Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1401/GDĐT-KTKĐCLGD
Về hướng dẫn xét công nhận tốt nghiệp THCS năm 2020

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 5 năm 2020

 

Kính gửi:

- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện;
- Hiệu trưởng trường trung học phổ thông (có lớp 9);
- Giám đốc trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên;
- Giám đốc trung tâm Giáo dục thường xuyên;
- Hiệu trưởng trường có phân hiệu Bổ túc văn hóa.

Căn cứ Quyết định số 11/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 05 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở.

Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc tổ chức xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở như sau:

I. CHUẨN BỊ

- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, Hiệu trưởng trường trung học phổ thông (có lớp 9), Hiệu trưởng trường trung học cơ sở, Hiệu trưởng trường có phân hiệu bổ túc văn hóa, Giám đốc trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Giám đốc trung tâm Giáo dục thường xuyên (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng trường phổ thông) cần tổ chức cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, học viên nghiên cứu học tập quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở theo Quyết định số 11/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 05 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Quy chế 11) và hướng dẫn này của Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Chỉ đạo chặt chẽ việc đánh giá, xếp loại học sinh, học viên theo quy định, hoàn tất các thủ tục, hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp đúng thời gian; xử lý nghiêm những hiện tượng thêm điểm, sửa điểm sai quy định trong sổ gọi tên ghi điểm hoặc học bạ làm thay đổi xếp loại học lực.

- Hiệu trưởng trường phổ thông có học sinh trung học cơ sở, học viên học theo chương trình trung học cơ sở hệ giáo dục thường xuyên (sau đây gọi chung là người học) xét tốt nghiệp cần tổ chức kiểm tra, phát hiện và thông báo bằng văn bản đến từng người học các trường hợp hồ sơ không hợp lệ, thiếu hồ sơ; định thời hạn cuối cùng để bổ túc, hoàn thiện hồ sơ. Chấm dứt hiện tượng bổ túc hồ sơ sau thời hạn quy định, gây khó khăn cho công tác xét duyệt tốt nghiệp. Cán bộ, giáo viên nhận hồ sơ để thất lạc, ảnh hưởng đến quyền lợi người học cần phải xử lý theo Quy chế. Việc tiếp nhận các loại giấy chứng nhận được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích,... của người học cần quy định chặt chẽ, có ký nhận trong sổ sách.

- Hiệu trưởng trường phổ thông có người học xét tốt nghiệp phải tổ chức kiểm tra chặt chẽ, chính xác hồ sơ.

- Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng trường phổ thông cần bố trí đủ máy móc, thiết bị và cán bộ được huấn luyện nghiệp vụ tham gia vào việc nhập và xử lý dữ liệu trên máy tính theo từng công đoạn được giao.

- Chủ tịch hội đồng xét tốt nghiệp tổ chức kiểm tra lần cuối trước khi xét công nhận và lập danh sách người học đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp, trình cấp quản lý trực tiếp phê duyệt.

II. ĐIỀU KIỆN DỰ XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP

Thực hiện theo Điều 4 của Quy chế 11.

III. HỒ SƠ DỰ XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP

Thực hiện theo Điều 5 của Quy chế 11.

IV. CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN, KHUYẾN KHÍCH

Thực hiện theo Điều 6 của Quy chế 11.

V. VIỆC KIỂM TRA HỒ SƠ XÉT TỐT NGHIỆP

1. Các trường cần kiểm tra kỹ hồ sơ xét tốt nghiệp (đối chiếu giữa học bạ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận,... đảm bảo chính xác tuyệt đối họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh (ghi đủ quận, huyện, tỉnh, thành), ghi đầy đủ các cột mục, không bị rách nát, tẩy xóa, có đầy đủ chữ ký của người chịu trách nhiệm từng phần và của cấp quản lý,...), lập danh sách xét tốt nghiệp và kiểm tra hồ sơ (theo mẫu của Sở Giáo dục và Đào tạo) đúng với khai sinh, học bạ, ghi chú các trường hợp ưu tiên nếu có. Hiệu trưởng trường phổ thông cho kiểm tra lại và đặc biệt lưu ý kiểm tra nhiều lần lúc nhập dữ liệu vào danh sách.

2. Một số trường hợp đặc biệt như học sinh hồi hương, Việt kiều,... không có đầy đủ học bạ 4 năm thì do Phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét giải quyết (đúng độ tuổi, học đủ lớp,...).

3. Chủ tịch hội đồng xét tốt nghiệp chịu trách nhiệm về điều kiện tốt nghiệp của người học trong hội đồng. Khi hội đồng kiểm tra hồ sơ phát hiện còn người học không đủ điều kiện, thiếu hồ sơ quan trọng, hội đồng có thể quyết định xóa tên trong danh sách xét tốt nghiệp, Hiệu trưởng trường phổ thông có học sinh bị xóa tên chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên của sự việc trên.

Các trường hợp nghiêm trọng: cần lập biên bản và báo ngay với Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện để giải quyết.

4. Các giấy chứng nhận nghề, chứng nhận học sinh giỏi, đạt giải thể dục thể thao, văn nghệ,... các giấy chứng nhận con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, dân tộc,... bổ sung sau khi xét tốt nghiệp xong không có giá trị hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích khi xét tốt nghiệp.

VI. ĐIỀU KIỆN VÀ TIÊU CHUẨN CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP

Thực hiện theo Điều 7 của Quy chế 11.

VII. XẾP LOẠI TỐT NGHIỆP

Thực hiện theo Điều 8 của Quy chế 11.

VIII. SỐ LẦN XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP TRONG MỘT NĂM

1. Đối với học sinh trung học cơ sở, mỗi năm xét công nhận tốt nghiệp một lần, ngay sau khi kết thúc năm học (theo biên chế năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

2. Đối với học viên theo học chương trình trung học cơ sở hệ giáo dục thường xuyên, mỗi năm xét công nhận tốt nghiệp hai lần: lần thứ nhất là ngay sau khi kết thúc năm học, lần thứ hai là vào tháng 12.

IX. HỘI ĐỒNG XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP

Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp được thành lập và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 9 của Quy chế 11.

X. QUY TRÌNH, THỦ TỤC XÉT CÔNG NHẬN VÀ CẤP BẰNG TỐT NGHIỆP

1. Các bước tiến hành ở các cơ sở giáo dục:

1.1. Bước 1: Sau khi hoàn chỉnh học bạ của người học, giáo viên chủ nhiệm lớp lập 03 (ba) danh sách:

a. Danh sách 1: gồm người học có đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp theo thứ tự (mẫu 1);

- Học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp lần đầu.

- Học viên dự xét công nhận tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên lần đầu.

- Học sinh chưa tốt nghiệp các năm trước.

- Học viên chưa tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên các năm trước.

- Học sinh trung học cơ sở chuyển sang xin xét công nhận tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên.

b. Danh sách 2: gồm người học chưa đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp cũng theo thứ tự như danh sách 1 (mẫu 2).

c. Danh sách 3: gồm người học cần xem xét thêm một số điều kiện, ví dụ: hạnh kiểm, diện ưu tiên, khuyến khích,... có thể điều chỉnh bổ sung (nếu có) (mẫu 3).

Lưu ý: Đối với trường có nhiều cơ sở, học sinh học ở quận, huyện nào thì lập danh sách người học được đề nghị xét công nhận tốt nghiệp ở quận, huyện đó.

1.2. Bước 2:

- Giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm lớp 9 kiểm tra danh sách nêu ở mục 1.1 (rà soát các trường hợp sai sót hoặc có thể bổ sung) khẳng định số lượng và danh sách người học đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp, ghi biên bản,... giáo viên chủ nhiệm hoàn chỉnh các danh sách, ký tên.

- Giáo viên chủ nhiệm lớp 9 cho từng người học dò lại nội dung các cột mục của các danh sách nêu ở mục 1.1 sau đó người học ký tên vào danh sách.

1.3. Bước 3:

- Họp hội đồng xét tốt nghiệp thực hiện các nội dung:

+ Tập hợp danh sách người học lớp 9, biên bản của giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm;

+ Hội đồng kiểm tra hồ sơ đề nghị xét tốt nghiệp của từng lớp; đối chiếu tiêu chuẩn, đề nghị công nhận tốt nghiệp cho người học thuộc phạm vi trách nhiệm của Hội đồng;

+ Lập biên bản xét công nhận tốt nghiệp và danh sách người học được đề nghị công nhận tốt nghiệp.

Biên bản phải có đầy đủ họ tên, chữ ký của các thành viên hội đồng; danh sách đề nghị công nhận tốt nghiệp phải có họ tên, chữ ký của chủ tịch hội đồng, người lập bảng.

- Hồ sơ đề nghị công nhận tốt nghiệp gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo gồm:

+ Tờ trình đề nghị công nhận tốt nghiệp do chủ tịch hội đồng ký;

+ Biên bản xét công nhận tốt nghiệp;

+ Danh sách người học được đề nghị công nhận tốt nghiệp theo thứ tự như danh sách 1 nêu ở mục X.1. (3 bản - 01 bản giữ lại trường; 01 bản gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo; 01 bản gửi về Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Sở Giáo dục và Đào tạo).

+ Trường trung học phổ thông (có lớp 9), trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường có phân hiệu bổ túc văn hóa đóng trên địa bàn của quận, huyện nào thì nộp hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp về Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện đó.

• Trung tâm giáo dục thường xuyên Tôn Đức Thắng, Trung tâm giáo dục thường xuyên Gia Định (bao gồm các cơ sở của trung tâm này) nộp về Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thạnh.

• Trung tâm Thanh niên xung phong thành phố (bao gồm tất cả các cơ sở trực thuộc trung tâm này) nộp về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn.

• Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và tạo việc làm Thành phố nộp về Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 3.

+ Trường trung học phổ thông (có lớp 9), trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường có phân hiệu bổ túc văn hóa có trách nhiệm liên hệ với Phòng Giáo dục và Đào tạo theo phân công trên để được hướng dẫn lập hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp và xét duyệt kết quả.

1.4. Bước 4:

Sau khi được Phòng Giáo dục và Đào tạo ra quyết định công nhận danh sách tốt nghiệp, các cơ sở giáo dục cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời.

2. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện:

+ Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ra quyết định công nhận danh sách tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

+ Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.

3. Nội dung và gợi ý lịch công tác tổ chức xét tốt nghiệp:

THỜI GIAN

NỘI DUNG CÔNG VIỆC

ĐƠN VỊ, CÁ NHÂN THỰC HIỆN

22.5.2020

- Hướng dẫn và phổ biến chương trình xét tốt nghiệp trung học cơ sở và chương trình nhập dữ liệu thi tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông (Đã tập huấn)

Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục

Từ 26.6.2020 đến 30.6.2020

- Giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm lớp 9 hoàn tất việc lập danh sách người học (Bước 1)

Giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm lớp 9

Từ 01.7.2020 đến 02.7.2020

- Giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm lớp 9 thông qua các danh sách người học (Bước 2)

Giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm lớp 9

03.7.2020

- Họp hội đồng xét duyệt đề nghị công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở (Bước 3)

Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở

06.7.2020

- Phòng Giáo dục và Đào tạo rà soát và khóa dữ liệu việc xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở

Phòng Giáo dục và Đào tạo

07.7.2020

- Các cơ sở giáo dục hoàn tất hồ sơ và gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo

Các cơ sở giáo dục

08.7.2020

- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ra quyết định công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở

Phòng Giáo dục và Đào tạo

10.7.2020

- Cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học cơ sở tạm thời

Các cơ sở giáo dục

Từ 15.7.2020 đến 16.7.2020

- Báo cáo số liệu, in dữ liệu công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở và gửi danh sách công nhận tốt nghiệp về Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục

Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Giám đốc Sở GD&ĐT;
- Các Phòng, Ban Sở GD&ĐT;
- Lưu: VP; KTKĐCLGD.

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Nguyễn Văn Hiếu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1401/GDĐT-KTKĐCLGD hướng dẫn về xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở năm 2020 do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 1401/GDĐT-KTKĐCLGD
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/05/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Văn Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/05/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản