Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13410/BTC-CST | Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2011 |
Kính gửi: Văn phòng Chính phủ
Ngày 18/8/2011, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 192/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp bàn biện pháp đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cung ứng thực phẩm, bình ổn giá cả thị trường.
Tại điểm b khoản 2 Thông báo số 192/TB-VPCP có nêu: “Bộ Tài chính xem xét việc tiếp tục thực hiện thu phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y, góp phần kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm; xem xét việc miễn giảm thuế nhập khẩu đối với ngô, lúa mì chuyên dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi”.
Bộ Tài chính xin báo cáo về vấn đề này như sau:
I. Về việc tiếp tục thực hiện thu phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y, góp phần kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm
Phí, lệ phí trong công tác thú y được quy định tại Thông tư số 136/2010/TT-BTC ngày 13/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y với hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/10/2010 (thay thế Quyết định số 08/2005/QĐ-BTC ngày 20/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y và Quyết định số 20/2006/QĐ-BTC ngày 31/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi Quyết định số 08/2005/QĐ-BTC ngày 20/01/2005).
Để góp phần bình ổn giá, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 196/2010/TT-BTC quy định tạm hoãn thời gian thực hiện Thông tư số 136/2010/TT-BTC ngày 13/9/2010 kể từ ngày 10/12/2010 đến hết quý II năm 2011. Trong thời gian này, việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y được tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 08/2005/QĐ-BTC ngày 20/01/2005 và Quyết định số 20/2006/QĐ-BTC ngày 31/3/2006 nêu trên.
Như vậy, kể từ ngày 1/7/2011 trở đi (hết quý II năm 2011), việc thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y đã được thực hiện theo Thông tư số 136/2010/TT-BTC ngày 13/9/2010 của Bộ Tài chính.
II. Về việc xem xét việc miễn giảm thuế nhập khẩu đối với ngô, lúa mì chuyên dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi
1. Tình hình sản xuất, nhập khẩu và nhu cầu sử dụng mặt hàng ngô và lúa mì làm thức ăn chăn nuôi trong nước
- Đối với mặt hàng ngô:
+ Theo Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian hơn 10 năm qua, sản xuất ngô liên tục tăng về diện tích, năng suất, sản lượng. Năm 2011 tổng diện tích ngô là 730.000 ha, đến năm 2005 đã tăng trên 1 triệu ha; năm 2010, diện tích ngô cả nước 1.126,9 nghìn ha, năng suất 40,9 tạ/ha, sản lượng trên 4,6 triệu tấn. Tuy nhiên, hàng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu trên dưới 1 triệu tấn ngô hạt để làm thức ăn chăn nuôi. Riêng năm 2010, đã nhập khẩu 1,05 triệu tấn ngô. Trong 7 tháng đầu năm 2011 nhập khoảng 800 nghìn tấn ngô.
+ Theo số liệu của Tổng cục Hải quan thì kim ngạch xuất khẩu ngô (nhóm 10.05) như sau:
Năm 2010: Xuất khẩu 0,699 triệu USD, nhập khẩu 424 triệu USD.
8 tháng 2011: Xuất khẩu 1,527 triệu USD, nhập khẩu 205,9 triệu USD.
- Đối với mặt hàng lúa mì:
+ Theo Cục trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2010, nhập khẩu 1,35 triệu tấn lúa mì để chế biến thức ăn chăn nuôi, trong 7 tháng đầu năm 2011 nhập 900 nghìn tấn lúa mì dùng làm thức ăn chăn nuôi.
+ Theo số liệu của Tổng cục Hải quan thì kim ngạch xuất khẩu lúa mì (nhóm 10.01 và 10.04) như sau:
Năm 2010: Nhập khẩu 568,89 triệu USD.
8 tháng 2011: Nhập khẩu 544,9 triệu USD.
- Theo Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, lượng thức ăn tinh cần thiết cho đàn gia súc, gia cầm năm 2011 là 20,8 triệu tấn. Hiện nay số lượng nguyên liệu trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 75% so với nhu cầu, số còn lại phải nhập khẩu (khoảng 6-7 triệu tấn/năm).
- Hiện nay, ngoài vấn đề dịch bệnh, ngành chăn nuôi còn phải đối mặt với giá nguyên liệu thức ăn ở mức cao. Chính vì thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu đối với hầu hết các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mà trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đủ so với nhu cầu, trong đó có hạt lúa mì (trong nước hoàn toàn chưa sản xuất được) và ngô (trong nước sản xuất còn thiếu) đang được sử dụng phổ biến để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Theo Cục chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua khảo sát thực tế và công tác chỉ đạo sản xuất, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã đặt cọc và hợp đồng với các cơ sở thu gom, sơ chế ngô thu mua toàn bộ số lượng ngô của các vùng sản xuất ngô chủ yếu của nước ta nên việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu của hai loại nguyên liệu nêu trên không có ảnh hưởng đến vấn đề thu mua, tiêu thụ ngô sản xuất trong nước.
2. Chính sách thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ngô, lúa mì
Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi, cam kết WTO, khung thuế suất của mặt hàng ngô, lúa mì hiện nay như sau:
a) Lúa mì (thuộc nhóm 1001 và 1104):
- Lúa mì thuộc nhóm 1001: Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 5%, cam kết WTO năm 2011 là 5%, khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định là 0-5%.
- Lúa mì thuộc nhóm 1104: Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 5%, cam kết WTO năm 2011 là 5%, khung thuế suất Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định là 5-20%.
b) Ngô (thuộc nhóm 1005): Thuế suất nhập khẩu ưu đãi 5%, cam kết WTO năm 2011 là 20%, khung thuế suất Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định là 0-30%.
3. Ý kiến của Bộ Tài chính
Căn cứ theo cam kết WTO, khung thuế suất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với mặt hàng ngô và lúa mì thì có thể xem xét giảm thuế nhập khẩu ngô và mặt hàng lúa mì thuộc nhóm 10.01, nhưng không thể điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng lúa mì ở nhóm 11.04 thấp hơn 5% do mức sàn của khung thuế suất đối với mặt hàng này là 5%.
Theo Bộ Tài chính được biết ngô chiếm tỷ trọng khoảng 40%, lúa mì chiếm khoảng 20% trong cơ cấu giá thành sản xuất 1 tấn thức ăn chăn nuôi. Để xác định tác động của việc giảm thuế hoặc không giảm thuế nhập khẩu mặt hàng ngô và lúa mì, Bộ Tài chính tính toán phương án giảm thuế suất xuống 0% so với mức 5% hiện hành như sau:
a) Đối với mặt hàng ngô
- Giá ngô giao tại cảng Hải Phòng (Giá CIF hoặc CNF) là: 325 USD/tấn, tương đương 6.825.000 đồng/tấn (tính theo tỷ giá 21.000VNĐ/USD).
- Với mức thuế suất nhập khẩu hiện hành đối với ngô là 5%, thì mức thuế nhập khẩu phải nộp cho 1 tấn ngô là 341.250 đồng/tấn.
- Nếu điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 0% thì chênh lệch thuế nhập khẩu của 01 tấn ngô là: 341.250 đồng/tấn.
- Ngô chiếm tỷ trọng 40% trong cơ cấu giá thành sản xuất của 1 tấn thức ăn chăn nuôi, nên thuế nhập khẩu giảm tương ứng với tỷ lệ 40% là: 136.500 đồng/tấn (341.250 đồng x 40% = 136.500 đồng/tấn).
- Theo thông tin của Cục Quản lý giá (công văn 221/CQLG-THPTDB ngày 5/9/2011) giá thức ăn chăn nuôi trong nước tại thời điểm tháng 8/2011 khoảng 11.000.000 đồng/tấn, do vậy, nếu thực hiện điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ngô từ 5% xuống 0% thì giá thành phẩm thức ăn chăn nuôi giảm 136.500 đồng/tấn, tương đương với 1,24% giá bán.
Ngô là mặt hàng nông sản mà trong nước có sản xuất mặc dù trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhưng nếu giảm thuế suất của mặt hàng này xuống 0% thì sẽ tác động bất lợi, không khuyến khích người dân phát triển trồng loại cây này và lâu dài sẽ càng phụ thuộc vào ngô nhập khẩu. Theo số liệu kim ngạch nhập khẩu tháng 7/2011 của TCHQ thì mặt hàng “ngô” được nhập khẩu chủ yếu từ các nước sau:
Stt | Nước | Số lượng (tấn) | Kim ngạch nhập khẩu | |
Trị giá (USD) | Tỷ trọng/Tổng số | |||
1 | Achentina | 1.442 | 729.046 | 0,23% |
2 | Ấn Độ | 366.264 | 103.429.319 | 58% |
3 | Braxin | 129.794 | 40.229.039 | 20% |
4 | Campuchia | 16.050 | 5.737.000 | 2,5% |
5 | Hoa Kỳ | 2.452 | 1.353.266 | 0,4% |
6 | Lào | 6.916 | 1.933.070 | 1,1% |
7 | Thái Lan | 112.141 | 51.426.048 | 17,7% |
| Tổng cộng | 635.059 | 204.836.788 | 100% |
Như vậy, mặt hàng ngô nhập khẩu ngoài một số nước áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi (5%), còn được nhập khẩu từ một số nước áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt như: Ấn Độ (kim ngạch nhập khẩu 58%) có mức thuế suất thuế nhập khẩu năm 2011 là 4,5% và năm 2012 là 4%; Campuchia, Lào và Thái Lan (kim ngạch nhập khẩu 21,3%) có mức thuế suất thuế nhập khẩu từ năm 2011 - 2013 là 0%.
b) Đối với mặt hàng lúa mì
- Giá lúa mì giao tại cảng Hải Phòng (Giá CIF hoặc CNF) là: 310 USD/tấn tương đương 6.510.000 đồng/tấn (tính theo tỷ giá 21.000VNĐ/USD).
- Với mức thuế suất nhập khẩu hiện hành đối với lúa mì là 5%, thì mức thuế nhập khẩu phải nộp cho 1 tấn lúa mì là 325.500 đồng/tấn.
- Nếu điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 0% thì chênh lệch thuế nhập khẩu của 01 tấn lúa mì là: 325.500 đ/tấn.
- Lúa mì chiếm tỷ trọng 20% trong cơ cấu giá thành sản xuất 1 tấn thức ăn chăn nuôi, nên thuế nhập khẩu giảm tương ứng với tỷ lệ 20% là: 65.100 đồng/tấn (325.500 đ x 20% = 65.100 đồng/tấn).
- Tương tự như mặt hàng ngô, 01 tấn thức ăn chăn nuôi tổng hợp có giá 11.000.000 đồng/tấn. Do vậy, nếu thực hiện điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu lúa mì từ 5% xuống 0% thì giá thành phẩm thức ăn chăn nuôi giảm được 65.100 đồng/tấn, tương đương với 0,6% giá bán.
Lúa mì là mặt hàng nông sản trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu hoàn toàn, việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng này xuống 0% sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Theo số liệu kim ngạch nhập khẩu tháng 7/2011 của TCHQ thì mặt hàng “Lúa mì” được nhập khẩu chủ yếu từ các nước sau:
Stt | Nước | Số lượng (tấn) | Kim ngạch nhập khẩu | |
Trị giá (USD) | Tỷ trọng/Tổng số | |||
1 | Canada | 12.907 | 5.675.706 | 1% |
2 | Hoa Kỳ | 164.248 | 64.140.937 | 11% |
3 | Ôtrâylia | 1.301.028 | 435.448.380 | 88% |
| Tổng cộng | 1.478.183 | 505.265.023 | 100% |
Trong đó, mặt hàng lúa mì nhập khẩu từ Canada và Hoa Kỳ áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi (5%), nhập khẩu từ Ôtrâylia áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là 5%. Như vậy, nếu giảm thuế nhập khẩu ưu đãi thì giảm đối với Canada và Hoa Kỳ, không điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với Ôtrâylia.
Từ kết quả tính toán và tình hình nhập khẩu mặt hàng ngô và lúa mì nêu trên cho thấy: Việc giảm thuế nhập khẩu của ngô và lúa mì từ 5% xuống 0% thì việc giảm giá bán thức ăn chăn nuôi là không đáng kể (ngô được khoảng 1,24% giá bán; lúa mì được khoảng 0,6% giá bán). Mặt khác, nếu giảm thuế nhập khẩu lúa mì thì cũng chỉ giảm được ở nhóm 10.01 (nhóm 10.04 không giảm được vì khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định đối với nhóm này là 5-20%), nguồn nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau (áp dụng cả Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt) nên trên thực tế tác động của việc giảm thuế nhập khẩu lúa mì đến giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ còn ít hơn số tính toán ở trên. Ngoài ra, nếu giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi của lúa mì nhóm 10.01 xuống thấp hơn 5% thì có chênh lệch thuế suất với lúa mì nhóm 10.04 sẽ gây ra phát sinh gian lận và vướng mắc trong thực hiện do không có tiêu chí rõ ràng để phân biệt lúa mì giữa hai nhóm này.
Từ nội dung báo cáo nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị vẫn giữ nguyên mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với ngô và lúa mì như hiện hành. Để hạ giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi thì cần tính đến biện pháp khác như khuyến khích các doanh nghiệp tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu sản xuất thức ăn trong nước, tăng cường kiểm tra rà soát giá, ưu đãi tín dụng hoặc ân hạn nộp thuế… Về lâu dài cần quy hoạch phát triển toàn diện các nguồn nguyên liệu thô, mở rộng diện tích các loại cây nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, sử dụng giống mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất ngô, đậu tương, đưa cỏ thành cây trồng có giá trị trong cơ cấu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Bộ Tài chính xin báo cáo về việc tiếp tục thực hiện thu phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y và xem xét việc miễn giảm thuế nhập khẩu đối với ngô, lúa mì chuyên dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi theo Thông báo số 192/TB-VPCP , kính đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trân trọng sự phối hợp công tác của quý cơ quan./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 20/2006/QĐ-BTC sửa đổi Quyết định 08/2005/QĐ-BTC về chế độ thu, nộp và quản lý, sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y do Bộ trưởng Bộ tài chính ban hành
- 2Quyết định 08/2005/QĐ-BTC về chế độ thu, nộp và quản lý, sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định 10/2008/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Thông tư 136/2010/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y do Bộ Tài chính ban hành
- 5Thông tư 196/2010/TT-BTC tạm hoãn thời gian thực hiện Thông tư 136/2010/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y do Bộ Tài chính ban hành
- 6Thông báo 192/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp bàn biện pháp đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cung ứng thực phẩm, bình ổn giá cả thị trường do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 7Công văn 7984/BTC-CST năm 2013 thuế, phí liên quan đến nhập khẩu trâu, bò do Bộ Tài chính ban hành
- 8Quyết định 2061/QĐ-BNN-BVTV năm 2018 về tiếp tục nhập khẩu lúa mì từ Ucraina do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Công văn 13410/BTC-CST thực hiện thu phí, lệ phí thú y và điều chỉnh thuế nhập khẩu ngô, lúa mì theo Thông báo 192/TB-VPCP do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 13410/BTC-CST
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 06/10/2011
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra