Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16009/BTC-CST
V/v thuế xuất khẩu mặt hàng dăm g

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2020

 

Kính gửi: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Trả lời công văn số 115/2020/HHG-VP ngày 20/11/2020 của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam về đề nghị điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ từ 2% xuống 0%, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về chính sách thuế xuất khẩu hiện hành

- Về thuế xuất khẩu: Theo Biểu thuế xuất khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định số 57/2020/NĐ-CP), mặt hàng dăm gỗ thuộc 02 mã hàng (HS 4401.21.00.90 và HS 4401.22.00.90) có thuế xuất khẩu là 2%. Khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với nhóm 44.01 quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 là từ 0% - 25%.

- Về thuế xuất khẩu ưu đãi: Hiện nay, trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có cam kết về thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi. Cụ thể:

Theo Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26/6/2019 về thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 2019 -2022 , mặt hàng dăm gỗ có mức thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi là 0%.

Theo Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định số 111/2020/NĐ-CP ngày 18/09/2020 về thực hiện Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020- 2022, mặt hàng dăm gỗ có thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi là 0%.

Việt Nam không cam kết về thuế suất thuế xuất khẩu trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

2. Về kiến nghị của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Liên quan đến kiến nghị giảm thuế xuất khẩu dăm gỗ từ 2% về 0%, trước đây, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Biểu thuế xuất khẩu, Bộ Tài chính cũng đã nhận được công văn ngày 09/3/2020 của các công ty dăm gỗ kiến nghị bãi bỏ thuế xuất khẩu 2% đối với dăm gỗ vì lo ngại thị trường gỗ dăm bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Sau khi nhận được kiến nghị của các doanh nghiệp, ngày 18/3/2020, Bộ Tài chính đã tổ chức họp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội nông dân Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Tổng cục lâm nghiệp và các doanh nghiệp, xuất khẩu dăm gỗ. Ý kiến các Bộ tại cuộc họp chưa đồng tình việc điều chỉnh thuế xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ như kiến nghị của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có công văn số 3466/BTC-CST ngày 25/3/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ đã giữ nguyên mức thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ là 2% như trước đó.

Việc quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng dăm gỗ cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người trồng rừng, doanh nghiệp và nhà nước, đảm bảo khuyến khích chế biến sâu, sử dụng tiết kiệm nguyên liệu và tái cơ cấu ngành gỗ theo định hướng của Nhà nước. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, cần có đánh giá kỹ hơn tác động của dịch bệnh Covid-19 đến ngành dăm gỗ, cập nhật mức độ cải thiện về thị trường cũng như dự báo trong thời gian tới, để tránh việc đưa ra những giải pháp trước mắt mà ảnh hưởng đến sự phát triển trung hạn và dài hạn của ngành gỗ và nền kinh tế, đồng thời cần đảm bảo sự ổn định của chính sách. Theo số liệu của Hiệp hội cung cấp tại công văn số 115/2020/HHG-VP nói trên, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số thị trường xuất khẩu bị thu hẹp nhưng trong 10 tháng đầu năm 2020, ngành gỗ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 10% so với năm 2019.

Thời gian qua, trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính cũng đã chủ động đề xuất trình Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước như giảm 30% giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng; giảm tiền thuê đất, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-2020.

Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam đã tham gia Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA, mức thuế suất thuế xuất khẩu dăm gỗ quy định tại các Hiệp định này là 0%. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ cần chủ động có giải pháp để mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước thành viên của hai hiệp định này để được hướng mức thuế suất thuế xuất khẩu 0%, qua đó, khai thác hiệu quả các lợi ích mà các hiệp định mang lại. Việc giữa mức chênh lệch với mức thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi cũng là để thể hiện chính sách ưu đãi đối với các quốc gia ký kết Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam trên nguyên tắc có đi có lại.

Theo đó, đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ thực hiện theo quy định hiện hành tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP nêu trên.

Bộ Tài chính có ý kiến để Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Bộ (để b/c);
- VCCI;
- TCHQ; Vụ PC, Vụ HTQT;
- Lưu: VT, CST(xnk).

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH THUẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Trương Bá Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 16009/BTC-CST năm 2020 về đề nghị điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ từ 2% xuống 0% do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 16009/BTC-CST
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 29/12/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trương Bá Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/12/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản