Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1775/GDĐT-PC
V/v hướng dẫn triển khai, thực hiện chế độ báo cáo trong quản lý công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính năm 2016

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 6 năm 2016

 

Kính gửi:

- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các quận-huyện;
- Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên;
- Hiệu trưởng các Trường trung học phổ thông;
- Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở.

Căn cứ Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật;

Căn cứ Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật;

Căn cứ Thông tư số 10/2015/TT-BTP ngày 31 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật;

Căn cứ Quyết định số 208/QĐ-BGDĐT ngày 19 tháng 01 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật và quản lý công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2016;

Căn cứ Quyết định số 778/QĐ-UBND ngày 29 tháng 02 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về Ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2016;

Căn cứ Quyết định số 6858/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2016 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;

Thực hiện Quyết định số 889/QĐ-GDĐT-PC ngày 30 tháng 5 năm 2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo về Ban hành Kế hoạch triển khai, theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2016 ngành giáo dục và đào tạo Thành phố;

Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn triển khai, thực hiện chế độ báo cáo trong quản lý công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính năm 2016 ngành giáo dục và đào tạo Thành phố như sau:

1. Mục đích và yêu cầu:

- Nhằm đánh giá toàn diện tình hình thực hiện có hiệu quả Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi thi hành pháp luật; đồng thời để đánh giá thực trạng thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn thành phố, trên cơ sở đó phát hiện xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật.

- Bảo đảm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được thực hiện thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng phòng, ban cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo; phòng Giáo dục và Đào tạo quận - huyện; các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông; Trung tâm Giáo dục Thường xuyên và các đơn vị trực thuộc Sở quản lý (Công lập và ngoài công lập);

- Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Nhà nước.

2. Nội dung cần theo dõi, đánh giá:

- Tính thống nhất, đồng bộ, tính khả thi của các quy định pháp luật để
kịp thời đề xuất, kiến nghị xử lý những nội dung, quy định chồng chéo, thiếu đồng bộ, không khả thi hoặc những khoảng trống pháp luật;

- Trình tự, thủ tục hành chính tại đơn vị để kịp thời chủ động đề xuất, kiến nghị ban hành thủ tục hành chính mới, hoặc sửa đổi, hủy bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp, không cần thiết, gây cản trở, khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân;

- Tình hình tuân thủ pháp luật khi áp dụng trong lĩnh vực phụ trách hoặc hoạt động tại đơn vị.

3. Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính tại đơn vị

- Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch như hướng dẫn tại mục II của Quyết định số 889/QĐ-GDĐT-PC ngày 30 tháng 5 năm 2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Tự kiểm tra Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2016 tại đơn vị;

- Báo cáo công tác thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2016 về Sở Giáo dục và Đào tạo theo mẫu quy định tại Mục 4.1 và Mục 4.2 tại văn bản hướng dẫn này.

4. Thực hiện chế độ báo cáo trong quản lý công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính

4.1. Báo cáo về tình hình thi hành pháp luật

Hằng năm, báo cáo được thực hiện trước ngày 15 tháng 9 năm 2016. (Mẫu báo cáo số 1 được đính kèm văn bản này)

Thời điểm lấy số liệu của báo cáo là từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 15 tháng 9 năm sau.

4.2. Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bảo đảm tổng hợp số liệu đầy đủ, chính xác, đồng thời đưa ra các nhận định, đánh giá về tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, phân tích các vấn đề còn tồn tại, các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân và giải pháp, kiến nghị, đề xuất cụ thể.

Báo cáo 02 lần trong năm: Định kỳ 06 tháng và hàng năm. Thời điểm lấy số liệu của báo cáo định kỳ 06 tháng tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến 31 tháng 3 năm sau; đối với báo cáo hàng năm thì thời điểm lấy số liệu từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 15 tháng 9 năm sau. (Mẫu báo cáo số 2, Mẫu 2a, Mẫu 2b, Mẫu 2c được đính kèm văn bản này)

Trên đây là nội dung hướng hướng dẫn triển khai, thực hiện chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2016.

Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Các Ông, Bà Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận - huyện; Hiệu trưởng các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông; Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở quản lý (công lập và ngoài công lập) nghiêm túc thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo (thông qua Phòng Pháp chế số điện thoại 08.38296088) để phối hợp và tháo gỡ kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- Giám đốc (để báo cáo);
- Như trên;
- Lưu: VT, PC.

KT.GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Bùi Thị Diễm Thu

 

(Mẫu báo cáo số 1)

TÊN ĐƠN VỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:      /BC-

….., ngày    tháng     năm 2016

 

BÁO CÁO

Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2016

1. Tình hình tuân thủ pháp luật

1.1. Tình hình thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền

Đánh giá, phân tích, so sánh với năm trước, mức độ ảnh hưởng, hệ quả đối với đơn vị đang công tác về:

- Tình hình thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền qua công tác thanh tra

- Tình hình thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Tình hình thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền qua công tác giải quyết, xét xử vụ án hành chính

-Tình hình thi hành pháp luật của người có thẩm quyền thông qua công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm

- Tình hình thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền qua công tác bồi thường của Nhà nước.

1.2. Tình hình tuân thủ pháp luật

- Tình hình vi phạm pháp luật của cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên

- Tình hình vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân;

- Tình hình tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo tại đơn vị

Lập Bảng tổng hợp vụ việc khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật đã được tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận, thụ lý, giải quyết (theo mẫu quy định tại Mẫu số 5 ban hành kèm theo Thông tư số 10/2015/TT-BTP).

1.3. Đánh giá chung về tình hình tuân thủ pháp luật

- Kết quả đạt được;

- Tồn tại, hạn chế;

- Nguyên nhân.

2. Phương hướng, giải pháp chủ yếu và đề xuất, kiến nghị (Nếu có)

2.1. Phương hướng, giải pháp chủ yếu (đối với công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật)

- Phương hướng

- Giải pháp chủ yếu

2.2. Đề xuất, kiến nghị

- Về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Đối với Bộ, ngành, địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố

- Về tình hình thi hành pháp luật

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố

. Về ban hành văn bản quy định chi tiết

. Về các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật

. Về đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật, nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật

Đối với các Bộ, ngành, địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố

Trên đây là báo cáo về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2016 của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận…… (hoặc trường……………..) kính gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

 


Nơi nhận:
- Phòng Pháp chế Sở GD&ĐT;
- Lưu: VT, ……

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký tên và đóng dấu)

 

(Mẫu báo cáo số 2)

TÊN ĐƠN VỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:        /BC-

….., ngày    tháng    năm 2016

 

BÁO CÁO

Công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ……..[1]

Thực hiện Công văn số       /GDĐT-PC ngày      tháng 6 năm 2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo; đơn vị …. ….[2] thực hiện báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính 06 tháng/hàng năm như sau:

I. TÌNH HÌNH VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng, nghiệp vụ trong việc triển khai thi hành và áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính

- Nêu rõ các hình thức tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn: Hội thảo, hội nghị, đưa tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, biên soạn tài liệu, sách, sổ tay về xử lý vi phạm hành chính…

- Nêu rõ số lượng tin, bài; tài liệu; sách; sổ tay; cuộc hội thảo, hội nghị; số người/ lượt người được tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn…

2. Công tác tự kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

- Công tác tự kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại đơn vị: Nêu rõ việc có hay không ban hành kế hoạch kiểm tra; tổng số cuộc kiểm tra đã được tiến hành; kết quả của việc kiểm tra.

- Công tác thanh tra, phối hợp thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại đơn vị: Nêu rõ việc có hay không ban hành kế hoạch thanh tra; tổng số cuộc thanh tra đã được tiến hành; kết quả của việc thanh tra, phối hợp thanh tra.

3. Tình hình vi phạm hành chính

- Nhận xét, đánh giá chung, khái quát tình hình vi phạm hành chính trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực/địa bàn quản lý.

- Nguyên nhân chính của tình hình vi phạm hành chính.

4. Kết quả công tác xử phạt vi phạm hành chính

a. Số vụ việc vi phạm và số đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính

- Nêu rõ và có sự phân tích, so sánh sự tăng hay giảm so với cùng kỳ năm trước tại đơn vị.

- Tình hình áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính nhắc nhở đối với người chưa thành niên.

b. Kết quả thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Trong đó nêu rõ và có sự phân tích, so sánh sự tăng hay giảm so với cùng kỳ năm trước đối với các số liệu sau:

- Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành.

- Số quyết định đã thi hành, chưa thi hành xong, nguyên nhân của tình trạng này.

- Tổng quyết định bị cưỡng chế thi hành, nguyên nhân của tình trạng này.

- Số tiền phạt thu được.

- Số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu.

- Số quyết định bị khiếu nại, khởi kiện. Nêu một số nguyên nhân chính.

- Các lĩnh vực xảy ra nhiều hành vi vi phạm hành chính, đối tượng, mức xử phạt thông thường, biện pháp khắc phục hậu quả, biện pháp ngăn chặn (nếu có)

II. TÌNH HÌNH THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

Nêu rõ và có sự phân tích, so sánh sự tăng hay giảm so với cùng kỳ năm trước tại đơn vị.

2. Tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

- Nêu rõ và có sự phân tích, so sánh sự tăng hay giảm so với cùng kỳ năm trước tại đơn vị.

- Tình hình áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên.

3. Tình hình thi hành các quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

- Nêu rõ và có sự phân tích các số liệu cụ thể

- Nêu rõ số lượng vụ việc bị khiếu nại, khởi kiện đối với việc lập hồ sơ đề nghị và ra quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Nêu một số nguyên nhân chính.

4. Một số vấn đề khác[3] (Nếu có)

III. KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ (Nếu có)

1. Về các điều kiện bảo đảm thi hành Luật

a) Kinh phí; cơ sở vật chất, kỹ thuật

b) Tổ chức bộ máy, nhân sự

2. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ

3. Việc phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm hành chính

4. Về việc báo cáo, thống kê

Trên đây là báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận…… (hoặc trường……………..) kính gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

 


Nơi nhận:
- Phòng Pháp chế Sở GD&ĐT;
- Lưu: VT, ……

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký tên và đóng dấu)

 



[1] Thời gian thực hiện báo cáo (06 tháng hoặc năm).

[2] Tên của cơ quan thực hiện báo cáo

[3] Đối với báo cáo định kỳ 06 tháng thì không cần phải báo cáo nội dung này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1775/GDĐT-PC về hướng dẫn triển khai, thực hiện chế độ báo cáo trong quản lý công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính năm 2016 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 1775/GDĐT-PC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 03/06/2016
  • Nơi ban hành: Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Bùi Thị Diễm Thu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/06/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản