Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 14528/TCHQ-KTSTQ
V/v xử lý vướng mắc khi thực hiện công văn số 181/TCHQ-KTSTQ.

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2014

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Ngày 27/8/2014 và ngày 29/8/2014, Tổng cục Hải quan đã ban hành các Quyết định giao Cục Kiểm tra sau thông quan và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tập trung kiểm tra, đánh giá tính tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu, có số thuế nộp ngân sách lớn và hướng dẫn các đơn vị thực hiện kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp tại công văn số 181/TCHQ-KTSTQ ngày 27/8/2014. Tổng hợp các vướng mắc trong triển khai thực hiện công văn số 181/TCHQ-KTSTQ, Tổng cục Hải quan hướng dẫn các đơn vị thống nhất xử lý như sau:

1. Về khoảng thời gian đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Thời hạn kiểm tra sau thông quan được quy định tại Luật Hải quan, Nghị định 154/2005/NĐ-CP và Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013. Còn khoảng thời gian đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp được quy định tại Thông tư 175/2013/TT-BTC ngày 29/11/2013. Như vậy, thời gian để đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp chỉ tính là khoảng thời gian 02 năm liên tục trở về trước tính đến ngày đánh giá.

Nếu có các hành vi vi phạm liên quan đến các chỉ số đánh giá tuân thủ tại các Bảng 01, 02 kèm theo công văn 181/TCHQ-KTSTQ mà nằm ngoài thời hạn đánh giá thì Đoàn kiểm tra ghi nhận nội dung này vào bản kết luận đánh giá tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

2. Về xác định “Ngày đánh giá” và thời điểm kết luận tính tuân thủ.

Ngày đánh giá và thời điểm kết luận tính tuân thủ thống nhất là ngày ban hành bản Kết luận kiểm tra sau thông quan.

3. Khai thác, thu thập thông tin các chỉ số phục vụ đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Truy cập, khai thác thông tin từ các hệ thống thông tin, dữ liệu của ngành Hải quan và các hệ thống thông tin dữ liệu được kết nối với các cơ quan, đơn vị ngoài ngành để phục vụ thu thập thông tin các chỉ số đánh giá tuân thủ và không tuân thủ pháp luật. Bao gồm các hệ thống:

+ Hệ thống STQ01;

+ Hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan (VCIS);

+ Hệ thống thông tin quản lý vi phạm (QLVP14);

+ Hệ thống thông tin kế toán thuế XNK tập trung (KTTT);

+ Hệ thống thông tin quản lý dữ liệu giá tính thuế (GTT);

+ Hệ thống thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ (CI02);

+ Hệ thống quản lý CSDL danh mục, biểu thuế và phân loại mức thuế (MHS);

+ Các hệ thống cơ sở dữ liệu khác (nếu có) của TCHQ;

+ Riêng về việc khai thác thông tin, dữ liệu tờ khai XNK phát sinh trước thời điểm triển khai VNACCS/VCIS, các đơn vị vẫn tiếp tục khai thác trên hệ thống cơ sở dữ liệu tờ khai cũ (chương trình SLXNK).

4. Về việc xác minh thông tin xử phạt vi phạm do cơ quan khác thực hiện, không có trên các cơ sở dữ liệu của Ngành.

Trong quá trình thực hiện kiểm tra, Đoàn kiểm tra yêu cầu doanh nghiệp tự cung cấp các chỉ tiêu thông tin (theo hướng dẫn tại điểm 2.2, Mục II, công văn 181/TCHQ-KTSTQ), cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan chứng minh các thông tin khai báo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin khai báo cũng như các tài liệu, hồ sơ đã cung cấp cho Đoàn kiểm tra.

Trường hợp có thông tin về việc xử phạt của các cơ quan ngoài ngành, Đoàn kiểm tra yêu cầu doanh nghiệp cung cấp toàn bộ tài liệu liên quan đến việc xử phạt (biên bản, quyết định xử phạt,...) đồng thời kết hợp kiểm tra chứng từ, sổ sách,... để kiểm tra, làm rõ thông tin.

5. Về việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong việc lựa chọn kiểm tra các nội dung do doanh nghiệp cung cấp (theo điểm 2.2, Mục II, công văn 181/TCHQ-KTSTQ)

Trường hợp nghi ngờ về thông tin chỉ tiêu đánh giá do doanh nghiệp cung cấp hoặc có sự khác nhau giữa thông tin do Đoàn kiểm tra thu thập được với thông tin do doanh nghiệp cung cấp, Đoàn kiểm tra thực hiện lựa chọn kiểm tra, chứng từ, sổ sách,... để kiểm tra, làm rõ thông tin nghi ngờ, khác nhau.

6. Về việc đối chiếu kết quả kiểm tra đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp với hệ thống thông tin nghiệp vụ phân luồng kiểm tra trong thông quan của doanh nghiệp (nêu tại điểm 2.3, Mục II, công văn 181/TCHQ-KTSTQ)

Thực hiện đối chiếu kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và các thông tin chỉ số đánh giá của Đoàn kiểm tra với kết quả đánh giá và thông tin các chỉ số do hệ thống thông tin quản lý rủi ro (Hệ thống RM) đưa ra tại thời điểm Đoàn kiểm tra kết luận tính tuân thủ của doanh nghiệp.

Để có thêm kết quả phản hồi cho hệ thống quản lý rủi ro giúp việc phân luồng, đánh giá doanh nghiệp chính xác, khuyến khích các Đoàn kiểm tra có đánh giá, kiến nghị, đề xuất về việc phân luồng kiểm tra đối với các tờ khai trong thông quan, kết quả xếp hạng, kết quả phân loại rủi ro của doanh nghiệp kiểm tra.

7. Về việc cập nhật kết quả KTSTQ đánh giá tuân thủ vào các hệ thống thông tin nghiệp vụ của Ngành.

Kết quả KTSTQ phải được cập nhật đầy đủ vào các hệ thống cơ sở dữ liệu của Ngành theo đúng quy định. Kết quả KTSTQ phải được cập nhật vào các hệ thống tương ứng (nếu có):

+ Hệ thống thông tin quản lý doanh nghiệp phục vụ KTSTQ và QLRR (STQ01);

+ Hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan (VCIS);

+ Hệ thống thông tin quản lý vi phạm (QLVP14);

+ Hệ thống thông tin kế toán thuế XNK tập trung;

+ Hệ thống thông tin quản lý dữ liệu giá tính thuế;

+ Hệ thống quản lý CSDL danh mục, biểu thuế và phân loại mức thuế (MHS);

+ Các hệ thống cơ sở dữ liệu khác (nếu có) theo quy định của TCHQ.

Yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc cập nhật kết quả KTSTQ vào các hệ thống CSDL theo đúng quy định. Trường hợp có vướng mắc đề nghị trao đổi trực tiếp với đơn vị quản lý Hệ thống đó để được hỗ trợ.

8. Về thành phần Đoàn kiểm tra (nêu tại Mục III, công văn 181/TCHQ-KTSTQ).

Thành phần Đoàn kiểm tra do Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố xem xét, quyết định trên cơ sở phù hợp với yêu cầu quản lý và nguồn lực của đơn vị để đảm bảo kiểm tra có hiệu quả.

9. Về cập nhật kết quả đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp vào hệ thống STQ01.

- Theo quy định tại Điều 17, Thông tư 175/2013/TT-BTC ngày 29/11/2013 thì đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp theo 03 loại: Loại 1 (Doanh nghiệp tuân thủ tốt), Loại 2 (Doanh nghiệp tuân thủ trung bình), Loại 3 (Doanh nghiệp không tuân thủ). Tuy nhiên do hệ thống STQ01 được xây dựng và đưa vào sử dụng trước thời điểm Thông tư 175/2013/T-BTC có hiệu lực nên hiện tại nên việc cập nhật kết quả đánh giá tuân thủ vào STQ01 chưa phù hợp với quy định tại Thông tư này. Trong thời gian tới, TCHQ đã có kế hoạch nâng cấp hệ thống STQ01 để phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

- Trước mắt, trong thời gian chờ hoàn thành nâng cấp hệ thống STQ01, để đảm bảo sử dụng đúng kết quả đánh giá trên Hệ thống STQ01 vào đánh giá tuân thủ pháp luật trên hệ thống thông tin quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan hướng dẫn việc cập nhật kết quả đánh giá tuân thủ vào hệ thống STQ01 như sau:

+ Mức độ “TỐT” trên STQ01: tương ứng với kết quả đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp vào Loại 1.

+ Mức độ “CHƯA XÁC ĐỊNH” trên STQ01: tương ứng với kết quả đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp vào Loại 2.

+ Mức độ “CHƯA TỐT” trên STQ01: tương ứng với kết quả đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp vào Loại 3.

Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Tổng cục (để b/c);
- Các đơn vị trực thuộc TCHQ (để phối hợp);
- Cục KTSTQ (để theo dõi, thực hiện);
- Lưu: VT, KTSTQ (03b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Hoàng Việt Cường