Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1381/BTTTT-CNTT
V/v vướng mắc thực hiện Thông tư số 43/2009/TT-BTTTT

Hà Nội, ngày 11 tháng 05 năm 2010

 

Kính gửi: Bộ Tài chính

Phúc đáp công văn số 5159/BTC-TCHQ ngày 26/04/2010 của quý Bộ về việc vướng mắc thực hiện Thông tư số 43/2009/TT-BTTTT , Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến như sau:

1. Tại điểm a, Khoản 3, Điều 4: “Sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng … làm mới hoặc sản xuất làm mới và tái xuất”, như vậy sản phẩm CNTT đã qua sử dụng sau khi thực hiện dịch vụ bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, làm mới hoặc sản xuất làm mới và tái xuất thì phải xuất khẩu toàn bộ. Còn phế liệu, phế thải phát sinh trong và sau quá trình sản xuất thì doanh nghiệp có thể tái xuất hoặc tiến hành tiêu hủy tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

2. Để xác định các sản phẩm nhập khẩu làm phương tiện sản xuất trực tiếp hoặc làm mẫu phục vụ công tác nghiên cứu phát triển (R&D) không áp dụng Danh mục theo quy định tại điểm b, Khoản 3, Điều 4 của Thông tư thì các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải có hồ sơ dự án hoặc các tài liệu liên quan để chứng minh các sản phẩm này được sử dụng trong thiết bị cụ thể hoặc trong dây chuyền sản xuất, đồng thời sản phẩm này khi nhập khẩu vào Việt Nam phải được sử dụng đúng mục đích như đã quy định (không được dùng cho mục đích thương mại, phân phối, kinh doanh, làm quà tặng, biếu …).

Trong trường hợp có vướng mắc, doanh nghiệp cần thông tin cho Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan nhà nước liên quan để xem xét giải quyết.

3. Việc xác định năm sản xuất đối với các loại “máy tính xách tay và màn hình, máy thu hình IP dạng LED/OLED” có thể căn cứ vào các thông tin về thông số kỹ thuật, số hiệu của sản phẩm (s/n-serial number; p/n-part number …) của nhà sản xuất, có thể tìm hiểu trên các Website của hãng sản xuất sản phẩm đó. Trường hợp các sản phẩm không xác minh được năm sản xuất thì các cơ quan quản lý nhà nước sẽ không đủ sở cứ xem xét cho phép nhập khẩu các sản phẩm này. Bên cạnh đó, Thông tư quy định các sản phẩm sau đây có thời hạn không quá 3 năm kể từ ngày sản xuất đến ngày mở Tờ khai Hải quan không thuộc Danh mục cấm nhập khẩu, đó là màn hình dạng LED/OLED, máy thu hình IP (IPTivi) dạng LED/OLED, máy tính xách tay.

Trên đây là một số ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời về các vướng mắc thực hiện Thông tư số 43/2009/TT-BTTTT , trân trọng gửi quý Bộ để hướng dẫn cơ quan Hải quan và các doanh nghiệp thực hiện.

Trân trọng.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng cục Hải quan;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, CNTT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Minh Hồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1381/BTTTT-CNTT vướng mắc thực hiện Thông tư 43/2009/TT-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 1381/BTTTT-CNTT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 11/05/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Minh Hồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/05/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản