Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1357/BYT-VPB1 | Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 2025 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai
Bộ Y tế nhận được Công văn số 18/BDN ngày 14/01/2025 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai.
Bộ Y tế xin trả lời đối với kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:
1. Cử tri xã Suối Nho, huyện Định Quán có ý kiến hiện nay tình trạng thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước nên tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp, điều này đã làm cho cử tri lo lắng sẽ ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch, phòng bệnh cho con em của họ. Vì vậy, cử tri kiến nghị sớm có giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu vắc xin để kịp thời tiêm chủng đủ cho trẻ em
Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ các biện pháp để đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, một số loại vắc xin bị gián đoạn do cần thời gian thực hiện các thủ tục như xác định nhu cầu vắc xin của địa phương, đề xuất và bố trí kinh phí từ Chính phủ và mua sắm vắc xin theo quy định pháp luật. Ngày 05/02/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó quy định ngân sách Trung ương được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên của Bộ Y tế để đảm bảo kinh phí cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch tiêm chủng mở rộng tại địa phương, tổng hợp nhu cầu vắc xin toàn quốc và dự trù kinh phí cho các hoạt động trong chương trình năm 2024, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để bổ sung ngân sách Trung ương. Tháng 4/2024, Bộ Y tế đã gửi văn bản đến Bộ Tài chính đề xuất nhu cầu kinh phí thực hiện hoạt động tiêm chủng mở rộng năm 2024. Tiếp đó, ngày 18/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1000/QĐ-TTg bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 cho Bộ Y tế để thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngày 23/9/2024, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2797/QĐ-BYT giao bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong đó giao kinh phí mua 11 loại vắc xin với khoảng 24,3 triệu liều. Đồng thời, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch đặt hàng cung cấp vắc xin sản xuất trong nước và phương án lựa chọn nhà thầu cung ứng vắc xin trong trường hợp đặc biệt qua nhà cung ứng UNICEF theo Quyết định số 3172/QĐ-BYT ngày 29/10/2024, Quyết định số 3542/QĐ-BYT ngày 25/11/2024 và Quyết định số 3765/QĐ-BYT ngày 12/12/2024. Ngày 31/12/2024, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4076/QĐ-BYT và Quyết định số 4081/QĐ-BYT phê duyệt giá cụ thể của 9 loại vắc xin sản xuất trong nước sử dụng ngân sách nhà nước cho Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2024.
Đến nay, Bộ Y tế (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) đã hoàn thành việc mua và tiếp nhận khoảng 24,8 triệu liều, bao gồm 12 loại vắc xin (11 loại từ nguồn ngân sách nhà nước và 1 loại từ viện trợ nước ngoài). Trong tháng 01/2025, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã khẩn trương phân bổ các loại vắc xin này cho các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tại các khu vực để chuyển đến các tỉnh, thành phố, tổ chức tiêm chủng thường xuyên trong quý I/2025. Như vậy, các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã được đáp ứng đầy đủ cho các tỉnh, thành phố để tiêm chủng cho đối tượng thuộc chương trình, bao gồm trẻ em, đảm bảo miễn dịch phòng các bệnh truyền nhiễm có vắc xin. Đối với một số loại vắc xin cần cung ứng ngay trong giai đoạn thực hiện thủ tục, Bộ Y tế đã tiến hành mua sắm kịp thời như vắc xin sởi, vắc xin viêm gan B, vắc xin uốn ván. Đồng thời, Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện tiêm bù, tiêm vét các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng trong giai đoạn cung ứng vắc xin.
Năm 2025, Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan đảm bảo cung ứng đủ vắc xin, tránh tình trạng gián đoạn, đồng thời yêu cầu các địa phương chủ động triển khai hoạt động tiêm chủng, tăng cường giám sát, phát hiện dịch và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng.
2. Cử tri xã Suối Nho, huyện Định Quán kiến nghị thời gian qua có nhiều trường hợp người dân tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, khi đi khám bệnh vào các ngày thứ bảy, chủ nhật thì không được cơ quan Bảo hiểm thanh toán, chi trả theo chế độ bảo hiểm, kê đơn thuốc cho bệnh nhân lại không mua được thuốc tại bệnh viện mà phải ra các bên ngoài quầy bán thuốc hoặc các cửa hàng bán thuốc ngoài bệnh viện. Điều này gây nhiều khó khăn cho người dân, vì có rất nhiều trường hợp ngày thường (từ thứ hai đến thứ bảy) họ bận công việc, nên không sắp xếp được và việc tìm đến các cửa hàng có thuốc bên ngoài bệnh viện theo toa của bác sĩ vừa mất thời gian và không thuận tiện. Do đó, cử tri kiến nghị cần có quy định để xem xét hỗ trợ cho người dân được hưởng bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh vào các ngày thứ bảy và chủ nhật và nhập đầy đủ các loại thuốc vào trong bệnh viện để người dân được khám chữa bệnh, lấy thuốc theo chỉ định của bác sĩ được thuận lợi hơn.
Tại khoản 2, Điều 2, Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định giờ làm việc hành chính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là khoảng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác định, công bố công khai để giải quyết các công việc hành chính của cơ sở bảo đảm phù hợp với quy định về thời giờ làm việc của pháp luật về lao động.
Theo khoản 10, Điều 27, Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ như sau: (1) người có thẻ bảo hiểm y tế đến khám bệnh, chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế; (2) cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế và phải thông báo trước cho người bệnh; thông báo bằng văn bản cho cơ quan bảo hiểm xã hội để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh trước khi thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ để làm cơ sở thanh toán.
Như vậy, khi khám bệnh vào ngày thứ bảy, chủ nhật đối với các bệnh viện có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ thì người có bảo hiểm y tế vẫn sẽ được chi trả trong phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế. Đối với các bệnh viện không tổ chức khám chữa bệnh vào thứ bảy, chủ nhật thì được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh của bảo hiểm y tế trong trường hợp cấp cứu tại khoản 4, Điều 11, Thông tư 40/2015/TT-BYT[1]
Bộ Y tế ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền khi sửa đổi các quy định liên quan nhằm đảm bảo tốt nhất cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
2. Cử tri xã Suối Nho, huyện Định Quán có ý kiến hiện nay theo quy định học sinh, sinh viên thuộc nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc và được Ngân sách nhà nước hỗ trợ (từ 30% - 100%) mức đóng. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều gia đình đông con đang đi học cùng thời điểm nên việc tham gia bảo hiểm còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, cử tri kiến nghị cần xem xét việc đóng bảo hiểm y tế bắt buộc đối với học sinh, sinh viên cho phù hợp để giảm bớt chi phí cho gia đình khó khăn.
Trên cơ sở quy định của pháp luật, Quốc hội và Chính phủ đã quy định mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5% mức tiền lương, lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở, dựa trên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng đóng góp của Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và người dân.
Để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế, Chính phủ đã ban hành các chính sách cụ thể. Theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ và Luật số 51/2024/QH15 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, các mức đóng và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đã được quy định cho các nhóm đối tượng như người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình. Nhóm đối tượng học sinh, sinh viên nếu không thuộc các nhóm đối tượng nêu trên thì sẽ tham gia Bảo hiểm y tế bắt buộc với mức đóng 4,5% mức lương cơ sở/tháng; trong đó, được Nhà nước hỗ trợ 30%, người tham gia đóng 70% còn lại.
Ngoài ra, tại điểm b, khoản 3 của Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023, Chính phủ quy định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể căn cứ vào khả năng ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu cho các đối tượng được quy định, đồng thời hỗ trợ thêm cho các đối tượng không thuộc diện được hưởng hỗ trợ theo quy định hiện hành, bao gồm cả những người có thu nhập thấp, người lao động không có hợp đồng, người giúp việc và nội trợ gặp khó khăn trong việc tham gia bảo hiểm y tế liên tục.
Với phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế được hưởng tương đối đầy đủ, mức đóng bảo hiểm y tế hiện tại được đánh giá là thấp so với các nước có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng. Bộ Y tế mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ chính sách bảo hiểm y tế của Đảng và Nhà nước, đồng thời tích cực tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo tài chính khi gặp ốm đau, bệnh tật.
Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai để biết, thông tin tới cử tri.
Xin trân trọng cảm ơn./.
| BỘ TRƯỞNG |
[1] - Người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào. Bác sĩ hoặc y sĩ tiếp nhận người bệnh đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu và ghi vào hồ sơ, bệnh án.
- Sau giai đoạn điều trị cấp cứu, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã tiếp nhận cấp cứu người bệnh hoặc được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn hoặc được chuyển về nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu sau khi đã điều trị ổn định.
- 1Thông tư 40/2015/TT-BYT quy định đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm y tế
- 3Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024
- 4Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế
- 5Nghị định 13/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng
- 6Nghị định 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Công văn 1357/BYT-VPB1 năm 2025 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 1357/BYT-VPB1
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 12/03/2025
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Đào Hồng Lan
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/03/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra