Hệ thống pháp luật

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1637/BHXH-CSXH
V/v hướng dẫn thực hiện BHXH theo Nghị định số 91/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 2011

 

Kính gửi:

- Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng;
- Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân - Bộ Công an;
- Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ.

Thực hiện Nghị định số 91/2010/NĐ-CP ngày 20/8/2010 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 91/2010/NĐ-CP) và Thông tư số 38/2010/TT-BLĐTBXH ngày 24/12/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây gọi tắt là Thông tư số 38/2010/TT-BLĐTBXH) về chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với đối tượng áp dụng thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1, Điều 2 Nghị định số 91/2010/NĐ-CPĐiều 1, Điều 2 Thông tư số 38/2010/TT-BLĐTBXH như sau:

1. Về thu bảo hiểm xã hội:

Đối với trường hợp người lao động thuộc diện dôi dư đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 50 Luật BHXH (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 19 năm 6 tháng trở lên đến dưới 20 năm thì được Nhà nước đóng BHXH một lần thông qua đơn vị sử dụng lao động cho những tháng còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu (đủ 20 năm đóng BHXH) theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 91/2010/NĐ-CP thì thực hiện như sau:

- Mức đóng BHXH hàng tháng căn cứ vào thời điểm đóng BHXH, cụ thể là:

+ Thời gian từ ngày 01/10/2010 đến ngày 31/12/2011: Mức đóng bằng 18% tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng BHXH;

+ Thời gian từ ngày 01/01/2012 đến ngày 31/12/2013: Mức đóng bằng 20% tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng BHXH.

+ Thời gian từ ngày 01/01/2014 trở đi: Mức đóng bằng 22% tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng BHXH.

- Tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công của tháng cuối cùng đóng BHXH bắt buộc trước khi người lao động nghỉ việc và tiền lương tiền công này được điều chỉnh theo lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định theo từng thời kỳ tính đến thời điểm đóng BHXH.

Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố; Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ căn cứ vào phương án giải quyết lao động dôi dư do sắp xếp lại Công ty (mẫu số 5 hoặc 5a ban hành kèm theo Thông tư số 38/2010/TT-BLĐTBXH) và Danh sách người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng thiếu thời gian đóng BHXH (mẫu số 8 ban hành kèm theo Thông tư số 38/2010/TT-BLĐTBXH để tổ chức thu BHXH đối với đối tượng còn thiếu số tháng đóng BHXH nêu trên theo quy định hiện hành về quản lý thu BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

- Việc ghi, xác nhận vào sổ BHXH thực hiện theo quy định hiện hành, riêng tại cột 3 ghi rõ nội dung: thu bổ sung những tháng còn thiếu theo Nghị định số 91/2010/NĐ-CP.

2. Về thực hiện chế độ BHXH:

2.1. Thực hiện chế độ đối với người đủ điều kiện hưởng lương hưu:

Căn cứ hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ hưu trí theo quy định gồm sổ BHXH, Quyết định nghỉ việc hưởng chính sách đối với lao động dôi dư (mẫu số 6 ban hành kèm theo Thông tư số 38/2010/TT-BLĐTBXH) và danh sách của những người nghỉ hưu trước tuổi đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (mẫu số 7 hoặc mẫu số 8 ban hành kèm theo Thông tư số 38/2010/TT-BLĐTBXH) do đơn vị sử dụng lao động chuyển đến để giải quyết chế độ hưu trí đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, cụ thể như sau:

- Đối với người nghỉ hưu trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 91/2010/NĐ-CP khoản 1 Điều 3 Thông tư số 38/2010/TT-BLĐTBXH thì chế độ hưu trí được thực hiện theo quy định hiện hành nhưng không có điều kiện về biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa và không phải trừ tỷ lệ lương hưu do về hưu trước tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật BHXH.

Ví dụ 1: Tại thời điểm có quyết định nghỉ việc hưởng lương hưu (01/5/2011), ông A 56 tuổi, có 26 năm đóng BHXH. Chế độ hưu trí của ông A tính như sau: 15 năm đầu tính bằng 45%, từ năm thứ 16 đến năm thứ 26 mỗi năm tính thêm 2% = 22%; tỷ lệ lương hưu của ông A là 67%.

- Đối với người đã đủ tuổi nghỉ hưu (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) nhưng còn thiếu thời gian đóng BHXH tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 91/2010/NĐ-CP khoản 3 Điều 3 Thông tư số 38/2010/TT-BLĐTBXH thì thời điểm hưởng lương hưu hàng tháng được tính từ tháng liền kề sau tháng đủ 20 năm đóng BHXH.

Ví dụ 2: Bà B sinh tháng 02/1956, có 19 năm 9 tháng đóng BHXH (tính đến hết tháng 2/2011), thuộc diện dôi dư từ ngày 01/3/2011. Tháng 4/2011 Công ty đã đóng BHXH một lần cho 03 tháng còn thiếu để đủ 20 năm (từ tháng 03/2011 đến hết tháng 5/2011) và lập, nộp đủ hồ sơ theo quy định. Lương hưu của bà B hưởng từ tháng 6/2011.

- Trường hợp trong thời gian từ khi nghỉ việc đến tháng tính đóng BHXH đủ 20 năm mà người lao động chết thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành đối với người đang tham gia đóng BHXH.

- Về thủ tục hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng chế độ hưu trí đối với đối tượng nêu tại điểm này thực hiện như đối với đối tượng sắp xếp lại Công ty Nhà nước theo Nghị định số 110/2007/NĐ-CP và quy định tại điểm b khoản 3 Điều 27 Quyết định số 777/QĐ-BHXH ngày 17/5/2010 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và thay cụm từ “Hưu trí” bằng cụm từ “HƯU TRÍ - NĐ 91” tại góc trên bên phải Quyết định hưởng chế độ hưu trí hàng tháng của cơ quan Bảo hiểm xã hội.

2.2. Thực hiện chế độ đối với người bảo lưu thời gian đóng BHXH:

- Đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại Công ty thuộc diện thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại khoản 4 Điều 3 và người đang thực hiện hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng quy định tại Điều 4 Nghị định số 91/2010/NĐ-CP thì thời gian đã đóng BHXH được bảo lưu trên sổ BHXH để hưởng các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH.

- Việc xác nhận trên sổ BHXH để bảo lưu thời gian đóng BHXH thực hiện theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Chế độ BHXH và quy định về hồ sơ, quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH của đối tượng này được thực hiện theo quy định đối với trường hợp bảo lưu thời gian đóng BHXH.

3. Về thời gian thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội:

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 91/2010/NĐ-CP khoản 2 Điều 12 Thông tư số 38/2010/TT-BLĐTBXH, chính sách BHXH đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu có hiệu lực và được thực hiện kể từ ngày 10/10/2010.

- Trường hợp các Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án giải quyết lao động dôi dư từ ngày 10/10/2010 đến nay, thì căn cứ vào danh sách đã được phê duyệt và thời điểm đã tiếp nhận hồ sơ để giải quyết hưởng lương hưu theo đúng quy định.

Để thực hiện tốt chế độ, chính sách BHXH đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố; Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Công an nhân dân, Ban Cơ yếu Chính phủ căn cứ vào quy định của pháp luật về BHXH hiện hành, Nghị định số 91/2010/NĐ-CP, Thông tư số 38/2010/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn nghiệp vụ hiện hành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và hướng dẫn tại văn bản này để tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH cho người lao động được kịp thời, thuận tiện, đảm bảo đúng chính sách quy định.

Trung tâm Thông tin thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng và hướng dẫn sử dụng chương trình phần mềm liên quan đến thực hiện chính sách BHXH cho đối tượng này. Các đơn vị khác thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị thực hiện các nội dung liên quan theo quy định tại văn bản này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng Giám đốc (để báo cáo);
- Các Phó TGĐ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các đơn vị trực thuộc BHXHVN;
- Lưu VT, CSXH.

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Đỗ Thị Xuân Phương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1637/BHXH-CSXH về hướng dẫn thực hiện Bảo hiểm xã hội theo Nghị định 91/2010/NĐ-CP do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 1637/BHXH-CSXH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 26/04/2011
  • Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
  • Người ký: Đỗ Thị Xuân Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản