Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC THÚ Y
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1947/TY-DT
V/v: Hướng dẫn sử dụng vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2011

 

Kính gửi: Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Cơ chế, chính sách hỗ trợ vắc xin tai xanh, vắc xin dịch tả lợn nhằm đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm và bình ổn giá thị trường;

Căn cứ phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT tại văn bản số 1900/TY-DT, ngày 01/11/2011 của Cục trưởng Cục Thú y về việc xin ý kiến chỉ đạo của Bộ giao cho Cục Thú y hướng dẫn các địa phương sử dụng chủng loại vắc xin dịch tả lợn để tiêm phòng theo Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ ý kiến kết luận của Tổ tư vấn khoa học Cục Thú y về lựa chọn vắc xin tiêm phòng bệnh Dịch tả lợn ngày 07/10/2011;

Cục Thú y hướng dẫn việc sử dụng vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn theo Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ như sau:

1. Loại vắc xin:

- Vắc xin dịch tả lợn nhược độc thỏ hóa chủng C, đông khô.

- Đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký sản xuất lưu hành tại Việt Nam.

- Có tên trong Danh mục vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

2. Đặc điểm:

- Vắc xin dịch tả lợn đông khô sử dụng vi rút chủng C được làm nhược độc trên thỏ; trong 01 liều vắc xin có ít nhất 100PD50 hoặc 104RID50 hoặc 103TCID50 vi rút dịch tả lợn nhược độc thỏ hóa chủng C;

- Chất bổ trợ: Sữa tách bơ (Skim milk).

- Quy cách đóng gói: Vắc xin được đóng lọ từ 10 - 50 liều/lọ.

3. Đối tượng tiêm phòng (theo Mục 3, Điều 7 của Thông tư số 04/2011/TT-BNNPTNT ngày 24/01/2011 của Bộ Nông nghiệp&PTNT hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn), cụ thể:

a) Đối với lợn con sinh ra từ lợn mẹ đã được tiêm phòng: Tiêm cho lợn con từ 35 - 45 ngày tuổi;

b) Đối với lợn con sinh ra từ lợn mẹ chưa được tiêm phòng: Có thể tiêm cho lợn con 7 ngày tuổi, sau 3 tuần sau tiêm nhắc lại hoặc tiêm cho lợn con 14 ngày tuổi, sau 2 tuần sau tiêm nhắc lại.

c) Đối với lợn nái mang thai: Tiêm phòng trong thời gian mang thai từ 30 - 85 ngày mang thai.

4. Thời gian tiêm phòng: 01 năm tiêm 2 lần, mỗi lần cách nhau 6 tháng.

5. Liều lượng và đường tiêm:

- Liều lượng: Theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Đường tiêm: Tiêm bắp hoặc tiêm dưới da.

6. Bảo quản và sử dụng vắc xin:

- Bảo quản và sử dụng: Theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Hạn sử dụng: Ít nhất 12 tháng kể từ ngày sản xuất vắc xin.

7. Một số lưu ý trong quá trình tiêm phòng:

- Vắc xin chỉ dùng tiêm phòng cho lợn khỏe mạnh.

- Có thể sử dụng chung bơm tiêm và kim tiêm cho lợn trong cùng một ô chuồng. Trước khi tiêm lợn ở ô chuồng khác phải tiệt trùng bơm kim tiêm hoặc sử dụng bơm kim tiêm vô trùng khác.

- Trong quá trình vận chuyển vắc xin phải sử dụng xe lạnh chuyên dụng hoặc bảo quản vắc xin trong thùng bảo ôn ở nhiệt độ 2 - 8oC.

- Không sử dụng lọ vắc xin có hiện tượng khác thường (nứt, vỡ, nắp hở,…), viên đông khô bị teo./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- Các Vụ: KHCN và MT, PC, Thanh tra Bộ;
- Lãnh đạo Cục, các Phòng và đơn vị thuộc Cục;
- Cục Chăn nuôi, TTKNKN QG;
- Các Viện: Thú y, Chăn nuôi;
- Lưu: VT, DT.

Q. CỤC TRƯỞNG




Hoàng Văn Năm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1947/TY-DT hướng dẫn sử dụng vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn do Cục Thú y ban hành

  • Số hiệu: 1947/TY-DT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 09/11/2011
  • Nơi ban hành: Cục Thú y
  • Người ký: Hoàng Văn Năm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản