Hệ thống pháp luật

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1315/UBDT-DTTS
V/v: hướng dẫn tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ II

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2013

 

Kính gửi: UBND tỉnh (thành phố) Bắc Giang

Căn cứ Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 08/5/2009 của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số Việt Nam;

Căn cứ Khoản 2 Điều 6 Nghị đinh số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác Dân tộc quy định “Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện được tổ chức định kỳ 05 năm một lần”;

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 10215/VPCP-V.III ngày 03/12/2013 của Văn phòng Chính phủ đồng ý cho phép các tỉnh, huyện tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ II vào năm 2014;

Ủy ban Dân tộc hướng dẫn về việc tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ II (sau đây gọi là Đại hội) như sau:

Đây là lần thứ 2 tổ chức Đại hội, vì vậy Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ II năm 2014 về cơ bản thực hiện theo các quy định tại Hướng dẫn số 04/HD-BCĐ ngày 11/8/2009 của Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS Việt Nam hướng dẫn tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện và bổ sung một số nội dung cụ thể:

1. Tên gọi và chủ đề của Đại hội

- Tên gọi của Đại hội thống nhất ghi: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh (huyện) lần thứ II.

Riêng đối với các tỉnh, huyện lần đầu đủ tiêu chí tổ chức Đại hội thì tên gọi của Đại hội là: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh (huyện) lần thứ I.

- Chủ đề của Đại hội: Do Ban Chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh lựa chọn.

2. Nội dung báo cáo chính trị tại Đại hội

Báo cáo chính trị tại Đại hội cần được chuẩn bị kỹ, trong đó tập trung làm rõ các vấn đề sau:

a) Đánh giá tình hình phát triển kinh tế- xã hội trong 5 năm (2009-2014) của tỉnh, huyện với các nội dung trọng tâm gồm:

- Kết quả xóa đói giảm nghèo (đánh giá những huyện, xã điển hình tốt và chưa tốt; tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh, của huyện; tỷ lệ hộ nghèo của từng dân tộc, nhóm dân tộc trên địa bàn; biểu dương những dân tộc, nhóm dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; đồng thời chỉ rõ những dân tộc, nhóm dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo giảm chậm).

- Kết quả xây dựng nông thôn mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí.

- Kết quả khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh, chống di dịch cư tự do trong vùng dân tộc thiểu số.

b) Kết quả thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn đối với vùng dân tộc thiểu số:

- Những vấn đề còn tồn tại, yếu kém trong thực hiện chính sách.

- Nguyên nhân của những tồn tại.

- Phương hướng, giải pháp khắc phục trong giai đoạn tiếp theo.

c) Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện trong thực hiện quyết tâm thư và chương trình hành động của Đại hội lần thứ nhất:

- Khái quát tình hình chung trong đó chỉ ra những hạn chế, yếu kém.

- Phương hướng khắc phục những hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thời gian tới.

d) Xây dựng phương hướng thực hiện quyết tâm thư và chương trình hành động của Đại hội lần thứ II (2014-2019):

Xác định các nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch thực hiện đưa vào nội dung quyết tâm thư thông qua tại Đại hội trong đó thể hiện được quyết tâm của các dân tộc thiểu số với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo,...

3. Kinh phí Đại hội

- Kinh phí được cân đối trong ngân sách địa phương.

- Về nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

- Các địa phương có thể có các hình thức vận động xã hội hóa để tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thăm quan, triển lãm... trong thời gian diễn ra Đại hội.

4. Thời gian tổ chức Đại hội, số lượng đại biểu do Ban Chỉ đạo Đại hội cùng cấp quyết định nhưng để đảm bảo thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần trang trọng, chu đáo, tiết kiệm, đảm bảo chất lượng hiệu quả, Ủy ban Dân tộc đề nghị:

- Thời gian tổ chức Đại hội cấp tỉnh, cấp huyện không quá 2 ngày và hoàn thành trước 31/12/2014.

- Tổng số đại biểu chính thức dự Đại hội cấp tỉnh không quá 250 đại biểu.

- Tổng số đại biểu chính thức dự Đại hội cấp huyện không quá 150 đại biểu.

5. Khen thưởng tại Đại hội

Ban Chỉ đạo Đại hội xem xét và quyết định việc lựa chọn và đề xuất các hình thức khen thưởng, tổ chức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc theo Luật Thi đua khen thưởng và Quy chế Thi đua - Khen thưởng Bộ, ngành, địa phương.

Đối với Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị Ban Chỉ đạo Đại hội xem xét, lựa chọn và hoàn thiện hồ sơ như sau:

+ Đối tượng khen thưởng: Là đại biểu chính thức dự Đại hội có thành tích thật tiêu biểu, xuất sắc do Ban Chỉ đạo cấp tỉnh xét chọn trên cơ sở đề nghị của Ban Chỉ đạo cấp huyện.

+ Tiêu chuẩn khen thưởng: những tập thể, cá nhân có thành tích thật tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện Chương trình hành động và Quyết tâm thư tại Đại hội cùng cấp lần thứ nhất (thực hiện trong 5 năm từ 2009 đến 2014). Riêng đối với đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức tính đến thời điểm đề nghị xét tặng phải có ít nhất 01 Bằng khen của cơ quan trực tiếp quản lý hoặc 02 năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2014.

+ Hồ sơ đề nghị khen thưởng: Do Ban Chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh trình bao gồm:

Tờ trình đề nghị khen thưởng (có danh sách đề nghị khen thưởng kèm theo);

Biên bản họp của Ban Chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh;

Báo cáo tóm tắt thành tích của tập thể, cá nhân do Trưởng phòng Dân tộc huyện hoặc UBND xã lập.

Riêng với đại biểu đề nghị khen thưởng là cán bộ, công chức, viên chức báo cáo tóm tắt thành tích thực hiện theo mẫu số 02 - Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27/4/2012 của Chính phủ.

+ Thời hạn gửi hồ sơ: Hồ sơ đề nghị xét tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc gửi về Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng Ủy ban Dân tộc trước ngày t chức Đại hội ít nhất là 45 ngày bằng văn bản, đồng thời gửi qua thư điện tử: phongtdkt@cema.gov.vn (điện thoại: 08043393, 08043748) và đồng gửi: vudantocthieuso@cema.gov.vn để cùng theo dõi, tổng hợp.

6. Tổ chức thực hiện

Đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó:

+ Trưởng Ban Chỉ đạo là đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh (huyện).

+ Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo là đồng chí Trưởng Ban Dân tộc tỉnh (Trưởng phòng dân tộc huyện).

+ Trưởng Ban Tổ chức Đại hội là đồng chí Trưởng Ban Dân tộc tỉnh (Trưởng phòng dân tộc huyện).

+ Các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức do Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội cùng cấp quyết định.

- Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch Đại hội, lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra tổ chức Đại hội cấp tỉnh, cấp huyện.

- Ban Chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh gửi thông báo và lịch Đại hội các cấp về Ủy ban Dân tộc (qua Vụ Dân tộc thiểu số) để theo dõi và tổng hợp.

Trên đây là một số hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc để UBND các tỉnh, thành phố tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ II, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế của địa phương có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo tổ chức Đại hội với tinh thần trang trọng, chu đáo, tiết kiệm đảm bảo chất lượng, thiết thực, hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc đề nghị các địa phương phản ánh, báo cáo kịp thời về Ủy ban Dân tộc qua Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc (ĐT 04.37349892, email: vudantocthieuso@cema.gov.vn)

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Bí Thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các BCĐ: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- CQ công tác dân tộc các tỉnh, thành phố;
- BT, CN UBDT (để b/c);
- Các Thứ trưởng, PCN UBDT;
- Các Vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc;
- Lưu VT, DTTS (06b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
THỨ TRƯỞNG, PHÓ CHỦ NHIỆM




Hoàng Xuân Lương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1315/UBDT-DTTS hướng dẫn tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện lần thứ II do Ủy ban Dân tộc ban hành

  • Số hiệu: 1315/UBDT-DTTS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 24/12/2013
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Dân tộc
  • Người ký: Hoàng Xuân Lương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản