Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
CỤC QUAN HỆ LAO ĐỘNG
VÀ TIỀN LƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 138/QHLĐTL-CSLĐ
V/v xử lý kỷ luật lao động

Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 2019

 

Kính gửi: Công ty TNHH Phụ tùng xe máy - ô tô Showa Việt Nam
(Lô M-6, khu công nghiệp Thăng Long, Võng La, Đông Anh, Hà Nội)

Trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Phụ tùng xe máy - ô tô Showa Việt Nam đề nghị hướng dẫn về việc tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật lao động do Văn phòng Chính phủ chuyển đến tại văn bản số 934/VPCP-ĐMDN ngày 31 tháng 01 năm 2019; sau khi xem xét, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương có ý kiến như sau:

1. Theo quy định tại điểm b và điểm c Khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Lao động thì khi xử lý kỷ luật lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa, trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật.

2. Theo quy định tại điểm 1, điểm 2 Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động thì khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, người sử dụng lao động tiến hành lập biên bản vi phạm, thông báo đến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật trong trường hợp người lao động là người dưới 18 tuổi để tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động; trường hợp người sử dụng lao động phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật lao động sau thời điểm hành vi vi phạm đã xảy ra, có đủ căn cứ chứng minh được lỗi của người lao động và trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì thực hiện như sau:

- Người sử dụng lao động thông báo nội dung, thời gian, địa điểm cuộc họp xử lý kỷ luật lao động đến thành phần tham dự quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 123 của Bộ luật lao động, đảm bảo các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp và tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động khi có sự tham gia của các thành phần thông báo.

- Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, các thành phần tham dự nêu trên phải xác nhận tham dự cuộc họp, nếu không tham dự phải thông báo cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do. Trường hợp một trong các thành phần tham dự không xác nhận tham dự cuộc họp, hoặc nêu lý do không chính đáng, hoặc đã xác nhận tham dự nhưng không đến họp thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành xử lý kỷ luật lao động.

Căn cứ quy định nêu trên thì công ty có trách nhiệm bố trí thời điểm tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho phù hợp sau khi có sự xác nhận tham dự cuộc họp của các thành phần liên quan trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo và công ty phải có trách nhiệm tìm các biện pháp liên hệ để người lao động và các thành phần liên quan nhận được thông báo theo quy định.

Cục Quan hệ lao động và Tiền lương trả lời để Công ty TNHH phụ tùng xe máy - ô tô Showa Việt Nam biết, thực hiện theo đúng quy định pháp luật./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TT Doãn Mậu Diệp (để b/c);
- Vụ Đổi mới doanh nghiệp, VPCP (để biết);
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (để biết);
- Lưu: VP, CSLĐ.

Q. CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Huy Hưng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 138/QHLĐTL-CSLĐ năm 2019 về xử lý kỷ luật lao động do Cục Quan hệ lao động và Tiền lương ban hành

  • Số hiệu: 138/QHLĐTL-CSLĐ
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 12/03/2019
  • Nơi ban hành: Cục Quan hệ lao động và Tiền lương
  • Người ký: Nguyễn Huy Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/03/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản