Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1314/BGDĐT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến

Hà Nội, ngày 22 tháng 3 năm 2024

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai gửi tới sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến tại Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024.

I. Nội dung kiến nghị 1: Cử tri phản ánh, để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục hiệu quả, giảm tải áp lực về đội ngũ giáo viên đặc biệt là giáo viên các môn chuyên biệt như tin học, ngoại ngữ (do thiếu nguồn tuyển). Ngành giáo dục huyện Bắc Hà đã thực hiện đưa học sinh lớp 3 về học tại điểm trường chính giúp cho điều kiện học tập của học sinh được tốt hơn, chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên giải pháp trên làm số lượng học sinh bán trú tăng nhanh, trong khi cơ sở vật chất, phòng ở, nhà ăn, công trình nước, vệ sinh phục vụ học sinh bán trú còn gặp nhiều khó khăn (trung bình trên 16 học sinh/phòng, cá biệt có nhiều trường trên 20 học sinh/phòng), không đáp ứng và đảm bảo được yêu cầu cần thiết và nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của học sinh. Cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, trình Chính phủ tiếp tục có chính sách, ưu tiên nguồn lực phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, xây dựng phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, cơ sở hạ tầng, đầu tư xây dựng hoàn thiện phòng ở bán trú cho học sinh và có cơ chế ưu tiên, thu hút giáo viên về công tác tại các huyện vùng cao. (Câu 18).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cảm ơn sự quan tâm của cử tri tỉnh Lào Cai. Về vấn đề này, Bộ GDĐT xin được trả lời cụ thể như sau:

1. Về kiến nghị tiếp tục có chính sách ưu tiên nguồn lực phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, xây dựng phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, cơ sở hạ tầng, đầu tư xây dựng hoàn thiện phòng ở bán trú cho học sinh:

Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS, MN), vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) với nhiều nội dung ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS, MN: CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và đặc biệt CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, MN giai đoạn 2021-2030.

Tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025, Tiểu dự án 5.1 “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số” với vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương là 6.372,233 tỷ đồng để thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú (nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất khối phòng/công trình phục vụ ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh và phòng công vụ giáo viên; nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất/khối phòng/công trình phục vụ học tập; bổ sung, nâng cấp các công trình phụ trợ khác).

Hiện nay, Bộ GDĐT đang tiến hành rà soát, thống kê các hạng mục công trình như: khối phòng học thông thường, phòng học bộ môn, nhà ở nội trú của các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú để tiếp tục đề xuất với Chính phủ đầu tư theo CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, MN giai đoạn 2026- 2030. Thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2024, Bộ GDĐT phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất hình thức hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho những địa phương chưa cân đối được ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.

2. Về kiến nghị có cơ chế ưu tiên, thu hút giáo viên về công tác tại các huyện vùng cao.

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chăm lo tới đội ngũ nhà giáo. Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó quy định các chính sách như: Phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu; thanh toán tiền tàu xe; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục.

Hiện nay, Bộ GDĐT đang tích cực phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách tiền lương mới cho đội ngũ viên chức ngành giáo dục, trong đó có nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi cho giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn nhằm thu hút giáo viên về công tác tại vùng này.

Đồng thời, nhằm khắc phục tình trạng thừa/thiếu giáo viên khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (đặc biệt là môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật), Bộ GDĐT đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép các địa phương tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng nhằm đáp ứng đủ đội ngũ khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để thu hút nhà giáo về công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Bộ GDĐT đề nghị địa phương chủ động xây dựng, ban hành thêm các chính sách đặc thù hỗ trợ cho nhà giáo. Đồng thời, ưu tiên biên chế giáo viên đối với địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc bố trí kinh phí để hợp đồng lao động đối với những cơ sở giáo dục còn thiếu biên chế giáo viên.

II. Nội dung kiến nghị 2: Thông tư 04/2023/TT-BGDĐT ngày 23/02/2023 về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú quy định về chế độ ưu tiên tuyển thẳng học sinh dân tộc thiểu số rất ít người (Khoản 2 Điều 9). Việc quy định này không khống chế về chỉ tiêu, tỷ lệ % (đang thực hiện tuyến 100% đối tượng đủ điều kiện) dẫn đến nguy cơ mất đi cơ hội cho nhiều học sinh dân tộc khác trên cũng địa bàn (cũng có điều kiện kinh tế rất khó khăn), tiềm ẩn nhiều hệ lụy và nguy cơ mất đoàn kết giữa các dân tộc. Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo sớm xem xét, sửa đổi điểm a, khoản 2, Điều 11 của Thông tư 04/2023/TT-BGDĐT ngày 23/02/2023 theo hướng quy định tỷ lệ % tối đa ưu tiên tuyển thẳng học sinh dân tộc thiểu số rất ít người. Với mục tiêu vừa đảm bảo quyền lợi giữa các dân tộc, vừa đảm bảo được các chính sách đặc thù với dân tộc thiểu số rất ít người; đồng thời đảm bảo được việc nâng cao chất lượng giáo dục của trường phổ thông dân tộc nội trú. (Câu 19).

Về vấn đề này, Bộ GDĐT xin được trả lời cụ thể như sau:

Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chính chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người, theo đó các khoản 3, 4. Điều 3 quy định:

“3. Học sinh hoàn thành chương trình tiểu học được vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường trung học cơ sở.

4. Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tuyển thẳng vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp”.

Vì vậy, để thống nhất theo quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP. Thông tư 04/2023/TT-BGDĐT ngày 23/02/2023 của Bộ GDĐT đã quy định về tuyển thẳng học sinh dân tộc rất ít người vào học tại trường phổ thông dân tộc nội trú.

Trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ nghiên cứu, đề xuất tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2017/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT để đảm bảo các chính sách đặc thù phù hợp với tình hình thực tiễn và tiếp cận công bằng trong giáo dục đối với các dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nâng cao chất lượng giáo dục của trường phổ thông dân tộc nội trú.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Thứ trưởng;
- Vụ GDDT, Vụ CSVC, Cục NGCBQLGD;
- Cổng thông tin điện tử Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, TH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Kim Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1314/BGDĐT-VP năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 1314/BGDĐT-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 22/03/2024
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Kim Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản