Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1447/TTg-KTN
V/v Huy động vốn đóng góp của dân để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Hà Nội, ngày 13 tháng 08 năm 2014

 

Kính gửi: Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có Chương trình xây dựng nông thôn mới, là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với lòng dân, được nhân dân cả nước đồng tình và hưởng ứng tích cực. Trong gần 04 năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương, cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân đã chung sức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó sản xuất phát triển, đời sống của nông dân được cải thiện và nâng cao.Tuy nhiên một số địa phương còn có tình trạng nóng vội, chạy theo thành tích, huy động đóng góp của dân còn tùy tiện, quá mức, nhất là đối với các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2014 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện một số việc sau đây:

1. Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đây là giải pháp quan trọng thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Do vậy, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

2. Việc xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã, phải căn cứ vào khả năng nguồn vốn của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các nguồn huy động và khả năng đóng góp của doanh nghiệp, người dân để xác định lộ trình xây dựng nông thôn mới phù hợp, không nóng vội chạy theo thành tích. Việc huy động đóng góp phải tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa phương, không quy định cứng nhắc tỷ lệ chi của nhà nước và đóng góp của nhân dân. Việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ và phải được sự đồng tình của người dân. Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc và huy động quá sức dân; không được yêu cầu những hộ dân nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách phải đóng góp. Đồng thời, phải tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện tham gia.

3. Về việc phân bổ vốn ngân sách Trung ương và địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập kế hoạch trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, phải chú ý ưu tiên cho các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn, tránh việc phân bổ bình quân hoặc chỉ phân bổ vốn cho các xã điểm.

4. Đối với các công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản thì giao cho cộng đồng dân cư tại xã thực hiện dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của xã theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21 tháng 03 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Các dự án xây dựng hạ tầng của xã do các chủ đầu tư thực hiện, cần có sự giám sát của nhân dân thông qua các hội đoàn thể của xã.

5. Xây dựng nông thôn mới phải chú trọng đến công tác giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn với phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; tuyệt đối không để tình trạng xây dựng nông thôn mới làm tăng gánh nặng, tăng nghèo cho người dân; chú trọng hướng dẫn, tổ chức, hỗ trợ người dân thực hiện các nội dung về phát triển y tế, văn hóa, xã hội, tạo cảnh quan môi trường nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội, đảm bảo sự bình yên cho cuộc sống của người dân nông thôn.

6. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Nơi nào, cấp nào để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, gây khó khăn trong việc xác nhận và giải quyết quyền lợi chính đáng của nhân dân theo chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước ... thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và phải được kiểm điểm để xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

7. Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện những nội dung trên./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Các thành viên BCĐ TW, 02 Cố vấn, VPĐP (Bộ Nông nghiệp&PTNT);
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các Tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Dân vận TW, Ban Tuyên giáo TW:
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Các ngân hàng: Chính sách XH, Phát triển VN, Nông nghiệp và PTNT VN, TM cổ phần Công thương VN;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Đài THVN, Đài Tiếng nói VN, Thông tấn xã VN,
Bản tin Tài chính KD (đài Truyền hình VN) (để phát tin);
- VPCP: BTCN, các PCN, các Trợ lý TTg các Vụ: TKBT, KTTH, KGVX, TH, NC, V.III, TCCV, ĐMDN, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN(3) Thịnh

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Văn Ninh
Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương
Chương trình mục tiêu quốc gia
xây dựng nông thôn mới

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1447/TTg-KTN năm 2014 huy động vốn đóng góp của dân để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1447/TTg-KTN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 13/08/2014
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Vũ Văn Ninh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/08/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản