Hệ thống pháp luật

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 189/2002/KHXX

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2002

 

CÔNG VĂN

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 189/2002/KHXX NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2002 VỀ VIỆC QUYẾT ĐỊNH VỀ ÁN PHÍ TRONG BẢN ÁN DÂN SỰ, KINH TẾ, LAO ĐỘNG, HÀNH CHÍNH

Kính gửi:

- Các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Các Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
- Các đồng chí Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

Trong thời gian qua Toà án nhân dân tối cao nhận được công văn của một số Toà án nhân dân địa phương và một số cơ quan thi hành án đề nghị Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn cách tuyên về án phí dân sự, án phí kinh tế, án phí lao động, án phí hành chính trong trường hợp đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí nhằm bảo đảm thống nhất, đúng pháp luật và có căn cứ để thi hành án. Căn cứ vào quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:

Theo Nghị định số 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ "quy định về án phí, lệ phí Toà án" thì tiền tạm ứng án phí được nộp cho cơ quan thi hành án có thẩm quyền để gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước và được rút ra để thi hành án theo quyết định của Toà án; người đã nộp tiền tạm ứng án phí được trả lại toàn bộ, nếu theo quyết định của Toà án họ không phải chịu án phí hoặc được trả lại phần chênh lệch, nếu theo quyết định của Toà án họ phải chịu án phí ít hơn số tiền tạm ứng án phí mà họ đã nộp; trong trường hợp người nộp tiền tạm ứng án phí được hoàn trả một phần hoặc toàn bộ số tiền đã nộp thì cơ quan thi hành án đã thu tiền tạm ứng án phí phải làm thủ tục trả lại tiền cho người đã nộp.

Theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự thì một trong những căn cứ để thi hành án là những bản án, quyết định được thi hành quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh này.

Căn cứ vào các quy định trên đây thì quyết định của Toà án về án phí là căn cứ để thi hành án đối với người phải chịu án phí và là căn cứ để làm thủ tục rút tiền từ tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước để trả lại cho người đã nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ không phải chịu án phí hoặc trả lại phần chênh lệch trong trường hợp họ phải chịu án phí ít hơn số tiền tạm ứng án phí đã nộp; do đó, khi quyết định về án phí và người phải chịu án phí mà có người đã nộp tiền tạm ứng án phí thì Toà án phải quyết định cả việc xử lý số tiền tạm ứng án phí; cụ thể như sau:

1. Trường hợp đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, nhưng theo quyết định của Toà án họ không phải chịu án phí sơ thẩm.

Ví dụ: Ông A đã nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm là 50.000 đồng, nhưng theo quyết định của Toà án ông A không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, thì Toà án cần tuyên rõ:

"Ông A không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm; hoàn trả lại cho ông A 50.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo biên lai số ngày... tháng... năm... của Phòng (hoặc Đội) thi hành án...".

2. Trường hợp đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, nhưng theo quyết định của Toà án họ phải chịu án phí sơ thẩm ít hơn số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Ví dụ: Ông B đã nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm là 2.000.000 đồng, nhưng theo quyết định của Toà án ông B chỉ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là l.000.000 đồng, thì Toà án cần tuyên rõ:

"Ông B phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là l.000.000 đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp là 2.000.000 đồng theo biên lai số... ngày... tháng... năm... của Phòng (hoặc Đội) thi hành án...; ông B được hoàn trả lại số tiền chênh lệch là 1.000.000 đồng".

3. Trường hợp đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm và theo quyết định của Toà án họ phải chịu án phí sơ thẩm bằng tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Ví dụ: Anh M đã nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm là 15.000.000 đồng và theo quyết định của Toà án anh M phải chịu án phí dân sự sơ thẩm cũng là 15.000.000 đồng, thì Toà án cần tuyên rõ:

"Anh M phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 15.000.000 đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp là 15.000.000 đồng theo biên lai số... ngày... tháng... năm... của Phòng (hoặc Đội) thi hành án...; anh M đã nộp đủ án phí dân sự sơ thẩm".

4 . Trường hợp đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, nhưng theo quyết định của Toà án họ phải chịu án phí sơ thẩm nhiều hơn số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Ví dụ: Bà C đã nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm là 1.000.000 đồng, nhưng theo quyết định của Toà án bà C phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là l.500.000 đồng, thì Toà án cần tuyên rõ:

"Bà C phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là l.500.000 đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp 1à 1.000.000 đồng theo biên lai số... ngày... tháng.... năm... của Phòng (hoặc Đội) thi hành án.... ; bà C còn phải nộp 500.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm".

5. Trường hợp người kháng cáo đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, nhưng theo quyết định của Toà án họ không phải chịu án phí phúc thẩm.

Ví dụ: Chị N là người kháng cáo đã nộp tiền tạm ứng án phí (dân sự phúc thẩm là 50.000 đồng, nhưng theo quyết định của Toà án chị N không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, thì Toà án cần tuyên rõ:

"Chị N không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; hoàn trả lại cho chị N 50.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai số ngày... tháng... năm ... của Phòng (hoặc Đội) thi hành án....".

6. Trường hợp người kháng cáo đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm và theo quyết định của Toà án họ phải chịu án phí phúc thẩm.

Ví dụ: Bà X là người kháng cáo đã nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm là 50.000 đồng và theo quyết định của Toà án bà X cũng phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, thì Toà án cần tuyên rõ:

"Bà X phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là 50.000 đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp là 50.000 đồng theo biên lai số... ngày.... tháng.... năm..... của Phòng (hoặc Đội) thi hành án....; bà X đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.

7. Để bảo đảm chính xác, tránh sự nhầm lẫn về số tiền và theo quy định chung thì số tiền ngoài việc ghi bằng số còn phải viết đầy đủ bằng chữ.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần được giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung, thì đề nghị phản ánh cho Toà án nhân dân tối cao để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời.

 

Đặng Quang Phương

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 189/2002/KHXX của Tòa án nhân dân tối cao về việc quyết định về án phí trong bản án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính

  • Số hiệu: 189/2002/KHXX
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 31/12/2002
  • Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
  • Người ký: Đặng Quang Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản