Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10302/BYT-KH-TC
V/v tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực Y tế.

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2015

 

nh gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thời gian qua, công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và trong lĩnh vực y tế nói riêng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia quan tâm chỉ đạo quyết liệt, các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, số vụ phát hiện, xử lý vi phạm về lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng, dược liệu tăng cao.

Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đối với các mặt hàng là thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm,... ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng, trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, Kế hoạch số 218/KH-BCĐ389 ngày 01/12/2015 của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo một số nội dung sau:

1. Ban chỉ đạo 389 tỉnh và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Chi cục Hải quan, Sở Công thương, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tập trung, tăng cường công tác đấu tranh phòng chống, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức trong lĩnh vực y tế nói chung; đặc biệt ưu tiên các nguồn lực để tập trung kiểm tra, giám sát, đấu tranh phát hiện đối với các nhóm mặt hàng như thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc, mỹ phẩm, dược liệu có nhu cầu trao đổi lớn trên thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 và tiềm ẩn nguy cơ cao đối với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với các mặt hàng này, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Trong trường hợp phát hiện buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm và công khai theo đúng quy định của pháp luật.

2. Sở Y tế căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để tập trung và tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát liên ngành, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ưu tiên tập trung hương liệu thực phẩm, thực phẩm chức năng...), thuốc, mỹ phẩm, dược liệu theo chức năng nhiệm vụ được giao; đồng thời chủ động phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Hải quan, Sở Công thương và các lực lượng chức năng liên quan khác triển khai công tác đấu tranh, phòng chống, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trong lĩnh vực y tế (nếu có).

3. Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Hải quan, Cơ quan công an, ... cung cấp thông tin kịp thời và công khai các thông tin về phát hiện và xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng đối với các trường hợp vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nói chung và trong lĩnh vực y tế nói riêng.

4. Các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để khuyến khích các cá nhân, tổ chức chủ động, tích cực tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nói chung và đặc biệt nhóm mặt hàng y tế nói riêng.

5. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu để không tiếp tay cho kẻ xấu, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về các mặt hàng là mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, thuốc.

Bộ Y tế trân trọng cảm ơn sự phối hợp và sớm mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh để Ngành y tế triển khai tốt hơn công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng BCĐ 389 QG (để báo cáo);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Bộ Tài chính;
- Ban Chỉ đạo 389 QG (để báo cáo);
- Văn phòng BCĐ 389 QG (để báo cáo);
- Tổng cục Hải quan (để phối hợp chỉ đạo);
- Sở Y tế (để phối hợp thực hiện);
- Các Vụ/Cục: VPB, T.Tra Bộ, TTB&CTYT, QLD, ATTP, YDHCT, YTDP, QLMTYT (để thực hiện);
- Lưu: VT, KH-TC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
KIÊM TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO 389 BỘ Y TẾ




Phạm Lê Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 10302/BYT-KH-TC năm 2015 về tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực Y tế do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 10302/BYT-KH-TC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 30/12/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Phạm Lê Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản