Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2025/VPCP-NN
V/v đẩy mạnh triển khai Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất

Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 2018

 

Kính gửi:

- Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Công Thương, Y tế;
- Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Về đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 928/BNN-QLCL ngày 29 tháng 01 năm 2018 về báo cáo tóm tắt kết quả Đề án tạp chất năm 2017 và kế hoạch triển khai 2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến như sau:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tiếp tục tăng cường công tác cung cấp thông tin, phối hợp với các cơ quan báo, đài xây dựng, đăng tải các bài viết, phóng sự về tác hại của tôm chứa tạp chất, hướng dẫn người tiêu dùng trong việc nhận biết và xử lý khi phát hiện tôm chứa tạp chất.

- Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an trong việc xác minh, tổ chức các đợt thanh tra liên ngành đột xuất, xử lý điểm một số vụ vi phạm về hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất; công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật để tạo hiệu ứng tỏa, răn đe các đối tượng khác.

2. Bộ Công an

- Khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện nhiệm vụ xác định tội danh đối với hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất và hướng dẫn xử lý theo Bộ luật Hình sự như giao tại điểm b Khoản 1 Mục II Quyết định số 2419/QĐ-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất.

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành từ trung ương đến địa phương chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc trinh sát, thu thập thông tin Điều tra, triệt phá dứt điểm các đối tượng, cơ sở đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất;

- Chỉ đạo công an địa phương Điều tra, xử lý các đối tượng nước ngoài thực hiện các hoạt động mua, bán, thuê gia công, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm tôm trái quy định của pháp luật.

3. Bộ Công Thương

Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, lưu thông và phân phối sản phẩm tôm có chứa tạp chất; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định về kiểm soát, ngăn chặn tạp chất của các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm trong quá trình vận chuyển, lưu thông, phân phối sản phẩm trên thị trường

4. Bộ Y tế

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất tăng mức xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi trực tiếp, tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất đảm bảo phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và tính răn đe của hình phạt khi xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Đẩy mạnh tuyên truyền về nhận biết, tác hại và các chế tài xử lý hành vi phạm về tạp chất đối với mặt hàng tôm, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến, kinh doanh thủy sản để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Công khai thông tin về các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang (các tỉnh trọng điểm) khẩn trương chỉ đạo hoàn thành ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm và không sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất cho 100% cơ sở nuôi, thu mua, sơ chế, chế biến tôm tại địa phương như giao tại Khoản 2 Mục I Quyết định số 2419/QĐ-TTg.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quán triệt và nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền trong việc chỉ đạo các hoạt động kiểm soát ngăn chặn tạp chất tại địa phương; xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cấp chính quyền khi để xảy ra tình trạng bơm chích tạp chất trên địa bàn.

6. Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia)

Yêu cầu các Ban chỉ đạo 389 địa phương phân công lãnh đạo phụ trách công tác này; đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ đã được giao tại Quyết định số 2419/QĐ-TTg .

7. Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam

- Đẩy mạnh Chương trình “Doanh nghiệp nói không với tạp chất”, hoàn thành và công bố Danh sách các doanh nghiệp hội viên ký cam kết; phân công lãnh đạo Hiệp hội phụ trách công tác này.

- Vận động các doanh nghiệp hội viên chủ động có các biện pháp thích hợp để kiểm soát, ngăn chặn tạp chất đối với tôm nguyên liệu được thu mua, cung cấp bởi các cơ sở bên ngoài.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TTg, các PTTg;
- VP thường trực Ban chỉ đạo 389;
- VPCP: BTCN, các PCN, Các Vụ: V.I, KTTH, NC; TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, NN (02), VLA

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2025/VPCP-NN năm 2018 về đẩy mạnh triển khai Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 2025/VPCP-NN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 05/03/2018
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Cao Lục
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/03/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản