Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1717/TCHQ-ĐT

Hà Nội, ngày 02 tháng 5 năm 2001

 

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC PHÁT HIỆN, NGĂN CHẶN MA TUÝ QUA CỬA KHẨU CỦA TCHQ

Căn cứ ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm tại cuộc họp về quy chế phối hợp giữa các lực lượng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Hải quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý ngày 29/12/2000. Tổng cục Hải quan xin báo cáo Chính phủ một số nội dung cơ bản về Đề án kiện toàn tổ chức, cơ chế chính sách phòng, chống ma tuý tại cửa khẩu của lực lượng Hải quan như sau:

I. Đặc điểm tình hình và tổ chức phòng chống ma tuý qua cửa khẩu của lực lượng hải quan

1. Đặc điểm tình hình liên quan:

Trong những năm qua, với đường lối đổi mới của Đảng và chính sách mở cửa trong hoạt động kinh tế đối ngoại, nền kinh tế đất nước đã có những bước phát triển vượt bậc. Việt Nam đã có quan hệ kinh tế với hàng trăm nước trên thế giới, hàng năm có hàng chục triệu lượt hành khách, hàng triệu tấn hàng hoá xuất nhập khẩu, cùng nhiều loại phương tiện xuất nhập cảnh vào Việt Nam. Bên cạnh đó đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và đặc biệt là buôn bán vận chuyển trái phép chất ma tuý cũng lợi dụng hoạt động, có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

- Ở tuyến cửa khẩu biên giới đường bộ (Tuyến đường biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia) các đối tượng lợi dụng quan hệ dòng tộc giữa dân cư biên giới 2 nước và hàng nghìn đường mòn tiểu ngạch để qua lại biên giới buôn bán, vận chuyển ma tuý trái phép, mặt khác 1 số đối tượng lợi dụng điều kiện vật chất, phương tiện kỹ thuật kiểm tra trình độ của lực lượng chức năng còn hạn chế, nên đã dùng thủ đoạn gia cố phương tiện, cất giấu trong hàng hoá cồng kềnh và lôi kéo mua chuộc 1 số cán bộ thoái hóa, biến chất để buôn bán vận chuyển ma tuý qua cửa khẩu vào nước ta...

- Ở tuyến cửa khẩu quốc tế cảng biển: các đối tượng lợi dụng các phương tiện vận tải biển, Container hàng hoá và điều kiện kiểm tra kiểm soát của lực lượng chức năng còn khó khăn để buôn bán, vận chuyển ma tuý. Điển hình có vụ: Hải quan cảng Sài gòn bắt giữ 6.666kg cần sa được vận chuyển trên tàu Makapou ngày 12/11/1996.

- Ở cửa khẩu hàng không quốc tế và bưu cục ngoại dịch các đối tượng thường dùng thủ đoạn cất dấu ma tuý trong hành lý, quần áo, giày dép, tranh sơn mài, hoà tan trong dung dịch (kể cả rượu); cất dấu trong bưu kiện, bưu phẩm, vali 2 đáy; cất giấu trong cơ thể, nuốt vào bụng... để buôn bán vận chuyển ma tuý qua cửa khẩu. Theo số liệu của văn phòng Interpol Việt Nam cung cấp thì năm 1992 đến năm 1998 có 52 vụ buôn bán, vận chuyển ma tuý qua đường hàng không, bưu điện bị các lực lượng Hải quan Việt Nam và các nước bắt giữ. Điển hình như vụ 18,1 kg Hêroin bị bắt tại sân bay Tân sơn nhất, vụ 5,45 kg Hêroin bị bắt tại sân bay Nội bài, và vụ 516 gam bột Methamphetamin bị bắt tại bưu điện TPHCM...

2- Công tác tổ chức phòng chống và kiểm soát chất ma tuý qua cửa khẩu của lực lượng hải quan

Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công cho lực lượng Hải quan tại NQ 06/CP của Chính phủ ngày 29/11/1993 về tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống và kiểm soát ma tuý, QĐ 743/TTg ngày 14/11/1995 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch tổng thể phòng chống và kiểm soát ma tuý, và quyết định 139/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của thủ tướng chính phủ phê duyệt chương trình hành động phòng chống ma tuý giai đoạn 1998-2000. Tổng cục Hải quan đã triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng chống và kiểm soát ma tuý qua cửa khẩu và khu vực kiểm soát Hải quan trong toàn ngành như sau:

- Về công tác chỉ đạo: Tổng cục Hải quan đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Hải quan các tỉnh, thành phố và đơn vị cơ sở thực hiện công tác phòng chống và kiểm soát ma tuý qua cửa khẩu, biên giới. Xác định đấu tranh, phát hiện ngăn chặn ma tuý qua cửa khẩu, khu vực kiểm soát hải quan là 1 nhiệm vụ quan trọng của cán bộ, công chức hải quan. Các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Hải quan đã được Hải quan Tỉnh, thành phố, Hải quan cửa khẩu nghiên cứu quán triệt đến từng cán bộ, công chức và từng bước tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống và kiểm soát ma tuý tại từng địa bàn, cửa khẩu cụ thể.

- Về tổ chức: Lực lượng Hải quan đã triển khai các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát ma tuý qua cửa khẩu, khu vực kiểm soát Hải quan. Tổng cục Hải quan đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống ma tuý của toàn ngành, do một đồng chí phó Tổng cục Trưởng. Thành viên Uỷ ban quốc gia phòng chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma tuý làm trưởng ban. Đồng thời tổ chức lực lượng chuyên trách làm công tác chống ma tuý theo 3 tuyến địa bàn (Tuyến phía Bắc, Miền trung, Phía Nam). Các đơn vị chuyên trách chống ma tuý thuộc Cục ĐTCBL do 1 đồng chí Phó cục trưởng phụ trách theo từng địa bàn được phân công có nhiệm vụ điều tra cơ bản, nắm tình hình , thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trinh sát như: sưu tra, xây dựng cơ bản bí mật, trinh sát xác minh... để trực tiếp đấu tranh các chuyên án ma tuý, tiến hành bắt giữ tại cửa khẩu hoặc phối hợp với các lực lượng công an, Biên phòng bắt giữ trong khu vực kiểm soát Hải quan. Đồng thời thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn và phối hợp với Hải quan các cửa khẩu, đơn vị nghiệp vụ cấp cơ sở trong công tác phòng chống và kiểm soát ma tuý qua cửa khẩu.

Hải quan các tỉnh, thành phố có ban chỉ đạo phòng chống tệ nạn ma tuý, do đồng chí Phó Cục trưởng làm trưởng ban. Ban này do phòng hoặc đội điều tra chống buôn lậu làm thường trực có nhiệm vụ tham mưu giúp lãnh đạo chỉ đạo công tác phòng chống ma tuý đối với hải quan cửa khẩu và các địa điểm thông quan.

Đối với những địa bàn được xác định là trọng điểm về buôn bán vận chuyển ma tuý qua biên giới, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Hải quan các tỉnh, thành phố thành lập đội kiểm soát chống ma tuý thuộc phòng điều tra chống buôn lậu hoặc đội kiểm soát chống ma tuý thuộc Cục hải quan các tỉnh, thành phố, các đơn vị này có nhiệm vụ điều tra nắm tình hình buôn bán vận chuyển ma tuý trong khu vực kiểm soát Hải quan và các cửa khẩu để phối hợp hoặc lực lượng Công an, Biên phòng tổ chức bắt giữ khi có nguồn tin về đối tượng buôn bán vận chuyển ma tuý qua địa bàn.

Đối với lực lượng hải quan cửa khẩu và lực lượng kiểm hóa: đây được xác định là lực lượng chính, trực tiếp trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát công khai về hàng hoá hành lý phương tiện hàng hoá xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, để ngăn chặn và phát hiện ma tuý. Do vậy, Tổng cục Hải quan ngoài việc củng cố và tăng cường lực lượng hải quan tại cửa khẩu như: trang bị kiến thức, 1 số phương tiện phát hiện ma tuý như máy soi, máy ngửi và chó nghiệp vụ.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động của lực lượng này còn gặp nhiều khó khăn như: Biên chế, trình độ nghiệp vụ, trang bị phương tiện kỹ thuật kiểm tra, ý thức nghiệp vụ... chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phòng chống ma tuý qua biên giới trong tình hình hiện nay.

3- Về đào tạo nghiệp vụ và phương tiện kỹ thuật phát hiện ma tuý:

- Trước yêu cầu, nhiệm vụ phòng chống và kiểm soát ma tuý của lực lượng hải quan. Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo ĐTCBL phối hợp với trường cao đẳng Hải quan nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ kiểm soát cho cán bộ, công chức Hải quan. Từ năm 1994 đến nay Cục ĐTCBL và Trường Cao đẳng Hải quan đã tổ chức đào tạo huấn luyện cho trên 1000 lượt cán bộ, công chức về nghiệp vụ kiểm soát ma tuý với nhiều hình thức và nội dung đào tạo phù hợp theo các tuyến cửa khẩu (Hàng không, Bưu điện, đường bộ, cảng biển)

Bên cạnh việc tổ chức đào tạo huấn luyện trong nước, Tổng cục Hải quan đã chủ động quan hệ với hải quan các nước như: Pháp, Anh, Nhật Bản đề nghị cử các chuyên gia chống ma tuý sang Việt Nam mở lớp huấn luyện nghiệp vụ cho hải quan Việt Nam. Đồng thời tổ chức các đoàn cán bộ, đi học tập kinh nghiệm phòng chống ma tuý của các nước.

Thông qua các hình thức đào tạo, huấn luyện, trình độ nhận thức về công tác chống ma tuý của cán bộ, nhân viên Hải quan đã được nâng lên và phát huy tính hiệu quả. Tuy nhiên, công tác đào tạo, huấn luyện trong thời gian quan của ngành Hải quan chỉ dừng lại ở mức độ phổ cập kiến thức chung, còn các biện pháp kỹ thuật điều tra, phát hiện đang còn nhiều hạn chế.

- Trang bị phương tiện kỹ thuật phục vụ kiểm tra, phát hiện ma tuý: đi đôi với công tác đào tạo huấn luyện, ngành Hải quan đã từng bước nghiên cứu, trang bị bước đầu các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, kiểm tra, phát hiện ma tuý tại 1 số cửa khẩu quốc tế trọng điểm như: sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài, và các đơn vị chống ma tuý chuyên trách của Cục ĐTCBL. Thông qua việc sử dụng phương tiện kiểm tra tại các sân bay quốc tế đã phát hiện một số vụ. Điển hình là vụ: Phát hiện 18,1 kg Hêroin tại sân bay Tân Sơn Nhất qua máy soi X.quang và vụ 5,14 kg Hêroin tại sân bay Nội Bài được cất giấu trong tranh sơn mài...

Tuy nhiên, trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ ngăn chặn, phát hiện ma tuý tại các cửa khẩu quốc gia, quốc tế, hiện nay, còn hết sức hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngăn chặn và kiểm soát ma tuý qua cửa khẩu hiện nay. Đặc biệt, là các tuyến cửa khẩu đường bộ, cảng biển và bưu cục ngoại dịch.

4- Kết quả bắt giữ ma tuý của ngành Hải quan:

Thực hiện nhiệm vụ được phân công theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua (1992 - 2000) ngành Hải quan đã tổ chức điều tra, phát hiện và bắt giữ trên 200 vụ án ma tuý, gồm 180 đối tượng và thu giữ các chất gồm:

- 44,940 kg heroin

- 5,42 kg moophin

- 516 gam Methamphetamin

- 477,21 kg thuốc phiện

- 6683 kg cần sa

- 120,22 g ống và 139,593 viên tân dược gây nghiện

- 6504 viên ma tuý kích thích thần kinh, nghiện...

Kết quả bắt giữ các vụ buôn bán, vận chuyển ma tuý qua các cửa khẩu và khu vực kiểm soát Hải quan, của ngành Hải quan, trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào công tác phòng chống tội phạm buôn bán, vận chuyển ma tuý qua biên giới. Tuy nhiên, so với thực trạng tệ nạn ma tuý ở nước ta trong thời gian qua, ngành Hải quan phải có nhiều cố gắng hơn nữa để thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao. Ngành Hải quan xác định việc ngăn chặn, phát hiện hoạt động buôn lậu, vận chuyển ma tuý qua biên giới, cửa khẩu là một trong những nhiệm vụ quan trọng công tác hải quan giai đoạn 2001 - 2005 của quốc gia.

II- Đánh giá, nhận xét tình hình phòng chống và kiểm soát ma tuý qua cửa khẩu của lực lượng hải quan trong thời gian 1993-2000:

Trong 8 năm thực hiện nghị quyết 06/CP ngày 19/01/1993 của Chính phủ về tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống ma tuý, Tổng cục Hải quan đã tổ chức chỉ đạo toàn ngành thực hiện nhiệm vụ, đạt được những kết quả tích cực, góp phần ngăn chặn tình hình buôn bán, vận chuyển ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam. Công tác tổ chức đấu tranh đã từng bước hướng vào các khâu nghiệp vụ cơ bản, tập trung các biện pháp kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu và khu vực kiểm soát Hải quan, đã tạo ra được những tiền đề cơ bản cho công tác phòng chống và kiểm soát ma tuý của ngành Hải quan trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, tình hình buôn bán vận chuyển ma tuý qua biên giới vào Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là các chất ma tuý tổng hợp Methamphetamin, estasy... từ các nước khu vực tam giác vàng đang có xu hướng xâm nhập nhiều vào Việt Nam. Phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi. Mặt khác, công tác tổ chức phòng chống và kiểm soát ma tuý qua biên giới nói chung và cửa khẩu nói riêng còn bộc lộ một số tồn tại và thiếu sót như:

- Về nhận thức: Một số cán bộ, chưa nhận thức đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của ngành Hải quan trong công tác đấu tranh chống tội phạm buôn bán vận chuyển trái phép chất ma tuý, tiền chất qua biên giới, nên chưa nêu cao ý thức, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, kiểm soát và giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu để ngăn chặn, phát hiện ma tuý. Trong một số tỉnh biên giới phía Bắc tình hình thuốc tân dược gây nghiện thâm nhập vào nhiều nhưng không phát hiện hoặc phát hiện ít.

- Về lực lượng: phần lớn cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ kiểm soát, kiểm tra hàng hoá, phương tiện tại cửa khẩu đến từ quân đội hoặc các trường đại học tuyển vào. Một số chưa được đào tạo, huấn luyện cơ bản về các nghiệp vụ phòng chống ma tuý nên công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hoá, phương tiện trọng điểm về ma tuý để ngăn chặn phát hiện tại cửa khẩu còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ PCMT trong tình hình mới.

- Về trang thiết bị phương tiện, chính sách: hiện nay ngành Hải quan đang thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về Hải quan tại 124 cửa khẩu quốc gia, quốc tế và điểm thông quan trên các tuyến đường không, đường bộ cảng biển và bưu cục ngoại dịch, nhưng hoạt động kiểm tra, kiểm soát hàng hoá, phương tiện qua cửa khẩu chủ yếu là kiểm tra thủ công, đặc biệt là các cửa khẩu cảng biển, bưu điện, và 1 số cửa khẩu quốc tế đường bộ lưu lưu lượng hàng hoá, hành lý, phương tiện xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng ngày rất lớn, hàng hoá cồng kềnh nhưng chưa được trang bị 1 loại phương tiện kiểm tra nào để hỗ trợ cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu. Mặt khác, lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu chủ yếu làm việc theo chế độ công chức, không có chế độ nào khác hỗ trợ đảm bảo cho lực lượng này thực hiện nhiệm vụ phòng chống ma tuý.

Công tác phối hợp PCMT qua biên giới của các lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan tại các cửa khẩu, khu vực kiểm soát Hải quan còn nhiều hạn chế, nhất là tại các đơn vị cơ sở, Sự trao đổi, phối hợp thông tin, chưa thường xuyên.

III. Nhiệm vụ và giải pháp phòng chống ma tuý qua cửa khẩu của lực lượng hải quan:

- Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của Tổng cục Hải quan trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan.

- Căn cứ chỉ thị 19/2000/CT-TTg ngày 28/9/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu và gian lận thương mại tại cửa khẩu.

Trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Hải quan, Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển, quy định tại điều 44 Luật phòng chống ma tuý: Tổng cục Hải quan xây dựng đề án phòng chống và kiểm soát ma tuý qua cửa khẩu theo những nội dung sau:

1- Mục tiêu tổng quát:

- Kiểm soát ngăn chặn và phát hiện có hiệu quả hoạt động buôn bán, vận chuyển các chất ma tuý, tiền chất qua cửa khẩu thông qua các hoạt động kiểm tra, kiểm soát hàng hoá, hành lý xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh của lực lượng Hải quan Việt Nam.

2- Các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện mục tiêu tổng quát:

2.1 Củng cố và tăng cường xây dựng tổ chức và lực lượng phòng chống ma tuý của hải quan từ trung ương cơ sở.

a. Tại Tổng cục Hải quan (Cục ĐTCBL): Thành lập các đơn vị chống ma tuý chuyên trách theo dõi các địa bàn và các tuyến cửu khẩu:

+ 1 phòng kiểm soát ma tuý khu vực các tỉnh phía Bắc, theo dõi các cửa khẩu từ Quảng Bình trở ra.

+ 01 phòng kiểm soát ma tuý khu vực các tỉnh Miền trung-Tây nguyên theo dõi các hoạt động của cửa khẩu từ Quảng trị đến Bình Thuận.

+ 1 phòng kiểm soát ma tuý khu vực các tỉnh miền Nam, theo dõi các cửa khẩu các tỉnh Miền Đông và Miền Tây nam bộ.

Các phòng có nhiệm vụ giúp lãnh đạo Cục ĐTCBL và lãnh đạo Tổng cục kiểm tra, hướng dẫn và tổ chức điều tra cơ bản nắm tình hình và phối hợp với Hải quan các tỉnh, thành phố trong việc kiểm soát và ngăn chặn, phát hiện ma tuý qua cửa khẩu, khu vực kiểm soát Hải quan thuộc địa bàn phụ trách. Là đầu mối phối hợp với các lực lượng trong đấu tranh PCMT qua biên giới. Các phòng khu vực do 1 đồng chí phó Cục trưởng phụ trách, biên chế từ 8-12 người.

+ 01 tổ thường trực ban chỉ đạo PCMT Tổng cục Hải quan thuộc Cục ĐTCBL có nhiệm vụ tham mưu tổng hợp giúp lãnh đạo Cục và lãnh đạo Tổng cụ chỉ đạo công tác PCMT trong toàn ngành tham gia và hoạt động tại văn phòng UBQGPCMT.

b. Tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố

+ Đối với các đơn vị được xác định là địa bàn, tuyến trọng điểm về tình hình buôn bán vận chuyển chất ma tuý qua biên giới. Thành lập 1 đơn vị chống ma tuý chuyên trách, giúp ban chỉ đạo PCMT tỉnh, thành phố hướng dẫn chỉ đạo với các đơn vị cơ sở. Đồng thời tổ chức điều tra cơ bản, thu thập thông tin để phối hợp với hải quan cửa khẩu, phòng kiểm soát ma tuý khu vực - Cục ĐTCBL và lực lượng chức năng Công an, Biên phòng trong công tác ngăn chặn và phát hiện ma tuý qua cửa khẩu và khu vực kiểm soát hải quan.

+ Đối với các địa phương khác, thành lập 1 đội hoặc tổ kiểm soát ma tuý thuộc phòng điều tra chống buôn lậu thực hiện các nhiệm vụ như các đơn vị kiểm soát ma tuý chuyên trách thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

c. Đối với Hải quan cửa khẩu

Đây là 1 lực lượng thường xuyên, trực tiếp làm nhiệm vụ công khai kiểm tra, kiểm soát và giám sát hàng hoá, hành lý xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh. Đồng thời làm nhiệm vụ kiểm soát ngăn chặn và phát hiện ma tuý, tiền chất trái phép qua cửa khẩu.

+ Đối với cửa khẩu trọng điểm: (sân bay Tân sơn nhất, Nội bài, sân bay Đà nẵng, Điên biên phủ, các cửa khẩu quốc tế tuyến biên giới Việt lào và các biên giới cửa khẩu Việt Nam - Campuchia) thành lập 1 đơn vị kiểm soát chất ma tuý thuộc cửa khẩu do trưởng hoặc phó cửa khẩu phụ trách, có nhiệm vụ tham mưu giúp lãnh đạo chỉ đạo công tác kiểm soát ngăn chặn và phát hiện ma tuý qua cửa khẩu đồng thời làm nhiệm vụ điều tra cơ bản, thu thập thông tin xác định các đối tượng, hàng hoá, phương tiện phục vụ trong công tác kiểm tra, kiểm soát công khai và phối hợp với lực lượng chức năng có yêu cầu.

+ Đối với các cửa khẩu khác: Bố trí từ 1-3 cán bộ làm nhiệm vụ như các đội ma tuý chuyên trách thuộc cửa khẩu.

d. Tiêu chuẩn tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện cán bộ, nhân viên làm công tác kiểm soát ma tuý của lực lượng Hải quan.

- Có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ.

- Đã được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ kiểm soát ma tuý (trong nước hoặc quốc tế) và sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, có kiên thức pháp luật và nghiệp vụ điều tra.

- Tuổi đời dưới 45 tuổi, có sức khoẻ tốt, biết sử dụng các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ và ngoại ngữ.

2.2. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai nhiệm vụ phòng chống ma tuý theo tinh thần và quy định của Luật phòng chống ma tuý, Quy chế phối hợp phòng chống ma tuý giữa Công an - Biên phòng - Hải quan - Cảnh sát biển cho toàn thể cán bộ và công chức trong toàn ngành theo các nội dung:

+ Tổ chức chỉ đạo và thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát giám sát hàng hoá, hành lý xuất nhập khẩu và phương tiện xuất nhập cảnh để chủ động ngăn chặn và phát hiện ma tuý xâm nhập qua cửa khẩu và khu vực kiểm soát hải quan, trước tiên thuộc lực lượng Hải quan cửa khẩu và kiểm hoá.

+ Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục các đối tượng qua lại cửa khẩu về ý thức và trách nhiệm trước pháp luật đối với hoạt động buôn bán, vận chuyển và tiếp tay cho tội phạm ma tuý.

2.3. Tăng cương công tác kiểm tra và giám sát hàng hoá, hành lý xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu. Trên cơ sở vừa tạo thông thoáng trong hoạt động xuất nhập khẩu vừa đảm bảo ngăn chặn, phát hiện ma tuý xâm nhập qua cửa khẩu bằng các biện pháp cụ thể:

+ Tăng cường trang bị các phương tiện kỹ thuật như: Máy soi X. quang, máy phân tích ma tuý, chó nghiệp vụ phát hiện ma tuý và các phương tiện thông tin, vi tính,... cho hải quan các cửa khẩu trọng điểm và các cửa khẩu khác.

+ Điều tra nghiên cứu, phân tích và xử lý thu thập thông tin qua các công tác quản lý công khai tại cửa khẩu về hàng hoá, hành lý, phương tiện và hành khách... để xác định luồng hàng, tuyến vận chuyển, phương tiện trọng điểm phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát và giám sát trọng điểm.

+ Phối hợp với các lực lượng trong ngành và các lực lượng chức năng ngoài ngành trong công tác trao đổi, thu thập thông tin về hoạt động buôn bán, vận chuyển ma tuý qua cửa khẩu để kịp thời tổ chức lực lượng và chủ trì phối hợp với các lực lượng trong việc phát hiện, ngăn chặn ma tuý qua cửa khẩu và bắt giữ theo thẩm quyền.

2.4. Công tác tuần tra, kiểm soát khu vực cửa khẩu và địa bàn kiểm soát Hải quan.

Để đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh đều được thực hiện tại cửa khẩu theo quy định của pháp luật, lực lượng hải quan đã tổ chức triển khai các hoạt động tuần tra, kiểm soát khu vực cánh gà cửa khẩu và địa bàn hoạt động hải quan, nhằm phát hiện bắt giữ các hoạt động buôn bán lén lút trong việc mua bán, trao đổi, tập kết hàng hoá nói chung và ma tuý nói riêng trước khi qua cửa khẩu hoặc vượt biên giới trái phép.

Biện pháp tuần tra được thực hiện theo các hình thức:

- Tuần tra, kiểm soát công khai để răn đe, ngăn chặn các biểu hiện hoạt động bất hợp pháp về hàng hoá và ma tuý tại khu vực cửa khẩu.

- Tổ chức phục kích khu vực 2 bên cánh gà cửa khẩu và khu vực kiểm soát Hải quan để ngăn chăn, bắt giữ các đối tượng buôn bán vận chuyển trái phép ma tuý qua biên giới hoặc khu vực kiểm soát hải quan trên biển.

2.5. Công tác điều tra thu thập thông tin tình báo. Trên cơ sở thông tin thu thập được qua các nguồn hoạt động công khai như kiểm tra, kiểm soát, giám sát tại cửa khẩu, tuần tr kiểm soát trong khu vực kiểm soát hải quan... và các nguồn thông qua trinh sát như: xây dựng mạng lưới cơ sở bí mật, công tác viên và các biện pháp kỹ thuật, thông tin quốc tế... về một đối tượng , 1 lô hàng, 1 phương tiện nghi vấn để phân tích, xử lý thông tin phục vụ cho công tác ngăn chặn và phát hiện tại cửa khẩu 1 cách chủ động và chính xác.

Các hoạt động cụ thể của công tác này được thể hiện:

- Nghiên cứu, phân tích thông tin qua các hồ sơ hàng hoá, hành lý, phương tiện trọng điểm như: tên, địa chỉ người gửi, người nhận, xuất xứ hàng hoá... có đi qua khu vực, biên giới quốc gia sản xuất, xuất khẩu ma tuý hay không...

- Nghiên cứu, phân tích các thông tin về tờ khai, hộ chiếu, vé máy bay... của đối tượng xuất nhập khẩu để phát hiện nghi vấn.

- Nghiên cứu, phân tích các kết quả điều tra cơ bản về đối tượng nghi vấn của lực lượng kiểm soát ma tuý.

- Nghiên cứu phân tích tình hình và phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu ma tuý ở các nước khu vực và trên thế giới. Đặc biệt là các thủ đoạn cất giấu mới và tuyến đường vận chuyển ma tuý.

- Nghiên cứu, phân tích các thông tin thu thập được thông qua mạng lưới cơ sở, công tác viên bí mật của lực lượng chống ma tuý của Hải quan.

Trên cơ sở những kết quả phân tích, xử lý thông tin tình báo để hệ thống hoá theo nhóm đối tượng, tuyến hoạt động các mặt hàng, phương tiện bị lợi dụng để tổ chức ngăn chặn và phát hiện tại cửa khẩu một cách chủ động.

2.6. Hoạt động phối hợp quốc tế:

Xuất phát từ tính chất đặc điểm hoạt động của tội phạm ma tuý và hậu quả tác hại của loại tội phạm này, không chỉ dừng lại ở từng quốc gia mà mang tính chất quốc tế. Mặt khác, công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma tuý phải đầu tư sức người, sức của hết sức tốn kém. Chính vì vậy, ngoài sự nỗ lực của từng quốc gia, từng ngành chúng ta phải tranh thủ sự giúp đỡ hợp tác của các tổ chức quốc tế, và các quốc gia khác nhau về kinh nghiệm và cơ sở vật chất. Đặc biệt là việc trang bị các phương tiện kỹ thuật trong hoạt động phòng chống ma tuý. Thực tiễn, trong thời gian chúng ta đã và đang hợp tác có hiệu qủa trong lĩnh vực phòng chống ma tuý với các nước và tổ chức quốc tế.

Đối với Tổng cục Hải quan, hợp tác quốc tế được thể hiện trong các nội dung sau:

- Hợp tác với nước trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện và trao đổi kinh nghiệm kiểm soát ma tuý và tiền chất bất hợp pháp qua cửa khâu, biên giới.

- Tham gia các dự án kiểm soát ma tuý, kiểm soát tiền chất của các nước khu vực theo thoả thuận gồm 7 nước tiểu vùng (Thái Lan-Myanma-Lào-Campuchia-Việt Nam-Trung Quốc-do Chính phủ Nhật bản và UNDCP tài trợ)

- Trao đổi thông tin phòng chống tội phạm ma tuý với văn phòng tình báo hải quan thế giới tại khu vực Châu á - Thái bình dương (RILO-TOKYO).

IV. Đề xuất và kiến nghị:

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và hệ thống các giải pháp về kiểm soát ma tuý qua cửa khẩu của lực lượng hải quan nêu tại phần II. Tổng cục Hải quan xin trình Chính phủ phê duyệt 1 số nội dung đề xuất và kiến nghị như sau:

1. Nhiệm vụ phòng chống ma tuý của lực lượng Hải quan

- Tổ chức, chỉ đạo lực lượng Hải quan trong toàn quốc, thực hiện các biện pháp công tác nghiệp vụ về phòng chống và kiểm soát ma tuý tại các cửa khẩu Quốc gia. Quốc tế và khu vực kiểm soát Hải quan.

- Chủ trì phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an, Bộ quốc phòng về công tác phòng chống ma tuý tại các cửa khẩu.

2. Về tổ chức lực lượng phòng chống ma tuý của Hải quan:

2.1. Thành lập lực lượng chuyên trách

- Tổng cục Hải quan thành lập 3 đơn vị kiểm soát ma tuý hoạt động cơ động tại 3 khu vực (Phía Bắc, Miền Trung và Phía Nam) thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu.

- Tại Hải quan các Tỉnh, Thành phố trọng điểm về tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý qua biên giới, thành lập 1 đơn vị kiểm soát chống ma tuý.

- Tại Hải quan các cửa khẩu đường không, đường bộ, cảng biển, Hải quan bưu điện thành lập 1 đội hoặc 1 tổ đổi công tác kiểm soát chống ma tuý.

- Ngoài các lực lượng kiểm soát ma tuý chuyên trách, toàn thể cán bộ, công chức Hải quan có trách nhiệm phòng chống ma tuý trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát, và giám sát hàng hoá, hành lý Xuất nhập khẩu và phương tiện Xuất nhập cảnh.

2.2. Tiêu chuẩn chọn cán bộ công chức Hải quan làm nhiệm vụ kiểm soát chống ma tuý

- Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành và đảm bảo năng lực hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát chống ma tuý

- Đã được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, pháp luật và có kiến thức, hiểu biết về lĩnh vực phòng chống ma tuý, biết sử dụng thành thạo vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và các kiến thức khoa học kỹ thuật khác.

- Tuổi đời dưới 45 tuổi, sức khoẻ tốt, biết sử dụng phương tiện kỹ thuật và ngoại ngữ

- Đối với lực lượng Hải quan làm công tác kiểm soát ma tuý phải được tổ chức gửi đi đào tạo, huấn luyện Quân sự nghiệp vụ tại các trường của Bộ Công an.

3. Cơ sở pháp lý phục vụ nhiệm vụ phòng chống ma tuý của lực lượng Hải quan

Ngoài thẩm quyền của lực lượng Hải quan được quy định tại Bộ luật tố tụng Hình sự và pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, các cơ quan Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu , cục Hải quan các Tỉnh, Thành phố và Hải quan cửa khẩu) cần bổ sung và cụ thể hoá một số thẩm quyền sau:

3.1. Quyền tiến hành khởi tố các vụ án hình sự về tội: Tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt ma tuý trái phép.

3.2. Quyền kiểm tra, sao chép các tài liệu, hoá đơn chứng từ trong hoạt động Xuất nhập khẩu của các Doanh nghiệp, các Ngân hàng và các Tổ chức tín dụng có dấu hiệu nghi vấn liên quan đến hoạt động chống buôn lậu ma tuý.

3.3. Trong khu vực cửa khẩu và khu vực kiểm soát Hải quan, lực lượng Hải quan có các quyền sau:

Quyền khám xét người, phương tiện vận chuyển, hàng hoá, vật phẩm và địa điểm có dấu hiệu nghi vấn tàng trữ ma tuý; Quyền bắt giữ người, phương tiện vận tải, hàng hoá vật phẩm có nghi vấn tàng trữ ma tuý.

3.4. Các đơn vị Hải quan làm nhiệm vụ kiểm soát chống ma tuý được quyến tiến hành các biện pháp nghiệp vụ điều tra thu thập thông tin như: Xây dựng và sử dụng mạng lưới cơ sở, cộng tác viên bí mật, tự nguyện cộng tác với Hải quan trong công tác phòng chống ma tuý; Các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để thu thập thông tin về tội phạm ma tuý; Được trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong khi thi hành nhiệm vụ.

3.5. Chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức Hải quan làm công tác kiểm soát chống ma tuý được hưởng các chế độ như lực lượng Công an nhân dân làm công tác chống tội phạm ma tuý và được công nhận thương binh hoặc liệt sỹ trong khi làm nhiệm vụ bị thương hoặc hi sinh.

4. Về trang bị cơ sở vật chất, phương tiện các kỹ thuật nghiệp vụ

- Tăng cường trang bị các kiểm tra phát hiện ma tuý tại các cửa khẩu. Từ nay đến năm 2005 cần trang bị cho một số cửa khẩu trọng điểm như sau:

+ Máy X.quang phát hiện ma tuý cất giấu trong cơ thể hoặc nuốt vào bụng, trang bị cho 4 sân bay Quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Điện Biên: 4 chiếc

+ Máy ngửi phát hiện ma tuý, trang bị cho các cửa khẩu Quốc gia, Quốc tế: 40 chiếc.

- Tuyến cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc: 6 chiếc.

- Tuyến cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào: 8 chiếc.

- Tuyến cửa khẩu biên giới Việt Nam - Camphuchia: 4 chiếc.

- Các tuyến cửa khẩu bưu điện: 6 chiếc.

- Các tuyến cửa khẩu hàng không: 8 chiếc.

- Các tuyến cửa khẩu Cảng biển: 8 chiếc

Cục Điều tra chống buôn lậu chịu trách nhiệm tìm hiểu tính năng tác dụng của các loại máy phát hiện ra ma tuý hiện có trên thị trường, phối hợp Hải quan cửa khẩu kiểm nghiệm máy tại các địa bàn trọng điểm để xác định hiệu quả sử dụng máy trước khi trình Tổng Cục kế hoạch mua trang bị.

- Đào tạo huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ phát hiện ma tuý tại các cửa khẩu trọng điểm từ 2001-2005: 50 con.

(Riêng năm 2001 Cục Điều tra chống buôn lậu đã lập kế hoạch đào tạo huấn luyện chuyển Vụ tổ chức cán bộ trình lãnh đạo Tổng Cục từ tháng 3 năm 2001).

Trang bị phương tiện (ô tô, xe máy), thiết bị thông tin liên lạc, vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng kiểm soát chống ma tuý chuyên trách của Cục Điều tra chống buôn lậu tại 3 khu vực (Bắc, Trung, Nam) và Hải quan các cửa khẩu. Về phương tiện này, Cục Điều tra chống buôn lậu sẽ làm việc với Hải quan các địa phương, và Vụ Kế hoạch Tài vụ để có số liệu trình lãnh đạo Tổng cục Hải quan phê duyệt

Trên đây là một số nội dung cơ bản đề xuất, kiến nghị của Tổng cục Hải quan trình Chính phủ phê duyệt./.

 

 

K/T TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
PHÓ TỔNG CỤC




Nguyễn Ngọc Túc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1717/TCHQ-ĐT về đề án tăng cường năng lực hát hiện, ngăn chặn ma tuý qua cửa khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 1717/TCHQ-ĐT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 02/05/2001
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Túc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/05/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản