Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14574/BTC-TCHQ
V/v tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu giáp phía Trung Quốc

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2021

 

Kính gửi:

- Bộ Công Thương;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Ngoại giao;
- UBND tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu.

Thời gian qua, tại các khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc xảy ra tình trạng ùn tắc lượng lớn hàng hóa chờ xuất khẩu. Nguyên nhân là do dịp cuối năm lượng hàng được đưa về cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc tăng cao; Trung Quốc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại khu vực cửa khẩu và thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu trước và sau Tết Nguyên đán 14 ngày đối với xe lạnh để chuẩn bị các công việc trước và sau Tết.

Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại công văn số 9249/VPCP-KTTH ngày 18/12/2021 về việc triển khai một số nhiệm vụ để kịp thời khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan có công văn yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo thúc đẩy, tạo điều kiện thông quan nhanh đối với hàng hóa xuất khẩu tại địa bàn biên giới (kể cả ngoài giờ hành chính); đặc biệt là đối với hàng hóa nông sản xuất khẩu; Giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn điều tiết giao thông cho xe ra vào không bị ùn tắc, đảm bảo công tác phòng, chống dịch cũng như hạn chế chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, thương nhân; Phối hợp với các cơ quan chức năng, lực lượng tại cửa khẩu tiến hành hội đàm, trao đổi với phía Trung Quốc nhằm tăng cường năng lực thông quan, giải quyết nhanh tình trạng ùn tắc.

Để kịp thời có giải pháp đồng bộ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tránh ảnh hưởng xấu do việc ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam, Bộ Tài chính kiến nghị các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai một số giải pháp như sau:

1. Kiến nghị đối với Bộ Công Thương:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành, chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu; nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng, đơn vị tại cửa khẩu phía Trung Quốc như: hải quan, kiểm dịch, doanh nghiệp dịch vụ vận tải nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

- Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và thông qua các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu về tình hình ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu và về việc phía Trung Quốc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cả trên bao bì chứa đựng hàng hóa và đề nghị các doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu hoạch, phân loại, đóng gói, bốc xếp hàng hóa, đảm bảo không có vi rút Covid-19. Đồng thời, chỉ vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu khi đã ký hợp đồng mua bán với đối tác Trung Quốc và sau khi đã giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu.

- Chỉ đạo Thương vụ Việt Nam và các Tham tán thương mại tại Trung Quốc kịp thời nắm thông tin và phối hợp với các địa phương có cửa khẩu biên giới với Trung Quốc để cung cấp, cập nhật thường xuyên về các quy định, yêu cầu của phía Trung Quốc đối với hàng nông sản xuất khẩu.

- Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước và chế biến nông sản.

- Dự báo, đánh giá tác động đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian giáp Tết trong trường hợp xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa từ Trung Quốc.

2. Kiến nghị đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì phối hợp với các Bộ ngành liên quan tiếp tục, thường xuyên đàm phán với Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư về việc giảm tỷ lệ kiểm tra kiểm dịch, xây dựng cơ chế để kiểm tra nhanh các chứng thư kiểm dịch động thực vật và thống nhất cơ chế giám sát an toàn thực phẩm đối với các lô hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; đàm phán mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật với các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc nhằm mở rộng danh mục sản phẩm nông sản, thủy sản cũng như bổ sung danh sách doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường này.

- Đàm phán, thống nhất với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để thống nhất thủ tục kiểm dịch đối với hàng hóa nông lâm, thủy sản, hoa quả tươi trong giai đoạn 02 nước đẩy mạnh phòng dịch Covid - 19, không để tình trạng đóng cửa khẩu hoặc tạm dừng nhập khẩu nông sản, hoa quả như thời gian vừa qua.

- Nắm bắt tình hình liên quan chính sách quản lý tăng cường, chặt chẽ đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản được sản xuất từ phía Việt Nam của phía Trung Quốc để có hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam phù hợp.

3. Kiến nghị đối với Bộ Ngoại giao:

- Đề nghị Bộ Ngoại giao đàm phán, trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc đảm bảo việc thực hiện theo đúng Hiệp định thương mại biên giới giữa 02 nước đã ký kết để hoạt động thương mại biên giới phát triển lành mạnh, liên tục và ổn định. Trường hợp khi có thay đổi về chính sách đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cần thông báo trước ít nhất 10 ngày trước khi áp dụng để phía Việt Nam có thời gian chuẩn bị.

- Phối hợp với Bộ Quốc phòng (cơ quan được giao làm Chủ tịch ủy ban hợp tác quản lý của khẩu Việt Nam - Trung Quốc phía Việt Nam) trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc thực hiện theo Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc về việc thông báo cho phía Việt Nam khi Trung Quốc tạm thời đóng cửa khẩu (thông báo trước 05 ngày) để phía Việt Nam chủ động có kế hoạch thông báo cho người dân, doanh nghiệp và lực lượng chức năng có thời gian chuẩn bị, tránh gây ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu và thiệt hại kinh tế cho cả hai bên như thời gian vừa qua.

4. Kiến nghị đối với UBND các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu

- Chỉ đạo Sở, ngành trực thuộc theo chức năng phối hợp kiểm soát, tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, lưu thông, mua bán hàng hóa, trao đổi thương mại biên giới;

- Thiết lập, duy trì thường xuyên mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền cặp cửa khẩu đối diện, đối thoại giải quyết những vấn đề thương mại phát sinh trên địa bàn, các phương án đảm bảo phòng chống dịch của phía Việt Nam.

- Chủ động đánh giá, dự báo và báo cáo kịp thời tình hình hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn về các cơ quan chức năng biết tình hình.

- Về lâu dài, các tỉnh biên giới cần quy hoạch các khu vực xây dựng các kho chuyên dụng bảo quản hàng nông sản, hoa quả tại các cửa khẩu.

- Hoạch định triển khai các biện pháp tại khu vực cửa khẩu đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid - 19 cho người, phương tiện, hàng hóa.

Bộ Tài chính có ý kiến và mong nhận được sự phối hợp của các Bộ và UBND các tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ;
- PTTg CP Lê Văn Thành
- PTTg CP Lê Minh Khái;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lưu: VT, TCHQ (8 bản).

BỘ TRƯỞNG




Hồ Đức Phớc