Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
------------------

Số: 1604/TTg-KTN
V/v một số nội dung chủ yếu trong Hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ đối với các Dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT.

Hà Nội, ngày 12 tháng 09 năm 2011

 

Kính gửi:

- Các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

 

Xét đề nghị của Bộ Công Thương (công văn số 5367/BCT-NL ngày 16 tháng 6 năm 2011); ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 4705/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 18 tháng 7 năm 2011), Tài chính (công văn số 10068/BTC-TCDN ngày 29 tháng 7 năm 2011), Tài nguyên và Môi trường (công văn số 2597/BTNMT-KH ngày 15 tháng 7 năm 2011), Tư pháp (công văn số 4180/BTP-PLQT ngày 19 tháng 7 năm 2011), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (công văn số 5500/NHNN-QLNH ngày 18 tháng 7 năm 2011); căn cứ kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 23 tháng 8 năm 2011 về một số nội dung chủ yếu trong Hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ đối với các Dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT; Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

Các Dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư xây dựng theo hình thức BOT thuộc danh mục các dự án nguồn điện tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030 (trừ các dự án đã có văn bản chấp nhận của Thủ tướng Chính phủ khác với nội dung quy định tại văn bản này) được phép áp dụng các nội dung sau:

1. Một số nội dung chính áp dụng trong bộ hợp đồng BOT:

a) Về Luật áp dụng:

- Công ty BOT tiến hành các hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra liên quan đến việc áp dụng và giải thích hợp đồng BOT thì có thể áp dụng theo pháp luật nước ngoài, do các bên tham gia Hợp đồng lựa chọn.

b) Về ngôn ngữ ưu tiên sử dụng: Hợp đồng BOT và các tài liệu dự án liên quan được làm bằng tiếng Việt và tiếng Anh, trường hợp có sự khác nhau giữa bản tiếng Việt và bản tiếng Anh thì áp dụng bản tiếng Anh.

c) Các ưu đãi về thuế:

- Miễn thuế đánh trên lãi tiền vay.

- Thuế thu nhập doanh nghiệp: miễn thuế bốn (04) năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế; áp dụng thuế suất 5% cho chín (09) năm tiếp theo và mức thuế suất 10% cho các năm còn lại của thời hạn Hợp đồng dự án.

- Về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, thiết bị đồng bộ trong nước chưa sản xuất được, hoặc đã sản xuất được nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về tính đồng bộ và chất lượng.

d) Về thế chấp quyền sử dụng đất: Nhà đầu tư được hưởng ưu đãi miễn tiền thuê đất và có quyền thế chấp các tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng hoặc đại lý tín dụng được ủy quyền được phép hoạt động tại Việt Nam. Trường hợp các tài sản gắn liền với đất được chuyển nhượng, người nhận chuyển nhượng được thừa kế quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản trong thời gian còn lại của thời hạn Hợp đồng dự án, không được thay đổi mục đích sử dụng đất.

đ) Giá điện trong Hợp đồng mua bán điện được tính bằng Đô la Mỹ, việc thanh toán được thực hiện bằng đồng Việt Nam.

e) Trường hợp bất khả kháng tự nhiên dẫn đến phía Việt Nam không thể tiếp tục mua điện được và phải chấm dứt sớm Hợp đồng BOT: Chính phủ Việt Nam mua lại nhà máy với giá mua bằng giá trị còn lại của nhà máy tương ứng với phần vốn vay còn lại và vốn chủ sở hữu chưa thu hồi.

2. Một số nội dung Bảo lãnh Chính phủ:

a) Thời hạn Hợp đồng dự án và thời hạn bảo lãnh của Chính phủ:

- Thời hạn Hợp đồng dự án là 20 năm đối với các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí đốt; là 25 năm đối với các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng than.

- Thời hạn bảo lãnh của Chính phủ:

+ Đối với Hợp đồng BOT là toàn bộ thời hạn Hợp đồng dự án.

+ Đối với Hợp đồng mua bán điện: các dự án sử dụng khí đốt là 15 năm, các dự án sử dụng than là 18 năm.

b) Chính phủ bảo lãnh nghĩa vụ của Bộ Công Thương trong Hợp đồng BOT.

c) Chính phủ bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán tiền mua điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) trong Hợp đồng mua bán điện.

Đối với những dự án sử dụng than trong nước do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cung cấp, nghĩa vụ thanh toán của Vinacomin được bảo lãnh gián tiếp qua Hợp đồng BOT. Chính phủ không bảo lãnh việc vận chuyển than.

Đối với những dự án sử dụng khí đốt đo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cung cấp, nghĩa vụ thanh toán của PVN được bảo lãnh gián tiếp qua Hợp đồng BOT.

d) Chính phủ bảo lãnh nghĩa vụ của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam thực hiện đầu tư xây dựng, vận hành các cơ sở hạ tầng dùng chung trong các Trung tâm điện lực.

đ) Chính phủ bảo lãnh cho chuyển đổi thành Đô la Mỹ đối với 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng, các PTTg;
- Các Bộ: GTVT, NN&PTNT, XD;
- Các Tập đoàn: Dầu khí VN, CN Than-KS VN;
- VPCP: BTCN, các PCN; các Vụ: TKBT, TH, KTTH, QHQT, PL;
- Lưu: VT, KTN(3).v.(34)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1604/TTg-KTN năm 2011 về nội dung chủ yếu trong Hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ đối với Dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1604/TTg-KTN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 12/09/2011
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/09/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản