Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11818/BGTVT-HTQT
V/v Kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ với các nước

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2021

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại văn bản số 7937/VPCP-QHQT ngày 29/10/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc Bộ Giao thông vận tải khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch nối lại các chuyến bay thường lệ quốc tế với các nước, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC CHUYẾN BAY QUỐC TẾ TRONG THỜI GIAN QUA

Từ cuối tháng 3/2020 đến nay, do tác động của dịch Covid-19 và nhằm kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh Việt Nam đảm bảo an toàn phòng chống dịch, toàn bộ các chuyến bay quốc tế đi/đến Việt Nam đều được cấp phép bay theo hình thức chiều từ Việt Nam đi được phép chở khách và hàng hóa, chiều vào Việt Nam chỉ được chở hàng và việc chở khách phải được cấp có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận.

Hành khách là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài nhập cảnh trên các chuyến bay quốc tế đều phải có văn bản đồng ý của các cấp có thẩm quyền và phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19 trong đó có việc thực hiện cách ly y tế 14 ngày hoặc 07 ngày đối với trường hợp có chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc chứng nhận khỏi bệnh Covid-19 (áp dụng theo hướng dẫn của Bộ Y tế từ ngày 04/8/2021) ngay sau khi nhập cảnh.

Trong giai đoạn từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2021, đã có hơn 274,2 nghìn người nhập cảnh qua đường hàng không, đảm bảo tuân thủ các quy định về nhập cảnh và phòng chống dịch Covid-19. Đối với các chuyến bay giải cứu công dân, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và Tổ công tác 5 Bộ, các hãng hàng không Việt Nam đã tổ chức hơn 400 chuyến bay “giải cứu” cách ly tại các cơ sở quân đội vận chuyển hơn 110 nghìn công dân về nước và gần 150 chuyến bay theo hình thức công dân tự chi trả toàn bộ chi phí cách ly (combo) tại khách sạn, xe đón, xét nghiệm… với hơn 30 nghìn công dân. Toàn bộ các chuyến bay được thực hiện đúng nội dung được chấp thuận, thực hiện công tác cách ly theo quy định và công dân được về nước nghiêm túc tuân thủ chương trình do hãng hàng không xây dựng, không có vấn đề phát sinh đáng kể.

Đối với chuyến bay quốc tế thường lệ có vận chuyển hành khách đến (được sự cho phép nhập cảnh của các cơ quan có thẩm quyền) và đi từ Việt Nam, hiện chỉ có 19 hãng hàng không nước ngoài và 01 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang khai thác các đường bay giữa Việt Nam (Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh) và 13 quốc gia/vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Công, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Philippines, Căm-pu-chia, Úc, Pháp, UAE và Qatar với trung bình hơn 130 chuyến bay hàng tuần mỗi chiều.

Giai đoạn 9 tháng đầu năm 2021, có xấp xỉ 7,5 nghìn chuyến bay quốc tế có chở khách đi/đến Việt Nam với tổng lượng khách vận chuyển cả 2 chiều là 350 nghìn lượt hành khách, hệ số sử dụng ghế (HSSD ghế) trung bình là 13,27%, trong đó, chiều đến Việt Nam là 3,7 nghìn chuyến bay, vận chuyển 153,2 nghìn khách và HSSD ghế trung bình 6,47%.

II. KẾ HOẠCH NỐI LẠI CÁC CHUYẾN BAY QUỐC TẾ THƯỜNG LỆ CHỞ KHÁCH VÀO VIỆT NAM

Trong thời gian qua, việc các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách bị tạm dừng và chưa được nối lại là do các yêu cầu về kiểm soát dịch tễ phòng chống dịch Covid-19. Do vậy, việc nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách phụ thuộc vào yếu tố quyết định là khả năng phòng chống dịch của ta trong đó có việc nâng cao tỷ lệ tiêm vắc-xin cho người dân để thực hiện miễn dịch cộng đồng, từng bước tháo gỡ các quy định phòng dịch đối với hành khách, tăng cường bố trí địa điểm cách ly,… cũng như kết quả đàm phán, thống nhất với các nước/vùng lãnh thổ về công nhận “hộ chiếu vắc-xin”.

Với những lý do nêu trên, Bộ GTVT đề xuất dự kiến khung kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thương lệ chở khách như dưới đây, tuy nhiên việc triển khai thực hiện kế hoạch này hoàn toàn phụ thuộc vào các yêu cầu, quy định về mặt y tế và phòng chống dịch bệnh.

1. Mục tiêu

- Tổ chức lại hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế thường lệ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch cho các địa phương nói riêng và toàn quốc nói chung đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tuân thủ các quy định về kiểm soát cách ly người nhập cảnh;

- Hãng hàng không được chủ động tổ chức vận chuyển (xây dựng lịch bay, mở bán, tiến hành khai thác…) theo các nội dung của Kế hoạch này. Khi thay đổi quy định về kiểm soát cách ly người nhập cảnh, việc mở bán, khai thác… sẽ thay đổi để đảm bảo phù hợp với các quy định có liên quan;

- Tạo điều kiện thuận lợi và từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân, góp phần thực hiện khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế trong trạng thái bình thường mới.

2. Yêu cu chung

2.1. Đối với hãng hàng không tham gia vận chuyển:

- Các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài được chỉ định khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách theo Hiệp định hàng không song phương, đa phương liên quan và đang có Giấy chứng nhận người khai thác (đối với hãng hàng không Việt Nam) và Giấy chứng nhận người khai thác hãng hàng không nước ngoài, Chương trình an ninh hàng không được cấp, cấp công nhận, phê duyệt còn hiệu lực;

- Đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 theo các văn bản quy định, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, của Bộ Y tế, Bộ GTVT và các địa phương tiếp nhận chuyến bay;

- Mở bán trong lượng tải được phân bổ theo Kế hoạch này;

- Thực hiện việc phân khoang phù hợp đối với hành khách đã tiêm đủ liều vắc-xin và hành khách chưa tiêm đủ liều vắc-xin.

2.2. Đối với tổ bay:

- Đảm bảo duy trì năng định theo quy định về khai thác bay;

- Tổ bay phải được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19. Tổ bay có nhập cảnh Việt Nam phải có thêm chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

2.3. Đối với hành khách:

- Hành khách nhập cảnh Việt Nam phải có xét nghiệm âm tính với SARS- CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP được lấy mẫu trong vòng 72 giờ trước chuyến bay đầu tiên trong hành trình vào Việt Nam hoặc theo hướng dẫn của Bộ Y tế;

- Hành khách nhập cảnh Việt Nam phải cài đặt và khai báo y tế điện tử trên ứng dụng kiểm soát dịch bệnh được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công bố áp dụng và thực hiện sàng lọc y tế tại cảng hàng không nơi đến theo quy định;

- Hành khách xuất cảnh phải đáp ứng các yêu cầu nhập cảnh theo quy định của quốc gia/vùng lãnh thổ đến;

- Đáp ứng các yêu cầu cụ thể theo từng giai đoạn triển khai chuyến bay quốc tế chở khách được nêu tại Mục 3 dưới đây.

3. Kế hoch thc hin

3.1. Đối với các chuyến bay công dân Việt Nam tự trả chi phí cách ly (combo):

Thực hiện theo Hướng dẫn tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong tình hình mới do Bộ Ngoại giao ban hành.

3.2. Đối với các chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số địa phương (Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam):

Thực hiện theo Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.

3.3. Đối với các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam:

a) Giai đoạn 1: tổ chức chuyến bay không yêu cầu phê duyệt danh sách hành khách vào Việt Nam của các cơ quan có thẩm quyền (trừ các yêu cầu về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế)

- Đối tượng: công dân Việt Nam và người nước ngoài.

- Thị trường triển khai thực hiện: các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hồng Công, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Ma- laysia, Lào, Căm-pu-chia, Pháp, Đức, Nga, Anh, Úc (đây là các quốc gia/vùng lãnh thổ hiện có tỷ lệ người dân được tiêm đủ liều vắc-xin cao hơn Việt Nam, đã và đang thực hiện các chuyến bay “combo”, chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế và là các thị trường hàng không quan trọng đối với các hãng hàng không Việt Nam) và các thị trường an toàn khác không hạn chế nhập cảnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Dừng việc thực hiện các chuyến bay “giải cứu” cách ly tại các cơ sở của quân đội đến các thị trường triển khai chuyến bay thường lệ.

- Cảng hàng không tiếp nhận: Các cảng hàng không quốc tế của Việt Nam trên cơ sở thống nhất với các địa phương.

- Tần suất: 04 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 12000 người/tuần). Trên cơ sở ý kiến của các địa phương liên quan về khả năng bố trí cơ sở cách ly, tiếp nhận hành khách, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam thực hiện công tác cấp phép bay theo quy định.

- Yêu cầu đối với hành khách:

+ Đối với hành khách đã tiêm đủ liều vắc-xin và thực hiện cách ly tập trung 07 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế: có chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19, trong đó, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát hoặc giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 không quá 06 tháng tính đến thời điểm xuất phát, kèm theo xác nhận đã thanh toán chi phí cách ly tại cơ sở cách ly tập trung có thu phí (khách sạn) được chỉ định tại một địa phương của Việt Nam bao gồm chi phí phương tiện mặt đất đón về khách sạn cách ly;

+ Đối với hành khách chưa tiêm đủ liều vắc-xin và thực hiện cách ly tập trung 14 ngày: có xác nhận đã thanh toán chi phí cách ly tại cơ sở cách ly tập trung có thu phí (khách sạn) được chỉ định tại một địa phương của Việt Nam, bao gồm chi phí phương tiện mặt đất đón về khách sạn cách ly;

+ Hành khách trên chuyến bay từ các thị trường khác, chuyến bay ngoài lượng được phân bổ phải có văn bản đồng ý cho phép nhập cảnh Việt Nam của các cơ quan chức năng.

- Thời gian thực hiện: dự kiến từ Quý I/2022, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các chuyến bay hành khách tự trả chi phí cách ly (combo) trong tình hình mới nêu tại mục 3.1 và các chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số địa phương nêu tại mục 3.2.

Tuy nhiên, việc triển khai giai đoạn này phải đảm bảo phù hợp với khả năng phòng chống dịch Covid-19 trong nước cũng như kết quả đàm phán, thống nhất với các nước/vùng lãnh thổ về công nhận “hộ chiếu vắc-xin”.

b) Giai đoạn 2: triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách mang “hộ chiếu vắc- xin”:

- Đối tượng: công dân Việt Nam và người nước ngoài.

- Thị trường triển khai thực hiện: theo nhu cầu của các hãng hàng không.

- Tần suất: dự kiến 07 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không.

- Cảng hàng không tiếp nhận: Các cảng hàng không quốc tế của Việt Nam.

- Yêu cầu đối với hành khách:

+ Đối với hành khách mang “hộ chiếu vắc-xin” và thực hiện tự cách ly tại nơi cư trú từ 3 - 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế (dự kiến): có chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19, trong đó liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 không quá 06 tháng tính đến thời điểm xuất phát;

+ Đối với hành khách không mang “hộ chiếu vắc-xin” và thực hiện cách ly tập trung 14 ngày: có xác nhận đã thanh toán chi phí cách ly tại cơ sở cách ly tập trung có thu phí (khách sạn) được chỉ định tại một địa phương của Việt Nam, bao gồm chi phí phương tiện mặt đất đón về khách sạn cách ly.

- Thời gian thực hiện: dự kiến từ Quý II/2022, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các chuyến bay trong Giai đoạn 1 và công tác phòng chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, việc triển khai giai đoạn này phải đảm bảo phù hợp với khả năng phòng chống dịch Covid-19 trong nước cũng như kết quả đàm phán, thống nhất với các nước/vùng lãnh thổ về công nhận “hộ chiếu vắc-xin”.

c) Giai đoạn 3: Khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu:

- Nguyên tắc: Việc triển khai giai đoạn này thực hiện theo quy định và hướng dẫn về dịch tễ của cơ quan có thẩm quyền và đảm bảo phù hợp với tình hình phòng chống dịch Covid-19 trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh ở các nước/vùng lãnh thổ trên thế giới.

- Đối tượng: công dân Việt Nam và người nước ngoài đáp ứng các yêu cầu của cơ quan y tế Việt Nam tại thời điểm áp dụng.

- Thị trường triển khai thực hiện: theo nhu cầu của các hãng hàng không.

- Tần suất: theo nhu cầu của các hãng hàng không.

- Cảng hàng không tiếp nhận: Các cảng hàng không quốc tế của Việt Nam.

- Yêu cầu đối với hành khách:

+ Khi tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và miễn dịch cộng đồng ở Việt Nam ở mức cao, tùy thuộc vào hướng dẫn của Bộ Y tế và kết quả đàm phán công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vắc-xin”, có thể xem xét không yêu cầu hành khách mang “hộ chiếu vắc-xin” thực hiện cách ly;

+ Đối với hành khách không mang hộ chiếu vắc-xin và thực hiện cách ly tập trung 14 ngày: có xác nhận đã thanh toán chi phí cách ly tại cơ sở cách ly tập trung có thu phí (khách sạn) được chỉ định tại một địa phương của Việt Nam, bao gồm phương tiện mặt đất đón về khách sạn cách ly đối với các đối tượng khách khác.

- Thời gian thực hiện: dự kiến từ Quý III/2022, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các chuyến bay trong Giai đoạn 2 và công tác phòng chống dịch Covdi-19.

Tuy nhiên, việc triển khai giai đoạn này phải đảm bảo phù hợp với khả năng phòng chống dịch Covid-19 trong nước cũng như kết quả đàm phán, thống nhất với các nước/vùng lãnh thổ về công nhận “hộ chiếu vắc-xin”.

III. KIẾN NGHỊ

Để có thể triển khai Kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét:

1. Đồng ý đề xuất Kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách đến và đi từ Việt Nam.

2. Chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan công bố ứng dụng kiểm soát dịch bệnh để cài đặt và khai báo y tế điện tử đối với hành khách nhập cảnh và lưu trú tại Việt Nam.

3. Quyết định thời điểm cụ thể triển khai các giai đoạn thực hiện nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách trên cơ sở báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các chuyến bay hành khách tự trả chi phí cách ly (com- bo) trong tình hình mới, các chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại một số địa phương (Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam) và kết quả thực hiện của từng giai đoạn.

4. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện các công tác sau:

4.1. Bộ Giao thông vận tải:

- Chủ trì cấp phép cho các chuyến bay thương mại thường lệ và phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách đến và đi từ Việt Nam sau khi có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ;

- Thống nhất với các địa phương về cảng hàng không quốc tế tiếp nhận các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách trong từng giai đoạn thực hiện;

- Đầu mối định kỳ báo cáo kết quả thực hiện sau khi có ý kiến tổng kết, đánh giá việc triển khai Kế hoạch thuộc chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành có liên quan và phối hợp tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 việc thực hiện các giai đoạn của Kế hoạch này.

4.2. Bộ Ngoại giao:

- Ban hành Hướng dẫn tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong tình hình mới;

- Chủ trì, tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện các chuyến bay công dân Việt Nam tự trả chi phí cách ly (combo);

- Trao đổi với các quốc gia/vùng lãnh thổ để đẩy nhanh việc công nhận “hộ chiếu vắc-xin”.

4.3. Bộ Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành Hướng dẫn cách ly y tế thuận lợi, phù hợp với người nhập cảnh mang “hộ chiếu vắc-xin” và thống nhất mẫu “hộ chiếu vắc-xin” của Việt Nam.

4.4. Bộ Công an:

- Ban hành và công bố phương án, quy trình cấp thị thực và quản lý xuất nhập cảnh đối với khách quốc tế đến Việt Nam.

4.5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Tổng kết đánh giá việc triển khai các chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số địa phương (Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam).

4.6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Bố trí, công bố công khai các cơ sở cách y tập trung có thu phí, phương thức đăng ký dịch vụ cách ly trọn gói (khách sạn, phương tiện đưa đón,…) và thông báo cho các hãng hàng không được chỉ định khai thác để thông báo tới hành khách.

- Chịu trách nhiệm quản lý và giám sát chặt chẽ người nhập cảnh tiếp nhận và cách ly tại địa phương mình đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.

Bộ GTVT kính báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Công an, VHTT&DL, TT&TT;
- Vụ Vận tải;
- Các Cục: HKVN, YTGTVT;
- Lưu: VT, HTQT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Anh Tuấn

 

PHỤ LỤC 1.

TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH COVID-19 VÀ TIÊM CHỦNG VẮC-XIN PHÒNG COVID-19 TẠI CÁC QUỐC GIA, VÙNG LÃNH THỔ CÓ CHUYẾN BAY QUỐC TẾ CHỞ KHÁCH ĐẾN VIỆT NAM (TRƯỚC DỊCH COVID-19)

STT

Khu vực/ Quốc gia/ Vùng lãnh thổ

Số lượng người nhiễm Covid-19

Tỷ lệ nhiễm trên 1 triệu dân

Số lượng người đã tiêm vắc-xin

Số lượng tiêm/ 100 dân

Số lượng người đã tiêm đủ liều vắc- xin (triệu)

Số lượng người tiêm đủ/

100 dân

Tổng

Châu Á

79.459.952

16.984,27

2.657.968.789

56,81

2.010.578.870

42,98

Châu Âu

65.155.586

86.994,40

444.906.224

59,40

411.450.361

54,94

Bắc Mỹ

55.372.775

92.816,82

366.399.971

61,42

310.020.424

51,97

Nam Mỹ

38.384.940

88.391,58

291.663.616

67,16

224.213.381

51,63

Châu Đại dương

261.927

6.060,33

24.544.902

56,79

21.056.705

48,72

Châu Phi

8.503.442

6.191,14

122.611.045

8,93

82.380.823

6,00

Thế giới

247.140.208

31.383,02

3.908.094.547

49,63

3.059.700.564

38,85

1

Trung Quốc

97.391

67,44

1.100.842.000

76,22

1.070.386.000

74,12

2

Hồng Công

12.347

1.634,76

4.621.606

61,19

4.429.863

58,65

3

Macao

 

 

451.006

68,50

343.230

52,13

4

Đài Loan

16.417

688,20

17.286.000

72,46

7.896.013

33,10

5

Nhật Bản

1.723.645

13.674,21

98.250.592

77,95

91.771.479

72,81

6

Hàn Quốc

367.974

7.172,26

41.224.561

80,35

38.804.722

75,64

7

Singapore

200.844

34.060,50

4.759.748

80,72

4.703.751

79,77

8

Thái Lan

1.920.189

27.450,55

42.388.465

60,60

30.911.219

44,19

9

Indonesia

4.244.761

15.359,44

120.553.182

43,62

74.444.261

26,94

10

Malaysia

2.476.268

75.550,81

25.495.299

77,79

24.508.552

74,78

11

Philippines

2.790.375

25.127,89

27.836.530

25,07

27.442.969

24,71

12

Brunei

13.246

30.000,09

352.709

79,88

254.727

57,69

13

Cambodia

118.613

6.999,29

13.709.487

80,90

13.065.834

77,10

14

Lào

40.956

5.550,08

3.251.958

44,07

2.776.646

37,63

15

Myanmar

500.950

9.140,42

12.387.573

22,60

5.701.536

10,40

16

Ấn Độ

34.296.237

24.613,19

735.580.368

52,79

332.073.961

23,83

17

Úc

173.165

6.714,89

19.223.152

74,54

16.678.894

64,68

18

Anh

9.140.441

134.010,08

49.987.325

73,29

45.712.351

67,02

19

Đức

4.619.273

55.056,58

57.727.042

68,80

55.479.545

66,13

20

Pháp

7.270.410

107.607,35

51.173.481

75,74

45.861.703

67,88

21

Nga

8.417.305

57.687,54

55.691.008

38,17

47.683.391

32,68

22

UAE

739.983

74.064,34

9.672.732

96,81

8.683.700

86,91

23

Qatar

239.374

81.683,00

2.360.308

80,54

2.218.292

75,70

24

Thổ Nhĩ Kỳ

8.061.636

94.795,12

55.437.166

65,19

48.758.456

57,33

25

Hoa Kỳ

46.091.924

138.449,50

221.760.691

65,94

191.197.741

56,85

26

Việt Nam

926.720

9.440,06

57.332.644

58,40

24.597.231

25,06

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 11818/BGTVT-HTQT năm 2021 về Kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ với các nước do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 11818/BGTVT-HTQT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 08/11/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Lê Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản