Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1833/TLĐ
Vv: Công đoàn tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2013

 

Kính gửi:

- Các LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng Liên đoàn;
- Các công đoàn Ngành Trung ương;
- Các công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.

 

Năm 2013, các cấp công đoàn đã tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng chỉ đạo, tham gia với chính quyền, chuyên môn đồng cấp triển khai thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn. Kết quả tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của các cấp công đoàn đã góp phần tạo sự đồng thuận giữa thủ trưởng, người sử dụng lao động với cán bộ, công chức viên chức và người lao động trong việc khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch của từng cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đã đề ra.

Qua tổng hợp báo cáo của các ngành và địa phương cho thấy về tổ chức Hội nghị cán bộ công chức (Hội nghị CBCC) có 98,07% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tổ chức, tăng 0.49% so với cùng kỳ năm 2012; về tổ chức Đại hội công nhân viên chức (Đại hội CNVC) có 94,98% doanh nghiệp nhà nước tổ chức, tăng 0,87% so cùng kỳ năm 2012; về tổ chức Hội nghị người lao động (Hội nghị NLĐ) có 47,84 % công ty cổ phần, công ty TNHH có tổ chức công đoàn tổ chức, giảm 8,66% so với cùng kỳ năm 2012. Trong Đại hội CNVC và Hội nghị NLĐ đã ký được 9.661 bản Thỏa ước Lao động tập thể, nội dung nhiều bản thỏa ước lao động tập thể có thỏa thuận cao hơn Luật và có lợi cho người lao động.

Về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân có 48,28% Ban thanh tra nhân dân hoạt động tốt, 34,68% hoạt động khá, 13,50% hoạt động trung bình và còn 3,54% hoạt động yếu.

Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở vẫn còn một số tồn tại là đối với Đại hội CNVC, Hội nghị NLĐ có nơi chưa thực hiện công khai tài chính theo quy định pháp luật, nhất là các nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động như: thực hiện phân phối tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, sử dụng quỹ khen thưởng, phúc lợi … nên quyền kiểm tra, giám sát của người lao động chưa thực hiện một cách hiệu quả. Có doanh nghiệp kết hợp Hội nghị NLĐ với Đại hội đồng cổ đông hoặc Tổng kết công tác năm hoặc Đại hội công đoàn cơ sở là chưa đúng quy định pháp luật, từ đó chưa phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người lao động. Còn có nơi thủ trưởng và không ít người sử dụng lao động chưa nhận thức đúng trách nhiệm của mình trong việc chủ trì tổ chức Hội nghị CBCC, Đại hội CNVC, Hội nghị NLĐ mà coi đó là việc của Công đoàn nên hiệu quả còn thấp…

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở năm 2014 và các năm tiếp theo đạt hiệu quả thiết thực, đề nghị các cấp Công đoàn triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

1. Tổ chức phổ biến, tập huấn cho cán bộ công đoàn các cấp nhận thức rõ quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức Hội nghị NLĐ và tổ chức Đối thoại tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp theo Hướng dẫn số 1755/HD-TLĐ ngày 20/11/2013 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Hướng dẫn số 1755/HD-TLĐ).

2. Tham mưu cho cấp ủy Đảng hoặc Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ đồng cấp có văn bản chỉ đạo các cấp ủy, Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cấp dưới triển khai thực hiện các quy định của Đảng, Chính phủ về việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Trên cơ sở chỉ đạo của cấp ủy, LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ, ngành TW có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp chính quyền, người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức Công đoàn tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ “Quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc” (NĐ60/CP)

3. Phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung NĐ60/CP và các quy định của pháp luật liên quan tới người lao động, người sử dụng lao động thuộc phạm vi phân cấp quản lý, nhất là đối với đơn vị, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

- Định kỳ tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức Hội nghị CBCC, Hội nghị NLĐ và đối thoại tại nơi làm việc trong các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Qua kiểm tra, giám sát nếu phát hiện vi phạm quy định pháp luật, kiến nghị thủ trưởng đơn vị và người sử dụng lao động có biện pháp khắc phục hoặc kiến nghị cơ quan quản lý cấp trên xem xét xử lý để bảo đảm thực hiện quyền dân chủ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

4. Về tổ chức Hội nghị CBCC: Công đoàn cơ sở trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội tham gia với thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức Hội nghị CBCC thực hiện theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 09/TTLT – TCCP- TLĐLĐVN ngày 04/12/1998 của Ban Tổ chức Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TT 09/TTLT). Để bảo đảm quyền dân chủ của người lao động tại Hội nghị CBCC, ngoài đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức nên mời thêm tất cả người lao động (nếu là Hội nghị CBCC toàn thể), hoặc mời đại diện của số người lao động (nếu là Hội nghị CBCC đại biểu) đang làm việc theo Hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ tham dự.

Đối với cơ quan xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) tuy pháp luật chưa quy định thuộc phạm vi đối tượng áp dụng, nhưng để bảo đảm thực hiện quyền dân chủ của cán bộ, công chức đang công tác tại đây, công đoàn cơ quan xã phối hợp với người đứng đầu cơ quan hành chính xã hoặc người được ủy quyền vận dụng quy định tại TT 09/TTLTT tổ chức Hội nghị CBCC.

5. Tổ chức và hoạt động Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước (kể cả doanh nghiệp cổ phần có trên 50% vốn điều lệ do Nhà nước sở hữu), doanh nghiệp thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân thực hiện theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2010. Công đoàn cấp trên cơ sở có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Thanh tra nhà nước đồng cấp tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho Ban thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị nói trên; Hướng dẫn Công đoàn cơ sở chỉ đạo hoạt động của Ban thanh tra nhân dân tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bảo đảm hoạt động thiết thực và hiệu quả.

6. Báo cáo kết quả thực hiện: Các cấp công đoàn báo cáo định kỳ vào cuối tháng 5 và tháng 11 về kết quả tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, việc tổ chức Hội nghị CBCC, Hội nghị NLĐ và tổ chức Đối thoại về công đoàn cấp trên trực tiếp.

Đối với các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn báo cáo sơ kết 06 tháng, tổng kết năm về thực hiện quy chế dân chủ, việc tổ chức Hội nghị CBCC, Hội nghị NLĐ và tổ chức Đối thoại tại nơi làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi phân cấp quản lý về Tổng Liên đoàn trước ngày 30/6 và 30/11 hàng năm cùng Bảng số liệu theo Phụ lục kèm theo.

Đề nghị các cấp Công đoàn phát huy tính sáng tạo và tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trên. Quá trình tổ chức thực hiện có khó khăn, vướng mắc, phản ánh kịp thời về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để nghiên cứu, xem xét giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TTr ĐCT;
- BCĐ QCDC TW;
- Trang Web TLĐ;
- Lưu: Văn thư;
CSPL.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Đức Chính

 

PHỤ LỤC

KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ, TẠI NƠI LÀM VIÊC.
Kèm văn bản số 1833/TLĐ, ngày 04 tháng 12 năm 20 2013

Số TT

Tiêu chí

Đơn vi tính

Kỳ trước liền kề

Kỳ báo cáo

1

Công tác tuyên truyền, tập huấn quy định mới

 

 

 

1.1

Số lớp (cuộc) tập huấn

lớp

 

 

1.2

Số người tham gia

người

 

 

2

Xây dựng quy chế dân chủ

quy chế

 

 

2.1

Xây dựng quy chế mới

quy chế

 

 

2.2

Sửa đổi, bổ sung quy chế

quy chế

 

 

3

Tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức

Đv

 

 

3.1

Tổng số đơn vị thuộc đối tượng thực hiện

Đv

 

 

3.2

Số đơn vị đã tổ chức Hội nghị CBCC

Đv

 

 

4

Tổ chức Hội nghị người lao động (NLĐ)

DN

 

 

4.1

Tổng số DN thuộc đối tượng thực hiện, trong đó:

DN

 

 

a

Tổng số DNNN

DN

 

 

b

Tổng số DN dân doanh

DN

 

 

c

Tổng số DN.FDI

DN

 

 

d

Hợp tác xã

HTX

 

 

đ

Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập

Đv

 

 

4.2

Tổng số DN tổ chức Hội nghị NLĐ

DN

 

 

a

Đối với DNNN

DN

 

 

b

Đối với DN dân doanh

DN

 

 

c

Đối với DN.FDI

DN

 

 

d

Đối với HTX

HTX

 

 

đ

Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập

Đv

 

 

5

Tổ chức đối thoại tại DN

 

 

 

a

Đối thoại định kỳ

Cuộc

 

 

b

Đối thoại đột xuất

Cuộc

 

 

6

Hoạt động Ban thanh tra nhân dân (đối với CQ, ĐV, DN của Nhà nước, của tổ chức Chính trị, của tổ chức chính trị - xã hội))

 

 

 

6.1

Số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải có Ban Thanh tra nhân dân

Đv

 

 

6.2

Số Ban thanh tra nhân dân có đến thời điểm báo cáo

BTTr

 

 

6.2

Kết quả hoạt động

BTTr

 

 

a

Tốt

BTTr

 

 

b

Khá

BTTr

 

 

c

Trung bình

BTTr

 

 

7

Quan hệ lao động

 

 

 

7.1

Số doanh nghiệp có Thỏa ước lao động tập thể

Cái

 

 

7.2

Số cuộc đình công xảy ra trong kỳ báo cáo

Cuộc

 

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1833/TLĐ năm 2013 Công đoàn tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 1833/TLĐ
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 04/12/2013
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Mai Đức Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản