Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
BAN THI ĐUA - KHEN THƯỞNG TRUNG ƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1987/BTĐKT-VI
V/v nâng cao chất lượng khen thưởng

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2012

 

Kính gửi:

- Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương;
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Thời gian vừa qua, nhiều Bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã quan tâm chỉ đạo và có biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng khen thưởng. Việc xét khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng đúng quy định và ngày càng chặt chẽ hơn. Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng thực sự là những tấm gương tiêu biểu để quần chúng tôn vinh, học tập và noi theo. Đã chú trọng khen thưởng đơn vị cơ sở, người trực tiếp lao động, sản xuất và công tác; cổ vũ, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân trong các phong trào thi đua góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và tăng cường hội nhập quốc tế…

Tuy nhiên, còn một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Khen thưởng và đề nghị khen thưởng còn tràn lan. Một số tập thể, cá nhân được khen thưởng nhưng thành tích chưa tiêu biểu, chưa có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương. Khen thưởng còn theo hướng cộng dồn thành tích. Chưa kịp thời phát hiện điển hình, nhân tố mới để khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng. Chưa quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương về việc nâng cao chất lượng khen thưởng, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau đây:

1. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nâng cao hơn nữa chất lượng khen thưởng và phong tặng các danh hiệu thi đua. Quan tâm khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, đơn vị cơ sở, người lao động trực tiếp (công nhân, nông dân…) bằng các thình thức khen thưởng của các cấp, các ngành; trường hợp đặc biệt tiêu biểu xuất sắc có thể đề nghị khen thưởng cấp cao hơn để động viên kịp thời các điển hình tiên tiến. Chú trọng việc phát hiện các nhân tố mới trong các phong trào thi đua yêu nước để khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.

2. Về việc xét phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp, đề nghị khi xét chọn phải đảm bảo chặt chẽ về tiêu chuẩn. Đối với việc xét và đề nghị phong tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”: Hàng năm mỗi Bộ, ngành, địa phương chỉ nên chọn từ 1 đến 2 cá nhân tiêu biểu xuất sắc nhất và quan tâm đến đối tượng là người lao động trực tiếp (công nhân, nông dân…). Tránh tình trạng đề nghị chủ yếu là lãnh đạo quản lý; thành tích của cá nhân đề nghị chưa tiêu biểu; tiêu chuẩn về sáng kiến, giải pháp công tác không rõ; việc công nhận sáng kiến, giải pháp không đúng thẩm quyền; cá nhân trong một năm vừa đề nghị danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” vừa đề nghị các hình thức khen thưởng cấp nhà nước.

3. Về việc đề nghị xét phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân” cho tập thể, cá nhân có thành tích trong thời kỳ đổi mới: Đây là danh hiệu vinh dự nhà nước cao quý. Khi đề nghị Nhà nước xét, phong tặng, tập thể, cá nhân đó phải thể hiện rõ hành động anh hùng; thành tích thực sự tiêu biểu, xuất sắc nhất, có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc; được dư luận đồng tình và đánh giá cao. Do vậy, đề nghị Bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, xem xét lấy ý kiến các cơ quan liên quan, dư luận quần chúng nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng và chú ý dư luận xã hội trước khi đề nghị.

4. Đối với việc khen thưởng và đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân trong doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế: Trong tình hình hiện nay, khi xem xét, khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị khen thưởng cấp nhà nước, phải đảm bảo chặt chẽ về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục. Chỉ đề nghị khen thưởng những trường hợp thành tích thật sự tiêu biểu, xuất sắc nhất, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, hướng phát triển ổn định và bền vững, có phạm vi ảnh hưởng lớn trong toàn ngành, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục những tồn tại; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc; chủ động đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực khen thưởng./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (để báo cáo);
- Các thành viên Hội đồng TĐKT Trung ương;
- Vụ Thi đua, Khen thường, Văn phòng Chủ tịch nước;
- Vụ Tổ chức HCNN&CV; Văn phòng Chính phủ;
- Các vụ, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, Vụ I.

TRƯỞNG BAN
THỨ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ




Trần Thị Hà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1987/BTĐKT-VI về nâng cao chất lượng khen thưởng do Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 1987/BTĐKT-VI
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 30/10/2012
  • Nơi ban hành: Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương
  • Người ký: Trần Thị Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/10/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản