Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16586/BTC-HCSN
V/v Tham gia dự thảo TTLT hướng dẫn thực hiện LDLK thực hiện các dịch vụ của các cơ sở y tế công lập.

Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2007

 

Kính gửi: Bộ Y tế

Trả lời công văn số 8213/BYT-KH-TC ngày 05/11/2007 của Bộ Y tế đề nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập; Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1/ Điều 5, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã quy định “Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đối với lĩnh vực sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ”. Mặt khác, do đây là vấn đề mới, để đảm bảo nội dung hướng dẫn phù hợp với thực tế các cơ sở y tế đang thực hiện, đề nghị Bộ Y tế lấy thêm ý kiến tham gia của Bộ Nội vụ, một số địa phương và cơ sở y tế. Trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ và một số cơ sở y tế, Bộ Y tế tổng hợp hoàn thiện ký thông tư của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập.

2. Một số ý kiến tham gia cụ thể vào dự thảo Thông tư như sau:

a) Khoản 1, mục I, phần I: Đề nghị quy định rõ là cơ sở y tế công lập được cơ quan có thẩm quyền phân loại là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên.

b) Khoản 2, mục II, phần I:

- Điểm c: Đề nghị cân nhắc hình thức liên doanh, liên kết này vì đây là hình thức thuê thiết bị và trả phí thuê theo hợp đồng, không thuộc hình thức sử dụng tài sản để liên doanh liên kết hoặc góp vốn liên doanh, không thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư này.

- Ngoài ra, đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu quy định đối với trường hợp hai cơ sở y tế công lập cùng sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh mua sắm tài sản cố định.

c) Khoản 2, mục III, phần II: Đề nghị bổ sung quy định đối với trường hợp các bên tham gia góp vốn liên doanh mua sắm máy móc, trang thiết bị để thực hiện cung cấp dịch vụ.

d) Khoản 7, mục II, phần II:

- Điểm e: Đề nghị bỏ đoạn “Trường hợp đặc biệt, Thủ trưởng đơn vị được quyết định tỷ lệ khấu hao cao hơn quy định nhằm thu hồi vốn kịp thời đối với các tài sản sớm lạc hậu về công nghệ nhưng phải phù hợp với khả năng chi trả của người hưởng dịch vụ và không vượt quá 50% tỷ lệ khấu hao hiện hành của tài sản đó” và đoạn “Trường hợp số tiền khấu hao thu được cao hơn giá trị tài sản sử dụng để tham gia liên doanh hoặc vốn góp thì số chênh lệch được tiếp tục phân chia theo tỷ lệ vốn góp giữa các bên tham gia”.

- Bổ sung một điểm quy định về chi phí xử lý ô nhiễm môi trường, chất thải trong quá trình hoạt động.

e) Khoản 1, mục IV, phần II: Đề nghị bổ sung vào đoạn cuối cùng nội dung “tại chuẩn mực số 07 - Kế toán các khoản đầu tư vào Công ty liên kết; Chuẩn mực số 08 – Thông tin tài chính về các khoản vốn góp liên doanh, ban hành kèm theo Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC ngày 30/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính”.

g) Ngoài ra, đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, bổ sung một số quy định sau:

- Quy định về tổ chức nhân sự để thực hiện liên doanh, liên kết.

- Theo quy định của Nghị định số 43/2006/NĐ-CP thì việc phân loại đơn vị sự nghiệp được thực hiện ổn định trong thời gian 3 năm, sau thời gian này sẽ xem xét phân loại cho phù hợp; vì vậy cần nghiên cứu quy định thêm trường hợp hết thời kỳ ổn định, các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên có liên doanh, liên kết chuyển sang đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên (không thuộc đối tượng được liên doanh liên kết) thì xử lý như thế nào?

- Bổ sung quy định xử lý về tài sản, vốn liên doanh, liên kết trong trường hợp 01 bên đơn phương chấm dứt hợp đồng liên doanh liên kết trước thời hạn.

- Bổ sung quy định về chế tài xử lý vi phạm đối với việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập.

- Bổ sung quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên doanh liên kết của các cơ sở y tế công lập.

Trên đây là ý kiến tham gia của Bộ Tài chính để Bộ Y tế nghiên cứu tổng hợp hoàn thiện ký Thông tư ban hành.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ Đầu Tư, Vụ NSNN
- Vụ Pháp chế, Cục Quản lý công sản;
- Lưu: VT, HCSN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 16586/BTC-HCSN tham gia dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện liên doanh, liên kết thực hiện dịch vụ của cơ sở y tế công lập do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 16586/BTC-HCSN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 05/02/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/02/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản