Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------------

Số: 10744/TCHQ-PC
V/v triển khai thực hiện Thông tư 155/2016/TT-BTC

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2016

 

Kính gửi: Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.

Ngày 20/10/2016 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 155/2016/TT-BTC quy định chi tiết thi hành Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 và Nghị định 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 127/2013/NĐ-CP (kèm theo Phụ lục các mẫu Biên bản, Quyết định và Thông báo sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan). Thông tư 155/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2016.

Để triển khai thực hiện Thông tư 155/2016/TT-BTC kịp thời, đầy đủ, đúng quy định; trong thời gian chờ Thông tư có hiệu lực thi hành, chờ Tổng cục ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định 113/QĐ-TCHQ ngày 22/01/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Bản hướng dẫn về trình tự xử phạt vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại các quyết định hành chính liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong ngành Hải quan và Bản hướng dẫn sử dụng mẫu biên bản và quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong ngành Hải quan; Tổng cục Hải quan yêu cầu:

1. Các đơn vị tổ chức cho cán bộ, công chức trong đơn vị nghiên cứu kỹ và triển khai thực hiện các quy định của Thông tư 155/2016/TT-BTC khi Thông tư có hiệu lực thi hành.

2. Công khai, tuyên truyền, phổ biến về nội dung Thông tư 155/2016/TT-BTC cho người khai hải quan, người nộp thuế biết, thực hiện.

3. Trong quá trình thực hiện, ngoài những nội dung mà Thông tư 155/2016/TT-BTC kế thừa Thông tư 190/2013/TT-BTC ngày 12/12/2013, đề nghị lưu ý một số nội dung mới chủ yếu của Thông tư 155/2016/TT-BTC (tài liệu đính kèm công văn này).

4. Về việc sử dụng các mẫu Biên bản, Quyết định và Thông báo sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong ngành Hải quan, Tổng cục Hải quan tạm thời hướng dẫn như sau:

Tất cả các mẫu Biên bản, Quyết định và Thông báo sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong ngành Hải quan: các đơn vị trong ngành Hải quan tự soạn thảo và in từ máy vi tính để sử dụng kể từ ngày Thông tư 155/2016/TT-BTC ngày 20/10/2016 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành.

5. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời về Tổng cục (qua Vụ Pháp chế) để nghiên cứu, trình Bộ xem xét, giải quyết.

Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Tổng cục trưởng (để báo cáo);
- Vụ Pháp chế - Bộ TC (để biết);
-Lưu: VT, PC (4).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Công Bình

 

NHỮNG NỘI DUNG MỚI CƠ BẢN CỦA THÔNG TƯ 155/2016/TT-BTC

(Đính kèm công văn số 10744/TCHQ-PC ngày 14 tháng 11 năm 2016)

I. Chương I - Xử phạt vi phạm hành chính về hải quan

1. Mục 1- Những quy định chung:

1.1. Xác định vi phạm lần đầu (Điều 3 Thông tư 155/2016/TT-BTC)

Vi phạm lần đầu nêu tại khoản 2 Điều 2 Nghị định là trường hợp cá nhân, tổ chức trước đó chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đó hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đó nhưng trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm.

1.2. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan (Điều 4 Thông tư 155/2016/TT-BTC)

(i) Hàng hóa, phương tiện vận tải được đưa vào lãnh thổ Việt Nam do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng thì phải thực hiện việc thông báo với Chi cục Hải quan hoặc Đội Kiểm soát hoặc Hải đội kiểm soát trên biển hoặc Cục Hải quan tỉnh, thành phố, chính quyền địa phương nơi gần nhất hoặc cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật chậm nhất không quá 03 ngày, kể từ ngày đưa hàng hóa, phương tiện vận tải vào lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp không thông báo thì tùy theo từng hồ sơ vụ việc cụ thể để xem xét xử phạt theo quy định tại Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2013 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016) hoặc xử lý theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

(ii) Việc thông báo nhầm lẫn quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định phải được người gửi hàng, người nhận hàng hoặc người đại diện hợp pháp của người gửi hàng, người nhận hàng thực hiện bằng văn bản, nêu rõ lý do gửi Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa kèm theo các chứng từ liên quan đến việc nhầm lẫn khi chưa đăng ký tờ khai hải quan.

Trường hợp có căn cứ xác định có sự thông đồng giữa người gửi hàng, người nhận hàng và/hoặc người vận chuyển để trốn thuế, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới hoặc buôn lậu thì cơ quan hải quan có quyền từ chối chấp nhận nhầm lẫn và xử lý theo quy định của pháp luật. Việc từ chối chấp nhận nhầm lẫn của cơ quan hải quan phải được thực hiện bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do.

(iii) Quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định được áp dụng đối với các trường hợp sửa chữa tờ khai, khai bổ sung hồ sơ hải quan được quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 20 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

(iv) Việc khai sai mã số, thuế suất được coi là lần đầu:

Quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định được áp dụng đối với trường hợp người khai hải quan lần đầu làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đó đã khai đúng tên hàng hóa thực xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định về khai hải quan nhưng khai sai mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; khai sai thuế suất, mức thuế đối với hàng hóa đó theo Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

1.3. Việc xác định giá trị tang vật vi phạm (Điều 5 Thông tư 155/2016/TT-BTC):

(i) Đối với tang vật không bị tịch thu thì trị giá tang vật, phương tiện vi phạm là trị giá hải quan, được xác định theo các quy định hiện hành về xác định trị giá hải quan ở thời điểm lập biên bản vi phạm; nếu là ngoại tệ thì tỷ giá được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

(ii) Đối với hàng hóa, tang vật vi phạm bị tịch thu thì tùy theo từng loại hàng hóa, tang vật cụ thể, việc xác định trị giá thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp không thể áp dụng được căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm (nếu cần) và thành lập Hội đồng định giá để thực hiện việc xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt.

2. Mục 2- Áp dụng các hình thức xử phạt và mức phạt

(i) Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định mà có cơ sở xác định hàng hóa không còn hoặc đã chuyển đổi mục đích sử dụng, không khai hải quan thì xử phạt theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 13 Nghị định (khoản 3 Điều 8 Thông tư 155/2016/TT-BTC).

(ii) Việc xác định ngoại tệ được phép và không được phép mang theo của người xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành hoặc giấy chứng minh biên giới được căn cứ vào quy định tại Quyết định số 92/2000/QĐ-NHNN7 ngày 17/3/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt đối với cá nhân xuất nhập cảnh bằng giấy thông hành xuất nhập cảnh hoặc giấy chứng minh biên giới để xác định (Khoản 2 Điều 10 Thông tư 155/2016/TT-BTC).

(iii) Khi có nghi vấn niêm phong hải quan; chứng từ, tài liệu sử dụng để khai, nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan là giả mạo hoặc không hợp pháp thì phải tạm giữ. Nếu cần thì tiến hành xác minh hoặc trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền đối với các chứng từ, tài liệu có nghi vấn này để làm căn cứ xác định chính xác hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều 10 Nghị định. Trường hợp các giấy tờ này là giấy phép thì thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp phép biết (khoản 3 Điều 11 Thông tư 155/2016/TT-BTC)

(iv) Xử phạt đối với hành vi khai sai mã số, thuế suất, mức thuế (Khoản 2 Điều 12 Thông tư 155/2016/TT-BTC):

Điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị định được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm đã được cơ quan hải quan hướng dẫn về mã số, thuế suất, mức thuế đối với hàng hóa có cùng tên gọi, mã số, thuế suất, mức thuế với hàng hóa vi phạm bằng một trong các hình thức sau:

- Cơ quan hải quan đã có thông báo kết quả phân tích, phân loại hoặc có văn bản xác định trước mã số, thuế suất, mức thuế;

- Cơ quan hải quan đã xác định mã số, thuế suất, mức thuế hàng hóa và ban hành quyết định ấn định thuế.

3. Mục 3- Thẩm quyền xử phạt

(i) Xử lý vi phạm hành chính mà hồ sơ liên quan đến nhiều đơn vị Hải quan (khoản 2 Điều 17 Thông tư 155/2016/TT-BTC):

- Đối với vi phạm hành chính mà hồ sơ liên quan đến nhiều đơn vị Hải quan, đơn vị nào phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính đầu tiên thì đơn vị đó ra quyết định xử phạt; những đơn vị liên quan có trách nhiệm chuyển giao đầy đủ các tài liệu cần thiết theo yêu cầu của đơn vị thụ lý vụ vi phạm và phối hợp thực hiện quyết định xử phạt khi được yêu cầu; trừ trường hợp nêu tại điểm b khoản 2 Điều này.

- Đối với vi phạm hành chính mà tang vật vi phạm là hàng hóa được đưa về bảo quản ở địa điểm khác với địa điểm làm thủ tục hải quan, chờ kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và kiểm dịch động vật thì Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai thực hiện việc xử phạt vi phạm theo thẩm quyền; Chi cục Hải quan nơi phối hợp kiểm tra thực tế hàng hóa có trách nhiệm chuyển toàn bộ tài liệu có liên quan cho Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để làm cơ sở xử phạt.

(ii) Đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả vượt thẩm quyền xử phạt của mình thì Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan tiến hành điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính và hoàn thiện hồ sơ vụ việc (đề xuất hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả), báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền (Khoản 7 Điều 17 Thông tư 155/2016/TT-BTC).

(iii) Giao quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính (Điều 18 Thông tư 155/2016/TT- BTC)

- Việc giao quyền để áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Chương II Phần Thứ tư Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cấp trưởng về việc xử lý vi phạm hành chính của mình và không được giao quyền, ủy quyền tiếp cho bất kỳ cá nhân nào khác.

- Không sử dụng quyết định phân công nhiệm vụ, điều hành nội bộ của đơn vị để thay thế cho văn bản giao quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

4. Mục 4- Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính

(i) Nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xem xét để khởi tố vụ án (đối với tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội buôn bán hàng cấm quy định tại Bộ luật Hình sự) hoặc chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền xem xét khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự khác (khoản 2 Điều 21 Thông tư 155/2016/TT-BTC).

(ii) Đối với các quyết định xử phạt do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan có trách nhiệm tổ chức triển khai, theo dõi việc thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; chủ trì việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm theo quyết định xử phạt của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; thực hiện việc thu, nộp tiền phạt, tiền bán tang vật tịch thu vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được thực hiện đúng thời hạn quy định thì Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan có trách nhiệm báo cáo và đề xuất việc áp dụng biện pháp cưỡng chế để Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành quyết định cưỡng chế. (khoản 4 Điều 23 Thông tư 155/2016/TT-BTC)

II. Chương II - Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan

(i) Cưỡng chế trong trường hợp ấn định thuế đối với hàng hóa đã thông quan (Điều 28 Thông tư 155/2016/TT-BTC)

Đối với các trường hợp ấn định thuế sau khi hàng hóa đã thông quan, nếu quá 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn chấp hành quyết định ấn định thuế mà người nộp thuế hoặc người bảo lãnh không tự nguyện chấp hành quyết định ấn định thuế thì cơ quan Hải quan thực hiện cưỡng chế theo quy định. Thời hạn chấp hành quyết định ấn định thuế theo quy định tại Điều này là ngày cơ quan Hải quan ban hành quyết định ấn định thuế theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

(ii) Ra quyết định cưỡng chế (Điều 29 Thông tư 155/2016/TT-BTC): Việc xác minh thông tin liên quan đến đối tượng bị cưỡng chế, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều 33, Điều 38, khoản 1 Điều 43, khoản 1 Điều 61 Nghị định.

Đối với biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, trước khi ra quyết định cưỡng chế, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có văn bản trao đổi với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan công an, các cơ quan khác có liên quan nơi có đối tượng bị cưỡng chế hoặc nơi lưu giữ tang vật, vật phẩm, phương tiện vi phạm hành chính về tình trạng thực tế của tang vật, vật phẩm, phương tiện vi phạm hành chính (đang được bảo quản nguyên trạng hay đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy và các thông tin khác về hiện trạng của tang vật, vật phẩm, phương tiện vi phạm hành chính), điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế của đối tượng bị cưỡng chế trước khi ban hành quyết định cưỡng chế. (khoản 2 Điều 29 Thông tư 155/2016/TT-BTC)

- Trường hợp đã ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp tiếp theo mà có thông tin, điều kiện để thực hiện biện pháp cưỡng chế trước đó thì người ban hành quyết định cưỡng chế có quyền quyết định chấm dứt biện pháp cưỡng chế đang thực hiện và ban hành quyết định thực hiện biện pháp cưỡng chế trước để bảo đảm thu đủ số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế.

Nội dung Quyết định mới ban hành cần phải thể hiện việc chấm dứt hiệu lực của Quyết định cưỡng chế ban hành trước đó. (khoản 4 Điều 29 Thông tư 155/2016/TT-BTC)

- Trường hợp có đầy đủ căn cứ xác định việc áp dụng biện pháp cưỡng chế đang thực hiện không thu được số tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế thì người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế có quyền chấm dứt quyết định cưỡng chế đang thực hiện và ban hành quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế tiếp theo.

Nội dung Quyết định mới ban hành cần phải thể hiện việc chấm dứt hiệu lực của Quyết định cưỡng chế ban hành trước đó. (khoản 5 Điều 29 Thông tư 155/2016/TT-BTC)./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 10744/TCHQ-PC năm 2016 thực hiện Thông tư 155/2016/TT-BTC do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 10744/TCHQ-PC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/11/2016
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Nguyễn Công Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/11/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản