Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106/VPCP-QHĐP
V/v xử lý kiến nghị của các địa phương

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2021

 

Kính gửi: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Về các kiến nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 28 tháng 12 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý các kiến nghị của các địa phương (bảng tổng hợp kèm theo), có văn bản trả lời địa phương và đồng gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 20 tháng 02 năm 2021 để báo cáo lãnh đạo Chính phủ. Đối với những nội dung vượt thẩm quyền, đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Quý Bộ biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TTgCP, các Phó TTgCP (để b/c);
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, các Vụ: CN, NN, KTTH, KGVX, QHQT, NC, TCCV, PL, ĐMDN, V.I, TH; Cục KSTTHC; cổng TTĐTCP;
- Lưu: VT, QHĐP (3b) Đ.Minh.

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng

 

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Công văn số 106/VPCP-QHĐP ngày 06 tháng 01 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ)

STT

ĐỊA PHƯƠNG

KIẾN NGHỊ

1

TP Hồ Chí Minh

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo (1) sớm có hướng dẫn về Phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa để Thành phố kịp triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra và (2) đẩy nhanh tiến độ kê khai, phê duyệt phương án và thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước trên địa bàn Thành phố để Thành phố có thêm nguồn lực đầu tư phát triển.

2

Sơn La

Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ sau khi Luật có hiệu lực thi hành (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022); đặc biệt hướng dẫn việc tổ chức thẩm định, cho ý kiến đối với Báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ của dự án (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/02/2021).

3

Nam Định

Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để tháo gỡ khó khăn vướng mắc khi triển khai các dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp cũng như các dự án đầu tư khác.

4

Cà Mau

Nghiên cứu ban hành cơ chế ứng phó biến đổi khí hậu phù hợp như: không áp dụng cơ chế vay lại đối với các dự án sử dụng nguồn ODA để thực hiện các công trình phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; cơ chế giao đất rừng cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè bảo vệ bờ biển, để phát triển kinh tế, du lịch... sau khi doanh nghiệp hoàn thành dự án.

5

Cần Thơ

Đề nghị rút ngắn thời gian sửa Luật đất đai 2013, đang gặp một số bất cập làm chậm công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư các dự án.

6

Hưng Yên

Đề nghị Quốc Hội, Chính phủ xem xét sửa đổi Luật Đất đai về tăng hạn điền để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

7

Hưng Yên

Đề nghị các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường thống nhất về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa sang xây dựng nhà ở xã hội, cụ thể:

- Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 57 Luật Nhà ở năm 2014: "Trường hợp nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để xây dựng nhà ở xã hội thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu thầu nếu có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký làm chủ đầu tư hoặc chỉ định chủ đầu tư nếu chỉ có một nhà đầu tư đăng ký làm chủ đầu tư" và tại điểm c khoản 2 Điều 57 Luật Nhà ở năm 2015 quy định: "Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã có quyền sử dụng đất hợp pháp, phù hợp với quy hoạch xây dựng nhà ở, có đủ điều kiện làm chủ đầu tư và có nhu cầu xây dựng nhà ở xã hội thì doanh nghiệp, hợp tác xã đó được giao làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội".

- Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2014 quy định: "Các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất bao gồm: Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ"

8

Hưng Yên

Để có căn cứ thực hiện các thủ tục về đất đai cho các dự án kinh doanh hạ tầng Khu CN, Cụm CN trên địa bàn tỉnh, kính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có hướng dẫn về các nội dung sau:

- Theo Điểm b Khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai quy định trường hợp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 119 quy định “....điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất là đất đã được giải phóng mặt bằng...” (các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều thực hiện trên các khu đất chưa được giải phóng mặt bằng).

- Theo Luật Đầu tư, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và tại Điều 27 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN được ưu đãi về miễn tiền thuê đất. Như vậy, đối chiếu với Điểm g khoản 1 Điều 110 và điểm b khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 thì dự án này được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

9

Quảng Nam

Nguồn thu tiền thuê đất nộp một lần cho toàn bộ thời gian thuê (50 năm đến 70 năm), bản chất là như nguồn thu tiền sử dụng đất, hiện nay đưa vào cân đối chung của ngân sách theo quy định của Luật NSNN là không hợp lý. Kính đề nghị Chính phủ xem xét không tính nguồn thu tiền thuê đất nộp một lần cho cả thời gian thuê vào cân đối ngân sách để chi chung (chi thường xuyên và đầu tư) mà để lại chi đầu tư như nguồn thu tiền sử dụng đất.

10

Nghệ An

Liên quan đến quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong Khu kinh tế. Căn cứ Luật đất đai (Khoản 2, Điều 149): Nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, tại Nghị định số 35/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong Khu kinh tế, Khu công nghệ cao hiện không đề cập nội dung trên. Dẫn đến chính sách áp dụng miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong các khu công nghiệp trong khu kinh tế Đông Nam Nghệ An hiện nay không triển khai được theo Luật Đất đai. Vì vậy kính đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 35/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 để phù hợp với quy định của Luật Đất đai.

11

Sóc Trăng

Đặc điểm của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung thì đất trồng lúa chiếm diện tích rất lớn. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật là hoạt động bình thường, phù hợp với xu thế phát triển. Tuy nhiên, việc chuyển mục đích sử dụng đối với đất trồng lúa theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật đất đai làm phát sinh thủ tục hành chính và gây khó khăn cho địa phương. Trong khi đó, tất cả các công trình, dự án sử dụng đất trồng lúa đã được thể hiện trong Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; được thông qua HĐND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do vậy, để tạo điều kiện cho địa phương thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư triển khai các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương,... Đề nghị Chính phủ xem xét, kiến nghị việc bãi bỏ, sửa đổi quy định nêu trên hoặc phân cấp cho địa phương quyết định và chịu trách nhiệm.

12

Thái Nguyên

Đề nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn cụ thể về giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án trong trường hợp chỉ có 01 nhà đầu tư đăng ký thực hiện danh mục dự án đấu thầu, được cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư theo pháp luật về đầu tư (do hiện nay pháp luật về đất đai chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất trong trường hợp này).

13

Hậu Giang

Về đảm bảo an ninh lương thực: Hậu Giang cũng như các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang lãnh trách nhiệm về đảm bảo an ninh lương thực, nên khả năng thu hút đầu tư còn hạn chế do vướng các quy định liên quan đến bảo vệ đất trồng lúa. Vì vậy, đề nghị Trung ương xem xét, thống nhất cho Tỉnh được chuyển đổi một phần đất lúa canh tác hiệu quả chưa cao để kêu gọi, thu hút đầu tư đối với dự án Khu đô thị mới Vị Thanh, phường V, thành phố Vị Thanh; dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh, phường IV, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

14

Long An

Xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ như sau:

- Thứ nhất, cho sử dụng diện tích đất 200ha (trong tổng diện tích 1.761,57ha) để tiếp tục đầu tư nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt để xử lý rác tỉnh Long An và TP. Hồ Chí Minh (do hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại được đưa vào sử dụng hiệu quả, không cần nhiều diện tích đất, đồng thời ngoài TP Hồ Chí Minh thì các tỉnh khác không còn nhu cầu xử lý rác ở Long An như quy hoạch ban đầu).

- Thứ hai, cho sử dụng khoảng 500 ha để đầu tư khu công nghiệp nhằm di dời các nhà máy đang hoạt động từ TP. HCM về.

- Diện tích đất còn lại khoảng trên 1.000 ha, sẽ bàn giao lại tỉnh Long An để đầu tư phát triển công nghiệp và đô thị.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất với đề xuất của TP. Hồ Chí Minh và Long An như nêu trên làm căn cứ để địa phương sớm triển khai thực hiện, nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất.

15

Long An

Hiện nay, tỉnh Long An đang trình 30 dự án có sử dụng đất trồng lúa trên 10 ha tại các Bộ, ngành trung ương với tổng diện tích 1.916,6ha, trong đó diện tích đất trồng lúa là 1.443,6ha. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành hỗ trợ, xem xét, sớm phê duyệt chủ trương để Long An sớm triển khai thực hiện dự án nhằm thúc đẩy phát triển KTXH của địa phương.

16

Long An

Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ thông qua hồ sơ Dự kiến nhu cầu sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh Long An.

17

Thừa Thiên Huế

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang kêu gọi và thu hút được nhiều nhà đầu tư đến triển khai thực hiện các dự án, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực du lịch; đây là các dự án được thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo phương án thỏa thuận đền bù với người dân và được pháp luật quy định. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh công tác giải phóng mặt bằng theo phương án thỏa thuận này đã được đa số người dân đồng tình; tuy nhiên, cũng đã có một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án thiếu thiện chí, không đồng tình với phương án thỏa thuận đền bù theo giá thị trường mà yêu cầu giá đền bù cao hơn nên không thể đạt được thỏa thuận để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; đây chính là “nút thắt” đã khiến nhiều dự án không thể triển khai thực hiện được. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu phương án nhằm sớm tháo gỡ vướng mắc này. Tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất Chính phủ phương án như sau: “Nếu dự án có từ 90% số hộ dân tại khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án trở lên đồng thuận, thống nhất với phương án giải phóng mặt bằng theo giá đền bù thỏa thuận thì 10% hộ dân còn lại phải thực hiện theo 90% hộ dân đồng tình, nếu không thực hiện thì phải có chế tài xử lý”.

18

Phú Thọ

Tỉnh Phú Thọ đang triển khai một số dự án đầu tư có sử dụng đất (các dự án sử dụng diện tích lớn, đa mục tiêu, bao gồm: đô thị, dịch vụ, thương mại, thể thao, sân golf,...) theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 20/4/2020 của Chính phủ; Tuy nhiên, khi triển khai thực tế, còn một số nội dung liên quan đến xây dựng, đầu tư, đất đai, đấu thầu,... đề nghị các bộ ngành hướng dẫn cụ thể để có thể triển khai, đó là:

- Đề nghị các bộ, ngành có hướng dẫn thủ tục đầu tư đối với dự án du lịch, dịch vụ vui chơi, giải trí tổng hợp có sân golf. Đề xuất dự án sân golf phải được lập thành dự án độc lập và thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 29 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 hay thực hiện theo quy trình Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư toàn bộ dự án tổng hợp (trong đó có hợp phần sân golf), sau khi lựa chọn được nhà đầu tư thì tách dự án sân golf để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

- Đối với các dự án sử dụng diện tích đất lớn, đa mục tiêu, hiện trạng gồm nhiều loại đất, quỹ đất (bao gồm cả đất đã giải phóng mặt bằng). Phần diện tích đã GPMB theo quy định của Luật Đất đai 2013 phải đấu giá quyền sử dụng đất. Phần diện tích chưa GPMB theo quy định phải đấu thầu. Đề nghị các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn thống nhất quy trình thực hiện dự án.

- Trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, theo quy định tại Điểm 3, Khoản 3, Điều 29, Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 và Điểm b, Khoản 3, Điều 13, Nghị định 25/2020/NĐ-CP , Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo hướng dẫn nhà đầu tư nộp hồ sơ trình Quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật khác có liên quan, việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư tuân thủ theo quy định của pháp luật về đất đai. Trong trường hợp này, dự án thuộc diện Nhà nước thông báo thu hồi giao đất hay Nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với chủ sử dụng đất; đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể.

19

Tuyên Quang

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, giúp đỡ tỉnh:

Hỗ trợ tỉnh kinh phí để tổ chức đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính cấp Giấy chứng nhận đối với diện tích khoảng 28.000 ha do các nông, lâm trường trả lại địa phương quản lý; kinh phí khoảng 32 tỷ đồng.

Hỗ trợ tỉnh kinh phí để tổ chức đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn. Hiện nay, tỉnh tổ chức đo được 42/138 xã, phường thị trấn; diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đất ở chưa được đo đạc, lập bản đồ còn rất lớn (chiếm 70% diện tích cần đo đạc) (Do Tuyên Quang là tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được trên 20% nhu cầu chi. Kinh phí để lại phục vụ công tác quản lý đất đai từ nguồn thu tiền sử dụng đất rất ít, không đáp ứng được yêu cầu).

20

Đồng Tháp

Xem xét việc giảm diện tích trồng lúa cho từng địa phương phù hợp để chuyển đổi sang cơ cấu cây trồng, thuỷ sản có kinh tế cao hơn nhằm tăng thu nhập cho nông dân (hiện đang khá thấp), đồng thời chủ động ứng phó với những rủi ro, biến động về thiên tai, dịch bệnh, xâm nhập mặn, cạnh tranh thương mại toàn cầu; khai thác lợi thế phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời,...); quy hoạch các vùng tích trữ nước ngọt.

21

Hà Nam

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu ban hành quy định các cơ chế, chính sách, trình tự và trách nhiệm thực hiện nhằm khuyến khích tập trung đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

22

Hà Nam

Hiện nay diện tích đất các Khu công nghiệp của tỉnh đã lấp đầy trên 70%, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh điều chỉnh quy hoạch tăng quỹ đất công nghiệp từ 2.534ha lên 6.000 ha để thực hiện từ năm 2021.

23

Bình Thuận

Đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xem xét, tham mưu trình phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030; khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và ban hành Nghị định quy định về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ để tạo điều kiện khai thác quỹ đất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển của tỉnh.

24

Đà Nẵng

quan tâm, chỉ đạo các Bộ sớm triển khai thực hiện việc cho phép kéo dài thời hạn trả nợ tiền sử dụng đất thêm 01 năm đối với chính sách thu nợ tiền sử dụng đất quy định tại Nghị định số 79/2019/NĐ-CP .

25

Vĩnh Phúc

Tham mưu cho Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các chính sách có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và giao đất đối với các dự án nhà ở, đô thị thông qua hình thức đấu thầu.

26

Vĩnh Phúc

Sớm ban hành Nghị định: Sửa đổi bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai quy định về việc giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp ưu đãi tiền thuê đất, tiền sử dụng đất;

27

Hà Tĩnh

Kính đề nghị Chính phủ: Tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt cần khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo của một số luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, nhất là Luật Đất đai, Luật Xây dựng nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 106/VPCP-QHĐP năm 2021 về xử lý kiến nghị của các địa phương do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 106/VPCP-QHĐP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 06/01/2021
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Mai Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản
File đang được cập nhật