Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
TỔNG CỤC ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1977/TCĐBVN-QLBTĐB
V/v Quản lý, bảo trì và vận hành khai thác đường giao thông nông thôn

Hà Nội, ngày 21 tháng 04 năm 2015

 

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) thường có quy mô nhỏ, lưu lượng vận tải không lớn so với quốc lộ nhưng có chiều dài và tỷ lệ lớn nhất trong hệ thống đường bộ nước ta; là bộ phận tiếp cận của giao thông nội vùng với mạng lưới đường trục chính và hệ thống đường quốc gia; trực tiếp phục vụ sinh hoạt, sản xuất, giao lưu văn hóa xã hội, trao đổi, mua bán hàng hóa của đồng bào ở các vùng nông thôn từ đồng bằng đến trung du, miền núi, từ ven biển đến biên giới hải đảo. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương chính sách ưu tiên phát triển Nông thôn mới, trong đó việc phát triển GTNT là một tiêu chí hàng đầu. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện để thực hiện việc phát triển GTNT. Để việc quản lý, bảo trì và vận hành khai thác đường GTNT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Sở GTVT một số nội dung sau:

1. Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các Thông tư hướng dẫn của Bộ GTVT: số 32/2014/TT-BGTVT ngày 08/8/2014 về việc quản lý, vận hành khai thác đường giao thông nông thôn; số 12/2014/TT-BGTVT ngày 29/4/2014 hướng dẫn quản lý, vận hành khai thác cầu trên đường giao thông nông thôn và các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường bộ nói chung; UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở GTVT tham mưu xây dựng trình UBND cấp tỉnh ban hành quy định phân công, phân cấp và trách nhiệm về quản lý, vận hành khai thác và tổ chức giao thông trên các tuyến đường GTNT; quy định việc phê duyệt quy trình quản lý, vận hành khai thác các công trình đặc biệt trên đường GTNT thuộc phạm vi quản lý.

Chỉ đạo, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp, Sở GTVT và các cơ quan trực thuộc trong việc thực hiện trách nhiệm đối với việc quản lý, vận hành khai thác cầu, đường GTNT. Định kỳ hàng năm rà soát, thống kê phân loại báo cáo chiều dài đường GTNT về Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Thông tư số 32/2014/TT-BGTVT.

Trong quá trình thực hiện lưu ý một số nội dung sau:

- Tổ chức bộ máy thực hiện công tác quản lý bảo trì đường GTNT phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và tuyến đường; xác định rõ chủ quản lý sử dụng của từng tuyến đường GTNT; chỉ đạo, hướng dẫn các Chủ quản lý sử dụng của từng tuyến đường GTNT thực hiện công tác quản lý bảo trì, vận hành khai thác đường GTNT;

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các chủ quản lý sử dụng đường GTNT xây dựng kế hoạch vốn bảo trì và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo ATGT trên hệ thống GTNT;

- Rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ trên đường GTNT chưa phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ số hiệu QCVN 41:2012 được ban hành theo Thông tư số 17/2012/TT-BGTVT ngày 29/5/2012 của Bộ GTVT và Điều 12 Thông tư số 32/2014/TT-BGTVT để tiến hành thay thế, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp;

- Rà soát các công trình cầu yếu trên đường GTNT, xác định tải trọng khai thác để cắm biển báo hiệu đường bộ cho phù hợp. Xây dựng kế hoạch đầu tư, sửa chữa các cầu yếu đáp ứng nhu cầu vận tải;

- Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe lưu thông trên đường GTNT, tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tác hại của việc chở quá tải trọng đối với cầu đường; xây dựng các khung hạn chế việc chở quá khổ, quá tải trên các tuyến đường GTNT nếu cần thiết;

- Chính quyền các cấp, lực lượng công an và thanh tra giao thông tích cực chủ động đấu tranh các hiện tượng vi phạm trật tự ATGT, vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hành lang an toàn đường bộ tại các tuyến đường GTNT.

2. Trân trọng đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả rà soát, thống kê phân loại chiều dài đường GTNT về Tổng cục ĐBVN theo quy định tại Thông tư số 32/2014/TT-BGTVT; tham mưu cho UBND cấp tỉnh hướng dẫn các UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện quản lý, bảo trì theo phân cấp của UBND cấp tỉnh; xây dựng kế hoạch bảo trì và tổ chức thực hiện công tác bảo trì hàng năm; tổ chức kiểm tra đánh giá các công trình hư hỏng xuống cấp, nhất là cầu treo, cầu yếu trên địa bàn để có kế hoạch sửa chữa, khắc phục hoặc ngừng khai thác để bảo đảm an toàn giao thông cho nhân dân khi tham gia giao thông.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Sở Giao thông vận tải quan tâm thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TT Nguyễn Văn Thể (để b/c);
- Vụ KHĐT, KCHTGT (Bộ GTVT);
- Tổng Cục trưởng;
- Các Cục QLĐB;
- Trung tâm CNTT;
- Lưu: VT, QLBTĐB (Thành).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Xuân Cường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1977/TCĐBVN-QLBTĐB năm 2015 về quản lý, bảo trì và vận hành khai thác đường giao thông nông thôn do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 1977/TCĐBVN-QLBTĐB
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 21/04/2015
  • Nơi ban hành: Tổng cục đường bộ Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Xuân Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/04/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản