Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12338/BTC-TCHQ
V/v thuế GTGT đối với thiết bị, vật tư nhập khẩu phục vụ hoạt động khai thác dầu khí

Hà Nội, ngày 16 tháng 09 năm 2013

 

Kính gửi:

- Bộ Ngoại giao;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Công thương;
- Kiểm toán nhà nước;
- Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam.

 

Để xử vướng mắc trong quá trình thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Liên bang CHXHCN Xô Viết về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu và khí ở thềm lục địa phía nam CHXHCN Việt Nam trong khuôn khổ xí nghiệp liên doanh Việt - Xô "Vietsovpetro" (gọi tắt là Hiệp định), Bộ Tài chính đã có công văn số 785/BTC-TCHQ ngày 19/12/2012 trao đổi với các Bộ và đã nhận được ý kiến tham gia của các Bộ. Sau khi tổng hợp ý kiến tham gia của các Bộ, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1- Tại công văn số 785/BTC-TCHQ ngày 19/12/2012, Bộ Tài chính đã đề nghị các Bộ có ý kiến về cách hiểu về cụm từ "thuế hải quan" được quy định tại Điều 8 Hiệp định năm 1991Điều 7 Hiệp định năm 2010 ký giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Liên bang CHXHCN Xô Viết. Qua nghiên cứu ý kiến tham gia của các Bộ, Bộ Tài chính thấy ý kiến của các Bộ về cách hiểu cụm từ "thuế hải quan" còn khác nhau, cụ thể:

a) Ý kiến của Kiểm toán Nhà nước (công văn số 35/KTNN-TH ngày 11/1/2013): "thuế hải quan" bao gồm: Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

b) Ý kiến của Bộ Công thương (công văn số 458/BTC-TCNL ngày 16/1/2013): Do Luật thuế GTGT mới được ban hành năm 1997 nên thực tiễn hoạt động dầu khí theo Hiệp định năm 1991 thì Vietsovpetro được miễn thuế hải quan bao gồm thuế xuất khẩu, nhập khẩu và giá trị gia tăng trong giai đoạn từ năm 1991-2010.

Theo Hiệp định năm 2010 có hiệu lực áp dụng kể từ ngày 01/01/2011, Vietsovpetro được thành lập, hoạt động theo quy định của Hiệp định và quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. (Vietsovpetro là pháp nhân Việt Nam), trong đó có nghĩa vụ về thuế GTGT đối với vật tư, hàng hóa nhập khẩu phục vụ hoạt động dầu khí và các sản phẩm hàng hóa dịch vụ của Vietsovpetro theo Luật thuế GTGT.

c) Ý kiến của Bộ Ngoại giao (công văn số 130/BNG-LPQT-m ngày 22/1/2013): Hiệp định năm 1991 và Hiệp định năm 2010 không cho phép ta giải thích "thuế hải quan" không bao gồm thuế GTGT đánh với thiết bị, vật tư nhập khẩu dùng cho việc thực hiện hoạt động chính của Liên doanh Vietsovpetro. Việc truy thu thuế GTGT của Vietsovpetro trước năm 2010 có thể làm phát sinh tranh chấp với Liên doanh, đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc kỹ vấn đề này. Để có thêm cơ sở quyết định, đề nghị làm rõ mục tiêu của ta trong việc cho phép miễn thuế hải quan cho các thiết bị này, đồng thời cần có thống kê, đánh giá tổng giá trị tiền thuế có thể truy thu từ Vietsovpetro và các tác động của việc truy thu đến hoạt động của Liên doanh.

d) Ý kiến của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (công văn số 1180/DKVN-TCKT ngày 21/2/2013): Cụm từ "thuế hải quan" sẽ bao gồm: thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

e) Ý kiến của Bộ Tư pháp (công văn số 454/BTP-PLQT ngày 16/1/2013): Do thuật ngữ "thuế hải quan" được quy định trong Hiệp định năm 1991 và Hiệp định năm 2010 nên việc giải thích cần phải dựa vào các nguyên tắc quy định tại Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969 và Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 của Việt Nam.

Theo Bộ Tư pháp thì mặc dù vấn đề thuế GTGT không được quy định trong Hiệp định, tuy nhiên pháp luật Việt Nam có quy định về vấn đề này nên có thể cân nhắc theo các quy định của pháp luật Việt Nam để áp dụng đối với việc nhập khẩu thiết bị, vật tư nhập khẩu phục vụ hoạt động khai thác dầu khí của Vietsovpetro.

2- Xét thấy vấn đề vướng mắc nêu trên cần phải được làm rõ, có thể ảnh hưởng đến ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga và có ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính đã dự thảo công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định (đính kèm).

Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, Kiểm toán Nhà nước, Tập đoàn dầu khí Việt Nam có ý kiến tham gia về dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Riêng Bộ Công Thương là đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì đàm phán và Bộ Ngoại giao là cơ quan thẩm định bản Hiệp định tiếng Nga trước khi được Chính phủ hai nước ký kết, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao rà soát nội dung đàm phán trước đây và nội dung bản Hiệp định bằng tiếng Nga, có ý kiến cụ thể về vấn đề này để Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính xin nhận lại ý kiến tham gia của các cơ quan trước ngày 27/9/2013. Nếu quá thời hạn nêu trên mà các cơ quan chưa có ý kiến tham gia thì được xem là nhất trí với dự thảo công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ của Bộ Tài chính.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng (để báo cáo);
- Vụ CST, Vụ PC, Vụ HTQT, Cục QLN, Cục TCDN (để phối hợp t/h);
- Lưu: VT, TCHQ (20).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 12338/BTC-TCHQ năm 2013 thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị, vật tư nhập khẩu phục vụ hoạt động khai thác dầu khí do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 12338/BTC-TCHQ
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/09/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản