Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1067/BXD-PC

Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2004

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ XÂY DỰNG SỐ 1067/BXD-PC NGÀY 14 THÁNG 7 NĂM 2004 VỀ VIỆC XỬ LÝ CHUYỂN TIẾP VIỆC THỰC HIỆN CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG HIỆN HÀNH VÀ THỰC HIỆN THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT XÂY DỰNG 2003

Kính gửi: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Luật Xây dựng đã được Quốc hội Khóa XI kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004. Hiện nay, Chính phủ đang chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật để ban hành trong thời gian sớm nhất. Để các hoạt động xây dựng được triển khai theo đúng các quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện việc chuyển tiếp các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động xây dựng hiện hành và việc thực hiện theo Luật Xây dựng 2003 như sau:

1. Về quy hoạch xây dựng

Đối với các đồ án quy hoạch xây dựng vùng trọng điểm, vùng liên tỉnh; đồ án quy hoạch chung xây dựng các khu công nghệ cao, khu kinh tế đặc thù, đô thị mới liên tỉnh; đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị loại đặc biệt, loại 1, loại 2 và các đô thị khác do Chính phủ quy định, hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng gửi về Bộ Xây dựng để tổ chức thẩm định và trình Chính phủ phê duyệt theo quy định của Luật Xây dựng.

Các đồ án quy hoạch xây dựng vùng trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh; các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị loại 3, loại 4 và loại 5, các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng thì việc lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch xây dựng được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng.

Việc thiết kế đô thị được thực hiện theo Luật Xây dựng và Chỉ thị số 09/2003/CT-TTg ngày 7/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về công tác thiết kế đô thị.

Việc công bố, công khai quy hoạch xây dựng, cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng và quản lý quy hoạch xây dựng được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã lập kế hoạch vốn để tổ chức lập quy hoạch xây dựng các đô thị, các điểm dân cư nông thôn chưa có quy hoạch được duyệt thuộc địa giới hành chính do mình quản lý và có kế hoạch tập trung nguồn lực thực hiện quy hoạch xây dựng được duyệt theo quy định của Luật Xây dựng.

2. Về việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình

Việc lập dự án đầu tư xây dựng công trình bao gồm cả thiết kế cơ sở thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng. Đối với các dự án nhóm A, trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình phải lập báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư. Nội dung báo cáo đầu tư theo quy định của Luật Xây dựng.

Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình, sau khi có kết quả thẩm định thiết kế cơ sở được thực hiện theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng; Nghị định 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999; Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 và Nghị định 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000.

Việc thẩm định thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng công trình được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng như sau: Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở đối với dự án nhóm A thuộc mọi nguồn vốn. Sở Xây dựng tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở đối với dự án nhóm B, C thuộc mọi nguồn vốn đầu tư xây dựng tại địa phương.

Nội dung thẩm định thiết kế cơ sở bao gồm: sự phù hợp về quy mô đầu tư; sự phù hợp về quy hoạch xây dựng; giải pháp kiến trúc, mật độ xây dựng; việc áp dụng tiêu chuẩn xây dựng; bảo vệ cảnh quan, môi trường v.v...

Các bước thiết kế tiếp theo do chủ đầu tư tổ chức, thẩm định phê duyệt. Nội dung các bước thiết kế tiếp theo, nội dung thẩm định thực hiện theo quy định tại Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng; Nghị định 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999; Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 và Nghị định 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000.

3. Về cấp giấy phép xây dựng công trình

Việc cấp giấy phép xây dựng công trình và nhà ở tại đô thị được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và quy định tại Thông tư liên tịch số 09/1999/TTLT-BXD-TCĐC ngày 10/11/1999 của Bộ Xây dựng và Tổng cục địa chính hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng.

Đối với việc cấp giấy phép xây dựng nhà ở nông thôn, Uỷ ban nhân dân cấp huyện quy định những điểm dân cư phải cấp giấy phép xây dựng. Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức lập quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy định của Luật Xây dựng.

4. Về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng

Các tổ chức hoạt động xây dựng tiến hành rà soát, đánh giá năng lực của tổ chức và năng lực nghề nghiệp của các cá nhân do mình quản lý. Điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng thực hiện theo quy định tại Quyết định số 19/2003/QĐ-BXD ngày 3/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy định điều kiện năng lực hoạt động xây dựng đến hết ngày 30/12/2005.

5. Về việc quản lý chất lượng xây dựng công trình

Việc quản lý chất lượng xây dựng công trình được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và Quyết định số 18/2003/QĐ-BXD ngày 27/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng.

6. Về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng

Việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và các quy định tại Nghị định 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 ban hành Quy chế đấu thầu, Nghị định 14/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 và Nghị định 66/2003/NĐ-CP ngày 12/6/2003 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đấu thầu ban hành ngày 01/9/1999 và Nghị định 14/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000.

Trên đây là một số biện pháp nhằm xử lý chuyển tiếp việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động xây dựng hiện hành và việc thực hiện theo Luật Xây dựng 2003. Bộ Xây dựng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì phản ánh về Bộ Xây dựng để kịp thời xử lý hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

 

 

Nguyễn Hồng Quân

(Đã Ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1067/BXD-PC của Bộ Xây dựng về việc xử lý chuyển tiếp việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động xây dựng hiện hành và thực hiện quy định của Luật Xây dựng năm 2003

  • Số hiệu: 1067/BXD-PC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/07/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Nguyễn Hồng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/07/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản