Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1737/BTC-QLCS
V/v Trả lời kiến nghị của cử tri TP Hải Phòng gửi tới sau kỳ họp thứ 2 và kỳ họp bất thường lần thứ I, Quốc hội khóa XV.

Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng

Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển tới tại công văn số Công văn số 19/BDN ngày 10/01/2022, nội dung kiến nghị như sau:

I. Nội dung kiến nghị 1:

Theo Điều 7 Nghị định 129/2017/NĐ-CP thì việc giao quản lý tài sản, quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đã tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật chuyên ngành về thủy lợi và pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, tại Điều 21 Luật Thủy lợi quy định: Trách nhiệm quản lý Công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương. Cử tri cho rằng, quy định tại Điều 7 Nghị định 129/2017/NĐ-CP là không phù hợp với Luật Thủy lợi, đồng thời gây khó khăn trong việc giao quản lý, đặt hàng, đấu thầu quản lý công trình thủy lợi khi các công trình đã tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đề nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định 129/2017/NĐ-CP cho phù hợp, thống nhất.

Bộ Tài chính xin trả lời như sau:

1. Về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đã tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018 - Điều 74 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, Điều 7 Nghị định số 129/2017/NĐ-CP) thì: Đối với tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đã tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì việc giao quản lý tài sản, quản lý, sử dụng tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, để thuận lợi trong quá trình thực hiện và đảm bảo đồng bộ với pháp luật về thủy lợi, Bộ Tài chính xin ghi nhận nội dung nêu trên để phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo cấp có thẩm quyền khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ.

2. Về đặt hàng, đấu thầu quản lý công trình thủy lợi khi các công trình đã tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Việc đặt hàng, đấu thầu quản lý, khai thác công trình thủy lợi được thực hiện theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2020 của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Tuy nhiên, để thuận lợi trong tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính xin ghi nhận, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu khi hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

II. Nội dung kiến nghị 2:

Cử tri phản ánh, Nghị định số 129/2017/NĐ-CP thì việc giao quản lý tài sản, quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi chưa có quy định về một số nội dung như: hướng dẫn việc ghi sổ kế toán đối với trường hợp bàn giao công trình thủy lợi được đầu tư, xây dựng bằng nguồn vốn của nhà nước và có sự tham gia đóng góp của người dân; hướng dẫn về phương pháp xác định nguyên giá tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đối với trường hợp chưa có thông tin về nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản; quy định giá quy ước để xác định giá trị tài sản khi thực hiện vào sổ kế toán theo quy định với công trình không còn hồ sơ; hướng dẫn chuyển giao tài sản đã được ghi vốn tài sản doanh nghiệp khi triển khai thực hiện phân cấp, quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi.

Bộ Tài chính xin trả lời như sau:

2.1. Về hướng dẫn việc ghi sổ kế toán đối với trường hợp bàn giao công trình thủy lợi được đầu tư, xây dựng bằng nguồn vốn của nhà nước và có sự tham gia đóng góp của người dân

- Tại Điều 10 Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ đã quy định về trách nhiệm mở sổ kế toán, xác định nguyên giá để hạch toán kế toán tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do Nhà nước đầu tư, quản lý. Theo đó, khoản 4 Điều này quy định: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chế độ kế toán, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, theo đó Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 75/2018/TT-BTC ngày 17/8/2018 quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi và Thông tư số 76/2019/TT-BTC ngày 05/11/2019 hướng dẫn kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi.

- Về hướng dẫn ghi sổ kế toán đối với trường hợp bàn giao công trình thủy lợi được đầu tư, xây dựng bằng nguồn vốn của nhà nước và có sự tham gia đóng góp của người dân: Bộ Tài chính xin ghi nhận để phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo cấp có thẩm quyền khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ.

2.2. Về hướng dẫn về phương pháp xác định nguyên giá tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đối với trường hợp chưa có thông tin về nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản; quy định giá quy ước để xác định giá trị tài sản khi thực hiện vào sổ kế toán theo quy định với công trình không còn hồ sơ

Liên quan đến việc ghi sổ kế toán, xác định nguyên giá tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đã được quy định tại Điều 5 Thông tư số 75/2018/TT-BTC ngày 17/8/2018 quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi.

Tại điểm a khoản 3 Điều 10 Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ đã quy định cụ thể nguyên tắc xác định nguyên giá đối với tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đang sử dụng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành chưa có thông tin về nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản; theo đó nguyên giá được xác định theo giá quy ước do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trên cơ sở giá trị của công trình có cấp kỹ thuật tương đương.

2.3. Về hướng dẫn chuyển giao tài sản đã được ghi vốn tài sản doanh nghiệp khi triển khai thực hiện phân cấp, quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi.

Việc hướng dẫn phân cấp, quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, để thuận lợi trong quá trình thực hiện và đảm bảo đồng bộ với pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính xin ghi nhận nội dung nêu trên để phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo cấp có thẩm quyền khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ.

Trên đây là trả lời của Bộ Tài chính đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng, trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - UBTVQH;
- VPQH (Vụ Dân nguyện);
- VPCP (Vụ Quan hệ địa phương);
- HĐND, UBND thành phố Hải Phòng;
- Văn phòng Bộ;
- Cục QLG, Cục TCDN, Cục QLGSKTKT;
- Vụ PC;
- Cục THTK (để đăng tải cổng TTĐT);
- Lưu: VT, QLCS, (Vũ Hồng Trang).

BỘ TRƯỞNG




Hồ Đức Phớc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1737/BTC-QLCS năm 2022 về rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định 129/2017/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 1737/BTC-QLCS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 22/02/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Hồ Đức Phớc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản