BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2064/BCA-C11 | Hà Nội, ngày 04 tháng 09 năm 2009 |
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; |
Thời gian qua, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng cháy và chữa cháy (PCCC), góp phần kiềm chế sự gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra, nhất là vào dịp “Ngày toàn dân PCCC” lần thứ 7 (04/10/2008), nhiều đơn vị, địa phương đã tổ chức những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao ý thức, kiến thức về PCCC cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Tuy nhiên, năm 2008 và 8 tháng đầu năm 2009, tình hình cháy vẫn diễn ra rất phức tạp. Trên toàn quốc xảy ra 3.149 vụ cháy làm chết và bị thương 376 người, gây thiệt hại trực tiếp về tài sản trị giá 787 tỷ đồng. Trong đó, có một số vụ cháy lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình hình trên là do việc quản lý và tổ chức thực hiện công tác PCCC ở nhiều nơi chưa tốt; một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở chưa thực sự quan tâm và đầu tư đúng mức cho công tác PCCC; ý thức, trách nhiệm về PCCC của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân còn chưa cao.
Trước tình hình đó, để phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân, góp phần kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và nhất là làm giảm thiệt hại do cháy gây ra, đặc biệt là các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, đồng thời tổ chức tốt các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Ngày toàn dân PCCC” lần thứ 8 (4/10/2009), Bộ Công an trân trọng đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC, trong đó tập trung tuyên truyền về trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác PCCC của người đứng đầu đơn vị, cơ sở, của cá nhân, chủ hộ gia đình; xây dựng các phóng sự, phóng sự điều tra phản ánh về thực trạng công tác PCCC, phân tích, đánh giá những tồn tại, bất cập dẫn đến cháy và các biện pháp PCCC, có hiệu quả hoặc phản ánh về kinh nghiệm PCCC; tổ chức tôn vinh những cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu về PCCC trong cơ quan, địa phương mình nhằm thúc đẩy phong trào toàn dân PCCC; tổ chức tuyên truyền lưu động trên hệ thống truyền thanh về nguy cơ cháy, nổ và nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động và nhân dân tại các cơ sở và địa bàn trọng điểm về PCCC.
2. Chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh ngăn chặn cháy lớn phù hợp với từng chuyên ngành, chuyên đề và địa bàn của Bộ, ngành và địa phương; mở đợt tổng kiểm tra toàn diện việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện công tác PCCC đối với các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, cơ sở, khu dân cư, khu rừng, nhất là những nơi có nguy cơ cao xảy ra cháy lớn như: Cơ sở sản xuất, kho tàng, chợ, trung tâm thương mại có quy mô lớn, nhà cao tầng, cơ sở tập trung đông người, các khu dân cư tập trung nhiều nhà dễ cháy, cơ sở liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài, cơ sở sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp v.v… nhằm phát hiện và khắc phục các vi phạm, tồn tại, thiếu sót về PCCC là các điều kiện, nguyên nhân dẫn đến cháy lớn. Các Bộ, ngành, địa phương có xảy ra cháy lớn trong thời gian gần đây cần tổ chức họp rút kinh nghiệm toàn diện các mặt công tác liên quan đến cháy lớn như việc thực hiện quy định về PCCC trong xây dựng, sử dụng nhà và công trình, trong việc đảm bảo điều kiện phục vụ chữa cháy, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, của lực lượng PCCC tại chỗ v.v…; chỉ đạo xây dựng và tổ chức phê duyệt các phương án chữa cháy các vụ cháy lớn phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia, đồng thời phải tổ chức thực tập các phương án đó.
3. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm một số vấn đề bức xúc về PCCC ở Bộ, ngành và địa phương mà lâu nay còn tồn tại như: PCCC khu dân cư, PCCC ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, ở các cơ sở sản xuất, chợ lớn, nhà cao tầng v.v… Tăng cường đầu tư cho hoạt động của Bộ, ngành và địa phương, nhất là cho hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng và hỗ trợ kinh phí cho lực lượng Cảnh sát PCCC địa phương; đầu tư cho cấp nước PCCC đô thị v.v…
4. Trong dịp “Ngày toàn dân PCCC” – 4/10/2009, tổ chức các hoạt động sôi nổi, thiết thực, khích lệ phong trào toàn dân tham gia PCCC như mít tinh, diễu hành, tuyên truyền lưu động, treo khẩu hiệu, băng rôn hưởng ứng “Ngày toàn dân PCCC”, tổ chức các cuộc thi nghiệp vụ PCCC cho các lực lượng PCCC; tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC ở các đơn vị, cơ sở trọng điểm về PCCC; khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC của ngành, địa phương v.v…
5. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC địa phương phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong việc tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân PCCC” lần thứ 8 (04/10/2009).
Bộ Công an trân trọng đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện các nội dung chủ yếu nêu trên và tổng hợp kết quả gửi về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát) trước ngày 30/10/2009 để tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Công văn 2064/BCA-C11 về việc Tổ chức hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân Phòng Cháy Chữa Cháy” 4/10/2009 do Bộ Công an ban hành
- Số hiệu: 2064/BCA-C11
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 04/09/2009
- Nơi ban hành: Bộ Công An
- Người ký: Lê Thế Tiệm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 04/09/2009
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực