Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 104/BYT-VPB1
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2025

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau

Bộ Y tế nhận được Công văn số 942/BDN ngày 06/11/2024 của- Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau.

Bộ Y tế xin trả lời đối với kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:

1. Đối với giá dịch vụ kỹ thuật tuyến xã: Theo khoản 5 Điều 4 Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp, quy định “Trạm Y tế xã, phường, thị trấn có giá dịch vụ kỹ thuật được thanh toán bằng 70% mức giá dịch vụ kỹ thuật quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này Kiến nghị Bộ Y tế xem xét cho Trạm Y tế xã, phường, thị trấn có giá dịch vụ kỹ thuật được thanh toán bằng 100% mức giá dịch vụ kỹ thuật quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế.

Việc quy định giá dịch vụ kỹ thuật thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 9, Thông tư số 21/2024/TT-BYT ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế đã quy định “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quy định tại khoản 6, Điều 110, của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và không được vượt giá cao nhất của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Đơn vị xây dựng phương án giá báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định giá của dịch vụ tại Trạm y tế không vượt mức giá cao nhất của dịch vụ tương ứng do Bộ Y tế quy định. Ví dụ giá dịch vụ “Khám bệnh” không được quy định cao hơn mức giá dịch vụ “Khám bệnh” cao nhất do Bộ Y tế quy định. Do vậy đề nghị đơn vị xây dựng phương án giá, trong trường hợp giá của dịch vụ xây dựng theo quy định lớn hơn hoặc bằng mức giá của các dịch vụ tại Phụ lục III của Thông tư 21/2021/TT-BYT thì có thể báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định giá của dịch vụ bằng 100% giá của dịch vụ tại Phụ lục III.

2. Đối với việc chuyển tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: Theo quy định tại Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế thì trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh, khi tự đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Trạm Y tế tuyến xã, Phòng khám đa khoa tuyến huyện và có xuất trình đầy đủ thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định (thẻ bảo hiểm y tế và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh) vẫn không được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Vì vậy, gây khó khăn cho người bệnh có đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh khi cần điều trị các bệnh mãn tính, bệnh theo dõi, bệnh giai đoạn cuối ở tuyến xã. Do đó, kiến nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh cho phép người đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu ở tuyến trung ương, tuyến tỉnh được khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Trạm Y tế xã, Phòng khám đa khoa tuyến huyện và được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định.

Theo quy định tại Điều 17, Luật số 51/2024/QH15 ngày 27/11/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi, bổ sung Điều 22 về Mức hưởng bảo hiểm y tế của người tham gia bảo hiểm y tế), người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi mức hưởng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa, bất kể đã đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở cơ sở y tế cấp nào.

3. (1) Về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế: Để giảm tải bệnh viện, ngành Y tế cần nâng cấp cơ sở hạ tầng và bổ sung thiết bị y tế cho các Trạm Y tế xã, phường nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ khám, sơ cấp cứu ban đầu cho nhân dân; phát triển mạng lưới vệ tinh, đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến dưới; (2) đẩy mạnh hoạt động y tế dự phòng; (3) xây dựng Đề án phòng khám bác sĩ gia đình, lồng ghép với các cơ sở y tế sẵn có để tăng cường năng lực quản lý, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất và trang thiết bị của các cơ sở y tế trong tỉnh Cà Mau hầu hết xuống cấp. (4) Thời gian qua, tỉnh Cà Mau có các Dự án y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đầu tư, hỗ trợ nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của địa phương. Do đó, kiến nghị Bộ Y tế quan tâm xem xét, hỗ trợ các chương trình dự án mới để đầu tư, nâng cấp y tế cơ sở cho các tỉnh, trong đó có tỉnh Cà Mau. (5) Đồng thời, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong tỉnh, giảm tải cho tuyến trên, tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Y tế xem xét, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường thành Bệnh viện Đa khoa khu vực.

Theo phân cấp quản lý của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện, ngân sách địa phương đóng vai trò chủ đạo trong việc chi đầu tư cho các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý của địa phương; ngân sách Trung ương chỉ mang tính chất hỗ trợ, bổ sung. Việc đầu tư xây dựng và phát triển các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh địa phương cần được lập kế hoạch rõ ràng, đánh giá tính khả thi và phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của địa phương. Theo đó, ngân sách địa phương phải được đảm bảo bố trí trong kế hoạch tài chính 05 năm và dự toán hằng năm, trên cơ sở đề xuất của Sở Y tế.

Trong thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng y tế cơ sở và thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, ngày 04/11/2024, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2024/TT-BYT quy định danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện; tạo cơ sở đế địa phương căn cứ mô hình bệnh tật, khả năng cung ứng dịch vụ, nguồn lực và tình hình thực tế trong từng thời kỳ tiến hành xây dựng lộ trình thực hiện. Đồng thời, các địa phương có thể quyết định chi tiết danh mục dịch vụ y tế cơ bản được triển khai tại địa phương góp phần đẩy mạnh hoạt động y tế dự phòng tại tuyến y tế cơ sở. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang xây dựng hướng dẫn về y học gia đình phù hợp với quy định tại Điều 81, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và điều kiện thực tế tại các địa phương, nhằm nâng cao năng lực quản lý và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân.

Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư cho y tế còn nhiều nên rất cần sự quan tâm và hỗ trợ tích cực của các cấp ủy đảng, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các địa phương. Việc tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế địa phương nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao ngay tại địa phương, dần từng bước xóa bỏ tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên. Bộ Y tế cũng đề nghị các vị Đại biểu Quốc hội, các cử tri tiếp tục quan tâm, có ý kiến đề xuất để Quốc hội tăng cường đầu tư cho lĩnh vực y tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

4. Về biên chế Trạm Y tế xã: Định mức viên chức tại Trạm Y tế xã thực hiện theo Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 của Bộ Y tế hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập, quy định số lượng người làm việc tại Trạm Y tế từ 5-7 người tùy theo quy mô dân số và vùng địa lý, với số lượng này nếu mỗi ca trực đêm phân công 1-2 viên chức tham gia trực thì ngày hôm sau 1-2 người này sẽ được ra trực, số lượng viên chức còn lại làm việc chỉ còn 4-6 người là không đủ để thực hiện nhiệm vụ. Kiến nghị Bộ Y tế quan tâm xem xét, sửa đổi Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 theo hướng tăng định mức viên chức Trạm Y tế xã, thị trấn lên 7-8 biên chế; đề xuất mỗi Trạm Y tế xã phải có 02 biên chế phụ trách chương trình sản để thay phiên, 01 người thường trực 24 giờ, ra trực phải có người khác thay thế.

Căn cứ vào các nguyên tắc xác định vị trí việc làm quy định tại Điều 3 và khoản 1, Điều 4 của Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trọng đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 về việc hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập; theo đó, số lượng người làm việc tối thiểu trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác định theo giường bệnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh theo công suất sử dụng giường bệnh trung bình của 03 năm gần nhất; trong cơ sở thuộc lĩnh vực y tế dự phòng và cơ sở giám định được xác định theo quy mô dân số, điều chỉnh theo tính chất, đặc điểm chuyên môn, khối lượng công việc của mỗi cơ sở và đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội của mỗi địa phương; định mức số lượng người làm việc quy định tại Thông tư 03/2023/TT-BYT là số lượng người làm việc tối thiểu của đơn vị sự nghiệp y tế công lập cần bố trí nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế và quyền lợi của viên chức, người lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật.

Trạm Y tế xã không thực hiện điều trị nội trú, do đó viên chức y tế trực đêm không áp dụng chế độ nghỉ bù như tại các cơ sở điều trị nội trú. Vì vậy, việc tăng biên chế để thay thế người trực nghỉ bù chưa phù hợp với các quy định hiện hành.

5. Việc thanh toán chi phí phẫu thuật sử dụng phương pháp vô cảm gây tê: Theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế, quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp; tuy nhiên, chưa quy định giá dịch vụ phương pháp vô cảm gây tê. Vì vậy, khi thanh toán chi phí dịch vụ phương pháp vô cảm gây tê, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh thanh toán thực tế: Tiền thuốc gây tê, vật tư y tế trong gây tê được sử dụng trên từng bệnh nhân nên giá thanh toán không thống nhất toàn quốc chưa đảm bảo thanh toán đúng, đủ cho các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Do đó, kiến nghị quy định thời gian thanh quyết toán quý (theo Mẫu G82); ban hành giá dịch vụ sử dụng phương pháp vô cảm gây tê trong phẫu thuật thống nhất toàn quốc, đảm bảo thanh toán đúng, đủ theo quy định.

5.1 Về kiến nghị quy định thời gian thanh quyết toán quý (theo Mẫu C82).

Theo quy định tại Điều 26, Luật số 51/2024/QH15 ngày 27/11/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi, bổ sung điểm b, Khoản 2, Điều 32 về Tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế), trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thông báo kết quả giám định và số quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bao gồm chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực tế trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đối với quý 4 trong năm, thời hạn thông báo kết quả giám định và số quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế không quá 60 ngày, kể từ ngày cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận được báo cáo quyết toán quý 4 của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Việc quy định cụ thể thời hạn thống nhất quyết toán hàng quý, nhất là quý 4 của năm sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

5.2 Về việc ban hành giá dịch vụ sử dụng phương pháp vô cảm gây tê trong phẫu thuật thống nhất toàn quốc, đảm bảo thanh toán đúng, đủ theo quy định.

Ngày 17/11/2023, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 22/2023/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp. Tại khoản 5, Điều 2 của Thông tư quy định: “Giá dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng phương pháp vô cảm gây tê chưa bao gồm chi phí thuốc và oxy sử dụng cho dịch vụ theo quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư” và tại khoản 2, Điều 12 của Thông tư quy định: “Cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thực hiện thanh toán hồi tố đối với các trường hợp hai bên đã thực hiện rà soát và thống nhất số liệu thanh quyết toán của dịch vụ tại Phụ lục V trước thời điểm Thông tư số 22 có hiệu lực".

Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau để biết, thông tin tới cử tri.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - UBTVQH;
- VPCP: QHDP, TH;
- VPQH;
- Các đ/c Thứ trưởng BYT;
- BYT: KHTC, HTTB, BH, DP, TCCB;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế (để đăng tải);
- Lưu: VT, VPB1.

BỘ TRƯỞNG




Đào Hồng Lan

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 104/BYT-VPB1 năm 2025 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 104/BYT-VPB1
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 07/01/2025
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Đào Hồng Lan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/01/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản