Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1645/BYT-YDCT
V/v tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025

Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 2023

 

Kính gửi:

- UBND tỉnh Bắc Kạn;
- UBND tỉnh Lai Châu;
- UBND tỉnh Ninh Thuận;
- UBND tỉnh Trà Vinh.

Thực hiện Công điện số 71/CĐ - TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Đối với một số khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nội dung Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý được tổng hợp tại phụ lục kèm theo Công điện; Bộ Y tế có ý kiến cụ thể đối với từng địa phương tại phụ lục đính kèm công văn này.

Bộ Y tế gửi các địa phương biết để biết, phối hợp thực hiện.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (đổ b/c);
- Đ/c Bộ trưởng (để b/c);
- Các Đ/c Thứ trưởng;
- VP điều phối CTMTQG phát triển KTXH vùng ĐBDTTS và MN (Ủy ban Dân tộc);
- UBND các tỉnh triển khai nội dung Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng DL quý;
- Lưu: VT, YDCT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Xuân Tuyên

 

PHỤ LỤC

TỔNG HỢP KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ GIẢI PHÁP XỬ LÝ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

STT

ĐỊA PHƯƠNG

NỘI DUNG VƯỚNG MẮC, KHÓ KHĂN

GIẢI PHÁP

1

TỈNH BẮC KẠN

Thông tư số 10/2022/TT-BYT ngày 22/10/2022 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn triển khai nội dung Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 chưa hướng dẫn việc thực hiện nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện dự án (chưa quy định về chi phí chuẩn bị dự án, chi phí quản lý dự án).

- Dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý được triển khai theo Quy định tại Điều 21, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ: Chủ trì liên kết phải lập hồ sơ đề xuất thực hiện dự án và quản lý dự án khi được phê duyệt theo quy định. Ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án thông qua đơn vị chủ trì dự án với các nội dung và mức hỗ trợ được UBND cấp tỉnh phê duyệt. Bởi vậy, chi phí chuẩn bị dự án và chi phí quản lý dự án chủ trì liên kết và thành viên liên kết phải chi trả từ phần kinh phí đối ứng thực hiện dự án. Ngân sách nhà nước không hỗ trợ cho chi phí chuẩn bị và quản lý dự án. Hơn thế việc quy định mức chi hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư phát triển ngoài thẩm quyền của Bộ Y tế nên không được hướng dẫn tại Thông tư số 10/2022/TT-BYT ngày 22/9/2022 của Bộ Y tế.

- Tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/04/2022 của Chính phủ chưa có quy định hướng dẫn thực hiện nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án. Bộ Y tế sẽ phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất định mức sử dụng vốn đầu tư thực hiện các hạng mục đầu tư thuộc dự án dược liệu quý trong Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/04/2022 của Chính phủ trong thời gian tới.

2

TỈNH LAI CHÂU

Khoản 1, khoản 2 Điều 7 Thông tư số 10/2022/TT-BYT ngày 22/9/2022 của Bộ Y tế quy định Tổng diện tích triển khai dự án vùng trồng dược liệu quý tối thiểu là 210 ha là quá cao và chưa phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh (nếu diện tích cây sâm đạt được diện tích trên là không khả thi).

Diện tích tối thiểu 210 ha cho dự án vùng trồng dược liệu quý là phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương triển khai dự án vùng trồng dược liệu quý. Bộ Y tế trước khi ban hành đã xin ý kiến các địa phương.

Đối tượng dược liệu triển khai dự án không chỉ giới hạn 1 đối tượng là cây Sâm Việt Nam. Đề nghị UBND tỉnh Lai Châu căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương để lựa chọn thêm đối tượng các cây dược liệu khác triển khai dự án đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Chưa có hướng dẫn thực hiện cho thuê dịch vụ môi trường rừng để phát triển trồng dược liệu thuộc Nội dung số 2 Tiểu dự án 2 Dự án 3 gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.

Đề án thí điểm thuê môi trường rừng để nuôi trồng dược liệu được Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đầu mối xây dựng và trình đề án, đề nghị UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn cụ thể.

3

TỈNH NINH THUẬN

Tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg chỉ quy định 02 đối tượng triển khai thực hiện Dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, gồm: “(1) Các dự án phát triển sâm và dược liệu quý có hoạt động ở các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sử dụng tối thiểu 50% lao động là người dân tộc thiểu số (ưu tiên các dự án sử dụng trên 50% lao động là nữ), do các tổ chức kinh tế và cá nhân, hộ gia đình người dân tộc thiểu số, hộ nghèo sinh sống trong vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp cùng tham gia thực hiện và cam kết hỗ trợ thu mua, sản xuất, tiêu thụ dược liệu trong vùng; (2) Thôn, xã, huyện, tỉnh nơi triển khai dự án”. Tuy nhiên, tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 Thông tư số 10/2022/TT-BYT của Bộ Y tế (như: về phạm vi: “Là huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi có ít nhất 50% tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số; về quy mô: Tổng diện tích triển khai dự án vùng trồng dược liệu quý tối thiểu là 210 ha; về đối tượng: “Thuộc danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao theo Quyết định số 3657/QĐ-BYT ngày 20/8/2019 của Bộ Y tế”...) có cao hơn so với quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg và khó khả thi trong điều kiện như hiện nay của 2 huyện Ninh Hải và Bác Ái của tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, việc xác định địa bàn triển khai dự án dược liệu quý theo quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 10/2022/TT-BYT ngày 22/9/2022 của Bộ Y tế chưa thống nhất, khó xác định địa bàn để đầu tư dự án dược liệu quý trên địa bàn tỉnh.

- Các tiêu chí quy định tại Điều 6 Thông tư số 10/2022/TT-BYT ngày 22/9/2022 của Bộ Y tế về hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý được xây dựng trên cơ sở các tiêu chí của Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Báo cáo khả thi đã được Hội đồng thẩm định cấp nhà nước phê duyệt về phạm vi triển khai dự án là huyện có xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025 và hiện nay đã được thay thế bằng Quyết định số 861/QĐ - TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đối tượng cây dược liệu quý đã được quy định tại Điều 8 Thông tư 10/2022/TT-BYT ngày 22/9/2022 của Bộ Y tế: Danh mục 100 cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế tập trung phát triển giai đoạn 2020 - 2030, cây dược liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nơi triển khai dự án đảm bảo năng suất, chất lượng và đầu ra cho dược liệu.

- Việc xác định địa bàn triển khai dự án: Đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận lựa chọn địa bàn thực hiện dự án theo đề xuất của UBND tỉnh đã gửi Ủy ban Dân tộc tại Công văn số 1170/UBDT-HTQT ngày 14 tháng 9 năm 2020 về việc đề xuất triển khai dự án hạng mục “Đầu tư vùng trồng dược liệu quý” thuộc CTMTQG phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Để tránh đầu tư nhỏ lẻ manh mún và hình thành vùng trồng dược liệu tập trung bền vững hiệu quả để thu hút được Doanh nghiệp đủ năng lực đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đề nghị UBND tỉnh lựa chọn 1 huyện để triển khai dự án.

4

TỈNH TRÀ VINH

Bộ Y tế phối hợp với Bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ quy định định mức sử dụng vốn đầu tư thực hiện các hạng mục đầu tư thuộc dự án dược liệu quý .

- Căn cứ Điều 21, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có quy định về lựa chọn dự án, kế hoạch liên kết trong đó có nội dung về tổng chi phí, cơ cấu từng nguồn vốn, mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

- Căn cứ Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công; Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán để thực hiện theo đúng quy định.

- Bộ Y tế sẽ phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất định mức sử dụng vốn đầu tư thực hiện các hạng mục đầu tư thuộc dự án dược liệu quý trong Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1645/BYT-YDCT năm 2023 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 1645/BYT-YDCT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 27/03/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Đỗ Xuân Tuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/03/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản