Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14889/BTC-TCT
V/v thuế GTGT đối với dự án lâm sinh.

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2014

 

Kính gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Tài chính nhận được công văn số 1761/BNN-TCLN ngày 4/6/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn v/v áp dụng thuế GTGT trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình lâm sinh và ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Tổng cục Lâm Nghiệp) tại công văn số 1211/TCLN-KHTC ngày 12/8/2014. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Tại Điều 1 Thông tư số 69/2011/TT-BNNPTNT ngày 21/10/2011 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh ban hành kèm theo Quyết định số 73/2010/QĐ-TTG ngày 16 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định:

"1. Thông tư này hướng dẫn một số nội dung của Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh ban hành kèm theo Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quyết định số 73/2010/QĐ-TTG) bao gồm: Lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình lâm sinh được tạo thành từ việc thực hiện các hoạt động lâm sinh (sau đây gọi tắt là dự án lâm sinh).

2. Dự án lâm sinh đã bao gồm cả thiết kế kỹ thuật, nội dung cụ thể đến từng lô tác nghiệp và đặc thù của công trình đầu tư lâm sinh.

3 . Việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện các công trình hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho bảo vệ và phát triển rừng không thuộc phạm vi điêu chỉnh của thông tư nảy."

Tại Điều 3 Quyết định số 73/2010/QĐ-TTG ngày 16/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh có quy định:

"Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công trình lâm sinh là diện tích rừng, vườn rừng giống, vườn cây rừng đầu dòng được tạo thành từ việc thực hiện các hoạt động lâm sinh và xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng cơ sở kỹ thuật cần thiết phục vụ cho bảo vệ và phát triển rừng.

2. Hoạt động lâm sinh trong các dự án công trình lâm sinh có: trồng rừng; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên; khoanh nuôi tái sinh có tác động; nuôi dưỡng rừng; cải tạo rừng tự nhiên; làm giàu rừng; xây dựng nguồn giống cây rừng.

14. Dự án đầu tư xây dựng công trình lâm sinh (sau đây gọi chung là Dự án lâm sinh) bao gồm các hồ sơ văn bản và bản đồ mô tả các hoạt động có liên quan đến việc đầu tư vốn, nhân lực để thực hiện một công trình lâm sinh cụ thể, nhằm đem lại những lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường cụ thể, được thực hiện trên một địa bàn và trong một thời gian xác định, trong đó tỷ lệ vốn đầu tư cho hoạt động lâm sinh chiếm từ 50% tổng mức đầu tư của dự án lâm sinh trở lên."

Tại điểm b khoản 11 Điều 4 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/1/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:

" 11. Dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư; duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng; dịch vụ tang lễ. Các dịch vụ nêu tại điểm này không phân biệt nguồn kinh phí chi trả. Cụ thể:

b) Duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố bao gồm hoạt động quản lý, trồng cây, chăm sóc cây, bảo vệ chim, thú ở công viên, vườn thú, khu vực công cộng, rừng quốc gia, vườn quốc gia" .

Tại khoản 11 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế giá trị gia tăng hướng dẫn về đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:

"11. Dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng; dịch vụ tang lễ. Các dịch vụ nêu tại khoản này không phân biệt nguồn kinh phí chi trả. Cụ thể:

a) Dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, bảo vệ rừng do Nhà nước làm chủ rừng, bao gồm hoạt động quản lý, trồng cây, chăm sóc cây bảo vệ chim, thú ở các công viên, vườn thú, khu vực công cộng, rừng quốc gia, vườn quốc gia;

Tại khoản 4 Điều 10 và Điều 11 Thông tư số 06/2012/TT -BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng; Tại khoản 4 Điều 10 và Điều 11 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng quy định:

" Điều 10. Thuế suất 5%

4. Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp (trừ nạo, vét kênh mương nội đồng được quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này).

Dịch vụ sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp gồm phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt, xay xát, bảo quản lạnh, ướp muối và các hình thức bảo quản thông thường khác."

“Điều 11. Thuế suất 10%

Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.

Các mức thuế suất thuế GTGT nêu tại Điều 10, Điều 11 được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại.

….

Cơ sở kinh doanh nhiều loại hàng hoá, dịch vụ có mức thuế suất GTGT khác nhau phải khai thuế GTGT theo từng mức thuế suất quy định đối với từng loại hàng hoá, dịch vụ; nếu cơ sở kinh doanh không xác định theo từng mức thuế suất thì phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hoá, dịch vụ mà cơ sở sản xuất kinh doanh."

Căn cứ quy định nêu trên, dự án đầu tư xây dựng công trình lâm sinh bao gồm hoạt động lâm sinh và hoạt động xây dựng công trình hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho bảo vệ và phát triển rừng.

- Hoạt động lâm sinh trong các dự án công trình lâm sinh trồng cây, chăm sóc cây rừng) ở rừng quốc.gia, vườn quốc gia; ở khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ, đặc dụng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT;

- Hoạt động xây dựng công trình hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho bảo vệ và phát triển rừng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất thuế GTGT là 10%; Riêng hoạt động xây dựng có liên quan đến các công trình phòng trừ sâu bệnh hại rừng, dịch vụ nạo vét kênh mương, hồ đập tại các công trình hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho bảo vệ và phát triển rừng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất thuế GTGT là 5%.

Trường hợp các chủ rừng đã lập dự toán và thanh quyết toán chi phí đầu tư xây dựng công trình lâm sinh theo mức thuế suất thuế GTGT 5% hoặc xác định là đối tượng không chịu thuế GTGT thì không thực hiện điều chỉnh lại.

Bộ Tài chính trả lời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được biết và phối hợp thực hiện; Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết kịp thời ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW
- Vụ PC; CST- BTC;
- Vụ PC- TCT;
- Lưu: VT, TCT (VT, CS (3b)).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 14889/BTC-TCT năm 2014 về thuế giá trị gia tăng đối với dự án lâm sinh do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 14889/BTC-TCT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 20/10/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/10/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản