11.

Đề án “Xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công”

Bộ Y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế

Phê duyệt tháng 12/2012

 

12.

Đề án “Xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Phê duyệt tháng 12/2012

 

13.

Đề án “Mở rộng, nâng cấp Cổng thông tin điện tử Chính phủ giai đoạn 2016-2020”.

Văn phòng Chính phủ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Phê duyệt tháng 06/2012

 

14.

Đề án “Xác định vai trò, tiêu chí của hệ thống pháp luật về quản lý hành chính của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, hiệu quả, gần dân và thúc đẩy sự phát triển”.

Bộ Tư pháp

Thủ tướng Chính phủ

Trình tháng 05/2013

 

15.

Đề án văn hóa công vụ.

Văn phòng Chính phủ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Phê duyệt tháng 10/2012

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 207/BNV-CCHC hướng dẫn triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 207/BNV-CCHC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 11/01/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Nguyễn Tiến Dĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/01/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản