TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 175/2002/KHXX | Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2002 |
Kính gửi: Các Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp
Ngày 13/9/2002 Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 19/2002/CT-TTg "về tăng cường công tác quản lý thuế giá trị gia tăng". Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong Chỉ thị còn nêu rõ: "trong quá trình thực hiện, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng một số quy định chưa chặt chẽ của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật doanh nghiệp để lập hồ sơ khống về hàng hoá xuất khẩu, lập doanh nghiệp để buôn bán hoá đơn nhằm thực hiện hành vi gian lận, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước. Cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác của Nhà nước đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng chưa khắc phục được triệt để và có hiệu quả".
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các địa phương trong phạm vi chức năng của mình thực hiện một số biện pháp để tăng cường quản lý thuế giá trị gia tăng có hiệu quả, giảm thất thoát, ngăn chặn và khắc phục kịp thời các hành vi gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng, thành lập doanh nghiệp để mua bán hoá đơn bất hợp pháp. Đối với ngành Toà án nhân dân, tại điểm 7 của Chỉ thị đã nêu rõ: "Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao chỉ đạo Viện kiểm sát, Toà án nhân dân các cấp truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ gian lận về thuế do cơ quan thuế và cơ quan Công an đã phát hiện chuyển sang".
Để góp phần có hiệu quả vào việc thực hiện Chỉ thị nói trên của Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao lưu ý các Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp một số vấn đề sau đây:
1. Toà án các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các ngành Công an, Viện kiểm sát, Hải quan, cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác để từ kết quả thanh tra, kiểm tra và sự tố giác của quần chúng kiên quyết đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, đúng pháp luật các hành vi gian lận, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.
2. Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án từ Viện kiểm sát cùng cấp chuyển sang thì phân công Thẩm phán làm Chủ toạ phiên toà, khẩn trương nghiên cứu hồ sơ và bố trí lịch xét xử để sớm đưa vụ án đó ra xét xử kịp thời, nhanh chóng, nghiêm minh và đúng pháp luật theo tinh thần của Chỉ thị. Cần xử phạt nghiêm khắc người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội.
3. Cần chú ý việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản và các biện pháp tư pháp phù hợp nhằm thu hồi tài sản cho Nhà nước đã bị các bị cáo chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại.
4. Nếu qua việc xét xử vụ án về loại tội phạm này tại phiên toà mà phát hiện có người phạm tội nhưng chưa bị khởi tố, truy tố thì căn cứ vào khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc kiến nghị cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
5. Nếu có thể thì cần mở phiên toà lưu động, cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương và trung ương để có kế hoạch tuyên truyền, đưa tin kịp thời kết quả của việc xét xử vụ án nhằm nâng cao tác dụng giáo dục, phòng ngừa và phát động quần chúng tham gia đấu tranh phát hiện và chống loại tội phạm này.
Nhận được Công văn này đề nghị các đồng chí Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp, thủ trưởng các đơn vị thuộc Toà án nhân dân tối cao cần phổ biến và quán triệt Chỉ thị số 19/2002/CT-TTg ngày 13/9/2002 của Thủ tướng Chính phủ và nội dung của Công văn này cho cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị mình để việc thực hiện có hiệu quả.
| Đặng Quang Phương (Đã ký)
|
Công văn 175/2002/KHXX của Tòa án nhân dân tối cao về việc thực hiện Chỉ thị số 19/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ
- Số hiệu: 175/2002/KHXX
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 27/11/2002
- Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
- Người ký: Đặng Quang Phương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/11/2002
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực